VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

     

ton-that-thuyet-R

Lời thưa

"Lấy lịch sử làm đề tài văn học, là cách tác giả Lê Minh Quốc làm đã lâu nay. Anh đã viết Nguyễn Thái Học; tướng quân Hoàng Hoa Thám; Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại và hàng trăm truyện tình danh nhân khác. Mới đây, Lê Minh Quốc lại có Chiến tướng Tôn Thất Thuyết (tủ sách Danh nhân lịch sử Việt Nam – NXB Kim Đồng 2003).

Chuyện mở ra vào một đêm mưa “sấm sét đùng đùng” và cũng kết trong một đêm mưa như thế. Ở những trang đầu và những trang cuối, câu văn “Tưởng như thác lũ xé toạc mây đen mà trút nước xuống cõi trần” được lặp lại có dụng ý nghệ thuật, tạo một đệp ngữ lưu ý bạn đọc về kết cấu đầu cuối tương ứng của truyện.

Bản thân kết cấu này đã sắp xếp toàn bộ diễn biến truyện vào một hình tượng chung, thể hiện sự bế tắc của một thời kỳ lịch sử đau thương, một đêm đen lịch sử, thời Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam mà cuốn sách dùng làm bối cảnh. Bế tắc đến mức nhân vật chính của truyện, chiến tướng thượng thư Bộ binh triều Nguyễn - Tôn Thất Thuyết, vào hồi kết chỉ còn biết “cầm gươm chém đá cho hả giận” chém tóe lửa để rồi… cây trường kiếm một thước thành con dao cùn dăm phân (tr.200). Đường gươm cùng cực ấy vừa sáng lên như là bộc phát tất yếu của bầu không khí bi hùng được nén chặt trong suốt diễn biến truyện, lại vừa cùn đi thành một biểu tượng bi hài của chính bầu không khí ấy.

Bi hài và bi hùng luôn đan xen và trải đều trong cả 13 chương của cuốn sách. Bi hài như vua Tự Đức hay thơ hơn giỏi việc nước, một ông vua “nói giữa thanh thiên bạch nhật mà các thượng quan cứ tưởng ngài đang ú ớ trong cơn mê” (tr.40); bi hài như cuộc thử lửa dành cho “Việt Nam quốc vương chi ấn”, biến con dấu quyền lực một vương triều thành “một cục đen xì” không ra vàng không ra bạc, trị giá 240 đồng Mễ Tây Cơ…

Và bi hùng như cách giữ tiết hạnh của bà mẹ anh hùng thân mẫu ông Nguyễn Cao, bố chánh Thái Nguyên (một tướng giỏi đã giải vây, cứu thoát Tôn Thất Thuyết trong trận tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc). Bà dám “vạch áo dùng dao cắt phăng bên nhũ hoa bị lý trưởng làm nhục và ném thẳng vào mặt y” (tr.70). Noi gương mẹ, Nguyễn Cao cũng thể hiện lòng yêu nước bằng cách tự mổ bụng mình, và dõng dạc trước kẻ thù: “Ruột của tôi đây! Các người xem có đoạn nào là bất trung” (tr.191).

Chất hài, chất hùng va đập mạnh từ chương VII tới chương X kết thành cao trào cho cuốn sách. Đấy là những chương hay nhất, tiết tấu dồn dập, các phe phái đều có mặt, chủ chiến, chủ hòa, ta và Tây. Có cả những nét tính cách sắc sảo của vai trung (Tôn Thất Thuyết), vai nịnh (Tường) và một toàn cảnh chiến trận với 1.500 người chết dẫn đến việc kinh thành thất thủ. Đó là một toàn cảnh máu lửa rất cần cho một truyện lịch sử mà nhân vật chính là một võ tướng.

Lê Minh Quốc không xây dựng một nhân vật hư cấu nào trong truyện danh nhân này, dù đó là quyền của người viết truyện. Và vì vậy, xét về thể loại văn học, Chiến tướng Tôn Thất Thuyết có dáng vẻ ký sự hơn một tiểu thuyết, Lê Minh Quốc không lạm dụng quyền hư cấu để thỏa mãn trí tưởng tượng của mình. Anh không nhào nặn, tô hồn hoặc bôi đen quá khứ, chỉ cẩn trọng làm sống lại một thời xưa".

Viễn Chi

(nguồn:  Báo Phụ Nữ TP.HCM số 10.9.2003)

*Lê Minh Quốc với “Chiến tướng Tôn Thất Thuyết”

"(SGGP) Bên cạnh bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam đã ra khoảng 20 tập với trên 100 chân dung (được Bộ Giáo dục – Đào tạo chọn đưa vào danh mục sách tham khảo trong nhà trường), nhà văn Lê Minh Quốc còn đeo đuổi thực hiện một bộ tiểu thuyết lịch sử mà Chiến tướng Tôn Thất Thuyết là cuốn mới nhất (NXB Kim Đồng - 2003), sau những Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại, Tướng quân Hoàng Hoa Thám. Lê Minh Quốc cho biết, sở dĩ lần này anh chọn viết về Tôn Thất Thuyết bởi vì lâu nay giới sử học đánh giá rất khác nhau về vai trò của Tôn Thất Thuyết trong phong trào khởi nghĩa Cần Vương. Do đó anh muốn tái hiện Tôn Thất Thuyết một cách toàn diện theo dạng biên niên để có thể hình dung và khắc họa chân dung một chiến tướng yêu nước, vốn là linh hồn của phong trào Cần Vương. Đây là tác phẩm nằm trong Tủ sách danh nhân lịch sử Việt Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng".

V.C.N

(nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng số  28.9.2003)



Chương một

 

          Sấm sét đùng đùng rạch nát vòm trời. Trời ngả về chiều. Từ phía chân mây cuối trời, mây đen ùn ùn kéo đến. Mưa trút xuống như thác đổ, dường như sắp có lụt lớn. Tưởng như thác lũ xé toạc mây đen mà trút nước xuống cõi trần. Ngồi trong cung, thấy vua Tự Đức đi săn chưa về kịp, bà Từ Dụ rất lo lắng. Bà sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước. Mãi đến lúc trời sụp tối thì họ mới về đến cung. Vua Tự Đức vội vã đi thẳng vào cung Diên Thọ để chịu lỗi với mẹ. Đang giận con, bà ngồi quay mặt vào màn, không nói một lời. Vua Tự Đức biết mẹ đang giận nên tự lấy cây roi mây đặt trên tràng kỷ, rồi nằm dài xuống xin chịu đòn. Giây lát sau, bà quay mặt ra, bảo con ngồi dậy rồi nghiêm khắc:

        - Mẹ đã nói với con, con vật cũng như con người, bắn chết con trống thì con mái lẻ bạn thương xót không nguôi; bắn con con thì con mẹ buồn thảm, đau khổ. vậy thì săn bắn để làm gì? Muốn tập bắn thì nên bắn bia chẳng hay hơn sao? Từ rày về sau, con không nên sát sinh thú vật nữa.

           Vua Tự Đức cúi đầu:

             - Con đã biết lỗi. Từ nay con không dám như vậy nữa!

             Vẫn chưa nguôi giận, bà nói:

           - Biết lỗi với ta có ích gì, phải biết lỗi với dân thì mới sửa mình được. Nước đang có nhiều việc rối, hoàng đế đã không lo lắng mà con vui chơi được sao?

             Tự Đức lặng lẽ lui gót với tâm hồn nặng trĩu…

           Đêm tối. Vòm trời đen kịt. Không một ngôi sao nào lấp lóe. Ngồi trước án thư, vua Tự Đức ngẫm nghĩ đến lời dạy của mẹ. Ông thả hồn theo những vần thơ mượt mà bất chợt đến trong tâm tưởng. Cây bút lông chạy dài trên trang giấy lụa bạch với những dòng chữ mềm mại… Đến lúc sắp viết một chữ ưng ý nhất sau nhiều ngày lao tâm khổ tứ suy nghĩ, nhà vua nắm chặt tay quyết định lướt một vệt dài trong sự đắc ý nhất, bỗng ngòi bút lông khô mực… Sự đột ngột đáng tiếc ấy khiến ông bực bội. Đêm vẫn rối. Thơ à? Có thể làm cho Đề đốc trung tướng Charner động lòng mà trả lại ba tỉnh miền tây Nam kỳ không? Chắc chắn là không. Dẫu biết thế, nhưng nhà vua không thể không làm thơ. Chỉ có thơ mới có thể giúp ông trút đi những nỗi phiền muộn, nhất là những lúc nhớ đến mẹ. Ngay sau khi nghe tin Gò Công mất vào tay giặc Pháp thì mẹ của ông, bà Từ Dụ, đã bỏ ăn và đêm ngày nằm khóc.

           Từ thuở nhỏ nghe mẹ kể nhiều về vùng đất này cho đến nay ông vẫn còn nhớ như in trong óc. Lúc ông ngoại thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng sinh ra mẹ đặt tên là Phạm Thị Hằng thì vùng đất thuộc Giồng Quy Sơn ngày càng nổi cao lên như mu rùa và giếng nước đang đục ngầu bỗng trở nên trong vắt một cách dị thường. Ấy là điềm lành báo trước sau này mẹ của ông sẽ là bậc “mẫu nghi thiên hạ” chăng? Một hôm, bà cố nội là Cao hoàng hậu Trần Thị Đang - vợ Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long, cho gọi ông ngoại của ông vào chầu và nói:

          - Ta nghe tiếng đồn tốt lành về con gái của khanh. Ta cho phép khanh dẫn vào cung cho ta xem mặt.

       Nhờ ân sủng này, mẹ của ông đã được vào cung. Năm đó, bà mới 14 xuân nhưng phong thái nghiêm nghị, đi đứng chững chạc như một người đã trưởng thành. Tại đây, bà có nhiệm vụ hầu Nguyễn Phước Miên Tông, lớn hơn bà 3 tuổi – là con trai trưởng của vua Minh Mạng. Năm tháng trôi qua, bà may mắn được chọn là người “nâng khăn sửa túi” cho Miên Tông – người kế vị vua cha lấy niên hiệu là Thiệu Trị.

         Chung sống với nhau, dù đã sinh được hai công chúa Duyên Phúc và Uyên ý, nhưng bà vẫn canh cánh một điều là chưa sinh được con trai. May mắn sao, nhờ ơn mưa móc của chồng, năm 1829 bà sinh thêm con trai Hồng Nhậm – mà nay đã nói ngôi vua cha Thiệu Trị lấy niên hiệu Tự Đức. Đơn giản chỉ có thế, nhưng các nhà chép sử nhà Nguyễn vẫn cho rằng, trước lúc sinh bà nằm mộng thấy một thần nhân áo rộng đai to, tóc bạc, lông mày trắng đem đến một tờ giấy vàng viết chữ son có đóng dấu và một chuỗi minh châu trao cho, bảo: “Xem đây để nghiệm về sau”. Bà nhận lấy rồi sau có thai, sinh ra Hồng Nhậm.

       Thật ra, lúc sinh con trai thì bà thấy cơ thể của mình mệt mỏi hơn hai lần “vượt cạn” trước. Nhìn đứa con đỏ hỏn trong tay, bà thoáng âu lo vì trông con yếu ớt quá! Đã thế, lúc gần 20 tuổi thì nó lại bị bệnh đậu mùa rất nguy kịch, tưởng không qua nổi! Nhưng được một điều đó là đứa con có hiếu, răm rắp vâng lời chỉ vì sợ mẹ buồn lòng…

       Vua Tự Đức đang ngồi tư lực suy nghĩ về những năm tháng đã qua. Ngọn đèn bừng sáng.

       Nghe tiếng chân bước phía sau, ông giật mình quay lại thì thấy mẹ. Chao ôi! Gương mặt ấy tiều tụy biết chừng nào! Nhà vua thấy tim mình đau nhói. Sống trên đời mà mang tội bất hiếu với mẹ thì sao có thể ngửng mặt mà nhìn thiên hạ?

        Ngay lúc mới sinh, thể chất yếu ớt của ông tưởng chừng không thể sống nổi! Năm 14 tuổi ông đã lập với cô Võ Thị Duyên, con gái của thượng quan Võ Xuân Cẩn. Nhưng lại không có con. Sau đó, ông còn lấy thêm rất nhiều vợ nữa, nhưng đến nay vẫn không có người nối dõi tông đường, cho dù đã chạy chữa bằng mọi giá, cầu tự ở khắp nơi. Đau đáu vì tội bất hiếu này, ông thường tư lự, buồn phiền… Đã thế, nay là người nắm quyền lực cao nhất nước lại để đất phát tích của dòng họ bên mẹ mất vào tay giặc. Quay lại nhìn mẹ, không kìm được xúc động, nhà vua òa lên khóc như trẻ thơ.

        Dù con trai đang ở ngôi vua, nhưng bà Từ Dụ vẫn không cho đó là điều may. Xưa nay, các bậc hiền giả vẫn nói trong may có họa, quả không sai. Chồng của bà có rất nhiều vợ, trong đó 31 bà có con, sinh được 29 con trai và 35 con gái. Do con trai của bà thông minh và ham học nên được vua cha Thiệu Trị ưu ái, yêu thương hơn những đứa khác. Từ năm 1847, lúc mới 19 tuổi, Hồng Nhậm lên ngôi đã khiến Hồng Bảo – con trai trưởng của Thiệu Trị với quý tần Đinh Thị Hạnh – ganh tị, ghen ghét. Hồng Bảo nghĩ mình đương nhiên phải được quyền kế vị nên tìm mọi cách để giành lại ngôi báu. Bảo họp bọn đồng mưu lại, sau khi uống máu ăn thề, cử bọn thuộc hạ trốn ra nước ngoài tìm đồng minh. Thời gian sau, bọn thuộc hạ từ Thái Lan và Campuchia trở về, chúng kéo theo một lũ lâu la. Do trên đường đi không được tiếp đãi nồng hậu nên đến nước Nam, lũ đâm thuê chém mướn này bất mãn tố cáo mọi chuyện với quan. Lập tức, tất cả đều bị bắt. Chúng bị gông cổ lại, tống vào trong cũi như những con thú dữ đưa về kinh. Bị tra tấn tàn nhẫn, những người này khai ra là còn có một chuyến tàu nước ngoài sắp đến để ủng hộ cuộc đảo chánh của Bảo. Thật vậy, vào đầu tháng 3, có một chiếc tàu được trang bị đầy đủ súng ống, không rõ thuộc quốc tịch nào, đến đậu ở bến cảng đối diện với kinh đô. Nhưng chúng không thấy có ai ra bắt liên lạc nên vội vã giong buồm ra khơi. Âm mưu bại lộ. Bảo bị xử án lăng trì, nhưng vua Tự Đức nghĩ đến tình máu mủ nên tha tội, chỉ tống giam vào ngục và ép uống thuốc độc chết. Các con của Bảo phải đổi ra họ của mẹ là họ Đinh.

        Chuyện cũ đã qua, nhưng mỗi lúc nghĩ đến bà còn thoáng rùng mình…

        Đêm vẫn tối đen.

       Tình hình trong nước đang rối ren như thế này, có lẽ con trai bà không thể đảm đương nổi công việc. Mà số phận con người nhiều khi lại gắn chặt với cái tên do cha mẹ đặt. Bà nhớ, lúc con mình mới lên mười, chồng bà một hôm vui vẻ hỏi đùa con:

     - Thế con có biết tên của con, ta đặt Hồng Nhậm nghĩa là sao không?

     Không ngờ con trai bà đáp:

     - Thưa, Hồng là nặng nề, to lớn; Nhậm là gánh vác.

     Chồng bà cười lớn:

    - Gánh gì mà nặng? Gánh củi à?

      Nghĩ lại chuyện cũ, bà Từ Dụ ứa nước mắt, thở dài:

     - Gánh việc nước mà không có người góp sức thì làm sao nên việc? Hòa ước Giáp Tuất có quá nhiều điều bất lợi cho ta. Chỉ riêng khoản 2 là nước Nam ta phải nhường đứt cho họ ba tỉnh Biên Hòa, Định Tường, Gia Định và không được đem binh khí, súng đạn đi qua ba tỉnh này là điều rất vô lý. Hạ thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã thương lượng kiểu gì mà ta còn phải bồi thường đến 4 triệu nguyên chiến phí cho chúng?

     Lắng nghe lời mẹ, nhà vua ngậm tăm. Câm như hến. Từ trước đến nay, không bao giờ ông dám cãi lại lời của mẹ. Vẫn chưa nguôi giận, bà hỏi tiếp:

    - Thế chuyện giặc giã ở xứ Bắc kỳ đã giải quyết đến đâu rồi?

      Chẳng đến đâu cả. Giặc nổi hết như rươi. Hết giặc Tam đường ở Thái Nguyên, giặc Châu chấu ở Sơn Tây… thì đến giặc Tạ Văn Phụng - mạo danh con cháu nhà Lê để lôi kéo quần chúng, lại cả gan theo giáo sĩ ra nước ngoài học đạo rồi trở về đánh phá ở Quảng Yên; loạn này chưa dẹp xong thì cai tổng Vàng dấy binh ở Bắc Ninh, v.v… đã khiến nhà vua lo lắng đến bạc đầu. Vừa lo chống đỡ giặc ở Nam kỳ, dẹp loạn ở Bắc kỳ thì ông không ngờ tại kinh thành Huế anh em Đoàn Trưng phò Đinh Đạo – con trai của Hồng Bảo lấy cớ xây Khiêm Lăng quá tốn kém, nhân dân cực khổ nên đã khởi binh khiến ông phải sợ hãi đến xanh máu mặt! Nếu Chưởng vệ Hồ Oai không kịp đóng cửa điện lại thì có lẽ bây giờ ngài đã nằm sâu dưới ba thước đất!

       Bà Từ Dụ nhìn thẳng vào mặt con trai:

        - Nhưng bây giờ đáng sợ nhất vẫn là bọn giặc Khách đang quấy nhiễu khắp nơi. Dân đen sống làm sao nổi?

           Điều này nhà vua cũng đã nghĩ đến biện pháp đối phó.

         Năm 1868, sau khi Hồng Tú Toàn cầm đầu Thái bình thiên quốc bị nhà Thanh bắt giết thì dư đảng là bọn Ngô Côn kéo tàn quân chạy sang tràn nước ta, chúng chiếm giữ tỉnh thành Cao Bằng khống chế một cõi! Trước tình thế nghiêm trọng này, ông đã phái võ tướng Ông Ích Khiêm lên đánh. Những trận đánh dữ dội bất phân thắng bại đã diễn ra nhiều ngày. Cuối cùng, danh tướng họ Ông – người Quảng Nam, đã lập kế tài tình giết Ngô Côn. Những tưởng như thế đã yên, nào ngờ đồ đảng của Cờ vàng Hoàng Sùng Anh, Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc, Cờ trắng Bàn Văn Nhị, Lương Văn Lợi vẫn tiếp tục làm loạn ở các vùng biên giới Bắc kỳ.

        Nhìn mẹ trầm ngâm như thế, vua Tự Đức cúi đầu:

         - Thưa, con sẽ phái Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm cùng với tán tương Tôn Thất Thuyết chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm tai họa này.

          Bà Từ Dụ ngạc nhiên:

     - Có cả Thuyết nữa à?

         - Dạ!

         Dường như chưa yên tâm với kế hoạch mà con mình và các đại quan trong triều đã bàn luận, bà lại hỏi:

      - Thế con nghĩ gì về Thuyết?

          Nhà vua chậm rãi:

         - Đó là một người ít học, tính tình nóng nảy hay nói càn.

       Bà mẹ ngắt lời:

       - Có phải con còn muốn nói đó là người kiêu căng, hẹp hòi hay ngờ vực kẻ khác?

       Nhà vua nhíu mày:

       - Dạ, con cũng từng nghĩ thế.

        Bà Từ Dụ hỏi gặng:

    - Tại sao con lại nghĩ thế?

       Nhà vua nói khẽ:

          - Con từng nghe nhiều người kể về chuyện Thuyết đã nhiều lần giết người không gớm tay!

       Có thật không? Bà Từ Dụ không tin như thế, dù chuyện đồn đại về Thuyết bà cũng đã từng nghe kể lại. Nhưng biết đâu người ta thêu dệt thêm nhiều tình tiết cho thêm phần ly kỳ? Chuyện kể rằng, một hôm Tôn Thất Thuyết đi ra phố chơi chợt thấy một đứa trẻ ranh gân cổ lên chửi mẹ của nó. Ông giận lắm, nhưng không nói gì. Ông chỉ lẳng lặng đi theo thằng bé này về nhà, lúc nó ngồi vào mâm ăn cơm ông quan sát thấy nó biết so đũa, có nghĩa là đã khôn ngoan chứ không còn nhỏ dại gì. Thế mà dám chửi mẹ thì quả là con bất hiếu! Suy nghĩ như thế, ông sai lính mang thằng bé ra chém, bất chấp những lời van xin của mẹ nó! Lại có chuyện, một hôm ông Thuyết đang ngồi uống rượu tại tư dinh, trong cơn say ngất ngưởng, ông nhìn ra ngõ thấy một kẻ nghênh ngang phóng ngựa qua như chốn không người. Ông giận lắm, sai lính ra đuổi bắt. Trói quặt tay kẻ hỗn xược này lại, ông bảo:

       - Đi ngang nhà của ta mà không xuống ngựa ư?

    Kẻ này cứng cỏi:

     - Xưa nay tôi chỉ từng nghe đi ngang qua Văn Miếu hoặc những nơi tôn nghiêm thì mới nghiêng võng hạ mã thôi chứ!

       Ông tức giận:

     - Láo! Ngươi đã nói thế thì không còn coi ta ra gì nữa!

        Nói xong, ông sai lính chém.

       Vừa nghe con kể xong, bà Từ Dụ xua tay:

- Ta không tin Thuyết là người như thế. Chuyện này, trước kia khi còn nhỏ, ta từng nghe nói ở phương nam Tả quân Lê Văn Duyệt cũng từng có những hành động tàn ác như thế! Ôi, miệng lưỡi người đời biết đâu mà lường!

       Thấy thái độ của mẹ, nhà vua chống chế:

       - Nhưng Thuyết là tướng có uy vũ, trong những tình huống khó khăn thì có thể xử lý một cách linh hoạt, tài trí.

           Bà mẹ đăm chiêu:

        - Đánh giá về một con người không dễ, chỉ sau khi nắp hòm đậy con người ấy lại thì mới có thể đánh giá được. Nhưng theo mẹ, trong trường hợp này Thuyết có thể không phụ lòng của vua tôi.

        Vua Tự Đức gật gù, đồng ý với lời nói của mẹ.

         Đang suy nghĩ mông lung như thế, chợt nghe có tiếng gà gáy rất mỏng từ xa vọng đến, vua Tự Đức giật mình. Nhìn từng giọt đồng đang thánh thót, ông biết đã sang canh ba. Đêm đã khuya. Hương ngọc lan thơm dìu dịu trong gió. Đĩa dầu đang cạn dần…

         ****

          Trưa yên tĩnh. Trong dinh thự nằm bên dòng sông Như Ý, làng Văn Thê, xã Thanh Thủy, huyện Hương Thủy – cách kinh đô Huế chừng bảy cây số về phía nam, có tiếng gà gáy vút lên đã gợi một âm vang thơ thới lạ lùng. Bước ra sân nhìn hàng cau thẳng vút, Tôn Thất Thuyết cảm thấy có hương cau thoảng trong gió - một mùi hương dịu dàng mà chỉ ở Huế ông mới cảm nhận được hết sự tinh khiết của nó. Hơn nữa, từ ngày ông khôn lớn thì đã thấy hàng cau này trong dinh thự của dòng tộc Tôn Thất, nó ít nhiều gắn bó với kỷ niệm tuổi thơ của ông. Do xuất thân trong hoàng tộc, thuộc một chi của dòng họ Nguyễn đang cầm quyền nên bước đường hoạn lộ của ông Thuyết thuận lợi hơn nhiều người khác. Không chỉ là cháu bảy đời của chúa Hiền mà ông còn là con trai của Đề đốc Tôn Thất Đính và bà Văn Thị Thu, có tiếng tăm lừng lẫy trong vùng.

        Ông Thuyết sinh ngày 12.5.1839 (tức ngày 29.3 năm Kỷ  Hợi) tại làng Phú Mộng, xã Xuân Long (Huế), nhỏ hơn vua Tự Đức đúng 10 tuổi. Vóng dáng của ông to cao, vạm vỡ, khuôn mặt đầy đặn, da ngăm đen, ít nói nhưng đã nói thì như cóc cắn. Từ năm 1869, ông là quan văn được cử làm án sát tỉnh Hải Dương và qua năm sau ông chuyển sang quan võ cùng Thống đốc quân vụ Hoàng Tá Viêm lo việc tiễu phỉ ở vùng biên giới phía bắc. Trong những ngày xông pha chiến trận, ông đã chứng tỏ mình là vị tướng giỏi cầm quân nên được thăng chức rất nhanh. Đang là tán tương quân vụ Sơn Tây, ông được cử làm tán lý quân thứ Thái Nguyên, rồi bố chánh Hải Dương. Và bây giờ, ông được lệnh trở về triều để nhận nhiệm vụ mới. Chính vua Tự Đức đã trực tiếp giao cho ông làm tham tán quân vụ phối hợp với Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm để tiễu phỉ vùng biên giới phía bắc. Ngày mai đã phải dấn thân nơi gió tanh mưa máu, nhưng trong lòng ông Thuyết vẫn bình thản như không. Trong lúc ngước nhìn hàng cau thẳng tắp trong dinh thự, ông nghe tiếng tiểu đồng gọi khẽ:

           - Bẩm quan lớn, mời ngài vào dùng cơm.

           Ông lững thững đi vào. Nhìn thấy vợ đứng bên sập gụ, chờ ông sai bảo trong lúc đang dùng cơm. Ông thoáng chạnh lòng. Người vợ thủy chung này là do cha mẹ cưới lúc còn trẻ nên hiểu tâm tính của ông hơn ai hết. Bà sinh ra trong gia đình khoa cử, lại dịu hiền và có nét đẹp khả ái, biết chiều chồng, là người sinh cho ông được ba con trai Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Trọng và một gái là Tôn Nữ Thị Ẩn. Nhìn chồng ăn ngon miệng, bà rụt rè:

          - Ngày mai ông đi xa, tôi không thể không lo…

       Không để vợ nói hết câu, ông quắc mắt:

         - Sao lại nói như thế?

         - Thưa, trên dặm đường xa, lấy ai nâng khăn sửa túi cho ông…

         Ông gằn giọng:

     - Thế thì đã sao?

       Trong lồng ngực của bà trái tim đập thình thịch vì chỉ sợ chồng nổi giận, vừa quạt cho chồng, bà vừa nhỏ nhẹ:

          - Thương ông nên tôi mới âu lo. Xin ông đừng trách. Cả tuần nay, tôi đã bàn với ôn mệ (*)*****Bố mẹ (tiếng Huế).****** cưới cho ông thêm bà thứ thất để chăm sóc cho ông nơi biên giới. Dù sao lúc tối lửa tắt đèn có nhau vẫn hơn…

       Ông hỏi lại:

     - Người đó tính nết như thế nào?

       Bà đáp:

        - Thưa, cô này người Thanh Hóa, sinh trong gia đình khá giả có nề nếp.

        Nghe lời dịu ngọt như mật rót vào tai, ông Thuyết vẫn không nói gì. Giây lát sau, ông hỏi:

        - Sao bây giờ bà mới nói cho tôi biết?

       Bà vợ nhoẻn cười hiền lành:

          - Có lúc nào được gặp riêng ông mà tôi tâm tình chuyện này đâu?

         Thật vậy, từ ngày ở biên giới phía bắc quay trở về kinh đô, có lúc nào ông ở nhà được lâu đâu. Biết bao công việc dồn dập đưa đến. Chỉ đêm qua, ông mới về nghỉ tại nhà thì đã khuya nên bà cũng không tiện nói ra mọi ý định mà bà với cha mẹ chồng đã bàn định trước. Nghe vợ nói thế, ông Thuyết buông đũa đứng dậy, không nói gì thêm. Bà thấp thỏm mừng, vì biết chồng mình đã bằng lòng. Thương chồng thì phải tính toán như thế chứ sao? Năm nay, ông Thuyết đã ngoài 34 xuân. Sức lực thời trai tráng đã qua, ngày sau ai biết như thế nào?

             Dùng cơm xong, ông Thuyết lại bước ra sân để phóng tầm mắt nhìn về dòng sông Như Ý. Trong óc của ông không hề gợn lên hình bóng của người phụ nữ sẽ đi theo ông nay mai. Ông đang suy nghĩ về trách nhiệm mà nhà vua đã giao phó cho ông. Sau khi gây hấn ở Nam kỳ thì chắc chắn, bọn Tây dương mắt xanh mũi lõ nay mai sẽ kéo quân ra Bắc kỳ thôi. Ông thở dài…

        Năm ngoái, mùa hè năm 1872, phó Đề đốc Dupré ngay sau khi được thăng Thống đốc đã cử trung tá Senez ngang nhiên đưa tàu Bourayne đến vịnh Hạ Long để thám sát tình hình. Trong khi triều đình ta bất lực, chưa có biện pháp ngăn cản thì chúng đã bị bọn cướp biển chận đánh. Nhận được tin này, nhiều người hả hê lắm, tất nhiên trong số này có cả ông Thuyết. Nhưng cuối cùng, vào tháng 10.1872 thì tàu của Senez cũng neo đậu được tại Cửa Cấm. Sau khi nghiên cứu vùng ven biển và các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Yên, Senez đệ trình một kế hoạch đánh chiếm bằng quân sự.

         Tình hình trở nên nguy cấp hơn khi trong thời gian này, tên lái buôn Jean Dupuis và Millot được một người Tàu là Lý Ngọc Trí dẫn đường để tung hoành khắp vùng biển phía bắc. Jean Dupuis ngang ngược, vì hắn từng là lính đánh nhà Thanh và su khi giải ngũ hắn không về nước mà làm tên lái súng. Hắn cung cấp vũ khí cho thực dân phương Tây xâm chiếm Trung quốc và cho cả triều đình Mãn Thanh. Lần này từ Hồng Kông, hắn chỉ huy ba chiếc thuyền chở 7.000 khẩu súng trường, 30 súng đại bác và 15 tấn đạn vào cảng Hải Phòng để đưa lên Vân Nam. Ngay lập tức, quan Khâm sai Lê Tuấn ngăn chặn lại. Không một chút nao núng, Jean Dupuis liền tìm gặp trung tá Senez để bàn biện pháp đối phó. Chúng cho mời Khâm sai Lê Tuấn xuống tàu Bourayne cùng tìm cách tháo gỡ. Để áp đảo tinh thần của phái đoàn ta, khi các thượng quan vừa xuống tàu thì chúng bắn cấp tập những phát súng vọt lên trời xanh. những tiếng nổ đanh tai nhức óc chào đón thượng khách!

         Trong bữa cơm thân mật, Senez nói:

        - Thưa ngài, phía nước Nam nên cho chúng tôi tự do đi lại trên sông Hồng Hà, vì làm việc này sẽ có lợi cho đôi bên.

       Ông Tuấn nhíu mắt:

        - Lợi như thế nào về phía chúng tôi?

     Senez không ngửng mặt lên, vừa dùng dao cắt miếng bít tết vừa đáp:

    - Thứ nhất, chúng tôi sẽ dùng quân dẹp loạn đang nổi lên như rươi ở Bắc kỳ. Nhờ vậy, các ngài không hao quân tốn của. Thứ hai, khi tàu bè qua lại trên sông này, các ngài được quyền thu thuế để làm giàu thêm cho ngân khố.

     Nghe ra cũng có lý, nhưng ông Tuấn vẫn dè dặt:

          - Việc trọng đại này bản thân tôi không dám tự quyết định, phải xin ý kiến của hoàng thượng chúng tôi. Các ngài vui lòng chờ.

         Bất chấp thái độ mềm dẻo của quan Khâm sai. Jean Dupuis giở giọng trịch thượng:

          - Chờ đến bao giờ? Chúng tôi chỉ chờ trong vòng 15 ngày. Sau đó, dù có đồng ý hay không chúng tôi vẫn cứ tiến hành mọi việc theo kế hoạch đã định trước!

         Ông Tuấn giận đến run người.

         Mười lăm ngày sau, không thấy có tin tức gì, Jean Dupuis vẫn cho tàu vào đóng tại Hà Nội. Nhưng quân ta không dám đụng đến, vì chưa có lệnh của triều đình, phải nhờ đến giám mục Puginier ở Kẻ Sở đến khuyên can hắn phải tuân thủ theo phép nước! không rõ vị giám mục này nhỏ to thế nào mà cuối năm 1872, hắn ngang nhiên chở hàng lên Vân Nam và bốn tháng sau quay về an toàn!

        Trở về Hà Nội, Jean Dupuis đóng quân tại phố Mới và vẫn giữ thái độ khiêu khích, ngang ngược. Có một lần thấy vị quan của ta đi võng, hắn sai người ra bắt trói lại, đánh đập; chúng đốt võng, lấy lọng đi diễu quanh phố, ai nấy cũng đều kinh ngạc. Quả là một chuyện chưa từng xảy ra trên vùng đất ngàn năm văn vật! Nhưng quân ta vẫn án binh bất động, vì mật lệnh của nhà vua lúc này vẫn chủ trương giữ thái độ ôn hòa “không được khiêu khích sinh sự”. Jean Dupuis không xem ai ra gì cả. Sau khi cử Millot vào Sài Gòn báo cáo tình hình Bắc kỳ, hắn nghĩ đến một lợi nhuận khác… Dù biết luật pháp nước ta ngăn cấm việc buôn muối, gạo sang Trung Quốc, nhưng hắn sai bọn Hoa kiều là Bành Lợi Ký, Quan Tá Đình cứ đi thu mua để chuẩn bị chở lên Vân Nam. Tất nhiên, Ký và Đình bị quân ta bắt giữ. Dường như chỉ chờ có thế, Jean Dupuis sai lính đi bắt quan phòng chánh Hà Nội, quan huyện Thọ Xương đưa xuống tàu giam lại!

          Những chuyện rắc rối này được báo về triều đình. Vua Tự Đức giao cho Khâm mạng Nguyễn Tri Phương phải trực tiếp thu xếp cho yên việc này. Dù đã ngoài 70 xuân, nhưng ngài vẫn còn quắc thước, tráng kiện khi nói chuyện ngài thường nhìn thẳng vào mắt kẻ khác khiến ai có tà khí phải khiếp sợ. Còn tên lái buôn này vừa tròn 40 tuổi, nhưng người bé quắt lại, hai con mắt láo liên không dám nhìn vào mắt ngài trong lúc đàm phán. Hơn nữa, quan Khâm mạng là vị tướng lừng lẫy đã từng cầm quân chống giữ đồn Chí Hòa, ngay cả trung hướng Charner dù thắng trận nhưng cũng phải khâm phục tài cầm quân của ngài. Biết được điều này ít nhiều Jean Dupuis cũng kiêng dè. Nhưng rồi, nghĩ mình đã được hậu thuẫn từ nhiều phía, hắn không thoái bộ. Trước sau, hắn vẫn ương ngạnh:

       - Nước các ngài chỉ là chư hầu của nước Trung Hoa. Tổng đốc Vân Nam đã cấp giấy phép cho chúng tôi thì các ngài phải tuân theo! Tại sao lại còn dám ngăn cản lôi thôi thế?

          Danh tướng Nguyễn Tri Phương nói như dao chém đá:

         - Lý luận nông nổi đó chỉ có thể phun ra từ miệng một đứa trẻ con! Tổng đốc Vân Nam không đủ thẩm quyền ra lệnh cho nhà cầm quyền nước Nam. Hơn nữa việc người Pháp đi lại trên sông Hồng Hà không hề ghi trong hòa ước 1862!

     Hắn cười khẩy:

          - Chuyện đó tôi không biết!

       Vẫn giữ nét mặt điềm đạm, ngài nói tiếp:

       - Không biết thì nay ta nói cho biết. Còn chuyện buôn muối, gạo lên Vân Nam thì kỷ cương phép nước của ta không cho phép! Hãy nhớ lấy những điều đó!

         Jean Dupuis đuối lý nhưng vẫn cố vớt vát hăm he:

   - Thôi thì, sau này nếu chuyện gì không hay xảy ra đâu phải lỗi tại tôi!

     Thái độ ương ngạnh này hoàn toàn nằm trong ý đồ của nhà cầm quyền Pháp.

       Ngay sau khi nghe Millot theo lệnh của Jean Dupuis vào Sài Gòn báo cáo lại tình hình, Thống đốc Nam kỳ là thiếu tướng Dupre như mở cờ trong bụng. Millot xoen xoét:

    - Ông Jean Dupuis đã làm chủ xứ Bắc Kỳ. Trừ các toán quân An Nam phái đến từ  Huế, tất cả dân chúng Bắc Kỳ đều ngả về phía ông và sẽ nổi lên đánh đổ triều Nguyễn và dựng lên một hậu duệ nhà Lê đang ẩn náu trong núi. Như vậy, xứ Bắc Kỳ sẽ được đặt dưới sự bảo hộ của người Pháp!

           Dupre không ngây ngô tin hoàn toàn vào những lời ấy, nhưng dù sao, y cũng nghĩ thầm: “Bắc Kỳ là nơi tiếp giáp với những tỉnh tây nam nước Trung Hoa, ta phải chiếm lấy cho bằng được thì sự cai trị của ta ở Viễn Đông mới chắc chắn!”. Gật gù lắng nghe báo cáo xong, Dupre viết lá thư gửi về Paris xin ý kiến của chính phủ Pháp. Trong lúc hạ bút, y có cảm tưởng như những dòng chữ của mình đang như reo, như múa trên trang giấy trắng: “Việc Jean Dupuis gây rối ở Bắc Kỳ đã thành công rồi. Cần phải lấy xứ Bắc Kỳ và giữ lấy con đường thông sang Trung Quốc. Mọi việc ở đây, chúng tôi tự lo liệu được, không cần chính phủ phải viện binh. Nếu tình hình xấu đi, không diễn ra theo kế hoạch thì tôi xin chịu trách nhiệm”. Lá thư vừa gửi đi thì triều đình Huế cũng cử phái đoàn gồm các thượng quan Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Tăng Doãn vào Sài Gòn vừa thương nghị việc chuộc ba tỉnh miền tây Nam Kỳ, vừa để giải quyết dứt điểm vụ ngang ngược của Jean Dupuis.

        Đối với Dupre đây là một dịp may hiếm có. Y viết thư sang Thượng Hải gọi đại úy Francis Garnier đang đi thăm dò ngọn nguồn các con sông lớn ở Đông Dương phải về Sài Gòn gấp.

     Trong lúc Francis Garnier trên đường về nhận lệnh thì ông Thuyết cũng đang chuẩn bị ra bắc.

       Trưa yên ắng. Bóng nắng chói chang. Những tiếng chim ríu rít. Ông Thuyết khoan thai nước vào trong nhà, ông đang nghĩ đến chuyến đi ngày mai. Ông nghĩ, được cầm quân dưới quyền của Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm cũng là một điều hay. Khi ông Viêm nhận nhiệm vụ chỉ huy các mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng, Hải Ninh và Thái Nguyên thì chính vua Tự Đức đã ban cho năm lá cờ lệnh và một thanh thượng phương kiếm. Nhà vua rót ly rượu ngự đưa cho ông Viêm và bảo:

   - Ta ban gươm cho khanh cũng như Thái Tổ nhà Tống ban cho Tào Bân vậy. Từ phó tướng trở xuống, ai bất tuân mệnh lệnh thì ngươi được quyền chém ngay!

        Nghĩ đến điều này, ông Thuyết thoáng rùng mình…



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com