VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 7. DÁM SÁNG TẠO

Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 7. DÁM SÁNG TẠO

Mục lục
Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI
1. DÁM ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH
2.DÁM TẬN DỤNG THỜI CƠ
3. DÁM TIN NGƯỜI
4.DÁM TIẾP THU TÂN THƯ
5. DÁM VẬN DỤNG TINH THẦN YÊU NƯỚC
6. DÁM CẠNH TRANH ĐẾN CÙNG
7. DÁM SÁNG TẠO
8. DÁM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KINH DOANH
Chương kết thúc
Tài liệu tham khảo
Tất cả các trang

 

7. DÁM SÁNG TẠO

Năm 1917. Đây là năm nổ ra cuộc khởi nghĩa của binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Thái Nguyên. Chủ soái chỉ huy là Đội Cấn, dưới sự tham mưu của tù chính trị Lương Ngọc Quyến. Lần đầu tiên có một tỉnh lỵ đã bị quân khởi nghĩa chiếm giữ, làm chủ trong vòng 6 ngày, treo cờ “Nam binh phục quốc”, giải phóng toàn bộ tù nhân đang bị giam giữ... Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất, kéo dài nhất và có tiếng vang lớn nhất ở nước ta trong thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ nhất.

Có thể ghi nhận đây là cuộc “binh biến” lớn nhất kể từ năm 1884, cái năm đánh dấu chính sách dùng người Việt đánh người Việt lần đầu tiên được thực hiện ở Bắc kỳ. Theo đề nghị của trung tướng Millot - chủ tịch Hội đồng cai quản Bắc kỳ - ngày 12.5.1884 thực dân Pháp ký sắc lệnh chính thức thành lập 2 trung đoàn lính ngụy đầu tiên. Chúng thực hiện công khai, có quy mô và buộc làng xã phải cung cấp đủ số người cho mỗi đợt bắt lính. Dù bị ép buộc cầm súng tiếp tay kẻ thù đàn áp các cuộc khởi nghĩa của người trong một nước, nhưng nếu được giác ngộ họ sẵn sàng quay họng súng, đứng về phía chính nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên dẫu thất bại, bị thực dân dìm trong máu nhưng đã tạo ra một tiếng vang rất lớn trong dư luận, gây chấn động toàn Đông Dương. Ngay cả cụ Huỳnh Thúc Kháng, bấy giờ đang bị giam ở nhà lao Côn Đảo cũng hay tin và có bài thơ khoái trá lạ thường:

Giữa đất bằng nghe trận sét rền

Tiếng gươm ngục tối dội rầm lên!

Cái chết oanh liệt của những nghĩa quân này đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của nhiều thế hệ. Sinh thời, Nguyễn Thái Học thường tâm sự với bạn bè: “Từ năm tao lên mười tuổi! Hồi ấy tao còn học chữ Nho ở nhà quê. Xong buổi học lại đi chăn trâu, và nhiều hôm chăn sang đến đồng làng bên cạnh. Làng ấy  là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hóa như kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là bà cụ lại ôm choàng lấy, vừa khóc vừa nói: “Các cậu! Các cậu! Làm thế nào báo được thù cho con tôi!”. Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại bồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Ấy, tư tưởng cách mạng nẩy ra trong óc tao từ đấy!”. Lớn lên, Nguyễn Thái Học đã  sáng lập ra Việt Nam Quốc dân đảng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái, dù “không thành công cũng thành nhân”.

Với Bạch Thái Bưởi, chưa biết mặt anh hùng Đội Cấn, nhưng Lương Ngọc Quyến thì ông có nghe tên khi đến dự những buổi bình văn tại trường Đông Kinh nghĩa thục, vì ông Quyến là con trai của Thục trưởng Lương Văn Can. Hành động oanh liệt này khiến Bạch Thái Bưởi rất khâm phục, và suy nghĩ rất nhiều. Theo ông, mỗi người có một cách để bày tỏ tấm lòng son đối với nước non. Nếu các bậc đàn anh dám đem thân mình ra chống chọi với hòn tên mũi đạn, thì tại sao ta không dám thể hiện một bản lĩnh ngoan cường tương tự như thế?

Chính vì thế khi hay tin công ty chuyên chở đường biển Deschwanden phá sản, ông quyết định mua nốt 6 chiếc thuyền và một số sà lan của công ty rất nổi tiếng này.

Sự việc này xét trên bình diện của thời cuộc đang diễn ra ta thấy rất có ý nghĩa về chính trị.

Những chiếc tàu của Deschwanden dẫu là những tàu cũ và nát lắm, nhưng ông vẫn bỏ ra một số  tiền lớn để tranh mua, không để lọt vào tay người Hoa, người Pháp. Nhiều người can ngăn vì sự mua bán này dù không có lợi về kinh tế, đó là điều mà một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm như ông phải tránh, nhưng ông vẫn chấp nhận. Ông có lý của ông, nếu đọ về súng đạn thì người Việt ta chưa thể bằng ngoại bang, nhưng về kinh thương thì chưa hẳn họ đã họ trói chân, buộc tay được ta. Thái độ và hành động của Bạch Thái Bưởi khi mua lại toàn bộ tài sản của một công ty từng “làm mưa làm gió” trên đường thủy xứ Bắc kỳ đã làm nhiều người Việt mát lòng hả dạ.

Không những thế, ý thức chính trị của ông cũng thể hiện rõ nét khi lấy tên của anh hùng trong sử sách nước nhà đặt tên cho tàu của mình như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi...

Thật ra, khi mua lại những tàu “đồng nát” của công ty Deschwanden, Bạch Thái Bưởi còn ngầm tính đến một yếu tố khác mà không mấy ai nhìn ra. Tưởng là đắt, nhưng thật ra là rẻ. Nếu ta không nhanh tay thì chủ nợ của công ty này sẽ mua ngay. Như thế, ta phải tiếp tục đối đầu với một đối thủ cạnh tranh mới. Hơn nữa, nay có nhà máy trong tay thì ta cho sửa chữa lại, chứ có phải ném tiền xuống giếng đâu!

Đến năm 1919, công ty Bạch Thái còn mở thêm chi nhánh ở nhiều địa phương khác. Tổng số tàu lớn nhỏ của ông lên đến 30 chiếc, chưa kể đến các thuyền phụ; 20 sà lan (chalands) bằng gỗ bằng sắt; 13 chiếc cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi v.v... Ngoài tàu mang tên các anh hùng dân tộc, ông còn có các tàu Phi Thượng, Phi Long, Phi Hổ, Bái Tử Long, Khâm Sai, Kinh Lược, Tổng Đốc, Yên Bái, Phố Lu, Chợ Bờ...

Các tàu này chạy trên 17 tuyến đường thủy: Hà Nội - Nam Định, Hải Phòng - Bến Thủy, Hải Phòng - Nam Định, Nam Định - Nho Quan, Nam Định - Kim Sơn, Nam Định - Bến Thủy, Hải Phòng - Hà Nội, Hải Phòng -Hòn Gay, Nam Định - Ngô Đồng, Nam Định - Lạc Quần, Hải Phòng - Móng Cái, Hải Phòng - Hải Dương, Hải Phòng - Kiến An, Hà Nội - Chợ Bờ, Nam Định - Thái Bình, Hà Nội - Tuyên Quang...; kể cả vùng thượng du Bắc kỳ.

Nơi đến xa nhất  là Bến Thủy do hai tàu Phi Hổ và Bái Tử Long đảm nhiệm. Tuyến khó đi nhất lên vùng thượng du Bắc kỳ, do tàu Chợ Bờ đảm nhiệm. Trong số các tàu, tàu Lạc Long chạy tuyến Hải Phòng-Hải Dương là tàu chở ít hành khách nhất, chỉ 55 người; tàu chở nhiều hành khách nhất là tàu Phi Phụng chạy tuyến Hà Nội - Nam Định chở đến 1.200 người.

Với phương tiện phong phú này, Bạch Thái Bưởi nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, ông nắm bắt rất nhanh nhu cầu của hành khách. Ngoài những tuyến cố định, ông còn mở thêm những tuyến vận tải theo mùa. Điều này thấy ông rất năng động trong kinh doanh, luôn nhanh nhạy đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, đến mùa trẩy hội chùa Hương, ông mở thêm tuyến Phủ Lý - Bến Đục, hoặc tháng Tám âm lịch có hội đền Kiếp Bạc, ông mở thêm tuyến Đáp Cầu - Kiếp Bạc (4 chuyến/ ngày), Hải Dương - Kiếp Bạc (1 chuyến/ ngày), Phả Lại - Kiếp Bạc (15 chuyến/ ngày). Trước lúc mở tuyến đường mới, bao giờ ông cũng cho quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng với những vần thơ nôm na, dễ nhớ. Chẳng hạn, bài quảng cáo cho Tàu trẩy hội chùa Hương có đoạn:

Chùa Hương Tích lạ thay cảnh vật

Chữ Nam Thiên đệ nhất đồn xa…

Quan quan, khách khách xa gần

Hỏa thuyền sẵn đó đưa chân đi về

Sông Phủ Lý gần kề cạnh bến

Thuyền hỏa xa vừa đến thời đi

Chèo Lan trỏ nẻo Đục Khê

Lại từ Bến Đục đưa  về Hà Nam…

Muốn biết chất lượng tàu của ông đã được cải tiến như thế nào, ta thử lấy tàu Bái Tử Long - thời ông mới chân ướt chân ráo bước vào nghề sông nước - so sánh. Tàu Bái Tử Long 1 chân vịt, nửa sắt nửa gỗ, dài 40 mét, ngang 6,5 mét, dung tích 150 tấn, chở được 160 người. Nay ông đã có nhiều tàu vượt trội hơn hẳn. Chẳng hạn, tàu Phi Phượng 2 chân vịt, bằng sắt, dài 40 mét 25, ngang 9 mét 20, dung tích 300 tấn, chở được 1.200 người v.v...

Ta có thể hình dung toàn bộ cơ sở vật chất qua các số liệu được thống kê năm 1919. Dung tích các tàu: 3.600 tấn, trọng tải: 2.000 tấn, sức mạnh các máy ước chừng: 3.000 mã lực, tốc độ trung bình: 8 hải lý, tổng số hành khách các tàu có thể chở được: 6.643 người.

Thật không ngoa khi ta đánh giá Bạch Thái Bưởi vị tướng cầm quân tài ba. Số lượng công nhân làm việc cho ông lên đến hàng ngàn, nhưng họ không biểu tình, đình công như hầu hết các công ty lúc bấy giờ. Tại Hải Phòng ngót một ngàn, chia làm hai hạng, hạng làm việc văn phòng và ở các tàu: 271 người, hạng làm thợ trong xưởng máy: 692 người; ở Nam Định: 199 người; ở Hà Nội: 108 người; ở Tuyên Quang: 69 người; ở Bến Thủy: 59 người; ở Việt Trì: 17 người... Ngoài ra còn có những người làm đại lý, đốc công trong nhà máy, thư ký văn phòng...  Thử tính số lương, ta thấy số tiền lên đến vài vạn bạc chứ không phải là ít.

Sau khi có nhà máy trong tay, Bạch Thái công ty bắt đầu tiến hành tu sửa, tân trang các tàu. Đành rằng việc làm này vì chất lượng phải tốt, mới có khả năng cạnh tranh với tàu của người Hoa, người Pháp nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Tầm nhìn hơn người của Bạch Thái Bưởi hơn người ở chỗ, ông nắm đúng tâm lý của hành khách đi tàu. Nghĩa là trong kinh kinh doanh, ông luôn nghĩ đến “thượng đế” để có cách phục vụ tốt nhất. Ông quan niệm, khách của mình đa phần là những nông dân như chị Dậu, anh Pha, Thị Nở, Thị Mịch, lão Hạc, Chí Phèo, thằng Mõ; là những thị dân như Kép Tư Bền, bà Phó Đoan, Xuân Tóc Đỏ... chứ không phải những bậc “thượng lưu trí thức”, những “nhà tư sản”, những “ông Tây mắt xanh mũi lõ”... thì “nội thất” của tàu phải phù hợp với các đối tượng trên. Vì thế các tàu của người Hoa, người Pháp sau khi mua lại, ông đều cho thay đổi lại toàn bộ. Sự thay đổi này khiến người dân quê búng gánh bán bưng, buôn thúng bán mẹt không e ngại “đi tàu quá sang” vì sợ “chắc là vé mắc đây”.

Như vậy cũng chưa đủ.

Nói gì thì nói, dù có thay đổi hình thức gì đi thì giá vé vẫn là yếu tố quyết định. Bạch Thái Bưởi luôn tìm cách xem xét giảm giá một cách hợp lý.   Hạ  giá vé chút xíu nhưng bù lại, khách đi tàu tăng gấp bội. Những năm đầu thế kỷ XX, giá vé Hải Phòng- Nam Định là 1,50 đồng, tương đương với một gánh thóc. Chỉ có nhà giàu cỡ Nghị Quế, Bá Kiến mới dám làm đôi chuyến, chứ chị Dậu, thị Nở nào dám béng mảng đến? Với suy nghĩ đó, năm 1919, Bạch Thái Bưởi đặt giá vé cho người Việt, vẫn tuyến nói trên, như sau: ca -bin (hạng nhất): 1,00 đồng; hạng hai: 0,30 đồng, boong (hạng ba): 0,20 đồng...  Ông phân ra nhiều loại giá vé khác nhau, để phục vụ đủ cho nhiều đối tượng, tùy theo túi tiền của họ. Đây là cách làm thông minh, không phải chủ tàu nào cũng nghĩ ra. Nhờ vậy hành khách lên xuống tàu ông đủ hạng người, đông vui như trẩy hội, đủ mọi thành phần.

Muốn được như thế, thì phải cải tiến lại tàu.

Sau khi thâu tóm toàn bộ cơ ngơi của hai công ty lừng danh Deschwanden, Marty - D’Abbadie, Bạch Thái Bưởi còn nhận cả nhân công của họ làm việc cho mình mà ông tin họ sẽ hết lòng phục vu. Đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, được ông nhận vào làm, họ khác nào chết đuối vớ được phao? Như thế, lẽ nào họ không mà làm việc cho tử tế? Ông đã thấy được cái lợi lâu dài và trước mắt. Là được sử dụng những người thợ lành nghề. Không những không mất thời gian đào tạo mà thậm chí, họ còn góp phần đào tạo tay nghề cho thợ của ta.

Nhưng không chỉ có thế.

Đào tạo, thu hút những tay thợ lành nghề bao giờ cũng canh cánh trong lòng của Bạch Thái Bưởi. Ông đã có ý định mở trường kỹ nghệ ngay trong nhà máy. Trường này thâu nhận các em thầy thợ đang làm việc cho ông, các thanh thiếu niên yêu thích nghề máy móc, có đầu óc thực nghiệp. Đây sẽ là nguồn cán bộ, công nhân thay thế vị trí của những người đi trước lúc họ đến tuổi nghỉ việc. Tầm nhìn của ông sâu xa và có sự tính toán chiến lược, chứ không phải của một người chỉ biết “ăn xổi ở thì”. Tính cách này hiếm thấy ở người kinh doanh Việt Nam thuở ấy, do nhiều lý do, kể cả lý do bấp bênh về đời sống chính trị khiến nhiều người không dám đầu tư lâu dài. Nhưng Bạch Thái Bưởi lại nghĩ khác.

Nguồn thợ dồi dào này sẽ cùng công nhân cũ của Bạch Thái công ty sẽ làm nên nhiều “kỳ tích” đáng nể khác.

*        *       *          *        *          *

Có lẽ cho đến lúc cuối đời không chỉ lực lượng công nhân mà ngay cả ông Bưởi, lão Thịnh, ông Chấn..., thậm chí các kỹ sư người Pháp cũng không thể lý giải tại sao nước Nam ta lại có người thông minh, tài trí đến thế. Đó là trường hợp quản đốc Nguyễn Văn Phúc. Ông Phúc chưa từng học chuyên môn ở trường nào cả, chỉ là chân đốc công mà lên, nhưng mọi việc trong nhà máy chỉ một tay ông chỉ huy.

Trước đây, năm 1913, khi khách hàng ủng hộ Bạch Thái Bưởi ngày càng nhiều, những tàu cũ kỹ không đủ sức vận chuyển hết thì ông đã có sáng kiến tân trang, tự nối dài thêm những chiếc thuyền cũ vừa mua được. Ông chỉ huy nối dài tàu Bái Tử Long, bằng cách cắt đôi tàu rồi nối vào khúc giữa một khúc dài 7 mét 80. Sau thành công này, năm 1917, ông lại cho nối dài tàu Yên Bái thêm 7 mét 00; năm 1919 tiếp tục nối dài tàu Phố Lu thêm 7 mét 20 nữa. Giữa các vết nối này, các tay thợ đã làm khéo đến nỗi không ai có thể phát hiện được. Có hành khách ngớ người khi bước xuống tàu quen thuộc, cứ tưởng xuống nhầm.

Nay, ông Phúc còn làm thêm những chiếc tàu mới, tự tay ông vẽ kiểu. Nhiều mẫu mã khi đưa cho kỹ sư người Pháp xem, họ đều cho là mới quá, bạo quá nhưng khi thực hiện đều thành công mỹ mãn. Ông đã cho làm mới tàu Đinh Tiên Hoàng, là tàu bánh xe bằng sắt, trọng tải 100 tấn, sức mạnh 200 mã lực; tàu Gia Long cũng là tàu bánh xe bằng sắt, cũng mã lực như vậy nhưng trọng tấn tăng gấp đôi. Sự tính toán chi ly về kỹ thuật đóng tàu, về vận hành máy móc không thua bất cứ kỹ sư chuyên môn nào. Ông thường bảo:

-Ngày xưa, cụ Cao Thắng chỉ xem qua các kiểu súng của Pháp mà chế tạora các khẩu súng mới. Lúc ấy, cụ cùng các nghĩa quân của tướng quân Phan Đình Phùng sống trong rừng sâu núi thẳm, thiếu thốn trăm bề nhưng cụ cũng làm được. Chẳng lẽ nay ta có trong tay đầy đủ máy móc, nhưng lại không làm được như cụ à?

Công trình đáng kể nhất của ông Phúc vẫn là chế tạo chiếc tàu mang tên Bình Chuẩn, là một sự kiện gây tiếng vang rất lớn lúc đương thời.

Tài trí như ông Phúc, ý tưởng táo bạo của ông Phúc nếu không được sự ủng hộ, tán thành và đầu tư kinh phí của Bạch Thái Bưởi thì liệu có thực hiện được không? Điều này cho thấy bản thân của ông Bạch, dù là một nhà doanh nghiệp nhưng cũng có thiên hướng về công việc có tính cách sáng tạo của khoa học kỹ thuật.

Trước lúc  bắt tay vào công việc, ông Phúc đã trực tiếp trình bày kế hoạch với ban quản trị của Bạch Thái công ty. Về kinh phí, thời gian thực hiện, nhân công được mọi người thông qua nhanh, vì đây là kế hoạch được sự thống nhất trong mọi thành viên, nay chỉ ấn định ngày tiến hành. Cái khó nhất là đặt tên chiếc tàu này như thế nào? Đã đến khuya, nhưng mọi ý kiến vẫn chưa ngã ngũ. Cuối cùng Bạch Thái Bưởi bảo hãy để ông suy nghĩ thêm, và sẽ có câu trả lời vào ngày sớm nhất.

Sau cuộc họp, suốt đêm hôm đó ông lại trằn trọc. Mãi đến lúc gà gáy canh ba mới chợp mắt. Những trang sử nước nhà vẫn lẩn quẩn trong giấc ngủ chập chờn. Những ngày sau, ông vẫn chưa tìm được cái tên ưng ý. Lấy tên của danh nhân để đặt thì mình đã làm rồi, hơn nữa, nó cũng chưa có sức khái quát cho ý nguyện của ông. Lấy tên một địa danh cụ thể? Tàu của mình sẽ xông pha khắp năm châu bốn biển kia mà. Chẳng lẽ lấy tên mình? Lố bịch! Cuối cùng, ông quyết định chọn cái tên Bình Chuẩn.

Tại sao?

Khi nhắc đến Bình Chuẩn, lập tức những người yêu sử nhớ đến một nhân vật kiệt xuất có tư tưởng đổi mới triệt để dưới triều Tự Đức là Đặng Huy Trứ. Ông là người có công đưa nghề nhiếp ảnh vào trong nước và cũng là người đầu tiên mở hiệu ảnh tại Việt Nam. Sau khi thi đậu ra làm quan, ông được nhà vua tin cậy giao nhiều trọng trách. Chính ông được triều đình nhà Nguyễn giao nhiệm vụ cải trang thành người Thanh đi Hương Cảng dò thám thực lực của người phương Tây. Tại đây, ông đã thu thập tài liệu để viết kỹ thuật vận hành của máy hơi nước. Về nước, ông chỉ huy đóng “Mẫn thỏa khí cơ đại đồng thuyền” - là chiếc tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên dưới triều Tự Đức. Đối với một người theo nho học mà có được tinh thần nhậy cảm với cái mới như thế thật đáng qúy, đáng trân trọng biết chừng nào. Sau những chuyến công cán, ông đã dâng lên vua Tự Đức bản “Công cuộc tự cường tự trị ở nước ngoài” mà ông đã nhọc công tìm hiểu, nhận xét và ghi chép lại. Nếu vua tôi trong triều nghiêm túc đọc và  rút ra những kinh nghiệm cần thiết để áp dụng thì hay biết bao nhiêu. Rất tiếc, đọc xong  văn bản này, Tự Đức chỉ phê mấy chữ “Chuyển nội các lưu giữ” (!).

Năm 1866, khi được cử làm Biện lý bộ Hộ, Đặng Huy Trứ đã có sáng kiến xin nhà vua thành lập Ty Bình Chuẩn tại Hà Nội. Có thể ghi nhận đây là một biện pháp tích cực dưới triều Nguyễn nhằm chấn chỉnh công thương nghiệp nước nhà. Ty này có nhiệm vụ kinh doanh buôn bán, gầy dựng tài chính cho quốc gia; mở nhiều hiệu buôn (như Lạc Thanh, Lạc Sinh, Lạc Đức Điếm...) ở Hà Nội; giao lưu hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược; khai thác mỏ ở Thái Nguyên; động viên sĩ phu mở đồn điền vừa sản xuất nông nghiệp vùa luyện quân; sản xuất thiết ra nước ngoài...

Là thế sinh sau đẻ muộn, Bạch Thái Bưởi chia sẻ với sự ra đời của Ty Bình Chuẩn là vì mục đích lo cho dân, cho nước nước và ông cũng rất tâm đắc câu nói bất hủ của người có sáng kiến thành lập: “Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”. Chao ôi! Tiền nhân sống cách ta hàng mấy mươi năm trước còn có suy nghĩ như thế, thật đáng kính phục biết chừng nào! Vì thế, sau nhiều ngày suy nghĩ, ông quyết định đặt tên cho chiếc tàu thủy chạy biển xuyên Việt đầu tiên của mình là Bình Chuẩn.

Nghe ông giải thích như thế, các thành viên trong Bạch Thái công ty đều “tâm phục khẩu phục”.

Công ty Bạch Thái đã huy động gần 800 công nhân làm tàu Bình Chuẩn. Lúc bắt tay vào làm cũng là lúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất sắp kết thúc. Nước Pháp đang thoi thóp, ngượng dậy trong cuộc chiến, vì thế hàng hóa sang Đông Dương trở nên khan hiếm. Nhiều mặt hàng không đủ cung cấp cho thị trường. Trong kỹ thuật đóng tàu rất cần đinh tán ri-vê (rivet), bu-loong (boulon)... nhưng nay mua không có. Chiến tranh đang nổ ra, hàng hóa từ Pháp đến Đông Dương đang ách tắc. Nguyên liệu thiếu be thiếu bét. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn. Mày mò trong sách kỹ thuật, ông Phúc cùng các tay thợ giỏi nghề chế tạo ra máy sản xuất hàng loạt! Hầu hết các vật dụng để vận hành tàu đều được chế tạo tại đây. Họ đúc luôn cả nồi hơi, khung máy v.v... Theo tính toán của ông Phúc, tàu Bình Chuẩn được thiết kế toàn bằng sắt thép, dài 46m, rộng 7 mét  20, sâu 3 mét 60, hai cột trục, mỗi cột nặng 10 tấn, trọng tải 600 tấn, động cơ hơi nước 400 mã lực, vận tốc 8 hải lý/ giờ. Và họ đã làm đúng như thế.

Để có thể hình dung ra không khí làm việc trong nhà máy của Bạch Thái Bưởi, ta hãy đọc lại bài ký sự của ông Quan Dục Nhân - người Hoa. Bài này được viết sau khi khi tàu Bình Chuẩn đã hạ thủy và đăng trên các báo ở Quảng Đông như Nhân quyền báo, Tổng thương hội báo, Đại công báo... Nhà báo Thượng Chi đã dịch lại và cho in trên Nam Phong tạp chí số 32 (1920):

“...Ngày 18, ta cùng với bạn ta xuống Hải Phòng, nhân cơ hội ấy ta có đi xem các kiểu mẫu tàu của công ty Bạch Thái, nên ta mới định chí đi đến tận nơi để xem xét thử cái sự nghiệp cả công ty ấy ra làm sao.

Người bạn đưa ta đến nhà máy công ty Bạch Thái; trong công ty ấy vẫn có nhiều người Trung Hoa ta làm công. Lúc vào đến nơi thì lấy một người trong bọn Hoa công làm thông ngôn, chủ khách mừng mặt nhau rồi, ta mới bày tỏ lai ý, chủ nhân lãnh ý rồi cho người nhà đưa ta đi xem công xưởng, lúc đến nơi thì thấy có một người giám đốc đứng sẵn đón ta ở cửa, chắc hẳn chủ đã dùng điện thoại mà thông báo trước.

Kẻ xưng giám đốc xưởng ấy cũng lại là người An Nam tên là Nguyễn Văn Phúc, không hề đi du học nước ngoài, mà cũng không có bằng cấp tốt nghiệp ở trường công nghệ nào cả, mà trong tay tinh nghề thợ, làm giám đốc được một xưởng máy.

Nguyễn quân đưa ta đi xem khắp trong xưởng, khi bấy giờ đúng 9 giờ rưỡi, nhân công đương làm lụng, thợ thuyền ước được 500 người, máy móc ước được ba bốn chục bộ,máy bào, máy tiện, lò nấu, không thiếu thức gì, trong xưởng xếp đặt thật là chỉnh đốn.

Ta đi xem khắp các bộ phận ở trong xưởng rồi thì Nguyễn quân lại đưa ta ra ở đàng trước xưởng xem các tàu và xem các cừ đóng tàu với cái đà chữa tàu.

Năm nay trong xưởng ấy mới đóng được một chiếc tàu toàn bằng sắt để chạy bể, đặt tên “Bình Chuẩn”, đã làm lễ hạ thủy rồi , mà nội bộ hãy còn chế tạo trong xưởng và đương trục hai chiếc tàu lên trên đà để chữa lại: Chiếc “Hùng An” là tàu bể mà mua ở Hồng Kông đem về dùng, chiếc “Đinh Tiên Hoàng” là tàu của công ty, để chạy trong sông.

Công nghiệp như thế kể cũng đã to tát lắm mà độc một tay người An Nam kinh lý nổi, và lại chỉ dùng người bản xứ đứng giám đốc được việc chế tạo, thời đủ biết cái trình độ của người An Nam ngày nay đã lên cao mấy bực rồi.

Ta còn nghe nói công ty Bạch Thái mới mua thêm một chiếc tàu 3.000 tấn ở bên Mỹ nữa để về chạy sang Âu, Mỹ, Nhật và các nước khác, xem bấy nhiêu cũng đủ biết cái thương nghiệp của họ cũng đã có cái cảnh tượng tiến hóa hẳn rồi”.

Những thông tin này là chính xác, tuy nhiên, cũng cần bổ sung thêm một chi tiết nữa. Ngoài việc đã mua thêm chiếc tàu nặng 3.000 tấn, thì Bạch Thái Bưởi còn có dự định mua thêm chiếc tàu của công ty Roque, nhưng công ty này do chính phủ Pháp trợ cấp nên việc thương lượng gặp nhiều khó khăn.

Ngày ấy, để động viên tinh thần làm việc của mọi người, ngay trong nhà xưởng, ta thấy có ghi một câu nói trứ danh của Bạch Thái Bưởi: “Trước kia ta cạnh tranh với các Hoa thương trên mặt sông, từ nay trở đi ta lại cạnh tranh với các tàu bè trên mặt biển”. Ông Quan Dục Nhân nhận xét: “Ôi! Lời ấy chẳng hóa ra là lời khoa trương lắm ru. Nhưng mà cái chí tiến thủ của người An Nam cũng đáng khen vậy”.

Sau gần hai năm lao tâm nhọc trí, những người thợ tài hoa Việt Nam đã hoàn thành tàu Bình Chuẩn một cách xuất sắc. Việc làm của công ty Bạch Thái đã khiến báo chí đương thời không ngớt lời khen ngợi. Chẳng hạn, báo L’éveil Eùconomique de L’ Indochine (1919) có đoạn viết: “Đang thời kỳ khủng hoảng mà một hãng tư nhân bản xứ đóng được những con tàu tầm cỡ như vậy, trong khi mọi thứ đều thiếu thốn, sắt thép đắt kinh khủng và chỉ bằng vốn tự có, không miễn giảm thuế, không dựa vào nhà nước, chẳng cầu cạnh ai, cũng chẳng có một chút hơi hướng tài trợ nào, hãng này tự xoay xở theo cách của mình với muôn vàn nỗ lực, đã chứng tỏ, hơn mọi lời lẽ, sức sống và sự thịnh vượng của nó”.

Cảng Hải Phòng được vinh dự là nơi chứng kiến ngày hạ thủy của tàu Bình Chuẩn. Đó là ngày 7.9.1919 - đánh dấu một sự kiện trọng đại của ngành công nghiệp đường thủy Việt Nam, là hình ảnh tượng trưng cho “Phong trào chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp” của giới doanh nghiệp tư sản dân tộc nước nước Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Ngày đó, hàng ngàn người hiếu kỳ đã đến dự. Lão Thịnh đã thay mặt Bạch Thái Bưởi phát biểu đôi lời, sau đó Đốc lý Métaireau đáp từ.

Đây là thời điểm thiên hạ tôn vinh Bạch Thái Bưởi là “chúa sông” Bắc kỳ.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com