VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 6. DÁM CẠNH TRANH ĐẾN CÙNG

Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 6. DÁM CẠNH TRANH ĐẾN CÙNG

Mục lục
Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI
1. DÁM ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH
2.DÁM TẬN DỤNG THỜI CƠ
3. DÁM TIN NGƯỜI
4.DÁM TIẾP THU TÂN THƯ
5. DÁM VẬN DỤNG TINH THẦN YÊU NƯỚC
6. DÁM CẠNH TRANH ĐẾN CÙNG
7. DÁM SÁNG TẠO
8. DÁM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KINH DOANH
Chương kết thúc
Tài liệu tham khảo
Tất cả các trang

 

6. DÁM CẠNH TRANH ĐẾN CÙNG

Trong những lúc trà dư tửu hậu, lão Thịnh thường hào hứng kể câu chuyện về Bạch Thái Bưởi thuở ấu thời mà lão chứng kiến. Ngày nọ, chỉ mới lên bảy, lên mười cậu bị bố đánh đòn. Bố bảo do có một lỗi nào đó, còn cậu khăng khăng là không! Nhưng bố cứ đánh. Ban đầu cậu còn phân bua, nhưng sau cứ đứng im thin thít như thịt nấu đông. Bố càng già đòn, cậu càng trân người ra chịu đựng chứ không khóc. Mãi đến khi bố mệt quá, vừa dừng tay roi thì cậu lại lăn xả vào bố mà bảo: “Bố đánh con nữa đi. Con đã nói con không có lỗi mà bố cứ đánh, vậy bố đánh chết con đi!”. Ông bố thấy lạ. Sau nghiệm lại mới thấy con mình nói đúng, nó không có lỗi thật!

Tính cách của Bạch Thái Bưởi là vậy. Một khi đã xác định việc làm của mình là đúng, ông kiên trì đeo đuổi, bảo vệ đến cùng.

Nay, việc làm của mình đã được quốc dân ủng hộ thì ông hào hứng nuôi ý định mua thêm tàu, mở rộng thị trường. Sau khi đánh bại đối thủ cạnh tranh trên tuyến đường  Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy (Nghệ An), Bạch Thái Bưởi bắt đầu cho tàu chạy thêm tuyến đường Hải Phòng.

Sự việc này diễn ra vào năm 1912 khiến nhiều người kinh ngạc.

Tuyến Hải Phòng xưa nay là đường thủy trọng yếu của các tàu Hoa kiều, nhưng ông vẫn ngang nhiên “liều mình như chẳng có”, vẫn dõng dạc bước vào giành quyền chia thị phần. Vì thế, một lần nữa các tàu Hoa kiều càng căm tức, hiệp lực lại cố phá cho bằng được. Than ôi! Bất cứ thủ đoạn nào cũng không đánh gục được ý chí sắt đá của ông. Bài học vận dụng tinh thần tự hào dân tộc, một lần nữa đã giúp ông chiến thắng vẻ vang. Tàu của ông ngày thêm đông khách. Tàu của đối phương dần dần thưa khách. Về sau không ít chủ người Hoa kiều bỏ cuộc.

Dù không hiếu thắng, nhưng Bạch Thái Bưởi lại có niềm kiêu hãnh là mua lại các tàu từng cừu địch của mình. Ông luôn trả giá cao hơn người khác để sở hữu cho bằng được. Có một điều đặc biệt là trong phòng làm việc của ông, trang trí cũng khác người. Nếu thời đó thiên hạ vẫn chuộng cách treo các câu đối đỏ, tranh thủy mặc, các bức hoành phi sơn son thếp vàng... còn ông thì không. Ông chỉ treo những bảng hiệu của các tàu người Hoa, người Pháp mà ông đã mua được! Ông bảo, các chủ tàu cũ trông vào căm tức bao nhiêu, ông càng thích thú bấy nhiêu. Có lần mua được tàu Kim Hằng, chủ cũ cố lấy lại cho bằng được cái bảng hiệu bằng đồng đúc hai chữ đại tự rất “hoành tráng”, quyết không để cái biểu trưng danh dự của mình lọt vào tay ông. Không chịu thua, ông thuê luật sư, chịu mất thêm tiền đòi lại cho bằng được để treo chơi!

Tư thế này khiến ta nhớ đến hình ảnh vị tướng soái trên chiến trường, sau khi kết thúc cuộc giao tranh khốc liệt thì quyết phải cắt đầu của kẻ thù!

Chỉ sau hai năm mở thêm tuyến đường Hải Phòng, Bạch Thái Bưởi khuếch trương thêm nhiều chi nhánh để có thể quản lý công việc thuận lợi nhất. Ngoài trụ sở chính tại Nam Định - một vùng đất văn vật nổi tiếng với hai “đặc sản” là “Đọc thơ Xương, ăn chuối ngự” - vẫn giao cho ông Lã Quý Chấn cai quản thì  ngày 1.6.1914, ông mở thêm chi nhánh Bến Thủy (Nghệ An), giao cho Babou quản lý.

Kế đến, ngày 1.8.1914, ông lai mở chi nhánh ở Hà Nội và giao cho ông Offhause quản lý. Vết tích trụ sở đó, nay còn lưu lại ở trước Cột Đồng Hồ đường Bờ Sông (Quai Guillemoto - nay phố Trần Quang Khải). Đó là ngôi nhà ba tầng, chân tường hầm xây đá xanh (sau là một bộ phận của Sở Thương chính). Gọi là khu vực này Cột Đồng Hồ vì thuở đó, chính quyền thực dân Hà Nội đã cho trồng một cột sắt cao, trên gắn một cái đồng hồ vuông vức bốn mặt để người dân xem giờ lên xuống tàu thủy.

Từ đây, trong lịch các tàu thủy chạy tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Tuyên Quang, Hà Nội - Chợ Bờ... có tàu của Bạch Thái Bưởi. Điểm của các bến xếp theo thứ tự là bến tàu Tây Điếc (tức chủ hãng Sauvage, tai bị điếc), bến tàu Bạch Thái Bưởi, bến tàu của Hoa kiều như Giang Môn, Long Môn...

Năm 1915, một lần nữa tên tuổi Bạch Thái Bưởi càng vang dội trên thương trường. Đó là năm công ty Marty - D’Abbadie phá sản. Ngoài việc  mua đứt ba chiếc tàu thuê lâu nay, ông còn mua luôn mấy chiếc khác nữa - kể cả chiếc thuyền đội bề thế nhất của công ty này.

Ngoài ra, ông cũng nuôi ý định tìm thêm chọn một vị trí mới để đặt trụ sở chính. Vị trí mới theo ông chỉ có thể là Hải Phòng, bởi nơi đây có vị trí chiến lược rất quan trọng của một thành phố cửa biển. Không chỉ có hải cảng lớn, khu công nghiệp tập trung mà nó còn là một vùng nông nghiệp rộng lớn. Từ năm 1876, nguời Pháp đã xây dựng hải cảng Hải Phòng. Nó trở thành đầu mối giao thông thuận lợi với các đường lộ, các cửa sông lớn và hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ. Hơn nữa, với địa danh Hải Phòng bao giờ cũng vọng lên trong tâm thức của ông niềm tự hào của ông cha từng đổ máu xương giữ nước, là hình ảnh oai hùng của nữ tướng Lê Chân, của các bậc hiệt kiệt anh hùng như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo... từng đánh đuổi kẻ thù phương Bắc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Từ tháng 4.1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng. Cơ ngơi đồ sộ của ông nằm trên bờ sông Tam Bạc. Vì phố bên sông Tam Bạc nên đặt tên là phố Tam Bạc. Lúc mới hình thành, phố này có được tên Quai Maréchal Foch. Sau cách mạng tháng Tám đổi tên gọi là bến Bạch Thái Bưởi và duy trì đến ngày nay. Khi ông đến lập nghiệp, con đường này vắng vẻ, ít người qua lại thì nay dần dần trở thành chốn sầm uất, náo nhiệt ngày đêm, thuyền bè tấp nập...

Chọn vị trí mới, Bạch Thái Bưởi còn thừa hưởng một thành quả mà người Pháp đã thực hiện. Trước đây, tàu biển ra vào cảng Hải Phòng vẫn qua cửa Cấm, nhưng luồng tàu này luôn bị sa bồi, gây khó khăn cho tàu mớn nước lớn qua lại. Vì thế từ năm 1911, người Pháp đã cho đào kênh Đình Vũ nối luồng Bạch Đằng với dòng sông Cấm hình thành luồng tàu vào cảng từ cửa Nam Triệu, thay cho luồng tàu cũ ở cửa Cấm. Dù người Pháp đào kênh Đình Vũ nối sông Cấm với cửa Bạch Đằng, nhưng họ vẫn giữ lại cửa Cấm để thoát phù sa ra biển. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển cảng biển Hải Phòng.

Về đây, công việc của ông ngày một tất bật hơn. Từ phía ngoài cửa nhìn vào, đêm đêm thiên hạ vẫn thấy ngọn đèn tỏa sáng trên bàn làm việc. Có một bài toán khó mà ông đang đau đầu, chưa thể giải quyết được. Trước đây khi cạnh tranh với Hoa kiều, ta đã kêu gọi sự ủng hộ của đồng bào, nhưng việc làm này thì không thể. Vậy phải làm thế nào đây? Ông suy nghĩ hoài nhưng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết hợp lý.

Lâu nay, mỗi lúc tàu hư hỏng thì phải thuê các nhà máy ở Hải Phòng sửa chữa. Nhưng đâu phải có tiền là được. Do xúi giục của các đối thủ cạnh tranh nên không ít lần ông lâm vào cảnh dở khóc dở cười, lắm nỗi nhiêu khê. Không những bị bắt bí, lấy tiền cao hơn mà chất lượng sửa chữa cũng không ra gì! Vậy mà vẫn cứ chầu chực, ngậm bồ hòn làm ngọt! Nay cơ ngơi ngày một phát triển thì không thể tiếp tục bị động như thế. Ông đang nghĩ đến việc xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu!

Ước mơ này vượt ngoài tầm tay của Bạch Thái Bưởi. Ông không đủ tiền và thời gian đi ra nước ngoài mua sắm được toàn bộ máy móc để hình thành một nhà máy theo đúng nghĩa của nó. Khi công ty Marty - D’Abbadie phá sản, dù đã mua đứt ba chiếc tàu đang thuê và mua thêm mấy chiếc khác nữa, ông còn muốn mua luôn cả nhà máy nữa. Thế nhưng, việc thương lượng gặp phải nhiều khó khăn, vì cũng có nhiều công ty của người Pháp, người Hoa lăm lăm nhảy vào phá bĩnh. Họ không mua mà lại thuê. Thuê không phải nhằm phục vụ cho công việc sửa chữa tàu, chỉ nhằm tạo áp lực, gây khó khăn, ngăn cản không cho ông phát triển. Một công ty của người Pháp cố thuê và đã thuê được nhà máy đó, nhưng lại để không! Trong khi mình cần để sử dụng, nó lại để cho cỏ mọc! Oái oăm thật.

Với Bạch Thái Bưởi đây là sự trêu ngươi, là một đòn cạnh tranh kiểu mới. Lẽ nào ta bó tay?

Tối nay, sau khi nghe đốc công Nguyễn Văn Phúc báo cáo lại tình hình của nhà máy này, ông càng nôn nóng. Hầu hết máy móc ở đó còn tốt, nếu thuộc về tay mình thì khác nào thuyền ta ra khơi gặp gió! Ngẫm nghĩ một lát, ông vào tài xế lấy xe hơi đưa mình và lão Thịnh đến nhà lão Marty - giám đốc công ty Marty - D’Abbadie.

Sau vài lời chào hỏi, ông đi thẳng vào vấn đề:

-Thưa ngài, trước đây tôi đã nhiều lần hầu chuyện muốn mua lại nhà máy của ngài, nhưng ngài cứ chần chừ mãi rồi cho người khác thuê. Tôi thật sự không hiểu nguyên do như thế nào? Nếu không bị đánh giá là kẻ tò mò, tôi mong mỏi xin ngài nói đôi lời để tôi hiểu thêm, khỏi ngày đêm ấm ức.

Lão Marty vẫn giữ thái độ im lặng. Thấy vậy lão Thịnh cũng lựa lời nói thêm:

-Khi các ngài mở công ty, xây dựng nhà máy thì mong muốn công việc ăn nên làm ra, nay chẳng may thất bại thì cũng buồn thật. Chuyện này không ai muốn cả. Nhưng theo tôi chuyện này không đáng buồn, vì tàu bè của ông đã được chúng tôi mua lại và sử dụng đúng công năng như trước. Ngày ngày ngài vẫn thấy tàu của ngài hoạt động ngược xuôi trên bến bãi.

Ngập ngừng một lát, lão Thịnh nhẹ nhàng:

-Chỉ có điều đáng buồn là...

Chưa hết lời, lão im bặt. “Người khôn ăn nói nửa lời...”. Đúng như cả hai đã dự đoán trước khi đến đây, lão Marty buột miệng:

-Đáng buồn gì nhỉ?

Lão Thịnh vẫn nhẹ nhàng:

-Chúng ta là người sống vì nghề, chết cũng vì nghề. Vì yêu nghề mà ngài đã bán lại tàu bè cho chúng tôi. Không chỉ vì được ngài bán với giá hợp lý mà chúng tôi còn cảm động vì ngài đã tin cậy trao lại tài sản. Sự tin cậy nên này có được là do ngài đánh giá chúng tôi chí thú làm ăn. Tôi ngờ rằng, nếu có kẻ bỏ đồng tiền ra mua tàu bè của công ty ngài rất vứt vào xó xỉnh thì ngài rất đỗi đau lòng!

Được lời như cởi tấm lòng. Lão Marty xúc động, sao có người lại hiểu mình đến thế? Lão đến với sông nước chỉ vì yêu nghề. Thành lập công ty chỉ vì yêu nghề. Nhưng rồi sự biến động của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tại “mẫu quốc” cũng có nhiều xáo trộn. Điều này đã làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của công ty lão. Việc chuyên chở hàng hóa cho chính quyền và quân đội Pháp tại Bắc kỳ ngày một thưa dần, khi mà nhà nước tập trung lực lượng phục vụ cho công cuộc chiến tranh tại chính quốc. Cuối cùng, công ty phá sản. Dù bán lại tài sản, lòng đau như cắt, nhưng lão Marty tự an ủi đã bán cho người cũng yêu nghề là Bạch Thái Bưởi. Từ ngày đó, lão đâm ra uống tựu càng tợn và tâm trí trở nên bạc nhược.

Lão Thịnh đột ngột cắt suy nghĩ của lão:

-Thưa ngài, chúng tôi cũng đau lòng như ngài khi biết nhà máy của ngài, nay người ta thuê lại nhưng chỉ để không! Như thế là một sự phí phạm. Hơn cả thế, hành động đó còn xúc phạm đến công sức đầu tư khi ngài mở công ty nhằm phục vụ cho công cuộc khai hóa của nhà nước.

Nốc thêm một chén rượu của cô nhân tình từ Paris vừa gửi sang tặng, lão Marty bần thần xúc động trước lý lẽ “nói phải củ cải cũng nghe” nên tỏ ra cởi mở hơn. Câu chuyện dần dần trở nên thân tình. Qua câu chuyện, Bạch Thái Bưởi hiểu được bí mật trong việc chia chác tiền nong của các cổ đông sau khi công ty này phá sản, họ đang có sự “bằng mặt mà không bằng lòng”. Là người đóng góp số tiền cao nhất nên tiếng nói của lão Marty có trọng lượng nhất định, Bạch Thái Bưởi tìm mọi cách khai thác lợi thế này.

Sau vài chén rượu thù tạc, Bạch Thái Bưởi mới nói rõ ý định của mình. Nếu đồng ý bán lại nhà máy cho ông thì lão Marty sẽ có hai điều lợi. Thứ nhất, ngoài số tiền thỏa thuận với các cổ đông thì lão sẽ còn được “lót tay” riêng một khoảng tiền nữa; thứ hai, sau khi tống khứ lão Tây đang thuê nhà máy thì lão cũng nhận số tiền tương tự. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Vừa dứt lời, ông đưa ngay trước cho lão một ít, không cần bất cứ một dòng giao kèo ký nhận gì cả và bảo:

-Thưa ngài, xin ngài yên tâm. Chúng tôi là những người làm ăn lớn và trọng chữ tín. Dù có chết thì cũng không bao giờ đánh mất chữ tín. Chúng tôi xin hứa giữ bí mật chuyện này. Ngược lại, xin ngài cũng giữ cho chúng tôi một bí mật.

Lão Marty chựng người phân vân, chưa rõ Bạch Thái Bưởi muốn nói gì? Không phải đợi câu, ông rành rọt:

-Bao giờ đôi bên đã ký văn tự thì xin ông mới tiết lộ thông tin này ra ngoài.

Tưởng gì, lão bật cười sảng khoái.

Sau vài lần gặp gỡ nữa, lúc ăn tối tại nhà riêng của lão, khi du ngoạn tại Đồ Sơn... Công việc thương thuyết khéo léo, khôn khéo tạm ổn. Do đôi bên cùng giữ bí mật nên khi văn tự bán nhà máy đã ký xong, ai ai cũng biết thì tay người Pháp đang thuê trở tay không kịp. Đúng thời hạn giao nhà, nếu chần chừ thì ông sẽ báo sở Cẩm can thiệp ngay chứ không “một, hai” gì cả!

Từ đây, Bạch Thái Bưởi đã nắm trong tay một nhà máy lớn nhất nhì ở Hải Phòng. Nhưng còn một thắng lợn cũng quan trọng không kém là vị trí của nó, địa thế không đâu bằng. Nó nằm sát bờ sông Cửa Cấm, thuận tiện cho tàu bè đi lại. Theo quy định của nhà nước, không một ai được phép xây dựng nhà máy ngay trên bờ sông, nhưng đây là đất tư thổ. Việc mua bán đất cứ truyền hết đời chủ này đến chủ khác, nhà nước không cưỡng đoạt được. Nhờ vậy, Bạch Thái Bưởi còn được hưởng từ đất bờ sông cho đến mặt nước mênh mông trước mắt.  Diện tích đất này hơn 30 ha, rộng thênh thang bát ngát, như cách nói dân gian thì “cò bay mỏi cánh, chó chạy cong đuôi”. Trong đó, có đến 6.548 mét vuông đã dựng nhà cửa. Ngoài ra còn có một cái bể dài 50 mét, âu tàu rộng 125 mét có thể dung cạn được chiếc tàu trọng lượng cỡ 300 tấn để sửa chữa ngoài vỏ và một khu đất đặt cái cừ có thể đóng tàu mới cỡ ngàn tấn! Máy móc lớn nhỏ trong nhà máy này không thiếu một thứ gì. Có cả búa máy, máy cắt sắt, máy bào, máy tiện... Lại có cả hai lò đúc lớn, đúc được những vỉa gang nặng cỡ năm tấn v.v... Nó hoàn toàn đủ khả năng làm tàu mới và sửa chữa tàu.

Dịp này, Bạch Thái Bưởi chính thức tuyên bố thành lập “Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty”. Tại các trụ sở của ông, trên vị trí cao nhất người ta bắt đầu thấy phất phới ngọn cờ hiệu màu vàng, có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ. Trông từ xa, ta thấy lá cờ như mũi chiếc tàu hiên ngang rẽ sóng mà xông pha trùng dương sóng gió...

Thấy ông ăn nên làm ra, nhiều người mới đến bảo ông rằng, buôn tàu bán bè như thế, giàu có như thế, thế lực như thế sao không cầu cạnh, chạy chọt xin cái danh hiệu “bá hộ”, “hàn lâm”, “mề đay”, “kim khánh” có phải là khôn ngoan, vinh dự hơn không? Thậm chí, lúc này nhà nước đang có chủ trương thưởng “Chương mỹ bội tinh” cho những ai có công về thực nghiệp, vậy tại sao ông không làm hồ sơ để nhận? Vẻ vang thay! Danh giá thay! Nghe những lời bàn ra tán vào ấy chỉ rác tai. Ông bỏ ngoài tai, không thèm để ý đến. Có lúc cáu quá, ông nói toạc móng heo:

-Thôi, tôi van, tôi xin các ngài. Các ngài hãy để yên cho tôi làm việc. Trăm công nghìn việc còn bề bề ra trước mắt kia kìa! Cái danh dự hão ấy, tôi nhận để làm gì? Được người ta thưa thưa bẩm bẩm là sướng lắm à? Tôi chả thiết. Cái hư danh “ông hàn cụ bá” có khiển ngân hàng xuất ra cho vài chục vạn không? Chắc không thể. Tôi chỉ biết một chữ ký của tôi trị giá đến bạc muôn bạc vạn là được!

Với hư danh ấy, ông thừa sức làm được, bởi ông đang là Hội phó Hội Khai Trí Tiến Đức, trụ sở tại ngã ba phố Lê Thái Tổ và Hàng Trống do chánh thanh tra chính trị L. Marty trực tiếp chỉ đạo. Dù có nhiều đánh giá khác nhau, nhưng đóng góp lớn của Hội này đối với văn hóa Việt Nam là đã cho biên soạn và xuất bản quyển Từ điển Tiếng Việt. Ông tham gia Hội là gặp gỡ những trí thức như Phạm Quỳnh, Trần Trọng, Bùi Kỷ... bàn bạc những công việc có liên quan đến văn hóa, chính trị chứ không phải nhằm “khoe mẻ”.

Một đặc điểm dễ dàng nhận ra ở Bạch Thái Bưởi là không bao giờ ông nguôi ý định làm giàu. Nguyên tắc của ông, tiền phải đẻ ra tiền. Tiền phải đầu tư để sinh lợi. Dù đã nắm trong tay đến cả chục chiếc tàu, nhưng ông còn có ý định mua thêm nữa. Ông bảo:

-Như thế này vẫn chưa là gì cả. Các công ty của Hoa kiều, Pháp kiều còn to hơn ta, lớn hơn ta. Ta phải làm cật lực, làm nhiều hơn để họ thấy người Nam ta không phải không biết kinh doanh trên đường sông, đường biển.

Năm 1917, ước nguyện của ông ít nhiều đã đạt được.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com