VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC - 8.Nguyễn Thái Học bị bắt

Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC - 8.Nguyễn Thái Học bị bắt

Mục lục
Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC
Lời nói đầu
1.Một vụ ám sát chấn động Hà Nội
2.Vạch trời một tiếng thét vang
3.Một chuyện tình lãng mạn
4.Bản án dành cho kẻ “không giữ lời thề”
5.Không thành công cũng thành nhân
6.Vung súng gươm chọc trời Yên Bái
7.Vào sinh ra tử biết bao phen
8.Nguyễn Thái Học bị bắt
9.Hồn thiên thu thác cũng như còn
Tất cả các trang

8

Nguyễn Thái Học bị bắt

Những ngày gian khó đang rình rập bủa vây Nguyễn Thái Học. Hàng loạt yếu nhân của Đảng đã bị bắt hoặc bị giết chết, nhưng chưa bắt được anh thì nhà cầm quyền vẫn ăn không ngon, ngủ không yên. Chúng biết rằng, Nguyễn Thái Học là linh hồn của Đảng, anh có thể gây dựng lại hoạt động của Đảng, biết đâu sẽ xảy ra một vụ bạo loạn như Yên Bái nữa thì sao? Lệnh truy nã anh được dán khắp phố phường Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ.

Chiều nay, đóng vai một người đàn bà quê mùa lam lũ, chị Nguyễn Thị Giang đã đi liên lạc với các cơ sở Đảng để truyền lệnh của Nguyễn Thái Học. Gió thổi lạnh buốt. Nnhững vòm cây xào xạc trong gió chiều. Lá rụng vàng hè phố. Chị vẫn lầm lũi bước đi. Qua đường Paul Bert chị đã giật nảy người khi thấy có những tờ giấy dán ảnh của Nguyễn Thái Học với những lời lẽ thô lỗ, gọi anh là tướng cướp và ai bắt được anh đem giao cho nhà chức trách thì được thưởng 5.000 đồng! Bất giác chị thở dài. Một hài nhi mang dòng máu của anh đang cựa quậy. Một bào thai bé nhỏ mà chị đang cưu mang. Chắc chắn rằng nó sẽ giống gương mặt nghiêm nghị của anh. Và nụ cười giống như chị. Sẽ đặt nó tên gì? Điều đau đớn không nguôi của chị là khi đứa bé chào đời mà nước nhà vẫn chưa giành được độc lập và biết đâu bố nó lại rơi vào cảnh tù đày. Chị không dám nghĩ đến nữa. Hai dòng nước mắt lặng lẽ rơi trên má nóng hổi. Chị nôn nóng muốn tìm gặp được anh.

Sau khi đi vòng vèo qua nhiều ngã đường và cảnh giác xem chừng có bước chân theo dõi của bọn chó săn hay không, chị đã vào nhà của Lê Hữu Cảnh. Anh Học đang trú ẩn nơi đó. Trước đây, khi Cảnh không đồng ý với lệnh Tổng khởi nghĩa thì anh đã ra lệnh cho ban ám sát khai tử để giữ bí mật. Lệnh này đã không được thi hành. Bây giờ mối bất hòa trước đã được thu xếp ổn thỏa. Khi vừa đặt chân vào nhà, chị đã bước đến ngồi cạnh anh và âu yếm nói:

- Anh Học à? Lệnh truy nã anh dán khắp phố, em lo sợ cho tính mệnh của anh quá!

Nghe người vợ sắp cưới của mình lo âu như thế, anh bật cười:

- Đó là phận sự mà chúng nó phải làm. Còn chúng ta thì cứ sống và hoạt động cho lý tưởng của chúng ta.

- Vâng, em đồng ý với anh như thế. Nhưng trong lúc này em có ý kiến như thế này…

- Em cứ nói!

Chị Giang nói nhỏ nhẹ với anh:

- Theo ý riêng của em thì anh nên tạm thời xuất ngoại một thời gian, tạm lánh sự không may có thể xảy ra cho anh. Khi ra nước ngoài, anh sẽ làm những việc ngoại giao có lợi ích cho Đảng, hơn là ở trong nước, biết đâu có lúc sa cơ vào tay của bọn mật thám? Phải đợi một thời gian để củng cố lại Đảng thì mới có thể mưu đại sự. Anh nghĩ sao?

- Đãi hà chi thanh, nhân thọ kỷ hà?

Đây là một câu thành ngữ mà đã có lần anh tâm sự với các đồng chí của mình khi phát động tổng khởi nghĩa: Đợi cho sông Hoàng Hà trong trở lại (thì đợi làm sao được), đời người thọ được bao? Theo truyền thuyết của người Trung Hoa thì sông Hoàng Hà ba trăm năm mới trong một lần. Nghe anh nói vậy, chị chỉ thở dài… Nhìn nét mặt âu sầu của chị, anh an ủi:

- Việc làm của chúng ta có trời đất chứng giám, chúng ta sẽ thành công, em hãy tin vào lời anh. Anh chỉ tiếc rằng, không được gần em và em cũng không gần gũi với anh trong lúc nguy khốn này. Đừng buồn em ạ! Biết làm sao được khi mà:

Anh hùng tự cổ nan vi phụ

Hào kiệt hà nhân cánh cổ gia?

Nguyễn Thái Học vừa dứt lời thì Nguyễn Hữu Cảnh nói chen vào:

- Thưa anh, thưa chị. Lâu nay tôi vẫn nghĩ như hai câu thơ mà anh vừa đọc: Từ xưa, làm vợ anh hùng vẫn khó khăn vì bậc hào kiệt có ai nghĩ đến gia đình đâu? Chính vì vậy, tôi rất kính trọng tình cảm mà chị đã dành cho anh. Yêu anh nên chị mới có ý nghĩ tha thiết như thế, tôi cũng đề nghị anh đồng ý, anh Học ạ!

Anh cứng cỏi trả lời:

- Không thể được. Việc thành bại vừa rồi là trách nhiệm của tôi. Tôi cần ởl ại trong nước để cải tổ lại Đảng, làm tròn sứ mệnh phục quốc và kiến quốc, cho dù phải đối đầu với sự nguy hiểm đến tính mệnh.

Nguyễn Hữu Cảnh và chị Giang cùng im lặng. Họ rất hiểu tính khí của anh. Những việc mà anh đã quyết định thực hiện thì khó thay đổi. Có thể dời núi chớ không thể buộc anh phải làm điều mà anh không muốn. Thôi đành vậy. Nguyễn Hữu Cảnh lẳng lặng rời khỏi nhà để dành cho anh và chị có giây phút tâm tình bên nhau.

Nửa đêm về sáng, Cảnh và anh tìm đường lên Bắc Ninh. Họ đã đến nơi an toàn. Để xúc tiến việc cải tổ và xây dựng Đảng nên một hội nghị Đảng được tổ chức chu đáo tại làng Thôn Trụ, huyện Lương Tài từ ngày 14 đến ngày 19-2-1930. Sau khi bế mạc hội nghị, các đồng chí đề nghị anh đi về bằng đường thủy, có sự hộ tống để an toàn hơn. Anh không đồng ý vì cho rằng công việc đang cấp bách nếu đi đường thủy thì mất quá nhiều thời giờ.

Vào tám giờ sáng ngày 20-2-1930, Nguyễn Thái Học cùng một cận vệ của mình là Sư Trạch lên đường. Sư Trạch vốn là một thầy cúng ở chùa Đáp Khê (Hải Dương) được anh giác ngộ nên đi theo cách mạng. Nhờ giỏi võ nghệ và tuyệt đối trung thành với Đảng nên Nguyễn Thái Học đã chọn làm cận vệ cho mình. Hai thầy trò giả làm nông dân, đeo thẻ thuế thân của người làng Lương Tài. Theo kế hoạch đã định thì hai người sẽ đi qua Chí Linh rồi sang Đông Triều.

Xế chiều hai thầy trò đi ngan qua Chí Linh, họ đi qua lĩnh vực đồn điền Cổ Vịt của tên thực dân Klieber. Không may cho họ là một người làm trong đồn điền đó, có cảm tình với VNQD Đảng vừa mới về quê. Lại thêm chuyện là tên chủ đồn điền Klieber có dặn những tuần phu của mình khi có người làng Lương Tài qua đây thì đưa vào để ông ta nhờ chút việc.

Do đó, khi họ đến nơi thì những tuần phu xét giấy và biết người làng Lương Tài nên đã dẫn anh lên gặp Klieber. Nguyễn Thái Học gật đầu đồng ý. Trong thâm tâm anh nghĩ rằng, nếu xảy ra trường hợp xấu mà bị bắt thì anh sẽ thuyết phục người chủ đồn điền thả anh và biết đâu như những lần trước, anh còn được giúp cả tiền nữa không chừng. Anh nheo mắt hỏi ý Sư Trạch:

- Thế nào? chúng ta có nên vào gặp tên chủ đồn điền không?

- Thưa anh, hay là chúng ta dùng võ lực để thoát thân trong lúc này? Tẩu mã vi thượng sách.

Anh cười:

- Chúng nó đã biết ta là ai đâu mà phải làm như thế? Mọi hành động thiếu chín chắn trong lúc này đều bất lợi. Chú nghĩ sao?

Sư Trạch gật gù:

- Tôi chỉ sợ rằng, lệnh truy nã anh được phân phát khắp nơi thì tên Tây này sẽ phát hiện được anh thôi.

- Chú khéo lo. Chúng ta cứ bình tĩnh đi theo bọn tuần phu nhé. Nếu bất lợi thì chú cứ hành động để chúng ta cùng thoát thân.

Nguyễn Thái Học nói như thế vì đã có nhiều lần anh bị bọn tống lý bắt, nhưng lúc nói tên thật của anh thì họ thả ngay. Có lần, trong làng nọ, bị lộ, giám binh Pháp đem lính về bắt anh, nhưng anh đã được quần chúng báo tin. Anh bèn giả làm người đàn bà đẻ khó mà người nhà phải cõng ra nhà thương tỉnh. Khi tên giám binh đến, nó thấy hai người khiêng cái cáng tùm hum có chiếc chiếu che kín, nó chẳng nói gì.

Hai thầy trò lững thững đi theo mấy tên tuần phu vào nhà. Khi nước vào trong nhà, không hiểu sao lần này anh cảm thấy chột dạ. Lấy cớ bận việc phải đi ngay, chứ không thể đứng chờ ông chủ Tây được. Anh nháy mắt ra hiệu cho Sư Trạch cùng rút lui. Mấy tên tuần phu không đồng ý. Buộc lòng Sư Trạch phải dùng đến võ lực. những tên tuần phu bị anh đánh ngã đã la hét ầm ĩ. Những người khác nghe vậy liền chạy vào tiếp sức. Họ đã bao vây hai thầy trò với lời quát tháo náo động. Nguyễn Thái Học liền lấy bom trong túi ra để ném. Một tiếng nổ kinh khiếp. Mọi người chạy tán loạn.

Lúc ấy, tên chủ Tây Klieber nghe tiếng động liền mở cửa nhìn xuống. Hắn thấy mọi người đang đánh nhau. Hắn ngờ là kẻ cướp đột nhập vào đồn điền liền rút súng ra nhắm vào anh và Sư Trạch mà bắn. Cả hai trúng đạn nên ngã quỵ, không chạy được. Bọn tuần phu ùa lại, kẻ dùng dáo, người dùng báng súng đánh đập túi bụi rồi hè nhau trói lại.

Thế là tên chủ đồn điền yên trí là đã bắn què giò bọn cướp. Hắn ra lệnh cho bọn tuần phu khiêng người bị thương ra nhà thương tỉnh.

Đi qua hạt Nam Sách, sang đò Hàn và phải ngang qua trường tiểu học thì đến nhà thương tỉnh. Khi tuần phu khiêng họ đi ngang qua trường thì cũng là lúc trường vừa tan học. Vậy là đã hết giờ làm việc, nhà thương sẽ không nhận thêm người nữa. Cáng khiêng người tạm nghỉ ở gốc cây nhãn trước trường để chờ giờ làm việc vào buổi chiều vậy.

Lũ học trò lúc tan trường nhìn thấy có cái cáng thì tò mò xúm lại xem. Một ông giáo cũng tò mò đứng ngó vào. Nguyễn Thái Học với ông giáo là bạn học, đã từng ở trọ chung khi học trường Sư phạm năm 1921 nên vừa trông thấy ông ta, Nguyễn Thái Học gọi và nói bằng tiếng Pháp:

- Je suis arrêté! (tôi bị bắt rồi!)

Không may cho anh là lúc đó ông Parreau - hiệu trưởng đứng trong nhà, thấy có đám đông nên cũng tò mò muốn biết là chuyện gì bèn hỏi ông giáo:

- Ồ có phải là bọn cướp không? Ông giáo cũng quen với bọn nó à?

Nghe hỏi bâng quơ như thế nhưng ông giáo lại thật thà buột miệng thanh minh:

- Thưa ngài, không phải kẻ cướp đâu. Người này là Nguyễn Thái Học!

Chao ôi! Câu trả lời này tai hại biết chừng nào – vì ông giáo nghĩ rằng anh đã sa lưới nên mới đáp thế. Vừa nhắc đến tên Nguyễn Thái Học, ông hiệu trưởng bèn hỏi gặng lại hai lần. Đúng không! Ông ta rú lên sung sướng và vội vàng gọi điện báo cho tòa sứ. Con người đã làm cho nhà cầm quyền Đông Dương mất ăn mất ngủ là đây. Hùm thiêng đã sa lưới. Nhận được tin này, tòa sứ báo cho sở giám binh. Kèn báo động nổi lên khắp phố. Lúc bấy giờ, bọn tuần phu mới trố mắt kinh ngạc:

- Rõ khổ quá! Sao ông không nói ngay ông là Nguyễn Thái Học? Biết vậy thì chúng tôi đã thả ông dù có chịu tội với quan Tây. Bây giờ sự việc đã lỡ mất rồi. Làm sao hở trời?

Nguyễn Thái Học cười chua chát:

- Thôi mạng sống của tôi cũng đem lại cho các ông được món tiền lớn. Các ông cứ lãnh thưởng.

Người anh hùng đã từng khuấy nước chọc trời đã nói như thế, những người tuần phu rơm rớm nước mắt.

Nguyễn Thái Học và Sư Trạch ngay trưa đó bị tống vào nhà giam Yên Bái.

Ngày 28-3-1930, Hội đồng đề hình họp ở Yên Bái lần thứ nhất. chúng đã khép mươi người khổ sai có thời hạn, ba mươi bốn người khổ sai chung thân, năm mươi người bị đi đày và 40 người chịu án tử hình. Người đầu tiên là Nguyễn Thái Học. Tên giám binh Cases đã hỏi:

- Mày làm nghề gì?

Anh dõng dạc đáp:

- Ta làm nghề cách mạng!

- Vậy đồng bọn của mày là những ai?

Anh nhìn thẳng vào mặt hắn:

- Chỉ có một mình ta, ta chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái. Lý do chính trị của …

Không để cho anh biện hộ, hắn vội ra lệnh ngăn lại. Anh cười nhạt:

- Vậy cái tòa án này đã đem cường quyền mà đè nén công lý! Đã thế ta nói làm gì nữa! Không cho ta nói lại thì ta cũng không cần trạng sư vào biện hộ cho ta đâu!

Chúng gọi tên chị Nguyễn Thị Bắc, chúng chưa kịp hỏi thì chị đã vung tay thét:

- Chúng mày về nước Pháp mà kéo đổ tượng Jeanne d’Arc đi thôi!

Cả Hội đồng đề hình giận tím mặt, Jeanne d’Arc là người đã được nhà nước Pháp phong nữ thánh, đã từng cầm quân đi đánh giặc Anh lúc xâm lược Pháp – Sau bị thiêu sống ở quảng trường Rouen vào năm 1431 lúc 19 tuổi – bằng tuổi với chị Bắc lúc bấy giờ.

Chúng lại gọi tên anh Cai Hoằng:

- Tại sao mày cầm đầu binh lính đánh Yên Bái?

Anh đáp:

- Không phải tôi đánh mà Trung ương Đảng bộ hạ lệnh tôi đánh. Các ông còn lạ gì kỷ luật của Đảng tôi, không phục tùng mệnh lệnh, Đảng xử tử. Đó là cái chết nhục. Còn đánh với các ông, nếu thua đi nữa, cũng đến xử tử là cùng, nhưng đó là cái chết vinh quang.

Tên chánh án cười gằn:

- Mày là thằng vô ơn. Quan ba Jourdain đối xử với mày rất nhân đạo, tử tế. Vậy mà mày lại cầm súng bắn ông ta đầu tiên!

Anh trả lời không do dự:

- Vâng, cám ơn ông. Đại úy Jourdain tử tế đối với tôi, nhưng đó là tình riêng. Còn tôi ghét ông ta là bổn phận đối với dân tộc tôi, với đảng tôi. Người Việt Nam chúng tôi bao giờ cũng đặt nghĩa công lên trên tình riêng.

- Mày là thằng độc ác.

Anh đáp:

- Thưa ông, ông nghĩ như thế nào về sự độc ác? Nếu nước Pháp bị nước khác xâm lược thì ông có đứng lên cầm súng để bảo vệ Tổ quốc của ông không? Tôi chỉ là người tự nguyện làm nghĩa vụ của một con dân khi đất nước chúng tôi bị xâm lược.

Chúng lại gọi anh Phó Đức Chính:

- Nhà nước Đông Dương đã biết rõ mày là tên phiến loạn được phân công đánh đồn Thông ở Sơn Tây, là một cộng sự đắc lực của tên Đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Phiên tòa này ghép mày vào tội tử hình. Mày có xin chống án không?

Phó Đức Chính gầy yếu trong bộ áo người tù giọng nói sang sảng của người thanh niên 29 tuổi này đã làm cho cả Hội đồng đề hình kinh ngạc:

- Cần gì phải xin chống án! Tôi là người được Đảng phân công làm ủy viên tuyên truyền cổ động ở các tỉnh, thảo truyền đơn kêu gọi họ làm cách mạng và thảo chương trình của kế hoạch Tổng khởi nghĩa cùng với ông Nhu, ông Học. Đời tôi chỉ có làm việc lớn đó mà thôi. Việc lớn đã hỏng. Sống làm gì nữa?

Phiên tòa tiếp tục làm việc, nhiều người không thèm cãi, không thèm trả lời. Họ cười giỡn, ồn ào và phá tan không khí trang nghiêm của Hội đồng đề án.

Sau phiên tòa này khi bị đưa vào trong xà lim - mặc dù bị cùm cân, suốt ngày cửa đóng kín mít, tối như bưng, đã thế Nguyễn Thái Học còn phải cung cấp máu mình cho lũ rệp, muỗi, chấy, rận thi đua nhau cắn nát thân thể - anh bắt đầu viết hai lá thư bằng tiếng Pháp để gửi cho Toàn quyền Đông Dương và Hạ nghị viện Pháp.

Trong thư gửi cho Toàn quyền Đông Dương, anh đã viết:

Ông Toàn quyền,

Tôi, Nguyễn Thái Học ký tên dưới đây là chủ tịch Đảng VNQD Đảng, hiện đang bị giam tại ngục Yên Bái, trân trọng nói cho ông rõ rằng:

Hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, tôi thật có trách nhiệm về mọi việc chính biến phát sinh trong nước do Đảng tôi chỉ huy từ năm 1927 đến nay, vì tôi l2 chủ tịch của Đảng và là người sáng lập nữa. Vậy xin ông giết một mình tôi, chứ đừng giết các người đảng viên hay gọi là đảng viên hiện giam ở các ngục, bởi người ta vô tội. Người ta vô tội vì trong số đó thì một phần là các đảng viên, nhưng họ vào Đảng là vì tôi khuyến khích họ, cho họ biết thế nào là nghĩa vụ một người dân đối với quốc gia, thế nào là những nỗi khổ nhục của một tên dân mất nước. Còn ngoài ra là những người bị vu cáo bởi bọn thù hằn, bởi lũ mật thám, bởi những bạn bè bán mình cho chính phủ Đông Dương. Tôi nhắc lại một lần nữa để ông biết cho rằng chỉ cần giết một mình tôi, vì tôi mới chính là thủ phạm. Nếu các ông thấy chưa đủ thì cứ tru di cả gia đình tôi, nhưng tôi đem nước mắt mà xin ông tha cho những người khác! Sau nữa, tôi mong ông nghĩ đến danh dự của nước Pháp, đến công ký, đến nhân đạo mà thôi hạ lệnh ném bom hay đốt phá những làng vô tội như ông đã làm. Đó là một lệnh giết người! những đồng bào của tôi sẽ vì thế mà chết đói, chết rét mấy vạn mà kể!

Sau cùng, kết luận bức thư này, tôi nói cho ông biết rằng nếu người Pháp muốn ở yên Đông Dương mà không phải khốn đốn vì phong trào cách mạng thì:

1. Phải thay đổi chương trình chính trị hung tàn và vô nhân đạo hiện hành ở Đông Dương.

2. Phải cư xử cho đúng là người bạn dân Việt Nam, chứ đừng có bằng thái độ của ông chủ bạo ngược và áp chế.

3. Phải để lòng giúp đỡ những nỗi đau khổ của người Việt Nam, bằng cách trả lại những nhân quyền như quyền tự do ngôn luận… Đừng có dung túng bọn quan lại tham ô và những phong tục hủ bại ở các hương thôn. Mở mang nền công, thương bản xứ và cho nhân dân được học những môn cần thiết.

Kẻ thù của ông

Nguyễn Thái Học

Trong lá thư gửi cho Hạ nghị viện Pháp, Nguyễn Thái Học cũng nêu rõ những quan điểm như thế:

“Người Pháp không hề có thực lòng với người Việt, và tôi chẳng giúp ích được gì cho Tổ quốc tôi, đồng bào, dân tộc tôi cả, trừ khi là đuổi người Pháp ra khỏi nước tôi. Bởi vậy năm 1927, tôi bắt đầu tổ chức một Đảng cách mạng, lấy tên là VNQD Đảng, mục đích là đánh đổ chế độ cường quyền áp bức ra khỏi nước tôi và lập nên chính phủ Cộng hòa Việt Nam, gồm những người thật lòng tha thiết đến hạnh phúc của quần chúng”.

Hai lá thư này sau khi viết xong đã được tổ chức bí mật của Đảng từ trong tù chuyển ra ngoài. Một ký giả Pháp là ông Louis Roubaud đã chép lại được hai lá thư này trong tư liệu tối mật của nhà cầm quyền. Do có cảm tình với phong trào cách mạng Việt Nam đang sôi sục trong nước và cả hải ngoại, nên ông đã công bố trên mọi cơ quan ngôn luận. Nó đã gây được tiếng vang lớn trong công chúng và nhà nước Đông Dương. Do đó, chính phủ Pháp ra lệnh chuyển anh và một số đồng chí khác về Hỏa Lò.

Tin Nguyễn Thái Học chuyển về Hà Nội đã gây xôn xao trong các cơ sở Đảng. Chị Nguyễn Thị Giang lúc này được bầu làm cố vấn cho Đảng và Nguyễn Hữu Cảnh tạm thời lên cầm quyền Đảng. Một đường dây từ bên ngoài liên lạc với trong Hỏa Lò để nhận chỉ thị của Nguyễn Thái Học đã được xác lập.

Để lập lại uy tín của Đảng trong quần chúng đã bị tác động vì những thất bại mới đây và nhiều vụ bắt bớ xảy ra, Nguyễn Thái Học chỉ thị mở chiến dịch khủng bố - chẳng những với những kẻ phản Đảng mà còn đối với những viên chức cao cấp người Pháp và bọn quan lại Việt gian tận tụy với nhà nước.

Một nghị quyết được đưa ra với nội dung như sau:

“Nước mất nhà tan, giống nòi bị tàn sát đã gần một thế kỷ nay, dân tộc Việt Nam bị dày xéo tàn nhẫn dưới gót sắt của đế quốc và tư bản Pháp không khác gì giống vật. trước tình cảnh đó, chúng ta, con cùng một nước ngăn sao được nỗi đau thương.

Với một dân tộc vốn có sẵn truyền thống văn minh, một đạo đức cao thượng, một lịch sử vẻ vang vĩ đại, chúng ta không cam chịu để một giống nòi khác đô hộ, cũng vì vậy ngay sau khi bọn tư bản đế quốc Pháp vào cướp nước ta, một phong trào cách mạng dân tộc đã nổi lên mà đến nay truyền thống đó vẫn còn ngấm ngầm tiếp nối. Ông cha ta đã lần lượt đổ máu, hy sinh đời sống để đòi tự do cho dân tộc.

Mấy năm cuối cùng đó, nhất là sau chiến tranh đế quốc 1914-1918, toàn thế giới bước vào một thời đại bạo động. Tất cả các dân tộc bị áp bức nổi dậy làm cách mạng. Mặt khác, cách mạng vô sản Nga, cách mạng dân tộc Trung Quốc đã gây một ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Vậy mà nước ta tất cả tài sản, kinh tế bị bọn tư bản đế quốc chiếm đoạt, dân ta phải vô cùng cực khổ và số phận dân tộc ta có thể ngày càng đi tới khốn đốn. Bị áp bức vô cùng về vật chất lẫn tinh thần, đồng bào ta cuối cùng đã thức tỉnh và đứng lên làm cách mạng.

Hiện nay nước ta có hai luồng cách mạng: Cách mạng dân tộc và cách mạng dân chủ.

Việt Nam Quốc Dân Đảng là đội tiên phong của cách mạng dân tộc. Đó cũng là một sự việc của luật tự nhiên mà cũng đồng thời là một sự thử thách… Điều đó chứng tỏ rằng tương lai của cách mạng Việt Nam sẽ sáng sủa và quân đội của bọn tư bản đế quốc ở Đông Dương sẽ phải thất bại, dân tộc ta sẽ qua cuộc đời khổ cực, tiến lên đời sống vinh quang vĩ đại.

Hiện nay Đảng ta đề ra hai sách lược: Sách lược tích cực và tiêu cực.

Sách lược tích cực là tuyên truyền quần chúng. Sách lược tiêu cực là khủng bố và ám sát. Theo sách lược thứ hai, Đảng ta sẽ ám sát liên tiếp: - Những yếu nhân trong chính phủ tư bản đế quốc. Những tên mật thám đắc lực. Những tên quan lại cản trở công việc cách mạng. Những Đảng viên phản bội. Để làm yếu dần lực lượng của tư bản đế quốc.

Pasquier là một trong những tên tay sai của tư bản đế quốc, là lãnh tụ tối cao của chính phủ Đông Dương. Vì vậy nó là đối tượng đáng nhắm của Đảng ta, cho nên trước tòa án cách mạng, Pasquier đã bị kết án tử hình.

Một người anh em trong Đảng ta đã nhận lệnh thi hành việc ám sát, theo sau sách được khủng bố và ám sát của Đảng ta, những kẻ tay sai của đế quốc Pháp sẽ cùng phải chịu số phận như vậy.

Cùng toàn thể đồng bào! Cùng các anh các chị! Chúng ta đem máu ra để đòi tự do, hạnh phúc! Chúng ta hãy gia nhập đông đảo quân đội cách mạng chiến đấu để thực hiện cho được mục đích của chúng ta”.

VNQD Đảng

Ngoài ra, còn có một bản án khác cũng được công bố: kết án tử hình Vi Văn Định - Tổng đốc Thái Bình đã góp phần đắc lực vào việc đàn áp những người tham gia khởi nghĩa Yên Bái.

Người được chỉ định thi hành việc ám sát Pasquier là Tô Chấn – anh ruột của Tô Hiệu, một đảng viên kiên cường của Đảng cộng sản Việt Nam – anh đã mang bom ra Hà Nội tìm cách hạ sát Pasquier trong một buổi duyệt binh, nhưng cuối cùng không thực hiện được vì gặp tình hình trở ngại. Anh bị thực dân bắt.

Những bản án này, Nguyễn Thị Giang đã đọc lại cho Lê Hữu Cảnh ghi lại bằng mực tím hóa chất. Bị mật báo nên anh bị Pháp bắt tại Hải Phòng trong căn nhà anh đang ẩn nấp với Nguyễn Hữu Huân. Cả hai đều có mang súng và một lô đạn dược nhưng cuộc lùng bắt quá mau lẹ nên hai người trở tay không kịp. Chúng đã tìm thấy tại nhà này những bản án tử hình Pasquier, còn lại là những dụng cụ chế bom cũng như công thức làm chất nổ.

Có sự phản bội trong hàng ngũ của Đảng chăng? Trong nhà tù Hỏa Lò, một người bị tình nghi đã điềm chỉ cho bọn mật thám là Nguyễn Văn Ngọc, đã bán đứng mạng sống của anh em để mưu cầu sự sống. Những người tù cùng phòng với Ngọc đã bí mật nhận được chỉ thị của Đảng. Tối đó, lợi dụng lúc Ngọc đang ngủ, họ đã dùng dây siết cổ. Ngọc tắt thở với bản án ghi bốn chữ “không giữ lời thề” được đặt trên mặt…

Do sự phản bội của những người như thế, mật thám Pháp tiếp tục đánh phá những cơ sở Đảng còn lại. Chúng đã ập vào cơ quan Ám sát Đoàn Hàng Bột. Thấy bị động, chị Đỗ Thị Tâm rút súng bắn chết tên chỉ điểm. Chúng bắn trả lại, hai đảng viên trúng đạn chết, chỉ còn lại chị Tâm, chị Nguyễn Thị Vân và anh Trịnh Văn Yên, ba người này bị chúng bắt. Khi giải về nhà giam, chúng lột truồng chị Tâm ra, rồi nắm tóc mà quật vào tường. Máu tung tóe. Chị vẫn im lặng. Không hé răng. Đêm đó, chúng giam chị trong xà lim, chị đã nuốt giải yếm vào trong cuống họng mà tìm cái chết. Lúc chúng phát hiện và rút giải yếm ra thì chị đã tắt thở và họng đầy máu. Năm đó chị Nguyễn Thị Tâm mới tròn mười tám tuổi. Còn chị Nuyễn Thị Vân thì mới mười sáu tuổi, thấy chị còn nhỏ có thể mua chuộc nên chúng vừa dọa nạt vừa vỗ về:

- Mày còn nhỏ, chưa đến tuổi vị thành niên, nhà nước sẽ khoan hồng cho mày. Chúng tao biết mày chỉ bị bọn cướp lôi kéo, chứ mày vẫn trung thành với chính quyền. Mày có biết mày vào Đảng để làm gì? Có phải mày bị bọn cướp này dụ dỗ không?

Chị nhìn thẳng vào mặt tên mật thám:

- Ông nói sai rồi. Tôi tự nguyện vào Đảng là mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc.

Hắn cười:

- Tao không tin. Trẻ con như mày vào Đảng thì làm nên trò trống gì?

- Khi mới vào Đảng thì tôi may cờ, in truyền đơn, may binh phục cho các đồng chí của tôi. Bây giờ theo lệnh của Nguyễn Thái Học thì tôi tập bắn súng, học chế bom để giết hết quân cướp nước.

Biết không thể mua chuộc được, nén giận sôi gan, hắn hỏi tiếp:

- Chi bộ của mày có những ai?

- Tôi không biết!

- Mày có biết thằng Ký Con không?

- Tôi không biết!

Một cú đấm thẳng vào mặt chị. chúng quay sang thẩm vấn anh Trịnh Văn Yên bằng cách treo ngược lên xà nhà, thi nhau đánh tới tấp vào mặt anh. Lạ thay, anh vẫn im lặng. Chúng gầm lên như loài thú dữ:

- Ký Con bây giờ ở đâu?

Sau mỗi câu hỏi là những cú hiểm hóc đánh thẳng vào thân thể anh đang treo lủng lẳng…

Những cơ sở bị đánh phá tan ra gần hết, Ký Con lập tức rời Hà Nội xuống trú ẩn tại nhà một đồng chí ở ngoại ô Hải Phòng. Ở đó ít lâu, bọn mật thám lại đánh hơi lùng sục, anh liền về Nam Định. Chỉ ở đó một đêm, sáng hôm sau trong khi chuẩn bị tẩu thoát thì tên phản Đảng là Đội Tảo đã dẫn bọn mật thám ập vào bắt anh. Anh bị đưa về Hỏa Lò. Tại đây, ký giả Louis Roubaud đã tìm mọi cách để gặp anh. Ông ta hỏi:

- Thưa ông, tại sao biết cuộc khởi nghĩa khó thành công, nhưng các ông vẫn tiến hành?

Anh đáp:

- Chúng tôi phải khởi sự như thế để người sau tiếp tục. Sự thất bại của chúng tôi là để thế hệ sau gặt lấy kết quả.

- Có phải ông cho rằng, ám sát những quan chức cao cấp Pháp thì có thể đi đến mục đích của các ông?

- Đó là chỉ thị của Đảng tôi. Xin hỏi ông, có thể tiến hành một cuộc cách mạng mà không giết người?

Ký giả Louis Roubaud không trả lời.

Ông lại hỏi:

- Thưa ông, tại sao Đảng của ông lại tổ chức những vụ tống tiền, cướp bóc hành khách?

Anh đáp không do dự:

- Cách mạng cần tiền thật nhiều để mưu đại sự. Việc cướp hành khách trên xe đò Mỹ Lâm ngày 21-1-1930 hoặc những lần khác là vì chúng tôi biết có những lái buôn đem tiền đi mua gạo để đầu cơ tích trữ. Tôi nói với họ rằng: “Đảng chúng tôi có nhiệm vụ lấy của cải của người giàu để phân phát lại cho dân nghèo, đó là công  bằng xã hội”.

- Vậy các ông là cộng sản.

- Vâng, hoạt động ráo riết của Đảng cộng sản Việt Nam cũng không ngoài mục đích lật đổ chế độ cai trị của thực dân Pháp mà đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho tổ quốc tôi.

Cuộc phỏng vấn này được diễn ra dưới sự chứng kiến của Arnoux, hắn kinh ngạc vì những câu trả lời của Ký Con - một thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi đã có chính kiến rõ rệt. Hắn nghĩ rằng: “Sau khi dập tắt VNQD Đảng, những thanh niên như thế này nếu gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ mất Đông Dương”. Điều mà hắn tiên đoán sẽ xảy ra vào một thời điểm thích hợp nhất - dưới sự lãnh đạo của một đảng tiên phong đang ám ảnh khủng khiếp trong tâm tưởng hắn.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com