VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương mười hai

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương mười hai

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

Chương mười hai

         Gió. Đường rừng khấp khểnh. Vó ngựa gập ghềnh. Vượt qua ngàn Hà Tĩnh, Tôn Thất Thuyết tưởng chừng còn nghe lời nói của Phan Đình Phùng vọng bên tai: “Nay tôi chỉ một ngôi mộ lớn cần phải gìn giữ, đó là giang sơn Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to, đó là mấy mươi triệu đồng bào đang đắm chìm trong nô lệ. Nếu tôi về sửa sang phần mộ của riêng gia tộc tôi thì phần mộ lớn của cả nước ai giữ? Nếu tôi về để cứu anh ruột tôi thì mấy mươi triệu anh em trong nước ai cứu? Vậy ai có giết anh tôi, xin nhớ gửi cho tôi bát nước xáo!”. Ý chỉ của ông Phùng cũng là suy nghĩ của mình đấy thôi. Bà Từ Dụ khuyên ta đưa đức Hàm Nghi về Huế thì sẽ hưởng bổng lộc tót vời. Nhưng than ôi! Nước đã mất thì làm gì còn nhà nữa? Nhà ta là giang san này, ta còn về đâu? Ta đã tuyên bố: “Về Huế khác gì tự đưa chân vào ngục, mà người giữ chìa khóa là thằng Pháp. Thừa nhận hiệp ước 1884 là dâng nước Nam cho chúng. Đành rằng hòa bình là quý, nhưng không lo khôi phục là mang tiếng bỏ giang san của tiên triều dày công gầy dựng và còn có tội với hậu thế!”. Thế thì, đừng ai nói những lời càn quấy mà rác tai ta! Gió thổi ù ù vào vách núi. Trời sập tối. Oâng Thuyết cùng hai mươi thuộc hạ tiếp tục rong ruổi trên dặm đường xa…

          Dọc đường đi, ông Thuyết còn dừng chân tại nhiều căn cứ kháng chiến khác để động viên đầu tiên chiến đấu của văn thân, vì thế đến đầu tháng 3.1886, ông mới đến Thanh Hóa. Dòng sông Mã cuồn cuộn tung nước trắng trời. Dãy núi Hồng Lĩnh oai nghiêm đứng ngàn năm vững chãi. Ông Thuyết dừng chân tại căn cứ của các thủ lĩnh kháng chiến Tống Duy Tân, Cao Điền, Nguyễn Chí Sự…

          Ngọn lửa cháy sáng bập bùng. Bóng trăng sáng lờ mờ. Những người đau đáu một tấm lòng báo quốc đang ngồi yên lặng. Trên vòm trời một ngôi sao xẹt qua. Đêm tối. Ông Thuyết đang dán mắt vào lá thư của ông Tân vừa viết xong. Lá thư này trả lời cho công sứ Thanh Hóa đã chiêu dụ mọi người nên bãi binh. Đọc đến đoạn: “Chúng tôi đây, nước mất nhà tan, không còn hệ lụy gì, thực là thế cưỡi hổ, tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi cùng vài thủ hạ dựa vào rừng sâu mà giữ, các ông đến thì đi, các ông đi thì lại về…”, ông Thuyết vỗ đùi hét lớn:

            - Ông nói đúng suy nghĩ của tôi. Đánh giặc không phải một sớm một chiều mà xong. Lúc chúng thắng thế ta rút lui, nhưng lúc ta mạnh lên, đánh mạnh thì dứt khoát chúng phải cút!

          Ông Tân nhìn vào đống lửa giọng ngậm ngùi:

        - Tôi vẫn luôn tâm niệm như thế, nhưng binh lực này còn yếu phải chờ thời cơ!

         Ông Thuyết đáp:

         - Một bó đũa mà tách ra chia năm, xẻ bảy thì bẻ gãy dễ dàng. Các ông không thể chỉ dựa đơn độc vào ngọn Hồng Lĩnh mà phải liên kết với các lực lượng những vùng lân cận nữa. Tôi nghĩ, hiện nay, chiến khu Ba Đình của các ông Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lê Toại… đang xây dựng. Vậy sao các ông không phối hợp để chọc trời khuấy nước một phen!

        Ông Tân cho là phải.

         Từ sự gợi ý này, nửa tháng sau nghĩa quân của Tống Duy Tân kéo về Ba Đình cùng với Đinh Công Tráng tấn công thành Thanh Hóa và huyện Nga Sơn. Tham gia chỉ huy trận đánh này, còn có ông Tôn Thất Hàn – em trai của ông Thuyết. Các thủ lĩnh kháng chiến đã vạch kế hoạch cho nghĩa quân giả làm người đi gánh thuê, giấu dao trong đòn ống tre. Họ trà trộn vào dân để đột nhập thành, làm nội ứng cho đồng đội bất ngờ bên ngoài thọc vào. Thừa thắng họ tiến đánh luôn tòa Công sứ cướp ấn triện, khí giới, phá nhà ngục thả tù nhân rồi rút lui an toàn. Chiến thắng này ai nấy đều hả hê.

          Mặt trời sáng dần. Trước lúc lên đường, ông Tân rót một bát rượu đầy:

        - Mời chủ tướng rượu này. Hẹn ngày ông về men rượu vẫn còn nóng trong máu huyết!

         Hiểu ý, ông Thuyết ngửa cổ uống cạn:

         - Ông đừng nói khích tôi. Dẫu da phơi dặm cỏ thì ngàn năm sau máu vẫn còn đỏ tươi như son!

             Nói xong, ông Thuyết thúc ngựa chạy như bay.

        Đường lên châu Thường Xuân cao thăm thẳm, nhiều lúc tưởng ngựa quỵ chân bon. Gió thét rách mặt. Nắng xói đỉnh đầu. Ông tìm đường lên vùng phía tây Thanh Hóa để gặp thủ lĩnh người dân tộc Thái là Cầm Bá Thước - bang biện hai châu Thường Xuân, Lang Chánh đang hoạt động dưới quyền chỉ huy của Tống Duy Tân - rất dũng cảm. Khi phong trào Cần vương vừa được khởi xướng, ông Thước chiêu mộ anh hào, lập căn cứ núi Sầm nằm trên vùng biên giới Việt Lào. Đội quân của ông được trở thành một trong những quân thứ của Phan Đình Phùng. Do có tài ngoại giao nên ông Thước đã vận động được người Lào cùng tham gia kháng chiến, cụ thể là thủ lĩnh Tạo Cống ở vùng Sầm Tớ.

        Đó là điều ông Thuyết rất quan tâm.

         Nhìn vạt nắng chiều thoi thóp trên mái nhà tranh đang nằm giữa cánh rừng già thâm u, ông Thuyết cứ ngỡ đang nhìn một bức tranh tuyệt đẹp trên cõi biên thùy. Những nghĩa quân cúi rạp người để chào đón và đưa ông vào gặp thủ lĩnh của họ. Nâng bát nước chè tươi hâm hấp nóng, vị chát xông lên phưng phức trong mũi, ông Thuyết uống cạn. Bọt chè tươi bám trên hàm râu xồm xoàm. Mồ hôi túa ra đầm đìa. Sảng khoái. Cuộc hội ngộ của hai người anh hùng đã diễn ra thân mật. Theo ông Thuyết, trong khi thằng Pháp đang tập trung tiêu diệt ta, ta phải tìm cách phân tán lực lượng của chúng. Ông Thước trầm ngâm:

         - Nhưng bằng cách nào?

          Ông Thuyết đáp:

       - Căn cứ của ông hết sức thuận lợi. Đây là mảnh đất tốt đóng vai trò đoàn kết giữa đồng bào miền ngược và miền xuôi trong vùng Thanh - Nghệ. Nếu gặp lúc trời phụ ta, giặc Pháp hùng hùng hổ hổ tiến đánh, không cầm cự được thì các ông cũng có thể chạy sang Lào.

        - Ngay cả trong thời gian này, tôi còn xây dựng cả kho tàng chôn giấu lương thực, vũ khí ở vùng Sầm Tớ.

        Ông Thuyết khêu dây bấc trong đĩa dầu, ánh sáng lan rộng thêm:

       - Chỉ có phượng hoàng mới nhìn xa bốn cõi. Ông cũng phượng hoàng nên mới nhìn xa trông rộng được như thế. Đang hoạt động trên đất Lào, sao ông không bày mưu tính kế cho người Lào đánh phá vùng biên giới Xiêm La.

        Ông Thước ngạc nhiên:

       - Đánh Xiêm La?

       - Đúng! Vùng đất Nam kỳ có hàng ngàn cây số tiếp giáp với Xiêm La. Trước những rối ren này, dứt khoát bọn Pháp phải phân tán lực lượng đi bình định vùng biên giới phía Nam. Cho dù chưa phải đạt đến diệu kế “tọa quan long hổ đấu”, nhưng thằng Pháp phải đối phó nhiều nơi thì binh lực cũng phải yếu đi.

     Ông Thước rất tâm đắc với ý kiến này. Và sau đó, ông đã thực hiện chỉ đạo một cách có hiệu quả, khiến giặc Pháp phải hao tổn binh mã rất nhiều.

        Đêm tàn dần…

          Trong những ngày này, ông Thước đã đưa ông Thuyết đi nhiều nơi trong vùng biên giới để cùng nhau bày binh bố trận. Mãi đến ngày 22.4.1886, họ mới chia tay nhau.

        Rạng sáng, ông Thước dẫn ngựa ra sân, hỏi:

        - Thế chuyến này của chủ tướng có hy vọng gì không?

          Ngồi trên lưng ngựa, ông Thuyết ứng khẩu bài thơ:

Mục Mã thu cao vạn dặm đồng,

Thuyền con chở nhẹ khó xuôi dòng.

Non xanh nước biếc nơi hò hẹn,

Bể rộng sông dài nổi ước mong.

Trăm họ vì vua còn cố gắng,

Một mình báo nước vẫn long đong.

Phen này ví được lòng trời giúp,

Trở gót về Nam lối hẳn thông. (*)**** Trần Lê Hữu dịch******

     Nghe bài thơ, ông Thước rất cảm động và cầu mong sau chuyến đi này sẽ mở ra cục diện mới trên chiến trường. Sau khi chia tay, ông Thuyết đi ngược dòng sông Mã tìm gặp tù trưởng người đường là Hà Văn Mao ở Điền Lư (châu Quan Hóa), để tiếp tục vận động tham gia vào công cuộc đánh Pháp, ủng hộ vua Hàm Nghi. Trong ngày gặp đầu tiên, ông Mao nói:

       - Khách đến chơi lấy trầu mà đãi. Trầu tuy rằng lắm đất, lắm cát, lấy nước rửa phơi tám ngày chẳng ráo. Ông ăn không được, đừng ném vô lửa, ăn không được đừng ném trôi theo nước, đừng lấy chân xéo dưới đất lấm đi!

        Ông Thuyết cười lớn:

         -Đừng nói thế. Ăn trầu của người quân tử mời chẳng khác nào nuốt xuống bụng nén bạc, cục vàng!

           Xong, ông cầm lấy trầu ăn ngon lành. Ông Mao cảm kích lắm, nhận ông Thuyết cùng làm anh em kết nghĩa. Qua cuộc gặp gỡ này, ông Mao tích cực đứng ra hô hào trai tráng trong bản làng xướng nghĩa dưới quyền chỉ huy của Đinh Công Tráng.

       Nghỉ tại đây nhiều ngày, ông Thuyết lên đường ra Bắc. Không bằng đường bộ, ông ngược thuyền lên sông Đà, đến vùng Lai Châu tìm gặp tù trưởng Điêu Văn Trì, người Thái. Nghe tin ông đến nơi này, từ Hưng Hóa các ông Nguyễn Quang Bích, Chu Lăng Thục, Nguyễn Khê Ông… đã tìm đến. Sau khi bàn bạc kế hoạch phối hợp tác chiến giữa hai miền Trung Bắc, họ dự định lên đường ngay. Nhưng chẳng may, ông Thuyết lâm bệnh nặng. Những ngày liên tục trèo non vượt suối, nhiễm lam hướng nên ông phải nằm liệt một chỗ.

        Lúc này giặc Pháp hay tin về chuyến đi này, chúng biết ông Thuyết đã thu được những kết quả rất đáng kể nên bủa lưới khắp nơi. Không phải ngẫu nhiên mà trên bản đồ tác chiến của Pháp trong năm 1886, vệt mực đỏ lưu ý “vùng phiến loạn” hầu như tô đậm sít sìn sịt từ các tỉnh phía Bắc kinh thành Huế đổ ra Bắc.

         Còn Đồng Khánh cũng như ngồi trên đống lửa. Nếu cứ đực mặt ra ngồi yên một chỗ, quan thầy Pháp sẽ đánh giá mình vô dụng nên ngày 17.6.1886, y tổ chức chuyến đi kinh lý đầu tiên, kể từ ngày lên ngôi. Đó là chuyến đi của một kép hề, vì sau khi xuống dụ cấm không ai dùng chữ “Cai” vì trùng tên “Hồng Cai” của cha mình, bắt phải đổi ra “chánh” – như “cai tổng” đổi thành “chánh tổng” chẳng hạn, thì ngoài việc thông báo về việc “kỵ húy” này, y không nói thêm được một điều gì khác!

       Bất chấp chuyến kinh lý có tiền hô hậu ủng, nhưng nghĩa quân của các ông Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước… vẫn tiến hành đốt phá nha Hậu Lộc, giết tri huyện; tấn công phủ thành Hà Trung, giết thương tá tỉnh vụ và bắt sống phó lãnh binh! Khắp nơi nổi dậy như rươi, Đồng Khánh hoảng sợ phải bỏ cuộc nửa chừng. Trở về Huế, y lập tức xuống dụ gửi cho ông Thuyết, Trần Xuân Soạn và các thủ lĩnh kháng chiến: “Tội của các ngươi nhất định là rất nặng, nhưng lòng quảng đại của Trẫm rất lớn nên Trẫm có thể cho các ngươi trở về và tha tội chết cùng những kẻ mà các ngươi lôi kéo vào con đường sai lầm. Trẫm sẽ cho lưu đày các ngươi tại nguyên quán và nếu sau này các ngươi biết ăn năn hối cải, Trẫm sẽ xét lại và phục hồi danh vị. Còn nếu cứ ngoan cố, Trẫm sẽ trừng phạt các ngươi về tội làm ác, làm cực khổ trăm họ. Đầu các ngươi và dư đảng sẽ bị treo thưởng…”. Dụ đã ban ra, nhưng không có kết quả. Nguyễn Hữu Độ thấy con rể của mình quá nhọc lòng, âu lo nhưng vô hiệu, bèn đưa ra kế là tự tay nhà vua phải viết một dụ lên án riêng Tôn Thất Thuyết và bắt niêm yết khắp các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; quan lại hàng tỉnh phải sao lục lại để gửi đến tận làng xã.

          Cùng lúc, cái mũi của giặc Pháp cũng sục sạo đánh hơi khắp nơi để tìm chỗ trú ẩn của ông Thuyết. Qua thông tin của bọn Việt gian, chúng biết ông Thuyết đang ẩn náu tại nhà tù trưởng họ Điêu.

         Một cuộc hành quân rầm rộ đã diễn ra trong tháng 10.1886. Chúng tiến đánh lên Lai Châu. Nhưng nghĩa quân đã dũng cảm ngăn chặn cuộc càn quét này. Suốt hai tháng ròng, không chống cự nổi các cánh quân do Nguyễn Quang Bích, Điêu Văn Trì trực tiếp chỉ huy, giặc tạm thời lui quân. Thêm một tin vui cho các lực lượng kháng chiến là ngày 18.12.1886, nghĩa quân Ba Đình đã đánh bại cuộc tấn công quy mô đầu tiên của Pháp vào căn cứ. Trung tá Metzinger chỉ huy hướng Tây nam, trung tá Dodds chỉ huy hướng Đông bắc đã bị đánh quỵ ngay từ phút đầu giao chiến. Trước chiến thắng này, ông Thuyết cảm thấy như được tăng thêm sức lực. Đang nằm ốm mấy tháng trời, thế mà vừa nghe tin, ông nhảy vọt xuống đất reo lên như trẻ thơ:

        - Đánh! Đánh! Đánh!

          Khiến ai nấy đều thương cảm. Ngay sau đó, dù sức khỏe chưa bình phục nhưng ông Thuyết vẫn quyết định lên đường. Tù trưởng họ Điêu đích thân chỉ huy hai chục thủ hạ bí mật đưa đoàn theo ngả Bình Lư lên Mạn Hảo và đưa đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Trước lúc đặt chân qua biên giới, dong ngựa nhìn lau trắng xóa một vùng, nhìn lui về nước Nam đang chìm đắm trong vòng nô lệ, bất giác các ông đều rơi lệ. Ông Thuyết cảm khái ngâm bài thơ:

Lòng trung không nỡ bỏ Tây châu,

Giữ đất Thao, Đà thắng bấy lâu.

Đem đám quân cô ngăn cửa ải,

Cầm ba thước kiếm chém dòng sâu.

Lẻ loi đất bắc chơi hồng nhạn,

Phảng phất nồm nam giúp ngựa trâu.

Báo nước lòng son sông núi rõ,

Gặp nhau sương nhuộm bạc phơ đầu”. (*)**** Chu Thiên dịch*****

          Mọi người đều biết khi ngâm bài thơ này, ông Thuyết có ngụ ý tặng riêng cho Nguyễn Quang Bích. Vì Tây châu là vùng đất thuộc mạn Tuyên Quang, khu Tây Bắc; Thao Đà là vùng giữa sông Đà và sông Thao vốn là địa bàn hoạt động lừng lẫy của ông Bích. Vì thế, khi lời thơ vừa dứt thì ông Bích họa lại:

Non sông trời định cõi Nam bang,

Võ liệt ghi truyền vẫn vẻ vang.

Nước bạn đã trao lời đính ước,

Hỏa tinh vừa độ bóng quay ngang.

Ngựa dong Thành  bộc gieo thêm củi,

Trâu gỗ Kỳ sơn vận tải lương.

Trù tính quân cơ nơi bút dịch,

Cánh bằng nằm đợi gió thu sang. (*)**** Kiều Hữu Hỷ, Lã Xuân Mai dịch.****

          Câu thơ hào sảng vang vọng giữa trời biên giới. Trên vòm trời có một cánh chim vừa bay qua. Nắng chiều đỏ như máu phía chân mây.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com