VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 8. DÁM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KINH DOANH

Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 8. DÁM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KINH DOANH

Mục lục
Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI
1. DÁM ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH
2.DÁM TẬN DỤNG THỜI CƠ
3. DÁM TIN NGƯỜI
4.DÁM TIẾP THU TÂN THƯ
5. DÁM VẬN DỤNG TINH THẦN YÊU NƯỚC
6. DÁM CẠNH TRANH ĐẾN CÙNG
7. DÁM SÁNG TẠO
8. DÁM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KINH DOANH
Chương kết thúc
Tài liệu tham khảo
Tất cả các trang

 

8. DÁM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KINH DOANH

Việc làm của công ty Bạch Thái trong thời điểm này, đã phản ánh được tiềm lực của giai cấp tư sản Việt Nam trưởng thành sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất với một tốc độ nhanh chóng.

Không riêng gì Bạch Thái Bưởi đang “làm mưa làm gió” trên thương trường mà các nhà tư sản khác cũng đang phát triển nhanh. Tại Hà Nội, công ty Quảng Hưng Long buôn hàng nội, ngoại hóa năm 1907 số vốn chỉ 3.000 đồng mà đến năm 1920 đã tăng vọt lên 200.000 đồng; công ty Vũ Văn An ngoài việc mở thêm xí nghiệp nhuộm, tẩy hấp len dạ... cũng đủ vốn mở thêm nhà máy bia; xí nghiệp dệt Lưu Khánh Vân, xí nghiệp thêu Trương Đình Long cũng mở rộng sản xuất, tăng thêm công nhân; tương tự, nhà máy ép đầu của công ty Đinh Xuân Mai, nhà máy làm vỏ hộp Ích Phong, hãng nước mắm Vạn Vân, xưởng cưa Yên Mỹ của Nguyễn Đình Phẩm, hãng xe cao su của Hưng ký, hãng chè Tiên Long, Đồng Lương v.v... cũng có những bước tiến bộ đáng kể. Không riêng gì Bắc kỳ mà tại Nam kỳ, Trung kỳ các nhà tư sản Việt Nam cũng đang quyết liệt nhoi lên.

Trong báo cáo cuối năm 1919 của Phủ Toàn quyền Đông Dương có đoạn: “Trong các giới người bản xứ, đâu đâu cũng thấy cái ý muốn bước theo nền công nghiệp của người Pháp và tổ chức theo lề lối hiện đại”. Trên báo L’éveil Eùconomique de L’ Indochine (1921) ghi nhận: “Những người Pháp xa Bắc kỳ sáu, bảy năm nay quay trở lại sẽ thấy một sự thay đổi lớn. Họ đã có những cửa hàng lộng lẫy ở những phố sang trọng. Một trong những nhà in khá nhất ở Hà Nội là của người Việt Nam”.

Trước sự phát triển này, Bạch Thái Bưởi là một trong nhà tư sản đã phát động một cuộc cạnh tranh mới, dữ dội, quyết liệt đối với các chủ Hoa kiều.

Theo nhà sử học Trần Huy Liệu: “Với sự phát triển về kinh tế, ý thức giai cấp cũng nẩy nở mạnh mẻ. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của ý thức tư sản dân tộc đã trưởng thành thời kỳ này là thái độ của tư sản Hà Nội đối với sự chèn ép của tư sản Hoa kiều và người Pháp. Trong phong trào vận động tẩy chay Hoa kiều (chủ yếu là tư sản Hoa kiều) ở Hà Nội năm 1919, về khách quan cũng có bàn tay của tụi tư sản Pháp xúi giục, một mặt để cạnh tranh với tư sản Hoa kiều, một mặt để gây chia rẽ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng căn bản nó vẫn xuất phát từ mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế”.

Nhà sử học Trần Văn Giàu khởi đầu cho phong trào này là từ Nam kỳ, do: “Báo Diễn đàn Bản xứ (la Tribune Indigène) của nhóm “Lập Hiến” Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phú Khai có đăng một bức thư (chắc là giả mạo) của một tên Lý Thiên nào đó; thư này là một bài nói rằng người Hoa kiều thoái mạ người Việt Nam. Tiếp theo bức thư đó, dưới mắt gọi là “trung lập” của bọn Pháp, một phong trào “tẩy chay các chú” nổ lên rầm rộ ở Sài Gòn, rồi dây ra như một làn thuốc pháo đến Hải Phòng, Hà Nội và nhiều tỉnh lỵ khác như Nam Định, Phủ Lý, Thái Bình. Truyền đơn và biểu tình rất tự do trong một xứ chưa hề có tự do rải truyền đơn, hay tự do biểu tình ngoài phố. “Người An Nam không chịu gánh vàng đi đổ sông Ngô nữa”, “Hãy lập cửa hàng, cửa hiệu của người An Nam”, đó là những khẩu hiệu đương thời, rõ ràng những khẩu hiệu đặc sệt nội dung tư sản mà không có tí mùi vị phản đế, phản phong... Học sinh, sinh viên và con cháu các nhà tư sản Hà Nội mỗi chiều đến đều có kéo nhau đông đảo biểu tình ở phố Hàng Buồm. Lắm cuộc xung đột nhỏ xẩy ra. Khi Pháp tính đạt xong mục đích chia rẽ của nó, và khi nó sợ sinh ra mất trật trị an của chúng, chúng bắt đầu bắt mấy người, xử án mấy vụ, thì phong trào “tẩy chay” tắt mất và mấy cửa tiệm ăn vừa mọc, phần lớn của lặn theo. Trong báo cáo chính trị của Phủ Toàn quyền cuối năm 1919, có những câu đáng chú ý:

“Phong trào tẩy chay xẩy ra ở Sài Gòn này, tuy nó quá trớn nó cũng có ý nghĩa rằng tư tưởng đã đổi mới; mới đây ít năm thì người Nam kỳ chẳng những không thích mà còn lại sợ cái việc buôn bán; bây giờ họ thấy thương mại là quan trọng cho họ và họ cần phải cố gắng trên cái hướng này”.

Lại có câu:

“Những người chủ chốt trong vụ tẩy chay này (ở Bắc) nói chung là thuộc vào hạng thương gia giàu có, hạng thấy khoán lớn, đặc biệt là các ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Bạch Thái Bưởi và ông sen”.

Đó là lần đầu tiên của tư sản Việt Nam; không chống Pháp mà chống Hoa kiều!”.

Qua thông tin đáng tin cậy này, ta thấy dù có những hạn chế, nhưng qua phong trào tẩy chay, giai cấp tư sản Việt Nam đã bắt đầu ý thức được vai trò của mình trong công cuộc chấn hương nền thực nghiệp nước nhà. Riêng cá nhân Bạch Thái Bưởi đã tạo ra hai sự kiện. Thứ nhất, ông tiên phong xướng lên phong trào tẩy chay tại Bắc kỳ, kêu gọi người Việt Nam ủng hộ người Việt Nam; thứ hai, ông đã đóng được tàu Bình Chuẩn mà ý nghĩa của nó thì ta đã biết.

Việc làm này không chỉ người Việt, mà ngay cả các “đại gia” tư bản Hoa kiều, Pháp kiều cũng phải ngả nón kính phục, kiêng dè...

Từ lúc khởi nghiệp chỉ quanh quẩn tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy, nay tàu bè Bạch Thái Bưởi đã vươn đến Sài Gòn. Ngày 29.8.1920 là chuyến xuất phát đầu tiên của tàu Bình Chuẩn trên tuyến Hải Phòng- Sài Gòn, khi dừng lại tại Đà Nẵng được vua Bảo Đại kinh lý xuống thăm và khen ngợi. Tàu Bình Chuẩn còn có vinh dự là chiếc tàu do người Việt Nam sản xuất, lần đầu tiên chạy từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Nó cập bến vào cảng ngày 17.9.1920. Sự kiện này làm náo nức tinh thần của giới kinh doanh Nam Kỳ, họ cho đúc bảng đồng tặng tàu Bình Chuẩn với dòng chữ chói lọi làm kỷ niệm: “Tặng tàu Bình Chuẩn, chiếc tàu Việt Nam đầu tiên tại Cảng Sài Gòn”.

Mỗi tháng, tàu Bình Chuẩn có hai chuyến đi Đà Nẵng, Sài Gòn. Giá vé hành khách Hải Phòng - Đà Nẵng, người Tây phải trả 20 đồng; người Việt rẻ hơn, ngồi trong phòng thoáng mát 15 đồng/ người, nhưng đứng trên boong chỉ 6 đồng/ người. Đến Sài Gòn, giá vé người Tây 60 đồng; người Việt chỉ phân nửa và đứng trên boong thì 20 đồng/ người. So với các tàu của chủ người Pháp thì giá vé của rẻ hơn phân nửa. Ngoài ra, ông lại tiếp tục mở thêm nhiều tuyến đường ở Bắc kỳ và các tuyến vận tải đường biển và tất nhiên không chỉ dừng lại ở đó.

Đến lúc này mọi người đã thấy Bạch Thái Bưởi là người có tài quản lý, đủ sức quán xuyến, điều hành công việc một cách khoa học. Khi tham quan trụ sở của ông, nhà báo Thượng Chi nhận xét: “Xét cái cách ông xếp việc và dùng người thời thật là chỉnh đốn đâu vào đấy. (Trụ) sở ông nghiễm nhiên như một sở nhà nước không khác gì; sổ sách giấy má làm theo lối Tây cả, mà trong cách dùng người cắt việc thời có châm chước theo lối Tàu. Đi dạo qua một lượt các phòng trong sở của ông ở Hải Phòng, coi thật có phong thể lắm; buồng ông chủ, buồng thư ký, phòng giữ sổ kiểm tiền, phòng phát vé tàu, chỗ này đánh máy chữ, chỗ kia bàn tính, người làm chật ních, khách tới tấp nập, không tòa Công sứ tỉnh nào bằng”.

Do biết cách tổ chức hợp lý, khoa học nên dù bận trăm công ngàn việc, ông vẫn đủ sức mở rộng sang nhiều lãnh vực kinh doanh. Một việc làm tiêu biểu nhất cho sự nhanh nhậy và thức thời nhất của ông là đầu tư vào lãnh vực in ấn, báo chí và tham gia vào các  cơ quan quyền lực của nhà nước. Đây chính là nét mới thể hiện bản lĩnh chính trị, và sự hiểu biết của tư sản  Việt Nam trong công cuộc tranh. Họ cần có tiếng nói chính thức tại nghị trường, tại hội đồng thuộc địa, viện dân biểu cũng như trong hội đồng thành phố; cần có cơ quan ngôn luận hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho công cuộc kinh doanh của chính mình và giới của mình. Bạch Thái Bưởi đã bước chân vào làng báo trong thời điểm này. Cùng với Thực nghiệp dân báo, Hà Thành ngọ báo, Đông Pháp, Nông-công-thương báo thì lúc đó Khai hóa nhật báo của ông là một trong 5 tờ báo phát hành hàng ngày.

Tạo một bước chuẩn bị cho công việc mới mẻ này, trước hết ông mở nhà in. Ban đầu ông bỏ ra số tiền khổng lồ là 30.000 đồng để xây dựng nhà in Đông Kinh ấn quán (Imprimerie Tonkinoise). Sau, nhận thấy sự đầu tư ấy vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với nhà in tiếng tăm khác như Viễn Đông (IDEO), Nordemann... nên ông mạnh dạn xuất thêm 20.000 đồng nữa trang bị thêm máy móc. Với cơ ngơi đồ sộ này, ông giao người em rể là Lê Văn Phúc quản lý. Đông Kinh ấn quán trở thành một trong những nhà in lớn và ra đời sớm nhất tại Hà Nội. Sự ra đời của một loạt nhà in lúc bấy giờ đã hình thành một lớp công nhân mới mà trong dân gian có câu đùa:

Trông xa cứ tưởng là ông phán

Đến gần thì ra toán thợ in!

Khi có nhà in trong tay, ông bắt đầu bước sang lãnh vực thông tấn báo chí. Với mong muốn góp phần trong việc nâng cao dân trí, cổ động cho phong trào thực nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho nền công thương Việt Nam, ông xin phép chính phủ ra tờ Khai hóa nhật báo. Tờ báo này số 1 phát hành vào ngày 15.7.1921, tòa soạn và trị sự ở 82 phố Hàng Gai (Hà Nội), phát hành được 1.751 số, đình bản vào ngày 31.8.1927.

Khi khảo sát tờ báo này ta thấy nó không có sự bảo trợ về tài chính của chính quyền; những nhân vật có khuynh hướng tích cực như Hoàng Tích Chu, Đỗ Thận... đã nhận trách nhiệm chủ bút, trợ bút để điều hành. Bạch Thái Bưởi không ngần ngại nói rõ tôn chỉ, mục đích tờ báo này: “Một là giúp đồng bào ta tự khai hoá, dạy bảo lẫn nhau... mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm...”.

Kỳ lạ thay cho bản lĩnh của Bạch Thái Bưởi. Đời người chỉ làm được những việc như trên, kể ra đã là một sự phi thường. Nhưng không hài lòng với những gì đã có, ông còn thể hiện ý chí tiến thủ thật khủng khiếp. Với tầm nhìn của một người dày dạn kinh nghiệm trên thương trường, ông đã ý thức mở rộng nhiều lãnh vực kinh doanh. Không chỉ làm báo, lập nhà in mà ông còn tham gia khai thác mỏ than. Trụ sở Công ty than của Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng nằm trên đại lộ mang tên đô đốc Amiral de Beaumont (nay phố Đinh Tiên Hoàng).

Từ năm 1921, ông đã đầu tư khai thác hai mỏ Ăngtoan và Cađíp, với một tuyến đường sắt chở than dài 3 km, sản lượng hàng năm lên đến 3.000 tấn. Năm 1925, ông còn mua thêm hai mỏ Bí Chợ và Yên Thọ, tổng  cộng 1.924 ha và làm thêm tuyến đường sắt dài 5,5 km. Ngoài ra, ông còn chung vốn với nhà tư sản Lê Thị Toán khai thác 450 ha ở Quảng Yên, hàng năm sản xuất được 9.500 tấn v.v... Cùng với những công việc trên, công việc kinh doanh tàu thủy của ông cũng đang ăn nên làm ra.

Một dịp may đến với Bạch Thái Bưởi là lúc trúng thầu chiếc mang tàu  tên toàn quyền Albert Sarraut, do xưởng Ba Son (Sài Gòn) đóng. Tàu này dài 85 thước, rộng 12 thước, sức chở 3.300 tấn, trọng lượng 6.000 tấn, vận tốc 12 hải lý/ giờ, công sức 12O mã lực, có 4 kho chở hàng, 5 trục bốc dở hàng.

Tại sao chiếc tàu hiện đại thời đó được mang tên này?

Từ năm 1887, Tổng thống Pháp chính thức ký sắc lệnh quy định quyền lực Toàn quyền Đông Dương, tính đến năm 1945  - kết thúc vai trò của chính phủ Pháp tại Đông Dương - có tất cả 33 chức sắc thực dân giữ chức vụ Toàn quyền hoặc Quyền Toàn quyền. Albert Sarraut có hai lần giữ chức vụ quan trọng này vào năm 1911-1914 và năm 1916- 1919. Y là một trong những mục tiêu ám sát của các đảng cách mạng Việt Nam. Tổ chức Việt Nam Quang phục hội của cụ Phan Bội Châu năm 1912 từng phái Nguyễn Hải Thần về nước ném bom giết y, lúc y dự lễ xướng danh tại trường thi Nam Định, nhưng do chần chừ, thiếu quyết đoán nên Nguyễn Hải Thần đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Qua tờ Khai hóa nhật báo, ta biết khi có chiếc tàu Albert Sarraut, Bạch Thái Bưởi tính toán kế hoạch: “Lấy Sài Gòn làm trụ sở cho tàu tải gạo và hàng hóa đi Phi Luật Tân, tới Phi Luật Tân dỡ gạo, rồi lại xếp các thứ hàng tạp hóa của Hoa Kỳ tại bản xứ đi buôn bán tại Hương Cảng và Thượng Hải... Ở Thượng Hải và Hương Cảng xếp các thứ hàng hóa hai nơi đó về Hải Phòng, từ Hải Phòng về Nam kỳ... đi qua cõi Viễn Đông mà không chỗ nào đến nỗi phải cho tàu chạy không cả” (số báo ra ngày 18.2.1921). Từ ngày 1.6.1922, tàu Albert Sarraut đã khởi hành chuyến đầu đi Trung Quốc và Nhật Bản. Các tàu của ông lần lượt có mặt tại bến các nơi như Thượng Hải, Hương Cảng, Thiên Tân, Hán Khẩu, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba...

Dù sống với khát vọng vượt đại dương, nhưng ý thức phục vụ cộng đồng vẫn luôn âm ỉ trong tâm thức của ông.

Trước đây, người Pháp đã làm đường xe lửa từ Cẩm Giàng về đến Phú Ninh Giang và Kẻ Sặt, không đem lại lợi nhuận bao nhiêu. Nhưng Bạch Thái Bưởi lại có cái nhìn khác. Là người xông xáo và bám sát thực địa, ông cho rằng nếu mở một đường xe lửa từ Nam Định ra Hải Phòng, qua Thái Bình thì sẽ thành công hơn vì Nam Định - Thái Bình là vùng đất trù phú, dân cư đông đúc. Hơn nữa, ông nghĩ rằng có thêm nhiều tuyến đường thì việc đi lại của người dân sẽ thuận tiện hơn. Vì thế, trong thời gian này, dù đang tung hoành ngang dọc trên đường thủy, nhưng ông vẫn đầu tư làm thêm đường xe lửa. Việc làm này sẽ khiến số lượng khách đi tàu thủy của ông ít đi, nhưng ông không toan tính sự thiệt hơn ấy.

Nhân chứng đương thời là nhà báo Thượng Chi đã đánh giá đúng: “Dẫu Bạch Thái Bưởi tính riêng việc của ông mà thực là mưu việc công ích vậy. Những nhà doanh nghiệp lớn mà giúp được cho nước mình phú cường cũng là như thế cả. Người ta phàm mưu việc gì to lớn, biết trông rộng tính xa, thì bao giờ sự lợi ích cũng phổ cập được nhiều người, không chỉ lợi riêng một mình mình; có thể láy cái công lệ rằng phàm việc gì có lợi cho nhiều người mới thật là lợi cho mình, nếu không lợi cho người khác, hoặc tổn hại cho người ta, thì dẫu mình có lợi thì cái lợi đó cũng không bền. Xưa nay những người buôn bán to như ông Bạch Thái Bưởi, đều là những người hiểu cái công lệ ấy và biết trông rộng tính xa cả”.

9.DÁM ĐI LẠI TỪ ĐẦU

Đêm đã khuya. Trên nền trời xanh thẳm mọc lên những vì sao chi chít. Gió từ sông Cấm thổi vào như mang theo cả mùi muối mặn. Cây lá xào xạc ngoài sân. Bạch Thái Bưởi vẫn nghiêng đầu xuống trang giấy. Cây bút trên tay ông chạy dài những dòng chữ thẳng thắng, dứt khoát. Ông tập trung suy nghĩ, đang tính toán những số liệu cần thiết trong việc kinh doanh. Bỗng có tiếng gọi thản thốt:

-Ông ôi! Thằng Tư chết rồi!Ông giật mình và thấy lạnh cả xương sống! Tưởng như núi sập trước mắt. Bao nhiêu kỳ vọng vào cậu con trai đã tan theo mây khói. Nhưng rồi ông điềm tĩnh lại ngay. Quay lại thấy vợ đang sụt sùi khóc và đưa cho ông bức điện tín. Ông liếc mắt đọc. Xong, không nói không rằng gì cả, ông mở hộc tủ ném bức điện tín vào đó rồi cắm cúi làm tiếp công việc.

-Vậy là xong!

Ông tặc lưỡi như không có chuyện gì. Trước tin cái chết của cậu con trai, nhưng ông không mảy may xúc động?

Tại sao?

Chuyện rằng, một trong những bậc túc nho lừng lẫy nhất của phong trào Đông du là cụ Nguyễn Thượng Hiền. Sau khi phong trào bị đàn áp, cụ trốn sang Nhật Bản, Trung Quốc... hoạt động trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan Bội Châu. Cảm phục ý chí  và tinh thần quả cảm của một chí sĩ đang bôn ba vì việc nước, Bạch Thái Bưởi đã đem con trai thứ hai của cụ là Nguyễn Thượng Khoa đem về nuôi, cho ăn học.

Khi có điều kiện thuận lợi, ông đã cho con trai mình - Bạch Thái Tư và Khoa du học ở Pháp. Trước ngày xuống tàu viễn dương đi xa, ông bảo cả hai vào trong phòng làm việc, đưa tờ giấy và bảo ghi ra những ước nguyện sau khi học thành tài. Cả hai cùng viết và cùng hứa với ông bao nhiêu điều tốt đẹp, bao nhiêu dự tính trong tương lai. Nhưng rồi khi sang Pháp, Tư không giữ được lời, không chăm lo học tập, chỉ chơi bời lêu lổng. Ông viết thư khuyên răn mãi cũng không được. Chính vì thế, dù lúc chưa nhận được tin này thì ông cũng xem như Tư đã chết. Sống như thế, không có ý chí vươn lên để hoàn thiện bản thân mình thì chết đi vẫn hơn. Ông tặc lưỡi...

Lúc này, công việc kinh doanh đang đè nặng trên vai ông.

Thật ra, trong những tháng năm này, không riêng gì Bạch Thái Bưởi mà cả giới tư sản Việt Nam đang phải đối phó với sự chèn ép của chính quyền thực dân. Chúng quyết không để cho người Việt thành công, lấn lướt trên thương trường. Sự giàu của người bản xứ chỉ đem lại bất ổn cho nền an ninh tại Đông Dương. Cứ nhìn các phong trào yêu nước đang nổi lên thì rõ. Chẳng hạn, trong phong trào Đông du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, không riêng gì Nam kỳ, Trung kỳ mà ngay cả Bắc kỳ cũng vậy. Lớp thanh niên trốn ra nước ngoài hầu hết đều được sự tài trợ, giúp đỡ của các địa chủ giàu có, của các tay tư sản có tinh thần ái quốc đang làm ăn phát đạt. Không những thế họ còn bí mật, lén lút ủng hộ kinh phí cho các “hội kín” đang hoạt động trong và ngoài nước.

Sự phát triển về kinh tế đã dẫn đến sự ý thức về chính trị, đây là một đặc điểm của xã hội đương thời mà chính quyền thực dân Pháp đã nhìn thấy. Nhiều hoạt động chính trị sôi nổi đang diễn ra, để cuối cùng sẽ là sự thành lập chính đảng của các giai cấp. Cho dù tính chất giai cấp có khác nhau, thì họ cùng có mục tiêu thống nhất trước mắt là đánh đổ giai cấp thống trị ra khỏi đất nước họ.

Năm 1926, sau khi từ Pháp về nước được ít lâu, cụ Phan Châu Trinh mất tại Sài Gòn. Dù thực dân nỗ lực, tìm mọi cách ngăn chận nhưng đám tang của cụ vẫn trở thành quốc tang, nhằm biểu dương tinh thần dân tộc, tình cảm đối với non sông đất nước. Hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp cho biết, trong đám công nhân, thợ thuyền của công ty Bạch Thái đã có người tham gia. Cụ thể, thay mặt những người thợ của hãng tàu Bạch Thái Bưởi ở Nam Định, anh Trần Quang Tặng (tức Khổng) đã viếng cụ Phan câu đối:

Truy điệu Tây Hồ nhật

Hoán tĩnh quốc dân hồn

(Ngày truy điệu Tây Hồ

Thức tỉnh hồn quốc dân)

Vì thế ngoài việc đàn áp, bắt bớ những người tham gia chính trị thì phải triệt tiêu sự lớn dậy của tư sản Việt Nam.

Công ty Bạch Thái đang bị thực dân tìm mọi cách chèn ép. Năm cụ Phan mất cũng là năm công ty Bạch Thái gặp nhiều khó khăn.

Chưa rõ vì lý do gì, chiếc tàu An Nam chở 150 tấn xi măng bị chìm, gây thiệt hại ước tính lên đến 60 nghìn đồng. Đã thế, thực dân Pháp còn nghi ngờ công ty của ông có dính dáng đến tổ chức của Việt Nam Quốc dân đảng, dù chứng cứ rất mong manh.

Ngay sau khi thành lập vào đêm 25.12.1927, để tạo tiếng vang trong quốc dân, Việt Nam Quốc dân đảng quyết định ám sát tên Bazin - một tên thực dân cáo già, khét tiếng tàn ác chuyên mộ phu đi Tân Thế Giới. Nó phải đền tội. Chiều 30 Tết năm Mậu Thìn (1929), khi chiếc hơi bóng lộn hiệu Hotchkiss sơn màu bleu royal vừa về đến trước nhà riêng tại số 110 chợ Hôm (nay phố Huế - Hà Nội), Bazin chưa kịp rời khỏi xe thì có hai thanh niên bước đến. Họ mặc Âu phục, đầu đội mũ nỉ sang trọng có dáng dấp của người trí thức. Một người lịch sự cúi vào trong xe và nói bằng tiếng Pháp:

-Thưa ông, có lá thư của một người quen gửi cho ông.

Hắn nhíu mày ngạc nhiên nhưng vẫn cầm lá thư. Hắn vừa liếc nhìn chỗ tên gửi gửi là Hãng buôn Bạch Thái Bưởi và mở thư ra đọc - thực chất đây là bản cáo trạng dành cho hắn - lập tức một thanh niên đã rút súng ra bắn ngay vào đầu!

Cái chết của Bazin, thực dân hoảng hốt, kinh sợ bao nhiêu thì quốc dân vui sướng, hả hê bấy nhiêu. Tên “buôn người” đã đến tội đích đáng. Chỉ với bìa thư của công ty Bạch Thái còn để lại hiện trường, nên dù bọn mật thám dù không thể ghép tội ông, nhưng cũng gây nhiều khó dễ.

Con đường làm ăn của công ty Bạch Thái càng khó khăn hơn.

Sự khó khăn này còn do ảnh hưởng tàn khốc của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Từ năm 1929, cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ nước Mỹ, rồi nhanh chóng tràn ra khắp thế giới tư bản. Tất nhiên nền kinh tế Đông Dương cũng không thể đứng ngoài. Bi thảm hơn nữa, nói như nhà sử học Trần Văn Giàu: “Đông Dương lại phải gánh một phần gánh nặng tai hại khủng hoảng kinh tế của Pháp. Đông Dương là xứ nông nghiệp, độc canh nên tai họa khủng hoảng lại càng ghê gớm. Ghê gớm hơn nữa là vì ở đây, mức sống của nhân đã quá thấp từ lâu, nay lại xuống đến cùng độ, và quần chúng thì hoàn toàn không có một chút tự do dân chủ nào để đoàn kết, để đấu tranh giảm bớt sự thống khổ của mình”.

Một loạt nhà tư sản Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế thế giới  trong những năm 1929 - 1933; và sự chèn ép bằng nhiều thủ đoạn của thực dân Pháp đã dẫn đến phá sản. Nhà sử học Trần Văn Giàu cũng cho biết: “Bạch Thái Bưởi bị Pháp cạnh tranh và phá hoại đến nỗi tàu bị đắm, bãi than bị bãi nghiệp. Công ty sản xuất điện Lê Phát An, Phan Tùng Long cuối cùng đã bị sát nhập vào công ty Pháp “Le Sud- Indochinois Industriel”; các công sở có lúc bị cấm không được dùng sơn của Nguyễn Sơn Hà; Việt Nam ngân hàng rút cuộc bị thu hút vào Ngân hàng Đông Dương...”.

Thực dân quyết gục sự trỗi dậy của một tầng lớp tư sản dân tộc Việt Nam vừa mới ngoi lên chỉ trong vòng mươi năm trở lại đây.

Không còn cách đứng vững trước sự cạnh tranh đã nhuốm màu sắc chính trị, công ty Bạch Thái tuyên bố phá sản. Đó là ngày 4.5.1929. Đây một cách rút lui kịp thời khỏi “sân chơi”, không thể chần chừ được nữa. Sự chần chừ trong trường hợp này không thể cứu vãn được tình thế, thậm chí còn sa lầy tệ hại hơn.

Toàn bộ tài sản làm ăn, chắt chiu dành dụm của ông trong vòng hai mươi năm đã phải bán lại cho đối thủ là Công ty vận tải sông biển Đông Dương do F.Sauvage làm chủ với giá 630.000 đồng.

Dù vậy, một lần nữa, ta lại thấy và khâm phục nghị lực phi thường của Bạch Thái Bưởi khi ông dũng cảm đi lại những bước đầu. Không nản chí. Không bỏ cuộc nửa chừng.

Với toàn bộ số vốn đang nắm trong tay, Bạch Thái Bưởi nhanh chóng tìm hướng đi mới. Ông chuyển hướng tập trung đầu tư khai thác mỏ mà ông đã tham gia từ năm 1921.

Trong những ngày này, thời gian đối với ông là vàng bạc. Ông không cho phép mình được nghỉ ngơi. Trong thời khóa biểu của ông không có ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, ngày Tết. Dù đang mang trong người căn bệnh bị tê nửa người, nhưng sức làm việc của ông vẫn giữ phong độ như thời trai tráng. Lịch làm việc của ông sít sao, không một thời gian nào rảnh rỗi. Mặc dầu bị bệnh tim nặng, bác sĩ khuyên ông nên dành nhiều thời gian tịnh dưỡng, nhưng ông không nghe lời. Thậm chí, lúc nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu - thông gia với ông - qua đời, vì quá say mê với công việc, ông dặn thư ký là lúc nào sắp đến giờ thì báo cho ông biết. Từ lúc thư ký báo xong, ông mới đứng dậy quần áo chỉnh tề và khi đến nơi thì xe tang đã đi một quãng xa...

Quyết vực dậy sự sống còn của công ty khai thác mỏ, ông thực hiện chính sách “săn đầu người” nhằm thu hút nhân tài. Với chuyên viên kỹ thuật, ông cho người sang Pháp ký hợp đồng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về chuyên ngành hầm mỏ; ký hợp đồng với chuyên viên nước ngoài vào làm sếp mỏ... Thể hiện nhiều sự năng động, toàn tâm toàn ý trên lãnh vực mới nên ông gặt hái được thành công đáng kể. Sản phẩm than của ông không những tiêu thụ mạnh ở trong nước mà còn xuất khẩu sang cả thị trường Pháp, Nhật… Với kinh nghiệm từng trải, lịch lãm trên thương trường, ông biết công ty mình còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Nếu không, về lâu dài khó cạnh tranh nổi với Công ty Than mỏ Bắc Kỳ SFCT (Sociéte Francaise des Charboneges du TonKin) của Pháp - có quy mô khai thác than lớn nhất Đông Dương.

Công việc đang tiến hành một cách khẩn trương thì ngày 22.7.1932 Bạch Thái Bưởi lên cơn một cơn đau tim dữ dội. Linh tính báo trước có một điều khônb hay đang dần dần đến. Dù đang nghẹt thở nhưng ông còn kịp mở mắt nhìn qua các bảng hiệu của tàu của người Hoa, người Pháp đang treo trong phòng. Chao ôi! Chứng tích của một thời lừng lẫy vẫn còn uy nghi và đem lại cho ông một niềm tin, một sức mạnh lạ thường. Ông mỉm cười. Một nụ cười mãn nguyện. Như nụ cười của người thủy thủ trở về bến bờ bình yên sau những ngày xông pha sóng gió trùng dương. Như nụ cười của người nông dân sau khi đã cày xong thuở ruộng. Lấy hết sức bình sinh, ông dặn dò các con và những người tâm phúc từng gắn bó:

-Ta còn phải phấn đấu để cho ngọn cờ của công ty người Việt Nam ta phất phới trên năm châu bốn biển, để cả thế giới biết đến tài trí của con người Việt Nam.

Trăn trối xong điều tâm huyết nhất, Bạch Thái Bưởi nhắm mắt. Hồn về chín suối. Con người tiên phong trên con đường “chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp”, tiêu biểu cho của giới doanh nghiệp tư sản dân tộc nước Nam trong những năm đầu thế kỷ XX đã về cõi thiên thu, thọ 58 xuân. Ngày 28.7.1932 ông được an táng tại sở mỏ than Bí Chợ (Quảng Yên), gần núi Yên Tử - cách Hải Phòng chừng năm chục cây số.

Thương tiếc Bạch Thái Bưởi, nhiều trí thức, doanh nhân bấy giờ đã bày tỏ niềm cảm phục sâu sắc. Ông Hội trưởng Hội khai Trí Tiến Đức đã đọc điếu văn: “Ông là một nhà thực nghiệp nhưng rất nhiệt thành về các công việc xã hội. Phàm công cuộc gì tỏ ra cái nghĩa đoàn thể, cái chí hợp quần của người mình, ông cũng sốt sắng mà tán thành. Ông muốn cho người Nam ta cũng biết hội họp nhau để mưu tính những việc công ích như người các nước, khỏi mang tieng là một dân tộc rời rạc, không biết tương thân tương ái với nhau. Bởi thế nên khi mấy anh em đồng chí bàn muốn lập một cái đoàn thể lớn để tiêu biểu cho quốc dân, ông vui vẻ nhận lời ngay, và liền xuất tài xuất lực, cổ động cho thành...

Nước Nam ta vẫn mang tiếng là một nước văn nhược, không đủ tư cách ra cạnh tranh với cái đời thực nghiệp này. Ông đem cái tài doanh nghiệp, cái chí kiên gan mà tỏ cho thiên hạ biết rằng An Nam cũng có người có trí khôn, có nghị lực, kinh lý được những sự nghiệp lớn về công thương, chẳng kém gì người ngoài. Mà ông làm được thành công, khiến cho thiên hạ phải phục.

Cái sự nghiệp kinh doanh của ông, cái nhân cách gan góc mạnh bạo của ông, cái đúc tính kiên nhẫn cần cù của ông thực đáng làm gương cho quốc dân noi theo.

Nhưng đáng phục hơn là cái chí khí của ông, vì ông không phải là nhà doanh nghiệp thường. Ông thủy chung vẫn mang nặng một tấm lòng vì nước, vì nòi, ai biết ông cũng phải công nhận như vậy.

Cho nên hậu thế bình tĩnh mà xét lại công nghiệp của ông, tất không ngần ngại mà phê một câu rằng: Họ Bạch thật là một bậc vĩ nhân ở đất Bắc, một bậc trượng phu trong thương trường”.

Than ôi!

Mây mờ cửa Cấm

Gió lạnh ngàn Yên

Ông Bạch nay đã theo mây theo gió mà đi về nơi mỏ cũ bến xưa...”



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com