VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC - 3.Một chuyện tình lãng mạn

Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC - 3.Một chuyện tình lãng mạn

Mục lục
Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC
Lời nói đầu
1.Một vụ ám sát chấn động Hà Nội
2.Vạch trời một tiếng thét vang
3.Một chuyện tình lãng mạn
4.Bản án dành cho kẻ “không giữ lời thề”
5.Không thành công cũng thành nhân
6.Vung súng gươm chọc trời Yên Bái
7.Vào sinh ra tử biết bao phen
8.Nguyễn Thái Học bị bắt
9.Hồn thiên thu thác cũng như còn
Tất cả các trang

3

Một chuyện tình lãng mạn

Nguyễn Thái Học đã trở thành linh hồn của Đảng. Các ủy ban được bầu vào Tổng bộ lâm thời bắt đầu hoạt động ráo riết. Ban tài chánh phụ trách nâng cao tài chánh của Đảng bằng mọi phương tiện. Ban ám sát phụ trách thủ tiêu những cá nhân có thể nguy hại cho Đảng hay xứ sở… Thời gian này, ban ngoại giao đã mở rộng quan hệ với các đảng phái yêu nước tại hải ngoại cũng như trong nước. Tổng bộ quyết nghị cử ba đại biểu sang Thái Lan là: Hồ Văn Mịch, Nguyễn Ngọc Sơn, Phạm Tiềm. Sau đó, họ liên lạc với Nguyễn An Ninh ở Nam Kỳ, Nguyễn Thế Truyền ở Bắc Kỳ… Thậm chí Nguyễn Thái Học còn phái cả Chu Dưỡng Bình sang Quảng Tây để liên hệ với nhà chức trách địa phương ủng hộ cho hoạt động của Đảng. Nhưng rồi những liên lạc tích cực ấy không đem lại một kết quả đáng kể nào. Trong thời gian này, cụ Phan Bội Châu đang bị thực dân bắt an trí tại Bến Ngự (Huế) nhưng uy tín của cụ vẫn còn lừng lẫy trong công chúng. Nguyễn Thái Học nói với các đồng chí của mình:

- Khi còn ở bên Tàu, cụ Phan đã lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng chỉ mới dừng ở tên gọi. Sau vụ ám sát tên Merlin thì ngày 23-6-1924 cụ đã công bố “thư thanh minh của Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Còn chúng ta mới thật sự đứng ra thành lập Đảng. Vậy chúng ta tại sao không vào Huế mời cụ làm Danh dự chủ tịch Đảng?

Ý kiến sáng suốt đó đưa ra được mọi người tán thành ngay. Tháng 10/1928, Đảng đã cử Đặng Đình Điển vào Huế gặp cụ Phan. Trước khi phái viên này lên đường, Nguyễn Thái Học dặn dò:

- Nhiệm vụ của anh vào gặp cụ Phan là nhiệm vụ của Đảng đã giao phó. Tuyệt đối không được để bọn mật thám theo dõi và phát hiện được nhé. Anh gặp cụ Phan thì nói rằng, lớp hậu sinh của cụ nhờ cụ giúp cho hai việc. Thứ nhất nhờ cụ đứng ra, đem oai quyền đạo đức mà thống nhất các Đảng lại. Thứ hai là về phương diện ngoại giao, nhờ cụ giới thiệu chúng ta làm quen với các yếu nhân ở ngoại quốc như Khuyển Dưỡng Nghị, Cung Kỳ Di Tàng ở Nhật, Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ ở Tàu, v.v…

Đặng Đình Điển đã mang sứ mệnh của Đảng giao phó đi tìm gặp cụ Phan. Cụ vui vẻ và đồng ý nhận làm những trọng trách mà VNQD Đảng đã đề nghị. Cụ nói:

- Tôi già yếu thật, lịch sử đời tôi là một chuỗi thất baại, nay được hậu sinh tin tưởng đặt nhiệm vụ nặng nề, lẽ nào tôi từ chối.

Cụ bùi ngùi ngâm bài thơ “Vào thành” mang nặng tâm sự chim lồng cá chậu của những ngày cuối đời.

Vào thành ra cửa Đông

Xe ngựa chạy tứ tung

Vào thành ra cửa Tây

Sa gấm rực như mây

Vào thành ra cửa Nam

Áo mũ đỏ pha chàm

Vào thành ra cửa Bắc

Mưa gió đen như mực

Dạo khắp trong và ngoài

Đàn địch vang tai trời

Đau lòng có một người

Hỏi ai? Ai biết ai?

Ngâm xong bài thơ cụ thở dài, buồn não ruột. Đặng Đình Điển thưa:

- Thưa cụ, đạo đức và uy tín của cụ vẫn là chỗ dựa của anh em VNQD Đảng, mong cụ có những lời chỉ bảo cho đám hậu sinh.

- Vâng, nếu còn giúp ích được việc gì cho Tổ quốc thì tôi xin hết sức phục tòng mệnh lệnh của Đảng.

Khi chia tay, cụ đã trao cho Đặng Đình Điển một tấm danh thiếp phía sau có ghi bốn chữ “khả dĩ đoạn kim” phòng khi Đảng có phái người vào gặp cụ thì cầm thiếp này làm tin. Sự tham gia của cụ Phan Bội Châu đã làm cho Đảng tăng uy tín lên rất nhiều.

Thiết trưởng cũng nên nhắc lại vai trò của cụ Phan đối với việc sát nhập của Hội Việt Nam Dân Quốc do Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo vào VNQD Đảng – mà sau này, Nguyễn Khắc Nhu đã trở thành một trong những yếu nhân sáng chói của tổ chức này.

Năm 1903, trên bước đường tuyên truyền liên kết với các anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, cụ Phan Bội Châu đã đến gặp cụ Cử Đường ở Kinh Bắc, để bàn tính việc công việc cho phong trào Đông Du. Nhân dịp này cụ Phan đã nhờ cụ Cử Đường tìm cho một người thông thạo đường đi nước bước, để đưa lên đồn Phồn Xương gặp Đề Thám mưu việc lớn. Người đưa đường chính là Nguyễn Khắc Nhu. Để bảo đảm an toàn cho cụ Phan, Nguyễn Khắc Nhu đã tìm đường tắt xuyên rừng, tránh những trạm kiểm soát của Pháp. Haithầy trò đã xuyên qua vùng thượng du Bắc Giang với nhiều rừng rậm để đến đồn Phồn Xương. Sau chuyến đi này, Nguyễn Khắc Nhu tham gia phong trào Đông Du. Năm 1907, cùng 17 thanh niên khác, Nhu bí mật vượt biên sang Quảng Tây để đi Nhật học tập quân sự. Nhưng do sự trục trặc trong thông tin nên phái đoàn này không gặp được cụ Phan, cuối cùng những thanh niên yêu nước này bị bọn chỉ điểm của thực dân phát hiện và yêu cầu Tổng đốc Quảng Tây bắt giữ trả về Việt Nam. Sau khi về nước, Nguyễn Khắc Nhu về ở hẳn tại quê nhà là làng Song Khê (Hà Bắc) và hoạt động cách mạng – do đó anh còn có tên là Song Khê. Năm 1926, có hai phái viên của cụ Phan tìm đến Nguyễn Khắc Nhu và nêu câu hỏi: “Với tình hình trước mắt, chúng ta nên hành động ra sao để đưa phong trào cách mạng lên cao?”. Sự gặp gỡ này đã đem đến một kết quả là Nguyễn Khắc Nhu đã thành lập một hội lấy tên là “Quốc dân dục tài”. Hội này đã kết nạp thêm một số đồng chí thời Đông Du, một số dư đảng của cụ Hoàng Hoa Thám và một số binh lính có tinh thần chống Pháp quyết liệt nên sau đó họ đổi tên thành “Việt Nam Dân Quốc”.

Việc gia nhập của Việt Nam Dân Quốc vào VNQD Đảng xét ra cũng là một tất yếu của lịch sử. Vì năm 1926, khi phái viên của cụ Phan gặp Nguyễn Khắc Nhu thì có truyền đạt lại hai lời khuyên: chú trọng đào tạo nhân tài và thành lập một Đảng theo kiểu Trung Hoa Dân Quốc. Xét thấy tôn chỉ của VNQD Đảng mà đứng đầu là Nguyễn Thái Học cũng hoạt động theo đường lối như thế và ủng hộ chủ trương bạo động của mình, nên Nguyễn Khắc Nhu sáp nhập toàn bộ tổ chức của mình vào VNQD Đảng. Sự việc này diễn ra vào đầu năm 1928 đã làm cho VNQD Đảng lớn mạnh lên và có những thay đổi lớn trong Đảng. Nếu VNQD Đảng với nhóm Nam Đồng Thư Xã làm nòng cốt bao gồm những nhà văn, nhà báo, tư sản thành thị chủ yếu là đấu tranh công khai trên báo chí,  nghị trường thì việc gia nhập của Việt Nam Dân Quốc đã làm VNQD Đảng nghiêng hẳn về phía khởi nghĩa vũ trang. Nếu thành phần gia nhập VNQD Đảng chỉ mới dừng lại ở những dạng sinh hoạt tại thành thị thì nay thêm đông đảo những người chân lấm tay bùn ở nông thôn, v.v…

Chính từ sự sáp nhập này, Nguyễn Thái Học đã làm quen với nữ đồng chí của Hội Việt Nam Dân Quốc. Đó là chị Nguyễn Thị Giang (thường được gọi là Cô Giang) mở đầu cho một thiên tình sử lãng mạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Thái Học. Cô Giang sinh năm 1906 em ruột cô Bắc quê ở Bắc Giang. Hai chị em cùng tham gia tích cực trong việc tuyên truyền liên lạc giữa các đảng viên và các cơ sở Đảng ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Yên… Khuôn mặt tuy hơi bị rỗ huê, nhan sắc không mặn mòi nhưng cô Giang ăn nói rất duyên dáng, lịch thiệp. Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai người đã nổ ra tiếng sét ái tình. Phàm trai tài gái sắc phải lòng nhau cũng là chuyện thường tình trên đường đời.

Sự thật, thời còn nhỏ, bố mẹ Nguyễn Thái Học đã cưới vợ cho anh là cô Nguyễn Thị Cửu. Năm 1927, khi đứng ra thành lập Đảng thì anh ly hôn với vợ - vì không muốn đem cuộc đời sóng gió, bất trắc hiểm nguy mà làm lụy đến một người đàn bà. Hơn nữa, hôn nhân này xảy ra do sự sắp xếp của bố mẹ hơn là thúc đẩy của tình yêu. Do đó, khi anh đến với Cô Giang chính là đã tìm được một người bạn đời, cùng chí hướng và từ lời khuyên bảo của trái tim.

Vào một buổi chiều mùa hè trên đường từ Phú Thọ trở về miền xuôi, Nguyễn Thái Học cùng Cô Giang ghé vào đền Hùng để hội đàm cùng Phó Đức Chính, Nguyễn Thế Nghiệp, Lê Hữu Cảnh. Họ bàn bạc về vấn đề phải nhanh chóng thành lập ban binh vụ, phụ trách huấn luyện quân sự các đảng viên, để tổ chức những đội quân quyết tử, những đơn vị chiến đấu. Sau khi họp xong, thì anh cùng Cô Giang ra ngoài hóng gió, họ đã vào đền thờ Tổ chiêm bái. Trước nhang khói trang nghiêm, hai người cùng thề non hẹn biển, sẽ cưới nhau thành vợ thành chồng sau khi cách mạng thành công. Sau một lúc suy nghĩ, Cô Giang rụt rè nói với Nguyễn Thái Học:

- Nếu anh đã tin và yêu em thì anh có thể cho em được đeo súng lục giống như anh không?

Anh đăm chiêu hỏi:

- Đeo súng trong người à? Công tác của em không cho phép làm điều đó vì dễ bị phát hiện.

Cô Giang trả lời chậm rãi:

- Vâng, em cũng đã từng suy nghĩ như thế. Nhưng từ giây phút này, em xem như đã là người vợ chính thức của anh, dù chúng ta chưa làm lễ cưới với sự chứng giám của gia đình và của tổ chức. Nhưng thưa anh, khi lao vào con đường hoạt động cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa đất nước ra khỏi ách áp bức thì chúng ta phải đương đầu với tù đày và chết chóc. Em vẫn tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu quyết liệt này, nhưng chúng ta có còn sống đến ngày vinh quang của Tổ quốc hay không? Nên em muốn…

Cô Giang nói đến đây thì im lặng, khẽ thở dài. Nguyễn Thái Học cũng đã hiểu ý của người yêu. Anh nhìn lên bàn thờ Tổ và nói nhỏ bằng tiếng Pháp vì anh không muốn những người xung quanh nghe được – dường như anh tâm tình với Cô Giang trong giây phút t hiêng liêng này.

- If faut faire la Révolution! Il faut faire la Révolution! Pour que les Annamites ne soient plus des esclaves, pour que les Francais ne soient plus des oppresseurs… Il faut faire la Révolution!

Những giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt nghiêm nghị và quyết đoán của anh. Cô Giang như uống lấy từng lời của người chồng tương lai lại là cấp trên của mình. Phải làm Cách mạng! Phải làm Cách mạng! Để người An nam hết làm nô lệ, để người Pháp không còn áp chế tàn bạo nữa. Phải làm Cách mạng! Cô Giang cúi đầu nói nhỏ:

- Vâng, chỉ có một con đường duy nhất là làm Cách mạng. Nếu anh có vì Tổ quốc mà hy sinh thì em cũng quyết dùng khẩu súng lục của anh trao mà chết theo…

Từ giây phút đó hai trái tim đầy nhiệt tình cách mạng đã đập chung một nhịp. Năm đó Cô Giang vừa tròn mười tám xuân. Sau lần gặp gỡ này, một hôm Nguyễn Thái Học bảo người yêu của mình:

- Đảng chúng ta cần có sự tham gia của binh lính thì sau này mới có thể tính việc khởi nghĩa. Anh truyền lệnh cho em phải lôi kéo được viên Quản hoặc viên Đội Nhất, Đội Nhì có uy tín trong lính khố xanh để họ gia nhập Đảng ta. Và chính họ, chứ không ai khác sẽ làm công việc đưa toàn bộ binh sĩ của họ gia nhập vào Đảng. Đây là một việc rất gian khó. Em có làm được không?

Cô Giang thưa:

- Anh là Đảng trưởng, anh ra lệnh thì em xin chấp hành tuyệt đối.

Nguyễn Thái Học không trả lời vội. Anh nâng điếu cày lên và rít một hơi thuốc lào thật dài. Ngửa mặt lên trời, anh nhả hơi khói bay và trầm ngâm nói:

- Anh lấy tư cách là Đảng trưởng giao phó cho em công tác sau đây: Trong vòng ba tháng em phải lôi kéo cho bằng được đồn lính khố xanh Yên Bái gia nhập Đảng ta. Suốt thời gian công tác, em không được liên lạc với anh, bất cứ ở nơi nào.

Cô Giang mỉm cười và trả lời cương quyết:

- Em xin tuân lệnh.

Trước lúc chia tay, Nguyễn Thái Học nói nhỏ:

- Em ạ, nhiệm vụ này chỉ có em mới thực hiện được đấy nhé! Phải có lính khố xanh, khố đỏ được giác ngộ thì họ sẽ là một lực lượng nội ứng khi chúng ta tiến hành tổng khởi nghĩa. Khẩu súng lục anh đã trao cho em thì em hãy gìn giữ cẩn thận đề phòng lúc bất trắc…

- Vâng, em đã thông suốt nhiệm vụ anh giao phó. Riêng về khẩu súng này thì em xem như là vật đính hôn của đôi ta.

Nguyễn Thái Học cầm tay Cô Giang và siết mạnh. Họ nhìn vào mắt nhau và mỉm cười.

Cô Giang từ giã người yêu và bắt đầu tìm đường lên Yên Bái. Bấy giờ là mùa đông. Thành phố ướt đẫm sương mù. Trời rét. Lạnh thấu xương. Mưa phùn. Ban đêm có những người đàn bà hàn rong bán mía lùi. Phải là loại mí mưng thì mới ngon. Mía mưng này nổi tiếng trong câu ca dao huê tình:

Nhà em có giậu mía mưng

Có con chó dữ anh đừng vô ra

Mía mưng này được chặt ra từng khúc dài hai gang tay, lùi trong than nóng hoặc được đem luộc. Hai món quà dân dã này rất được mọi người yêu thích. Cắn một miếng thì môi đang thâm tím vì lạnh, sẽ bừng bừng nóng lên, hàm răng đang đánh lập cập thì cảm thấy dễ chịu ngay. Đầu lưỡi rần rần bởi mùi vị thơm dịu và ngọt lịm. Nhai xong miếng này, lập tức người ta muốn cắn thêm một miếng nữa. Ngon tuyệt. Vừa ngọt lạivừa ấm miệng. Mỗi khúc mía lùi này bán chỉ một xu. Cô nữ sinh Nguyễn Thị Giang bắt đầu bỏ học để đi bán hàng rong ban đêm, từ sau buổi chia tay với Nguyễn Thái Học. Chỗ cô thường hay nồi đặt gánh hàng của mình là dưới một vòm cây sao, lá rợp, chỉ cách đồn lính khố xanh vài chục bước chân. Nhiều binh lính đã mê hương vị mía lùi của cô, vì cô có bỏ vào trong thùng nước mía những bông bưởi nên thơm thoảng thoảng khi cắn khúc mía.Và nhất là mê luôn giọng nói “chết người” của cô bán hàng. Những người lính này thường buông những lời cợt nhả, bông đùa nhưng chẳng lúc nào cô cau có. Một hôm người lính ngồi xổm trước gánh hàng của cô, hắn mê cô nhưng chưa một lần dám tỏ tình. Hôm nay, nhờ có men rượu nên hắn sật sừ và táo bạo vuốt má cô.

- Cô em duyên dáng quá làm vợ anh không?

Cô Giang nghiêm mặt:

- Anh đừng đùa như thế. Tôi là gái đã có chồng. Gái chính chuyên chỉ thờ một chồng…

Hắn bật lên tiếng cười khả ố:

Có chồng thì mặc có chồng

Nơi đây vắng vẻ anh bồng anh hôn!

Cô Giang vén tóc lại gọn gàng và đáp:

- Vâng, người ta chỉ hôn nhau khi đã yêu nhau chứ? Tôi không cho phép anh làm điều đó. Hơn nữa thiên hạ có nói về các anh như thế này.

Hắn hỏi ngay:

- Họ nói sao? Nói rằng làm vợ lính thì sướng lắm phải không?

- Chả biết có sướng hay không nhưng có bài vè như thế này. Anh có muốn nghe không?

- Vâng! Xin mời cô em cứ đọc!

Cô Giang khéo léo đáp:

- Ồ! Phải đông người kia chứ, tôi mới đọc cho nghe. Bài vè này hay lắm!

Thế là hắn gọi những đồng đội của mình bu quanh gánh hàng của cô. Chẳng mấy chốc họ đến cũng dăm bảy người, vừa ăn mía, vừa chờ đợi giọng đọc vè của cô bán hàng rong này. Đây là bài vè của trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã tuyên truyền những năm trước mà Cô Giang còn nhớ được. Thế là cô nói:

- Bài ấy như thế này nhé! Tôi đọc qua một lần nhé! Ai mà thuộc thì được thưởng.

Binh lính nhao nhao lên:

- Nào thưởng cho tớ những gì cô em? Một nụ hôn nhé!

Cô Giang không đáp và bắt đầu đọc:

Các chú tập binh

Chú ở An Nam sinh

Chú ở An Nam trưởng

Chú sung chú sướng

Chú hả chú hê

Chú mãn hạn về

Thuế sưu chú chết

Rồi chú quệ kiệt

Thân thích chú xác xơ

Chú nghĩ đã biết chưa?

Tây công ơn gì chú

Tây thương yêu gì chú!

Bài vè vừa đọc dứt thì mọi người cùng im lặng. Không rõ những người lính này buồn hay vui, nhưng một cách vô tình cô hàng rong này lại nhắc đến thân phận của họ, mà những năm tháng trôi qua họ đã cố quên đi… Đã có tiếng kẻng điểm danh, mọi người lục tục kéo nhau vào đồn. Cô Giang cũng đã bán hết mía và đứng lên ra về. Cứ từng ngày như thế, mỗi ngày cô tâm sự với họ những điều mà trước đây không ai nói với họ. Trong số những người lính này có một ông Cai cũng mê tít Cô Giang. Ông ta tên là Cai Hoằng. Nhớ lời dặn dò của Nguyễn Thái Học nên cô khéo léo lấy lòng Cai Hoằng. Biết Cai Hoằng mê nghe hát, nên đêm nào có ông ta thì Cô Giang cũng khẽ hát theo điệu Bình bán bài ca như thế này:

- Thầy cai ơi! Em hát tặng thầy cai bài này nhé!

Ông ta tít mắt lại, gióng tai lên mà nghe giọng hát ngọt như mía lùi:

Ta là dân nước Nam

Giống Lạc Hồng phải bước lầm than

Làm sao giết lũ tham tàn

Thế rồi đây đời mới an

Nghĩ câu nước mất nhà tan

Sáu mươi năm trong vòng nô lệ

Cái lũ tham tàn rất tệ

Bắt dân mình cực khổ xiết bao

Nào anh em ta đứng lên đi nào

Ta đồng lòng giành lại giang san!

Thoạt mới nghe qua, Cai Hoằng dựng tóc gáy. Ông ta sợ. Nhưng rồi giọng nói nhỏ nhẹ của cô bán hàng lại rót vào tai. Dần dần Cai Hoằng được giác ngộ và qua ông ta, hơn ba trăm lính khố xanh được tuyên truyền tư tưởng cách mạng.

Đúng thời gian mà Nguyễn Thái Học đã giao phó, Cô Giang đưa Cai Hoằng đến và nói:

- Thưa anh, đây là một đồng chí mới của Đảng ta, đại diện cho hơn ba trăm năm mươi người lính ở đồn Yên Bái.

Nguyễn Thái Học đã siết tay Cai Hoằng và giao nhiệm vụ cho đồng chí mới. Và qua những người được giác ngộ như Cai Hoằng, VNQD Đảng đã có những địa đồ quân sự, những súng ống và cách thức chế tạo vũ khí để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa sau này. Chính vì lẽ đó, trong khi truy nã Nguyễn Thái Học và những nhân vật quan trọng của Đảng, Sở mật thám Pháp đã nhân định: “Các giáo viên, các binh sĩ như hai cây cột chống đỡ mái nhà Đông Dương. VNQD Đảng đã làm lay chuyển hai cột ấy. Nguy hiểm nữa là những kẻ được rủ rê. Họ nếu có vào thì vào, bằng không thì cũng chẳng ai đi tố cáo với nhà đương cục. Sự im lặng đó khác nào đồng mưu”. Để có những nhận định này, bắt đầu từ một tên đội được giác ngộ phụ trách sân bay Bạch Mai, nhưng đã phản Đảng ra tố cáo với Pháp. Hắn tên là Đội Dương. Do cách tổ chức của VNQD Đảng nên Đội Dương chưa chỉ điểm thêm những binh lính ở nơi khác, những đồn lính khác. Nhờ vậy, có thể nói, năm 1928 mọi việc đều được tiến hành êm xuôi.

Nguyễn Thái Học ngày đêm lao vào công việc củng cố và xây dựng Đảng. Tuy vậy, anh vẫn là người rất dễ ngủ. Khi cần ngủ, chỉ cần đặt lưng xuống là anh ngáy khò khò ngay. Anh thường nói: “Không ngủ thì chết mất. Còn làm sao được việc đời, việc Đảng?”. Nói xong, anh nằm sấp xuống, hai chân quặp vào mông và ngủ ngon lành.

Và cũng trong thời gian này, Nguyễn Thái Học cùng đồng chí của mình thành lập tờ báo Hồn Cách Mạng, in bằng thạch bản và phát hành ngầm trong Đảng lẫn bí mật chuyền đến tay công chúng. Tờ báo này đặt ở đường Sơn Tây, do Đoàn Trần Nghiệp (tức Ký Con) trông nom phần ấn loát. ngoài ra, Nguyễn Thái Học còn phân công cho Nhượng Tống viết quyển Cách Mạng Tiền Thanh, kể 32 tội ác của thực dân bằng lập luận thuyết phục và đanh thép. Khi sách được in ra và phát hành vào tận Nam Kỳ, Trần Huy Liệu nhận được lệnh của Đảng là phải lặn lội đem vào Huế, tìm cụ Phan để hỏi về việc in bản chữ Nho nhằm phát hành rộng rãi sang Trung Quốc.

Bên cạnh những việc làm đó, VNQD Đảng còn chủ trương mở khách sạn Việt Nam – làm nơi kinh tài cho Đảng. Ngày 30-9-1928, khách sạn chính thức khai trương - bằng tiền vốn quyên trong anh em, người đóng góp nhiều nhất là Đặng Đình Điển - tại ngôi nhà số 39 phố Hàng Bông Đệm. (*)**** Nay là phố Hàng Bông.******* Tất cả nhân viên phục vụ trong khách sạn đều là người của VNQD Đảng. Thời bấy giờ, nếu không kể những khách sạn của ngoại quốc ở Hà Nội thì đây là một khác sạn lớn vào bậc nhất. Ban đầu thực khách đến rất đông, vì món ăn được nấu rất ngon mà giá cả lại phù hợp với túi tiền người bình dân.

Việc thành lập khách sạn này không lọt qua mắt các thám tử thuộc Sở mật thám Bắc Kỳ. Lập tức chúng giăng ra một mạng lưới theo dõi. Nghi ngờ VNQD Đảng sẽ tổ chức một hội nghị tại khách sạn này, nên từng đêm chúng đã bí mật leo lên mái ngói để theo dõi. Quả thật ngày 1-1-1929, có một kế hoạch như thế và biết rằng chúng sẽ đột nhập xuống, nhưng cao tay ấn hơn, vào phút chót Nguyễn Thái Học quyết định thay đổi nơi hội họp nên những con chó săn đã tẽn tò. Bắt hụt lần này, bọn thám tử càng điên lên, không có chứng cứ quả tang khách sạn này là nơi làm kinh tài cho Đảng nên chúng đã tung tin phá hoại về mặt kinh tế: đây là nơi tụ tập của những người làm “hội kín”, do đó thực khách sợ bị liên lụy nên không dám lui tới nữa. Khách sạn dần dần vắng khách. Và nó chỉ tồn tại đến ngày tên Bazin bị đảng viên VNQD Đảng ám sát vào chiều ba mươi Tết năm 1929.

Thực dân Pháp đã mở Hội đồng đề hình để xét xử những đảng viên VNQD Đản mà chúng đã bắt được sau vụ án động trời này. Thực dân đã cho in hình Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu phân phát khắp nơi để truy nã, treo giải thưởng 5.000 đồng - trị giá khoảng trên dưới 1.000 tạ gạo ngon, và ban phẩm hàm cho kẻ nào bắt được lãnh tụ VNQD Đảng.

VNQD Đảng đang đứng trước một thử thách lớn.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com