VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC - 7.Vào sinh ra tử biết bao phen

Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC - 7.Vào sinh ra tử biết bao phen

Mục lục
Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC
Lời nói đầu
1.Một vụ ám sát chấn động Hà Nội
2.Vạch trời một tiếng thét vang
3.Một chuyện tình lãng mạn
4.Bản án dành cho kẻ “không giữ lời thề”
5.Không thành công cũng thành nhân
6.Vung súng gươm chọc trời Yên Bái
7.Vào sinh ra tử biết bao phen
8.Nguyễn Thái Học bị bắt
9.Hồn thiên thu thác cũng như còn
Tất cả các trang

7

Vào sinh ra tử biết bao phen

Đêm máu lửa tấn công đồn Yên Bái đã châm ngòi cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Hàng loạt cuộc tấn công khác đồng loạt nổ ra ở nhiều cứ điểm quân sự khác nhau. Vào một giờ đêm 10/2/1930 lãnh tụ Nguyễn Khắc Nhu cũng bắt đầu ra lệnh khởi nghĩa. Anh chia các chiến sĩ ra làm hai toán: Một toán đặt dưới sự chỉ huy của Phạm Nhuận (tức đồ Điếc) có nhiệm vụ đánh phủ lỵ Lâm Thao và một toán dưới sự chỉ huy của anh sẽ đi hạ đồn Hưng Hóa.

Vì do một sự nhầm lẫn nào đó, nên một nửa số quân kéo về Hưng Hóa không đến điểm tập trung. Số lượng đánh đồn chỉ khoảng một trăm người. Họ mặc quần áo kaki vàng, người thì quần áo kaki trắng, người thì quần áo nâu và trên tay đều đeo băng tay màu vàng có viết: “Việt Nam cách mạng quân”. Đồn lính khố xanh Hưng Hóa trước đây vốn có một số binh lính được giác ngộ và họ sẽ là người làm nội ứng cho quân khởi nghĩa. Nhưng do sự đề phòng của thực dân nên số quân này đã bị đổi đi nơi khác. Khi kéo quân đến, Nguyễn Khắc Nhu ra mật hiệu nhưng không thấy động tĩnh nào cả. Lúc bấy giờ vào ba giờ sáng, thấy đã có hiệu lửa nổi dậy của quân Phạm Nhuận ở Lâm Thao, Nguyễn Khắc Nhu liền ra lệnh tấn công vào đồn, mặc dù số quân còn thiếu nhiều. Một số bom do VNQD Đảng sản xuất được làm bằng vỏ xi măng, chỉ có một số ít bằng vỏ gang, thuốc nổ lại không tốt nên không đủ sức phá hoại cũng như gây thiệt hại cho quân giặc. Tiếp theo đó, đồ Thúy là chỉ huy phó của đội quân này đã đọc bài Hịch kêu gọi binh lính ủng hộ cách mạng. Nguyễn Khắc Nhu cũng nhảy lên bờ tường kêu gọi sang sảng binh lính hãy quay súng bắn vào giặc và trở về hàng ngũ cách mạng để phụng sự Tổ quốc.

Trả lại cho lời kêu gọi ấy là hàng loạt đạn bắn ra từ trong đồn.

Nguyễn Khắc Nhu hạ lệnh xung phong nhưng vẫn không vào đồn được. Cuộc tấn công diễn ra trong vòng bốn mươi phút. Thương vong của nghĩa quân mỗi lúc một tăng lên, Nguyễn Khắc Nhu đành hô rút quân để sang sông nhập với cánh quân của Phạm Nhuận đã làm chủ được Lâm Thao.

Tại đây, tên tri phủ Đỗ Kim Ngọc đã chạy thoát được, còn lính lệ thì rút lên lô cốt phòng thủ. Quần chúng địa phương nổi lên như sấm động: “Hoan hô VNQD Đảng” và nhập vào dòng thác của nghĩa quân đi đánh phá khắp nơi. Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh tịch thu toàn bộ súng đạn, thiêu hủy toàn bộ công văn và cho treo cờ VNQD Đảng lên nóc phủ đường.

Phủ lỵ Lâm Thao hoàn toàn thuộc về quân khởi nghĩa. Nguyễn Khắc Nhu kêu gọi dân chúng lại để nghe anh diễn thuyết, hô hoàn toàn dân đoàn kết chống thực dân để hoàn thành sứ mạng cứu quốc.

Tuy mới có được thắng lợi này và được dân chúng nhiệt liệt hưởng ứng, ủng hộ, nhưng Nguyễn Khắc Nhu đã nhìn thấy địa thế của Lâm Thao trống trải, không có lợi cho quân cách mạng khi có cuộc phản công của địch. Anh có ý định cho rút quân ra ngoài, nhưng Phạm Nhuận cứ muốn ở lại rồi tính sau. Ý kiến chưa thống nhất thì khoảng mười giờ sáng, phó công sứ Chauvet đã đem quân đến Lâm Thao.

Hai bên nổ súng quyết chiến dữ dội. Tên Chauvet bị một nghĩa quân trước đây từng đi lính khố đỏ bắn trúng vành tai, suýt chết. Cuộc chiến đấu đã diễn ra không cân sức, chẳng bao lâu uy vũ của quân địch càng lúc càng áp đảo nghĩa quân. Nguyễn Khắc Nhu bị thương ở đùi, không chạy được. Các đồng chí dìu anh đi, nhưng anh không đồng ý vì sợ làm chậm trễ cuộc rút quân. Anh đặt hai quả bom xuống đất, rút chốt an toàn, và nằm yên trên bom để tự sát. Uy lực của bom quá yếu nên anh không chết, chỉ bị thủng ngực và bụng. Bọn giặc đã ùa đến bắt trói anh và giải về nhà lao Hưng Hóa.

Trên đường đi anh đã lợi dụng đi sát bờ sông để nhảy xuống sông Hồng tự tử lần hai, nhưng chúng nó lại với anh lên. Tại nhà giam mặc dù bị tra tấn tàn nhẫn nhưng anh vẫn liên tục chửi mắng quân cướp nước. Tên cẩm chính trị Riner gọi anh là quân cướp của giết người. Anh trợn mắt thét:

- Đồ khốn nạn! Giữa chúng ta và chúng mày thì chúng mày mới là quân giết người.

Tên phó công sứ Chauvet khôn khéo hơn, hắn mở giọng mật ngọt nhằm mua chuộc anh và hỏi khéo:

- Tại sao anh làm loạn?

Anh khẳng khái đáp:

- Tại sao gọi là làm loạn. Tôi là người Việt Nam, tôi có bổn phận phải bảo vệ đất nước để giành độc lập. Vậy hợp với lẽ phải và nhân đạo.

Câu trả lời không chút do dự và đanh thép của anh khiến hắn không nói được câu nào nữa. Hắn tống anh vào ngục. Nửa đêm về sáng ngày 11-2-1930, nghĩ mình trước sau rồi cũng bị giặc Pháp chém đầu, nên tuy chân tay bị trói nhưng anh vẫn dồn tàn lực đập đầu vào sàn xà lim tìm cái chết mà bảo toàn danh tiết.

Theo kế hoạch chung, sau khi đánh Hưng Hóa, Lâm Thao, quân cách mạng tiếp tục đánh chiếm Phú Thọ, nhưng trong ngày đó một toán lính lê dương lên chiếm đóng Hưng Hóa, tái lập lại trật tự, nên quân cách mạng không làm gì được. Trong lúc này, Phó Đức Chính tổ chức đánh Sơn Tây. Sáng ngày 13-10-1930 anh cùng với Thanh Giang đang hội họp tại nhà Quản Trang thì bị mật báo, thực dân Pháp tại Sơn Tây đã bắt anh giải về Hà Nội.

Còn tình hình tại Hà Nội thì vào đêm khởi nghĩa Yên Bái, Lương Ngọc Tốn trong ban ám sát Đảng vội vàng từ Bắc Ninh sang Hà Nội tìm Ký Con để hỏi thăm tin tức. Sau đó, anh về lại Bắc Ninh để cấp báo với Nguyễn Thái Học. Từ Hà Nội, Lương Ngọc Tốn thuê chiếc xe hơi du lịch để kịp thời về Bắc Ninh. Xe chạy rất nhanh đến cầu Long Biên, lúc ấy là 12 giờ 15 phút, viên cảnh sát đứng trên cầu ra hiệu chận xe lại để khám xét. Không một phút chần chừ, Lương Ngọc Tốn rút ngay súng lục bắn trúng cánh tay và đùi tên cảnh sát. Tiếng còi báo động vang lên, cảnh sát trên cầu rượt đuổi theo anh, anh bỏ xe cắm đầu chạy theo mé sông Hồng. Được lệnh báo khẩn cấp, tên giám đốc chính trị là Lacombe đích thân đem một đội lính khố xanh đi truy nã. Lương Ngọc Tốn chạy đến bến đò Thanh Trì và khi qua được sông Nhĩ thì bị bắt. Ngay vào đêm Lương Ngọc bị bắt thì Ký Con phân công đoàn cảm tử ám sát đem bom ném vào Sở mật thám, ngục thất Hỏa Lò, Sen Đầm, hai đồn cảnh sát ở Hàng Trống. Hành động quả cảm này không gây cho thực dân thiệt hại gì đáng kể.

Trong tình hình sôi sục này, Nguyễn Thái Học chỉ huy đánh các tỉnh miền xuôi. Trọng tâm của nó là Hải Phòng - một cảng lớn của xứ Bắc, nhưng để đánh chiếm nơi này, quân cách mạng phải dồn lực lượng các nơi khác đến. Trên bản đồ của cuộc Tổng khởi nghĩa, ngoài Hải Phòng còn có Phụ Dực, Vĩnh Bảo, Ninh Giang, Hải Dương, Phả Lại, Kiến An. Quân cách mạng đánh chiếm xong Phụ Dực, Vĩnh Bảo rồi kéo xuống chiếm đồn Ninh Giang. Quân ở vùng Hải Dương đánh xong tỉnh lỵ thì tràn qua Phả Lại. Sau khi thành công ở các điểm này, nghĩa quân tập trung lại với nghĩa quân Kiến An đánh Kiến An rồi xuống Hải Phòng. Nhưng rất tiếc cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh miền xuôi đã lùi lại một tuần do không bắt được liên lạc.

Ngày 11-2-1930, đích thân công sứ Hải Dương đến khám xét làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách vì nghe mật báo có Nguyễn Thái Học tại đó. Không bắt được anh, nhưng thực dân cũng khám phá được kho vũ khí và bắt những đồng chí tin cậy của anh. Qua ngày 12-2-1930, Nguyễn Thái Học lại lên kế hoạch tấn công Phả Lại, anh chưa kịp thực hiện mưu đồ thì công sứ và giám binh Hải Dương đem lính khố xanh đến vây làng Hưng Thăng. Anh được dân làng bảo vệ, đưa lội qua ao bèo dày đặc, ẩn trong bụi rậm, sau cùng mới lên thuyền trốn thoát được ra ngoài. Chỉ một chút xíu nữa là Nguyễn Thái Học đã bị bắt sống. Cũng trong ngày này, công sứ và giám binh kéo lính về đốt cháy cả làng Trụ Thôn cùng vùng chợ Kênh Vàng, vì nghe tin quân cách mạng các nơi kéo về tập họp để chờ lệnh của Nguyễn Thái Học.

Sự bủa vây khốc liệt của thực dân đã làm cho mọi kế hoạch bị đảo lộn. Căn cứ Kiến An, Phả Lại là hai vị trí quân sự được xem là quan trọng vào bậc nhất ở miền xuôi không thực hiện nổi nội công ngoại kích vì quân Pháp đề phòng quá cẩn mật. Lúc này, Tổng bộ chiến tranh của VNQD Đảng chọn hai huyện Phủ Dực và Vĩnh Bảo để tấn công. Ngày 15-2-1930, quân cách mạng đánh úp huyện lỵ Phủ Dực (Thái Bình). Tri huyện Trương Trọng Hiền trốn thoát, con gái của y đã đem hết vàng bạc châu báu ra dâng cho quân cách mạng, nhưng tất cả đều được trả lại và cô ta cũng không bị giết vì xét ra vô tội. Quân cách mạng bắc loa kêu gọi dân chúng tập họp tại huyện đường để nghe kể tội thực dân, phong kiến và kêu gọi họ ủng hộ quân cách mạng. Đến năm giờ sáng hôm sau, nghĩa quân tiêu hủy hết hồ sơ công văn, tịch thu toàn bộ súng ống của địch để lại sau khi rút chạy. Cũng ngay trong ngày này, tại làng Cổ Am, đảng viên Trần Quang Riệu bàn luận với quân khởi nghĩa:

- Nếu lúc này chúng ta kéo quân đến đánh chiếm huyện Vĩnh Bảo thì tên tri huyện Hoàng Gia Mô sẽ thừa cơ lộn xộn mà trốn mất. Vậy thiết tưởng nên dùng kế điệu hổ ly sơn. Nhân tôi có quen với y, vậy tôi xin lãnh trách nhiệm đến báo cho y biết là có tin quân cách mạng sẽ nổi lên đánh chiếm huyện lỵ. Nghe tin động trời như thế tất y sẽ đi báo với đồn Ninh Giang. Thừa khi ấy ta đánh chiếm huyện lỵ và phái một số đồng chí ra đón đường giết y. Các đồng chí nghĩ sao?

Ý kiến đó nêu ra được mọi người đồng thanh đáp:

- Chí phải! Thực hiện ngay thôi!

Đúng như dự kiến của Trần Quang Riệu, tên tri huyện Hoàng Gia Mô hốt hoảng sai tài xế đánh xe hơi lên đồn binh khố xanh Ninh Giang báo cáo xin quân tiếp viện. Y vừa đi khỏi thì nghĩa quân đến chiếm huyện lỵ mà không gặp một kháng cự nào.

Lúc tri huyện quay về, xe chạy qua cầu thì nghĩa quân đã cho giật mìn sụp cầu. Ô tô hỏng máy nằm quỵ bên đường. Biết có biến động, y liền trốn chạy. Các nghĩa quân lùng sục khắp nơi thì phát hiện y đang núp trong ổ rơm và đã bắn một phát súng trúng vào đùi y. Y liền bị trói lại giải về huyện đường để xét xử. Trần Quang Riệu tuyên bố:

- Kính thưa quốc dân đồng bào, chúng tôi là những đảng viên VNQD Đảng đến đây với mục đích đánh đuổi thực dân Pháp và những ai cam tâm cúi đầu theo giặc làm hại đồng bào.

Quần chúng reo hò ầm ĩ. Từ lâu nay, họ vốn căm hờn vì ruộng đất đã bị tên tri huyện đến chiếm đoạt. Trần Quang Riệu đề nghị đồng bào giữ yên trật tự, anh nói tiếp:

- Tên tri huyện Hoàng Gia Mô đã hà hiếp bóc lột tàn nhẫn người dân vô tội, chắc đồng bào còn nhớ y đã mưu mô với thực dân chiếm sáu ngày mẫu ruộng của đồng bào ở bãi Dương Am để làm sở hữu. Bản thân y đã có tội với quốc dân đồng bào.

Tất cả mọi người có mặt đều yêu cầu xử tử Hoàng Gia Mô. Lúc đó, vợ của y đã đem hết vàng bạc ra dâng cho quân cách mạng để xin tội chết cho chồng. Thị tưởng nghĩa quân tham tiền nên mới làm thế, nhưng đã bị khước từ. Tòa án cách mạng đã tuyên bố. Một phát súng bắn ngay vào sọ Hoàng Gia Mô và ném xác xuống dòng sông Cầu Mục.

Tối hôm đó, dân làng đã làm cỗ, thổi cơm đến đãi quân cách mạng. Trong lúc đang ăn và tập trung lực lượng đi đánh đồn Ninh Giang thì máy bay của giặc bay đến. Máy bay thấp quá! Mọi người đều hoảng sợ. Quân cách mạng chĩa súng bắn lên trời nhưng không trúng.

Một lúc sau chúng kéo đến cả chục chiếc máy bay, cũng bay thật thấp và bắt đầu dội bom. Ngoài ra viên thanh tra Rigal cũng chỉ huy một đội quân bản xứ đến giải thoát Vĩnh Bảo. Trần Quang Riệu cùng một số đồng chí của mình trốn thoát được. Thực dân Pháp ra lệnh truy nã anh đồng thời qu cho khai quật phần mộ của bố anh vừa mới tạ thế hơn một năm, đem phơi nắng mưa trước đồn lính khố xanh Ninh Giang. Hành động tàn bạo của giặc Pháp và Việt gian chỉ gây thêm lòng căm thù trong quần chúng.

Mãi đến 9 giờ sáng ngày 10-2-1930 khi quân khởi nghĩa rút lui vào rừng thì công sứ Yên Bái mới đánh điện báo cáo tình hình về Hà Nội. Lập tức nguyên soái Aubert hội kính với Toàn quyền Pasquier tìm cách đối phó. Ngày 12-10-1930 Pasquier đáp chuyến xe lửa đặc biệt từ Hà Nội lên Yên Bái để trấn an binh sĩ và dự lễ tống táng những sĩ quan bị giết chết trong đêm VNQD Đảng khởi nghĩa. Trước khi chuyến xe lửa này đến ga Yên Bái thì Nguyễn Thái Học hạ lệnh cho đồng chí của mình ném hai trái bom tiêu hủy nhà ga. Sức công phá của bom không mạnh nên không gây thiệt hại nào đáng kể. Dù vậy, Pasquier cũng một phen khiếp đảm. Trước linh cữu của các nạn nhân, hắn tuyên bố:

- Những đứa khốn nạn muốn sanh sự làm loạn để ngăn trở việc khai hóa của nước Pháp, nhưng chúng đã vấp phải thế lực vững vàng, cứng rắn, hùng mạnh không gì lay chuyển nổi của nước đại Pháp. Đứng trước linh cữu của các quân nhân hy sinh vì việc nước (?), tôi tuyên bố rằng nhà nước sẽ trừng trị đích đáng bọn bạo loạn để trả thù cho binh sĩ, sĩ quan chúng ta đã bị sát hại một cách dã man. Mai này Hội đồng đề hình sẽ tuyên bố án xứng đáng với tội ác tày trời này!

Những tiếng vỗ tay lẹt đẹt đã đáp lại lời tuyên bố hùng hồn của Pasquier. Ngay sau đó, hắn vội vàng chuồn về Hà Nội và đến ngày 14-2-1930, hắn đã ký nghị định thành lập Hội đồng đề hình, đề cử Poulet Osier – thanh tra chính trị hành chính Bắc Kỳ làm chánh Hội đồng. Bên cạnh có Tổng đốc tỉnh Thái Bình là Vi Văn Định cũng được lệnh đem binh mã đi tiễu trừ quân khởi nghĩa cùng với giám binh Monguez.

Cảnh đàn áp bắt bớ các đảng viên VNQD Đảng lan tràn khắp nơi rất dữ dội. Binh lính ngày đêm tuần tiễu vùng Ninh Giang, Vĩnh Bảo, Phụ Dực… Làng Thổ Tang, quê hương của Nguyễn Thái Học, vùng Bắc Giang – quê hương của Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Thị Giang cũng bị canh giữ nghiêm ngặt. Máy bay thường xuyên bay lượn tuần tra các vùng Yên Bái, Phú Thọ, Hải Dương, Kiến An, Thái Bình…

Lúc này VNQD Đảng chủ trương rút quân về ẩn náu tại làng Cổ Am (Hải Dương).

Chính quyền thực dân truy quét tận gốc bằng cách cho ném bom hủy diệt sự sống của cả làng này. Trưa ngày 16-2-1930, một phi đội gồm năm máy bay điên cuồng ném xuống Cổ Am 700kg bom. Cả làng bị dìm trong biển máu.

Vài giờ sau, thống sứ Robin chính thức gửi công điện cho công sứ các tỉnh Bắc Kỳ với nội dung như sau: “Làng Cổ Am, tỉnh Hải Dương là nơi trú ẩn của quân phiến loạn đã đánh phá, giết hại nhiều binh sĩ, sĩ quan mẫu quốc và đã xử án tử hình tri huyện Vĩnh Bảo nên nhà nước đã phái phi cơ liệng bom xuống làng Cổ Am. Các ngài phải thông báo việc ấy cho sâu rộng để dân xã đều hay. Nếu làng nào còn chứa chấp quân phiến loạn này thì cũng bị ném bom, chứ nhà nước không tha thứ”. Với tinh thần của bức công điện này, ngoài làng Cổ Am thì nhiều làng khác như Võng La, Xuân Lủng, Sơn Dương, Kha Lâm… cũng bị thực dân triệt hạ. Nhà cửa hầu hết bị cháy rụi. Nhiều người bị thương và chết vì “họ phạm tội đã ủng hộ, dung túng và che chở” cho quân khởi nghĩa. Đây là cuộc tàn sát đầu tiên và tàn khốc bằng máy bay của quân đội thực dân Pháp ở Đông Dương.

Tàn quân VNQD Đảng đã chạy trốn vào rừng. Họ tìm đường sang Tàu theo ngã đường Lào Cai, Lạng Sơn. Báo chí Hà Nội không dám phê phán những vụ ném bom khủng khiếp này, chỉ đưa tin, không bình luận. Trong nhân dân đã truyền tụng bài thơ mà họ cho rằng đây là Sấm của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Kìa kìa gió thổi lá rung cây

Rung Bắc rung Nam rung tới Tây

Tan tác kiến kiều an đất nước

Xác xơ cổ thụ sạch am cây

Lâm giang nổi gió mù thao cát

Hưng địa tràn dâng hóa nước đầy

Một ngựa một yên ai sùng bái

Nhắn con nhà vĩnh bảo cho hay.

Theo các cụ đồ nho giảng giải thì trong bài Sấm này, cụ Trạng Trình đã chỉ rõ cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng tại Kiến An, Lâm Thao, Hưng Hóa, Yên Bái và cuộc dội bom xuống làng Cổ Am. Hai chữ Vĩnh Bảo là nói về Hoàng Gia Mô –cháu nội Hoàng Cao Khải – làm tri huyện ở Vĩnh Bảo (Hải Dương) đã bị VNQD Đảng giết chết. Ở Sài Gòn, tờ báo đầu tiên dám đăng bài báo này là tờ Phụ Nữ Tân Văn của bà Nguyễn Đức Nhuận, mà chủ bút là Phan Khôi.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com