VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương năm

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương năm

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

             Chương năm

    Việc nước đang rối như mớ bòng bong. Dù hòa ước Giáp Tuất (1874) đã ký, trong đó khoản 2 quy định từ đây nước Nam hoàn toàn nhận quyền bảo hộ của nước Pháp, không còn thần phục bất cứ nước nào nữa. Thế nhưng, vua Tự Đức vẫn sai người đi cầu cứu Thanh triều, ông không biết trong lúc này chính “con cọp” Trung Quốc từ bao đời đế vương nước Nam phải thần phục thì nay cũng đã bị bọn thực dân phương Tây bẻ hết nanh vuốt! Ngoài ra, vua tôi nhà Nguyễn còn tìm cách vận động với các nước Anh, Tây Ban Nha, Ý… để mong được sự trợ giúp, nhưng rồi mọi chuyện cũng không đi đến đâu. Một vấn đề lần đầu tiên đặt ra trước mắt vua Tự Đức là điều 20 trong hòa ước có ghi “Vua nước Nam được quyền đặt sứ thần tại Paris và Sài Gòn”. Nếu ông sáng suốt biết chọn người gửi sang Pháp, đặng làm công tác ngoại giao thì ít nhiều cũng giúp cho triều đình trong công tác đối ngoại. Nhưng khi đem việc này ra bàn, Thượng thư bộ Hình Nguyễn Văn Tường tâu:

        - Các nước Tây phiên đi lại hòa hợp vì chung tiếng nói, chữ viết, lại có điện báo để thông tin tức, còn ta nếu giao dịch với nước ấy, chỉ dựa trên giấy tờ, một khi phiên dịch sai đi, lại thêm sinh sự, vì thế đặt Khâm sứ ở kinh đô nước Pháp không ích gì!

         Ý kiến sai lệch này lại được nhà vua chấp thuận! Ông chỉ đồng ý cử Nguyễn Thành ý vào Gia Định làm nhiệm vụ Lãnh sự. Để cho ông Ý tăng thêm uy thế, trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ, vua Tự Đức phong cho nước Hồng Lô Tự Khanh. Như vậy, Nguyễn Thành Ý là Lãnh sự đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Trong thời gian này, ông ý học thêm tiếng Pháp và nổi tiếng biện bác thông minh trong đàm phán, ngoại giao để giành lại quyền lợi cho đất nước. Nhưng rồi chỉ dăm năm sau, với tư cách là kẻ đang thắng thế trên chiến trường, Pháp ngang nhiên bãi bỏ Tòa Lãnh sự Việt Nam tại Sài Gòn, ra lệnh trục xuất Nguyễn Thành Ý phải rời khỏi nhượng địa Pháp trong vòng 24 tiếng đồng hồ!

         Trong những ngày này, vua Tự Đức đau ốm luôn. Mọi thời trân, cao lương mĩ vị cũng không giúp cho ngon miệng, khiến ông gắt gỏng, buồn phiền. Duy chỉ có thơ, những lúc đắm đuối với nàng thơ ông mới thấy tâm hồn mình sảng khoái nhẹ nhàng.

        Sáng nay sau khi ngự triều, trở về thư phòng thả tâm hồn bay bổng với nàng thơ thì ông nhận được sớ của Hiệp đốc quân vụ đại thần Tôn Thất Thuyết, xin được nghỉ dưỡng bệnh. Việc nước đang rối như canh hẹ, biên giới phía Bắc nào đã yên đâu mà các quan đại thần cứ xin nghỉ vì nguyên cớ này, lý do kia quả khó xử. Đã thế, không ít người thật sự có tài năng, dù thi đậu, nhưng do bất mãn thế sự họ đã bỏ về quê ẩn dật. Ai cũng thế, việc nước ra sao? Nhà vua xuống chỉ dụ khuyên nên cố gắng ở lại đảm đương việc quân, nhưng ông Thuyết vẫn một mực cáo bệnh, liền bị giáng xuống chức Tham tri, lấy lại nước nam. Sau đó dù được nghỉ dưỡng bệnh tại Bắc Ninh, nhưng do quan quân dưới quyền thua trận, ông Thuyết vẫn bị giáng xuống hai cấp lưu.

         Những ngày này, bệnh ông Thuyết đã nặng lại càng nặng hơn. Đã từng tâm niệm làm trai phải để danh lại với núi sông, sống cho xứng mặt nam nhi nên ông không thể nằm yên. Dù bệnh, ông cũng cố gắng trở lại Thái Nguyên, vừa trị bệnh vừa lo đánh dẹp giặc giã vùng trung du. Trong trận giao chiến với bọn giặc khách, quân của ông Thuyết bị bao vây. Tưởng phen này sẽ nằm dưới ba thước đất, nhưng trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy thì ông được Nguyễn Cao - Bố chánh Thái Nguyên kéo quân đến giải vây.

          Nhưng rồi, bệnh ngày một xấu hơn, ông lại trở về Bắc Ninh, quê của ông Cao để dưỡng bệnh. Chọn Bắc Ninh vì ông nghe kể lại tính cách của một người đàn bà rất phi thường mà ông đem lòng kính phục. Chuyện là, sau khi ông Nguyễn Hành, cha của Nguyễn Cao mất, tên lý trưởng sai người tới ngỏ ý muốn cưới bà làm vợ lẽ. Bà từ chối khiến y rất hậm hực. Rồi ngày nọ tình cờ gặp bà nơi chốn vắng vẻ, không kìm chế được dục vọng đê hèn, y chặn nàng lại giở trò sàm sỡ… Bàn tay y đã chạm vào ngực bà. Biết không thể chống cự được tên dâm đãng lại có chức sắc trong làng, bà ôn tồn nói:

        - Tôi là người góa bụa, mai kia cũng tái giá. Xin ông bình tâm đợi lúc đoạn tang chồng, tôi định bề gia thất cùng ông, từ đây đến lúc ấy cũng chẳng có gì phải vội. Phải đâu loại mèo mả gà đồng mà làm trò trên bộc dưới dâu. Làng trên xóm dưới biết chuyện thì họ cười chết!

        Gái một con trông mòn con mắt, lại thêm giọng nói ngọt ngào, dịu dàng, đằm thắm thế kia khiến lý trưởng nguôi lòng… Y gật gù để bà đi về.

        Từ đó, trong lòng bà mang mối hận.

        Bà âm thầm nuôi dạy Nguyễn Cao nên người. Lúc con được mười hai tuổi gửi xuống xã Liễu Ngạn, phủ Thuận Thành (Bắc Ninh) để nhờ thầy Nguyễn Gia Giao - vốn là bạn tâm giao với chồng bà – rèn cặp.

           Ngày kia, nhân ngày giỗ chồng, bà làm bữa cỗ linh đình mời đông đủ họ hàng và quan viên trong làng đến dự. Riêng tên lý trưởng nhận được lời mời thì thấp thỏm mừng thầm trong bụng. Hơn mười năm qua y vẫn không ngừng đeo đuổi bà, khi dụ dỗ, lúc cưỡng bức nhưng vẫn không đạt ý nguyện. Vậy bây giờ bà đã đồng ý rồi chăng?

           Hương khói nghi ngút. Tiếng cười nói rộn rã. Lúc mọi người ăn uống no say xong, bà thắp một tuần nhang vái trước bàn thờ chồng và nói với tất cả mọi người.

         - Khi chồng mới mất, tôi đã bị lý trưởng giở trò sàm sỡ. Nghĩ đã thất tiết với chồng nên tôi muốn về nơi chín suối, nhưng ngặt một nỗi con còn nhỏ. Bây giờ, con đã lớn, việc nhà thu xếp đã xong, tôi tự quyết định chuyện của tôi với ông lý trưởng.

          Vừa dứt lời, bà vạch áo dùng dao cắt phăng bên nhũ bộ bị lý trưởng làm nhục và ném thẳng vào mặt y. Rồi tiện tay, bà đâm dao vào cổ mình tự vẫn!

         Ai nấy đều khiếp đảm.

          Biết có bà mẹ khí phách như thế nên ông Thuyết rất mến phục Nguyễn Cao.

       Ngay ngày đầu tiên về đây dưỡng bệnh, ai nấy đều hoảng sợ trước tính nết nóng nẩy của ông Thuyết. Đêm đã khuya khoắt. Bốn bề yên tĩnh. Ông Thuyết đang ngồi tư lự bên án thư, bỗng có tiếng khóc của trẻ con, tiếng vợ mắng chồng sa sả vọng đến. Ông giật mình:

       - Đạo vợ chồng như thế, lỗi tại ai? Gông cổ chúng lên cho ta.

        Mọi người răm rắp tuân lệnh. Đuốc sáng rực làng. Tiếng gọi nhau í ới như có giặc vào làng!

         Lát sau, vợ chồng trẻ sụp đầu dưới chân ông, khóc:

        - Bẩm, từ rày về sau con không dám để quan lớn phải rác tai nữa!

          Ông bảo:

       - Vợ  mắng chồng, lỗi của vợ một, nhưng của chồng là mười. Đàn ông không biết dạy vợ thì còn làm được gì trên đời?

             Nói xong, ông ra lệnh cho lính nọc người đàn ông tội nghiệp ra trước sân và phạt hai mươi gậy.

             Biết tính của ông nên không ai dám can, họ lẳng lặng làm theo mệnh lệnh của ông. Bóng trăng nhợt nhạt trên nền trời sẫm. Rạng sáng hôm sau, lúc nắng lên quá ngọn tre, có tiếng chim hót vang. Ông Thuyết nai nịt gọn gàng, đang định bước chân ra khỏi tư dinh thì nghe tiếng chó sủa vang! Ông bực mình lắm, quát:

      -  Xích mồm nó lại!

         Rồi gằn giọng:

         -Từ rày về sau, ta không muốn nghe những thứ âm thanh hỗn tạp như thế nữa!

         Mọi người răm rắp thực hiện ngay! Do đó, dân trong làng nhiều người rất ghét ông. Họ bịa ra nhiều chuyện để chê bai tính nết cộc cằn, độc ác của ông. Bỏ mặc ngoài tai những lời ong tiếng ve, ông Thuyết hàng ngày vẫn đơn độc lui tới những nơi nào ông thích.

       Nghe tin ông Thuyết tự ý bỏ mặt trận Thái Nguyên về Bắc Ninh, vua Tự Đức sửng cồ, bực bội, đánh giá đó là hành động của kẻ kiêu căng, là đùn đẩy nhiệm vụ cho người khác nên giáng bốn cấp lưu! Mức kỷ luật như thế này đã khiến ông Thuyết buồn bực, đem tâm sự này kể cho Nguyễn Cao, người bạn vong niên chia sẻ:

Ngán thay tạo vật, cho ta sống làm gì?

Đã không đi được ngàn dặm như ngựa ký

Lại không bay được lưng trời như chim le

Đã không bằng chim cắt một vút tầng mây xanh thẳm

Lại không bằng con báo từng giấu mình trong sắc rằn ri

Ngán thay tạo vật cho ta sống làm gì?

       Ngẫm ra thấy lời Nguyễn Cao nói có lý nên ông Thuyết những muốn trả hết mọi chức tước để về ẩn dật, về vui với câu kinh tiếng kệ! Sống mà không thỏa chí bình sinh của mình thì đi tu, thoát ngoài vòng cương tỏa cũng là điều hay.

      Do đó, đầu năm 1877, một lần nữa, ông dâng sớ: “Nay bệnh tật trầm trọng, không thể một mình đảm đương được việc biên cương. Xin chuẩn cho Hoàng Kế Viêm cai quản cả biên giới Bắc Kỳ. Hạ thần nghĩ mình là kẻ bất tài, không đủ sức gánh vác trọng trách mà đế vương tin cậy đặt trên vai, xin được về quê nhà đi tu”. Nhà vua phê: “Trốn vào chùa để không làm việc nước, chẳng phải là việc đáng khen. Nếu ngươi sức kém thì tại sao ngươi hăng hái đi Thái Nguyên, rồi lại bỏ về Bắc Ninh? Việc nước đang bề bộn thì ngươi đùn cho Viêm, Viêm đùn cho ngươi, thế là nghĩa lý gì?”. Nhà vua bác bỏ nguyện vọng của ông, nhưng cho phục hồi chức vụ cũ, ban lại tước Nam và buộc ông phải tiếp tục việc quân ở Bắc Kỳ.

           Nhận được tin ngày, ông Thuyết tặc lưỡi:

           -Lên voi xuống chó cũng là lẽ thường tình vậy!

           Tình hình biên giới ngày càng rối ren hơn.

       Cả ông Thuyết lẫn ông Viêm bị đưa ra đình thần nghị tội. Cả hai người đều bị vua Tự Đức giáng cấp. Rồi mãi đến năm 1878 biết ông Thuyết thật sự bị bệnh, nhà vua mới cho phép về dưỡng bệnh tại Thanh Hóa. Trong thời gian này, bà cả không đi theo ông mà phải ở tại Huế để trông nom cho cha chồng đang già yếu. Sợ bà hai  không thể đảm đương công việc “nâng khăn sửa túi” giúp chồng, do đó một lần nữa bà cả lại xin cha mẹ chồng cưới vợ ba cho ông. Bà ba quê ở làng Kim Luông (Huế), vóc người nhỏ nhắn rất xinh đẹp. Chính ông cũng bất ngờ trước ý định này. Khi bà ba đến Thanh Hóa thì trong phút lần đầu gặp mặt, ông chỉ gật đầu, không rõ có đồng ý hay không, rồi tiếp tục công việc của mình.

         Không gian yên tĩnh, nằm hoài một chốn khiến ông cảm thấy như chồn chân. Chỉ nghỉ ngơi dăm hôm là người ta đã thấy ông đi khắp nơi. Ông đi đâu? Đi liên lạc với các sĩ phu văn thân trong tỉnh. Người hiểu nhất tâm sự của ông trong lúc này là tiến sĩ Tống Duy Tân, đồng trang lứa với ông. Ông Tân do bất mãn thái độ nhu nhược của triều đình nên bỏ chức tri phủ Vĩnh Tường, lui về quê ở ẩn. nước vào trong nhà ông Tân, thấy có treo câu đối:

           Không gì bền bằng: lấy núi làm vách, lấy suối làm ao, mây nước nhởn nhơ ngoài cõi thế;

       Chỉ riêng vui có: cửa sổ gió mát, ngoài sân trăng soi, cúc tùng thong thả chốn cố châu. (*) Lãng nhân dịch.****

         Ông Thuyết biết đây là người có chí khí, khẩn khoản khuyên ông Tân ra nhận chức Đốchọc Thanh Hóa. Rồi khi bàn luận việc nước, cả hai ông đều lấy làm tâm đầu ý hợp. Ông Thuyết cho rằng, giặc Pháp không chỉ dừng lại ở hòa ước đã ký mà chúng còn sẽ tiếp tục lấn tới nữa. Vậy, chiến lược cứu nước trong thời gian sắp tới là phải tính kế hoạch xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài trên từng địa bàn. Suy nghĩ này có được  là do trong những ngày cầm quân tác chiến trên mặt trận biên giới phía Bắc, ông nhận ra phong trào khởi nghĩa của nhân dân rất mạnh mẽ. Thay vì chĩa mũi giáo vào triều đình nhà Nguyễn, họ tập trung đánh đuổi bọn Pháp tặc, thì chắc chắn sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Vì thế, ít lâu sau ông Thuyết lại tác động triều đình đưa ông Tân đi nhận chức Chánh sứ Sơn phòng Thanh Hóa để trù liệu những việc lớn sau này…

        Những tưởng sẽ còn được nghỉ ngơi dưỡng bệnh, nhưng đến tháng 8.1881 do tình hình trong nước đang gặp nhiều khó khăn về nội trị và ngoại giao, vua Tự Đức cho gọi ông về triều. Lúc gặp mặt, vua Tự Đức làm mặt giận, không cho vào chầu, ông phải dâng biểu tạ lỗi. Dăm ngày sau, nhà vua xuống dụ, trong đó có đoạn viết: “Nguyên Thự Tổng đốc sung Hiệp đốc Tôn Thất Thuyết bị bệnh đã lâu, trước ta đã chuẩn cho giải chức để về điều trị, nhiều lần được ta cấp thuốc thang và thăm hỏi. Nay ta biết Thuyết đã khỏe, lại đang gắng sức để báo đáp ơn sâu. Vậy nay ta bổ Thuyết giữ Thượng thư bộ Binh để cho xứng chức”.

           Trở về Huế, ông Thuyết như khỏe ra. Gió sông Hương dìu dịu mỗi chiều đã gợi lại trong tâm tưởng những kỷ niệm tươi đẹp ngày niên thiếu. Bao giờ quê nhà cũng thân mật với từng con người đã chôn nhau cắt rốn nơi ấy. Tuy nhiên, trong công việc hàng ngày, ông Thuyết cảm thấy mình không còn tự do, thoải mái như trước. Lúc cầm quân ngoài sa trường, một mình một cõi, tiền hô hậu ủng, còn nay thì không thể. Bên cạnh ông có quá nhiều quan đại thần khác mà chưa hẳn ông đã hiểu họ và họ đã chia sẻ với những ý định của ông. Thôi thì, trong phúc có họa, biết đâu?

         Trong thời gian này, ông Thuyết có tin vui là bà vợ ba sinh được một con gái, phải ở nhà trông con mọn. Thế là một lần nữa, bà cả lại thuyết phục chồng chấp nhận để bà cưới thêm bà thứ tư cho ông! Không thể khước từ tấm lòng chu đáo của bà vợcả, nên ông đồng ý.

          ****

           Tiếng pháo nổ vang trời, trong khói mù mịt có tỏa ra hương thơm đến nôn nao. Xác pháo ngập đường đi. Người ta đi xem đám cưới đông như trẩy hội. Ngồi trên kiệu vàng về nhà chồng, cô dâu tủi thân khóc thút thít. Trong ngày đại sự như thế này mà chú rể lại vắng mặt. Nghe đâu chàng đang bận việc triều đình, thôi thì chỉ biết thế, bên nhà gái cũng không ai nỡ trách.

        Hình bóng người vợ trẻ vừa thoáng hiện qua thì ông Thuyết đã gạt phắt khỏi trí nhớ, để tập trung suy nghĩ. Trong buổi nghị triều chiều nay, trời nóng bức, không khí vắng lặng như tờ, các quan đại thần cũng uể oải nhưng tất cả đều giữ nét mặt nghiêm trang. Vua Tự Đức mệt nhọc:

       - Bầy tôi Hoàng Diệu từ Hà Nội vừa dâng biểu cho ta, đề nghị không chỉ phòng thủ thành Hà Nội mà còn phải bố trí cả vòng ngoài nữa. Tức là phòng bị thượng du để bảo vệ trung châu, vì bọn giặc chỉ sở trường dưới nước chứ đánh nhau trên núi chỉ là sở đoản. Ngoài ra, phải phối họp với cả Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm đem quân từ Sơn Tây về Hà Nội để đối với tình thế! Các khanh nghĩ như thế nào?

              Chưa ai vội có ý kiến. Họ phân vân không rõ Pháp đã trả lại tỉnh thành Hà Nội cho triều đình Huế, nhưng đó là thực tâm hay chỉ là một đòn phù phép nào đó? Mọi người đều biết, ngày 25.3.1882, từ Sài Gòn, trung tá tổng chỉ huy Henri Riviere tập hợp hai đại đội thủy quân lục chiến của thiếu tá Chanu, 30 thủy quân của đại úy Thesmar, 20 pháo thủ… và một y sĩ là Maget đã đi trên hai chiến tàu Drac và Primauguet hăm hở ra Bắc Kỳ. Nhưng ra với mục đích gì? Họ không biết trước ngày lên đường, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers hào phóng rót cho Henri Riviere ly rượu sâm banh hảo hạng và chỉ thị:

          - Theo quan điểm của chính phủ Pháp, thì đây không phải là một cuộc chiến chinh phục, mà là một cuộc khuếch trương, củng cố thế lực của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ một cách hòa bình và khéo léo…

          Tuy nói thế, nhưng y cũng không quên kề tai viên trung tá này, nói khẽ:

          - Chỉ nên sử dụng võ lực khi thấy thật cần thiết…

         Đến Hà Nội, lực lượng hùng hậu này đã phối hợp hai đại đội thủy quân lục chiến đóng tại Đồn Thủy đang bảo vệ tòa Lãnh sự Pháp – do Thiếu tá Berthe De Villers chỉ huy - để ngang nhiên tỏ thái độ uy hiếp thành Hà Nội khiến vua tôi hết sức lo lắng.

           Nhưng tại sao chúng lại ra Hà Nội lần thứ hai? Vua Tự Đức cay cú:

       - Tình hình không tồi tệ đến nước này, nếu quân Cờ đen đừng phá bĩnh như vừa rồi!

          Nhà vua phán như thế vì sáng ngày 8.10.1881, hai tên lái buôn Courtin và Villeroi được giấy thông hành đi Vân Nam, nhưng khi chúng đến gần Lào Cai thì bị quân Cờ đen tấn công nên không thể tiếp tục đi được nữa. Lấy cớ này, Le Myre de Vilers viết thư gửi cho triều đình Huế phàn nàn “Đất Bắc Kỳ loạn lạc, luật nhà vua không được ai tôn trọng. Người Pháp có giấy thông hành của quan nước Nam cấp, nhưng đi đến đâu cũng bị quân Cờ đen cản trở; còn ở Huế thì quân Việt Nam lại thất lễ với quan Khâm sứ Rheinart”, rồi giở giọng hăm dọa: “Vì thế nước Pháp phải tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi của mình”. Điều mỉa mai dưới lá thư này, y còn thòng thêm một câu mềm mỏng rằng sự việc diễn ra là ngoài ý muốn chứ “Nước Pháp không hề muốn chiến tranh…”!

         Trước tình hình này, ngay từ lúc mới nhận chức Tổng đốc Hà Ninh, ông Hoàng Diệu đã quyết định cho đắp tường thành Hà Nội lên hơn 1,50 mét, có đoạn cao hơn; bồi bề dày từ 0,6 mét đến 0,8 mét và cho khoét thêm nhiều lỗ châu mai để sẵn sàng đánh trả lại sự tấn công của giặc! Mặt khác, ông cũng tìm cách ổn định đời sống của dân chúng. Ngay ở Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, ông cho dựng tấm bia Thân cấm khu tệ (Lệnh cấm trừ tệ) nhằm ngăn chặn các tệ nhũng nhiễu đối với nhân dân trong các dịp ma chay, cưới xin cũng như nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông và ở các chợ, kèm theo các quy định cụ thể cần thi hành đến nơi đến chốn như cấm các sĩ quan Pháp vào thành Hà Nội - trừ trường hợp chính thức, v.v…

     Nhiều người không đồng ý với nhận định của vua Tự Đức khi đổ tội cho quân Cờ đen, nhưng e dè không dám phát biểu. Thấy các đại quan vẫn ngồi trơ như phỗng, nhà vua lại phán tiếp:

       - Việc làm của bề tôi Hoàng Diệu là rối rít! Phòng giữ không phải lúc! Nước chưa đến chân đã lo nhảy! Nếu ta triệt hết binh về trung châu thì lại sợ bọn phỉ đổ ra tụ tập, quấy phá thượng du. Thế là bọn Tây dương biết trước ta đang phòng bị thì sao?

         Ông Thuyết đang ngồi lắng nghe, bỗng ông ngớ người ra tự hỏi, chúng biết ta phòng bị thì có gì mà quốc vương phải lo sợ? Sự chủ động phòng bị như tđề xuất của Hoàng Diệu là tích cực vì nó sẽ khiến cho giặc chùn bước. Ta phải ủng hộ chứ! Ông thấy tim mình đập thình thịch, muốn đứng lên tranh luận lại ý kiến của nhà vua, nhưng nhìn thấy mặt các đại quan khác vẫn bình thản như không khiến ông chột dạ. Mới chân ướt chân ráo về triều mà đã… Hơn nữa, ông sực nhớ đến lời mắng của nhà vua lúc ông mới dưỡng bệnh từ Thanh Hóa về chầu:

        - Tánh tình nhà ngươi kiêu căng, nên cố gắng tu dưỡng thì mới thành người giỏi được!

         Thôi thì, ta hãy yên lặng xem sao. Giữa lúc đó, một làn gió thổi đến mát dịu. Vua Tự Đức dịu giọng:

       - Phàm mọi việc nên thu xếp khéo, chớ để động hình lộ tích. Nếu như ta im lặng để chờ họ rút đi càng tốt, còn nếu họ cứ hoạnh họe, ngang ngược thì tùy theo tình hình mà làm tròn trách nhiệm giữ đất.

          Nói xong, bất giác nhà vua ứa nước mắt:

          - Than ôi! Tiến thoái đều khó, không dự phòng thì trúng kế giặc, dự phòng mà không đúng cách cũng chẳng ích gì…

     Chính thái độ do dự này mà trung tá Tổng chỉ huy Henri Riviere càng thêm quyết tâm phải hạ thành Hà Nội.

       Sự việc diễn ra vào ngày 25.4.1882.

    Khói súng vẫn còn nồng nặc trong gió. Nắng chiều tím bầm như những vệt máu loang lổ trên bờ tường thành. Những thây người nằm ngổn ngang. Kho thuốc súng bị nội gián phóng hỏa, lửa còn cháy vẫn ngùn ngụt… Giữa lúc ấy, tưởng chừng như trút cả tâm lực mà trăng trối với hậu thế, Tổng đốc Hoàng Diệu đặt Di biểu trước ngai trống ở Hành cung, rồi ông thắt cổ chết trên một cành cây tại Võ Miếu. Người Hà Nội vô cùng đau đớn. Ngay hôm sau, nhiều người tụ họp lại, sắm sửa tử tế, rước thi hài của Hoàng Diệu từ trong thành ra, tổ chức khâm liệm và mai táng tại khu vườn Dinh Đốc Học (*)***  Nay là địa điểm khách sạn Royal Star ở đường Trần Quý Cáp cạnh chợ Ngô Sĩ Liên sau ga Hà Nội.***** và khóc bằng những lời thơ thống thiết. Mỉa mai thay, ngay sau khi Hoàng Diệu mất, Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng – lúc giặc tấn công thành giả vờ ốm, trốn chui nhủi trong Hành cung – thì nay quyết nhịn ăn để chết cho trọn lòng với nước! Nhưng chỉ nhịn được… ba ngày thì án sát sứ Tôn Thất Bá vác xác đến bàn với y cùng đứng ra nhận lại thành do Pháp giao cho, y cắm mặt xuống đất mà nhận lời!

         Cái chết oanh liệt của Hoàng Diệu đã khiến mọi người thương tiếc khôn nguôi. Đối với Henri Riviere, y thú nhận:

        - Ông ấy là người bình tĩnh và cương quyết. Nay ông chết là có lợi cho ta lắm. Do sự can đảm và ảnh hưởng của ông, nếu ông còn sống còn gây nhiều rắc rối cho ta, nhất là nếu ông liên kết với Hoàng Kế Viêm ở thành Sơn Tây!

       Tin Pháp thắng trận đã khiến dư luận chính quyền Pháp ở Sài Gòn và chính quốc ất hả hê. Triều đình nhà Nguyễn và vua Tự Đức vẫn ngây thơ tin rằng, nếu ta khôn khéo thương lượng thì giặc sẽ trả lại thành Hà Nội như chín năm trước và tình hình sẽ ổn định.

       Nhưng mọi phán đoán trên đều sai lầm.

         Nghe tin Hoàng Diệu mất, Tôn Thất Thuyết rất đau lòng. Ông nghĩ nếu lúc nghị triều, ông và các quan đại thần khác mạnh dạn hơn, dám nói với nhà vua những suy nghĩ của mình thì sự việc cũng chưa đến nỗi nào. Cắn chặt răng, ông khóc câu đối vĩnh biệt người anh hùng:

   Một chết nên danh, đâu phải chí anh hùng từ trước

   Suốt đời trung nghị, không thẹn nhìn đại cục ngày nay. (*)**** Phạm Hồng Việt dịch****



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com