VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương sáu

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương sáu

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương sáu

“Vết dầu loang” - nghĩa quân thất thế

Bắt sống Tây buộc Pháp phải giảng hòa.

      Những trận đánh chọc trời khuấy nước của nghĩa quân Đề Thám đã làm chính phủ Bảo hộ mất ăn, mất ngủ. Đại tá Galliéni được phái sang Đông Dương. Thống chế Franchet d’Espéey đã nhận định về hắn như sau: “Với đại tá Galliéni thì không có chiến bại. Là người đã từng chiến thắng vẻ vang ở Soudan, nay đại tá lại được ủy nhiệm sang xứ Bắc Ninh để bình định hết khu vực nầy đến khu vực khác. Chính Lyauty được đi theo đại tá trong những cuộc hành quân, ông ta hết sức ngưỡng mộ phương pháp bình định của Galliéni. Đó là một kế hoạch tiến quân táo bạo, song song với việc mở chợ, cấp phát đất đai… khiến cho công cuộc bình định tiến tới và lan rộng như một vết dầu loang. Phương châm của đại tá: quân sự được phối hợp với chính trị một cách chu đáo nhuần nhuyễn”. Còn thiếu tá Lyauty phát biểu: “Tôi là tông đồ, là kẻ cầm cờ theo ý kiến của người”. Thực dân đã tán tụng đại tá Gallieni như một ông tướng lỗi lạc, người đã đẻ ra chiến thuật “Vết dầu loang” nổi tiếng - nhờ như vậy, sau nầy hắn đã được truy phong Thống chế!

      Cha đẻ của chiến thuật vết dầu loang chính thức nhảy vào cuộc đối đầu với Đề Thám.

        Bằng con mắt của một nhà quân sự tinh đời, hắn đã nhận định chính xác: Lũng Lạt (Lạng Sơn) là một căn cứ quan trọng của nghĩa quân, chỉ sau Yên Thế. Nếu đánh chiếm được Lũng Lạt thì quân Pháp sẽ bảo vệ được đoạn cuối của con đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và làm chủ được tình hình ở núi Cai Kinh. trước khi quyết định mở cuộc tấn công nầy thì hắn nhận được một thông tin quan trọng là sau khi Cai Kinh chết đi thì Hoàng Thái Ngân đã lên chỉ huy. Tại căn cứ nầy, Ngân đã dung túng và chứa chấp ngay tại doanh trại bọn thổ phỉ. Điều nầy đã khiến cho dân chúng oán ghét và hiểu sai về phong trào Cần Vương giúp nước.

       Với kế hoạch vết dầu loang, Gallieni quyết định xóa sổ Lũng Lạt. Ba cánh quân hùng hậu với hàng vạn binh sĩ bị đẩy vào chiến cuộc. Ngày 6-1-1894 chính hắn đến Phủ Lạng Thương và ra lệnh cho thiếu tá Barre đi dọ thám tình hình của đối phương. Mặt khác, hắn sai quan tri phủ huyện Lục Nam càn quét vùng Len Đài để phân tán lực lượng đối phương.

         Trước tình thế đó nghĩa quân từ Len Đài phải rút về Lũng Lạt. Họ tổ chức lại phòng thủ, chia thành bốn đội chiến đấu. Mỗi đội có 200 tay súng và một đơn vị chỉ huy gồm 40 người ở Tổng hành dinh. Ngoài ra còn có hai chi đội. Mỗi chi đội có 100 tay súng án ngữ hai ngã chính vào Lũng Lạt. Ngoài ra còn có một số quân trinh sát bám những ngọn núi cao để quan sát hướng hành quân của giặc Pháp.

         Sáng ngày 8-1, đại úy Delaunay và một trung đội tiến vào Trấn Yên thì bị phục kích. Y bị trúng đạn chết tại trận với ba người lính khác, một số bị thương nên phải bỏ chạy tán loạn. Thiếu tá Barre tức tốc chia ba cánh quân vào tiếp viện cho Trấn Yên và hùng hổ càn quét Hung Len, Bản Lộ. Lợi dụng lúc giặc chưa kịp tập trung vào mục tiêu đã định, nghĩa quân đã đánh thốc vào cánh quân ở Trấn Yên do đại úy Brodiez chỉ huy. Hai bên giao chiến nhau ác liệt, nhưng đến vài ngày sau không thể nhận được tiếp tế nên đêm 13 rạng 14-1, Brodiez phải tháo chạy…

       Trận đánh đầu tiên nầy đã khiến Gallieni nổi giận. Hắn kỷ luật thiếu tá Barre đưa về tuyến sau và cho trung tá Chapelet lên thay thế. Qua thất bại ở Trấn Yên, Gallieni đã thấy khó khăn nhất hiện nay là vấn đề tiếp tế. Chiến thuật vết dầu loang của hắn đã từng nhận định: mở một cuộc hành quân đi sâu vào rừng núi với địa thế hiểm trở, đường đi gập ghềnh khấp khểnh và thường xuyên bị phục kích thì vấn đề tiếp tế phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, hắn quyết định mở ngay tại địa điểm sát mặt trận những kho lương thực, đạn dược với âu lo là những kho nầy chỉ được lợp bằng lá sơ sài thì khó giữ được an toàn.

          Điều âu lo đó đã đến. Những kho quân nhu ở Than Moi bất ngờ bị nghĩa quân đột kích đốt cháy hết. Kế hoạch đánh vào Lũng Lạt vì thế phải hoãn lại một tháng. Không còn cách nào khác, trong đợt hành quân mới, Galliéni đành cho những đội tiếp tế đi theo sau quân chủ lực.

           Từ trên đài quan sát ở những mỏm núi cao, trinh sát của nghĩa quân đã phát hiện các mũi hành quân nầy. Nhìn thấy ba cánh quân quá hùng hậu, các đơn vị ở tiền đồn Trấn Yên, Mỏ Nhài, Hung Len, Bản Lộ đều được lệnh rút nhanh về Lũng Lạt. Giặc Pháp đến chiếm những vị trí nầy đều không tốn một viên đạn. Không một tiếng súng nổ giao tranh.

       Khi đó, tại Tổng hành dinh, ban chỉ huy Lũng Lạt nhận định nếu bị vây ngặt quá thì rút lui theo con đường phía Tây mà chạy qua Chợ Chu – địa phận của Lương Tam Kỳ. Suy nghĩ như thế nên Hoàng Thái Ngân cho nghĩa quân trụ lại vị trí chiến đấu.

          Ba cánh quân của giặc hùng dũng tiến lên. Vòng vây bắt đầu siết chặt. Súng bắt đầu nổ. Quân Pháp vẫn dè dặt không dám chiếm mục tiêu cho dù hỏa lực của chúng đang áp đảo. Cuộc chiến kéo dài đến tối mịt. Rừng núi âm u chìm trong tiếng nổ đinh tai nhức óc. Lợi dụng bóng đêm, nghĩa quân tìm đường rút lui. Nhưng không may cho họ vì trước đây Hoàng Thái Ngân đã dung túng, chứa chấp cho bọn thổ phỉ cướp bóc, làm bậy nên dân chúng oán ghét. Trước khi đánh Lũng Lạt, Galliéni đã cung cấp cho dân chúng súng đạn và xúi giục họ đánh trả lại nghĩa quân. Do đó, trên đường rút chạy theo kế hoạch định trước, khi qua Vũ Đích, Vũ Sơn, Tam Trì…. nghĩa quân đã lọt vào ổ phục kích của dân chúng. Hoàng Thái Ngân trúng đạn chết.

         Tờ mờ sáng hôm sau, khi nghĩa quân rút lui thì Gallieni cho xung phong chiếm Lũng Lạt. Lên đến nơi, chúng chỉ gặp một vùng vắng ngắt. Pháo lũy đổ nát. Không một bóng người. Mẻ lưới tung ra không bắt được con cá nào. Không một phút chần chừ chậm trễ, Gallieni cho quân đuổi theo truy kích.

       Kế hoạch vết dầu loang bắt đầu tỏ ra có hiệu nghiệm. Căn cứ Lũng Lạt hoàn toàn bị tiêu diệt. Giặc Pháp liền cho xây một loạt pháo đài kiên cố và chiếm đóng các ngã giao thông trọng yếu. Mất Lũng Lạt có nghĩa là chiến khu Yên Thế đang đặt vào tình trạng báo động. Đề Thám biết tin nầy rất trễ, mấy ngày sau ông ra lệnh cho một đội quân từ Trí Lễ chạy lên đánh thẳng vào Lũng Lạt, nhưng khi mới đến Trấn Yên thì bị quân Pháp đánh tan.

           Tin chiến thắng Lũng Lạt đã được Chính phủ Pháp tại Hà Nội đón nhận rất lạc quan. Trong năm 1894 nầy chúng hí hửng cho rằng công cuộc bình định phong trào kháng chiến đang diễn ra rất thuận lợi. Quan kinh lược Hoàng Cao Khải cũng hí hửng không kém, hắn cho tổ chức ngày hội lớn ngay tại chùa Quan Thánh để “tượng trưng cho sự bình định Bắc Kỳ của chính phủ Bảo hộ”. Và chính phủ Bảo hộ chính thức tuyên bố đặt nước An Nam dưới sự “bảo hộ” của Mẫu quốc bằng cách phá thành Hà Nội. Một di tích quý báu là niềm tự hào của nhân dân cả nước được xây từ năm 1010. Từ chiến khu Yên Thế, Đề Thám đã rưng rưng nước mắt khi được nghe bài thơ thời sự rất đau lòng.

Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long

Vượng khí ngàn năm có còn không?

Một cửa còn trơ hai thánh miếu

Một thành sót lại một hoàng cung

Những ngao ngán nỗi cho ông Bạch

Cũng gớm ghê cho của chị Hồng

Còn biết đâu là nền bá đế

Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long

       Đề Thám thừa biết rằng, trong mắt chính phủ Pháp thì dứt khoát họ sẽ không để cho ông yên. Vì vậy, ông hạ lệnh cho nghĩa quân co cụm lại để bảo toàn lực lượng. Càng tránh đụng độ với Gallieni càng tốt, mà chủ yếu ra sức phá hoại đường sắt Hà Nội –Lạng Sơn. Nếu con đường nầy hoàn thành thì vấn đề vận chuyển súng đạn, lương thực sẽ nhanh lên gấp bội và đặt nghĩa quân vào tình thế nguy ngập hơn. Ngày 17-9-1894, Đề Thám cho một số quân dưới quyền chỉ huy của Bang Kinh phục kích hai bên đường xe lửa, đoạn giữa Suối Ghềnh – Bắc Lệ.

         Lúc 4 giờ chiều, trước lúc xe lửa chạy thì có một chiếc lorry (xe goòng) thong dong tiến tới. Đằng sau có chở theo hai người Pháp, họ lên thăm đồn điền mà họ vừa trúng thầu. Hai người Pháp nầy là thương gia Chesnay – chủ nhiệm tờ L’avenir du Tonkin và Logiou, chủ thầu khoán đường sắt Lạng Sơn. Khi vừa đến cây số 33,200 thì nghĩa quân trong rừng bắn tới tấp. Người đạp xe goòng trúng đạn chết tại chỗ. Còn Chesnay và Logiou đang thất thần chạy lúp xúp né đạn. Chạy đâu cho thoát? Họ bị nghĩa quân ùa ra vây bắt và đem giấu trong rừng. Cũng liền lúc đó Bang Kinh cho chặt cây, chẹn đá để cản chuyến xe lửa đang sắp chạy đến. Nửa tiếng đồng hồ sau, chiếc xe lửa từ Bắc Lệ vừa chạy đến thì tiếp tục bị phục kích, một số người trúng đạn chết tươi!

          Đề Thám bắt giữ hai người Pháp nầy để đặt điều kiện thương lượng giảng hòa với Pháp.

          Chesnay là một trong ba thương gia có máu mặt đi vào ca dao của dân bản xứ:

Thứ nhất là Môngpora (Monpezat),

Thứ nhì Táctà (Tartarin) rồi đến Chesnay.

       Hắn đã lập ra bốn đồn điền ở Vôi (528 ha), Rỏ (385 ha), Yên Thế (8130 ha) và ở Cao Thượng (4803 ha). Vì thế khi hắn bị bắt thì dư luận người Pháp ở chính quốc sôi nổi về sự kiện nầy. Giới tư bản Pháp rất lo lắng. Họ đòi chính phủ Pháp phải tìm mọi cách cứu cho được Chesnay và Logiou. Do đó khi Đề Thám đặt điều kiện giảng hòa thì họ bằng lòng ngay.

          Trước hết, Đề Thám cho người xuống địa phận Bắc Ninh mời giám mục Y Pha Nho là Vélasco lên chiến khu. Ông ta sẽ là người đứng ra thương thuyết làm trung gian cho đôi bên. Vélasco là người mà Đề Thám quen biết trước đó. Do tôn trọng tín ngưỡng nên không bao giờ ông cho phép nghĩa quân đánh phá nhà thờ, bắt giết giáo dân, vì vậy tuy không đồng chính kiến nhưng giám mục nầy cũng kính nể Đề Thám. Về phía chính phủ Pháp thì họ muốn Tổng đốc Lê Hoan đứng ra làm trung gian. Nhưng Đề Thám không đồng ý. Ông rất khinh bỉ tay tráo trở và lật lọng nầy.

        Cuộc thương lượng đôi bên kéo dài trên năm tuần lễ. Cuối cùng, Pháp phải nhượng bộ. Chúng đồng ý với những điều kiện sau:

        - Pháp phải nộp tiền chuộc mạng hai tù binh với giá 15.000 đồng bạc trắng Đông Dương. Đề Thám đòi phải đúng loại tiền nầy – vì nó mới có giá trị khi vượt biên sang Tàu mua súng đạn.

       - Pháp phải triệt thoái hết quân đội ra khỏi vùng Yên Thế.

       - Pháp phải nhường quyền cai trị 22 xã của bốn tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng cho Đề Thám. Và ông được quyền thu thuế ruộng – mỗi năm khoảng 3.000 đồng của 2.600 dân nơi đây.

           Riêng về phía Đề Thám, thì ông chấp nhận:

          - Ông chỉ được giữ lại một số lính và vũ khí mà thôi. Số còn lại phải giao nộp cho Pháp.

        - Ông chỉ được quyền cai trị và thu thuế ruộng của bốn tổng trong vòng ba năm, sau đó phải chuyển giao cho Pháp.

          Rõ ràng trong cuộc thương lượng nầy, Đề Thám đã chiếm ưu thế. Điều nầy khiến cho đại tá Galliéni vô cùng bất mãn. Chính phủ Pháp thừa biết đây chỉ là một kế hoạch hoãn binh của Hùm Thiêng Yên Thế nên vẫn phòng bị và sẵn sàng kế hoạch tấn công Yên Thế.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com