VĂN XUÔI Truyện dài Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN - Chương 6

Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN - Chương 6

Mục lục
Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Tất cả các trang

Chương 6

Lúc thầy giáo gấp giáo án, thu dọn đồ dùng dạy học, những dụng cụ thí nghiệm thì đám sinh viên trong lớp ồn ào như ong vỡ tổ. Mãi đến lúc mọi người được yêu cầu giữ yên lặng, thầy nói chậm rãi:

- Buổi học của chúng ra hôm nay, đến đây là kết thúc. Các anh chị nhớ tìm tài liệu tham khảo trước, chuẩn bị cho buổi học tuần sau.

Nói xong, thầy bước ra khỏi lớp, bỗng lớp trưởng đứng dậy nói oang oang:

- Thưa các bạn, chúng ta có một tin khẩn cấp, vô cùng quan trọng. Xin các bạn nán lại ít phút.

Cả lớp nhốn nháo chẳng hiểu chuyện gì. Lớp trưởng nói lớn:

- Phòng giáo vụ nhà trường vừa gửi thông báo gấp xuống lớp ta, đề nghị bạn nào chưa đóng tiền học phí thì phải khẩn trương. Hôm nay là thứ năm, đến cuối tuần nếu bạn nào không đóng thì tuần sau sẽ phải nghỉ học.

Dũng cúi mặt xuống. Nghe như sét đánh bên tai. Lớp trưởng vừa dứt lời, anh chuồn nhanh ra ngoài. Lâm và Hải gọi theo nhưng Dũng vẫn không quay lại. Dũng lấy xe, nhanh chóng phóng ra khỏi trường nhưng Lâm và Hải cũng cuối cùng cũng đuổi theo kịp.

Họ rủ nhau vào quán cơm bình dân, ăn trưa. Cả ba đều lặng lẽ, không ai nói với nhau lời nào. Lát sau, Dũng lên tiếng:

- Chắc tuần sau bọn mình phải chia tay nhau rồi.

Lâm cười khì:

- Yên tâm. Ngay trong phút 89, mọi việc vẫn có thể thay đổi. Nhất định sẽ tìm ra hướng giải quyết.

Dũng hỏi nhanh:

- Mày có cách chi?

Dễ ợt! Hy sinh phương tiện đi lại! Mình nhảy xe buýt cho quen.

Nghe ra cũng có lý nhưng Dũng vẫn ngần ngừ:

- Để tao về hỏi chị Lan tao đã. Xe này mua bằng tiền của chị ấy.

Hải vẫn thản nhiên:

- Thôi, cứ bán đi rồi về nói sau cũng được. “Tiền trảm hậu tấu” thì mới được việc.

Dũng phân vân:

- Nhưng tao nghĩ, xe của tao, nếu bán, may lắm được 200 ngàn. Còn thiếu những 300 ngàn nữa, kiếm đâu ra.

- Cái đó, mày nhờ chị Lan hỗ trợ. Thôi, ăn đi, chúng mình phải tính kế làm ra tiền thôi.

Ba đưa ăn như tằm ăn rỗi vì đói.

Tối hôm đó, Dũng và Lan ở nhà. Dũng cứ bồn chồn không yên. Lấy quyển sách mở ra nhưng dòng chữ cứ nhảy múa, lại gấp sách đặt vào chỗ cũ. Dũng ngồi vuốt tóc mình ngược ra phía sau rồi đi đi lại lại trong nhà, gõ tay lên mặt bàn. Lan để ý thấy em khác thường, bèn hỏi:

- Dũng, có chuyện chi đó em?

Biết không thể giấu mãi được, Dũng thở dài:

- Tình hình khó khăn lắm, chị ạ. Em không có tiền đóng học phí... Có lẽ phải bán xe thôi, được không chị?

Lan giật thót người như chạm phải điện:

- Em xem có cách gì khác không? Cái xe là phương tiện đi lại chủ yếu của chị em mình.

Dũng chua chát:

- Hơn nữa, xe này bán đi cũng chưa đủ tiền học phí.

Lan tự trấn tĩnh:

- Đừng vội. Để chị tính xem.

Tính thế nào được nữa? Mai mốt là hạn cuối cùng rồi.

Lan trầm ngâm. Đắn đo một lúc, chị nói với Dũng:

- Em ở nhà, chị đạp xe đi vay mượn tiền cho em.

- Để em chở chị đi. Chân chị còn đau kia mà.

Sợ Dũng biết mình đến đâu, Lan vội nói:

- Không, không. Em ở nhà học bài. Chị đến nhà chị bạn một lát thôi mà. Hơn nữa, chân chị cũng đỡ rồi.

Lan cố nén đau, gắng đi thẳng. Chị dắt xe ra ngõ.

Lan phóng đến quán bia, nơi Hằng làm việc.

Cũng may, Hằng còn ở đó. Gặp bạn, Lan hỏi nhỏ:

- Hằng nè, cho mình mượn ít tiền được không?

- Bao nhiêu?

Lan buồn rầu:

- Khoảng 500 ngàn.

- Nhiều quá. Mình không có ngần ấy đâu. Trong túi mình chỉ có khoảng 300 ngàn, Lan cầm tạm được không?

- Tốt quá. Bao nhiêu cũng được. Mình đang cần tiền cho Dũng nộp học phí. Nó tính bán thêm cái xe này đi nữa.

Hằng kêu lên:

- Đừng vội. Mình có cách này. Miễn là Lan đồng ý.

Lan nói nhanh:

- Cách chi mình cũng chịu được hết. Miễn là có tiền lo học phí cho em Dũng.

Hằng cầm lấy tay Lan:

- Mình biết có một nhà hàng mới. Nói chung là... tử tế! Họ đang cần tiếp viên nữ.

Lại cảnh khui bia cho khách, rồi chiều chuộng, vuốt ve khách như những lần trước? Lan nhìn Hằng, suy nghĩ một lát, rồi nói:

- Thôi cũng được. Chẳng còn con đường nào khác. Nhưng liệu có tiền ngay không?

Để mình gọi điện đến đó xem thế nào.

Hằng chạy vào xin phép bà chủ:

- Dạ thưa bà, cho con xin phép ra ngoài với bạn con một chút?

- Bạn nào? Cô đừng giấu tôi. Con Lan bỏ đây đi chứ gì?

Hằng bối rối:

- Dạ vâng. Nó đang gặp khó khăn. Em trai nó đang hoạn nạn.

Bà chủ nói dứt khoát:

- Nói với nó cần gì cứ quay lại đây, lúc nào tôi cũng mở cửa đón nó.

- Dạ.

Hằng chạy đi. Hai người đến bên chỗ có điện thoại công cộng. Hằng quay số. Cô cầm ống nghe lên:

- A lô, anh Long đó ạ? Anh có khỏe không? Dạ, bận quá, không lại thăm anh được. Dạ, em có chuyện này. Dạ, em có một đứa bạn thân, muốn giới thiệu đến chỗ anh làm việc.

- Tốt thôi! Nhưng hình thức thế nào?

Hình thức cũng như tính nết đều hơn em rất nhiều. Nhưng anh phải chấp nhận một điều kiện.

- Điều kiện gì?

- Nó đang kẹt tiền. Anh ứng trước cho nó 300 ngàn, được không?

- Anh chán cảnh thả gà ra đuổi lắm rồi!

Hằng cười to:

- Nè anh Long, em chưa làm phiền anh bao giờ đâu! Cảnh cáo anh coi thường tụi em quá đó nghe. Nó là đứa bạn hết sức nghiêm túc, đứng đắn. Nếu anh không tin nó thì cho em vay tạm anh 300 ngàn, được không? Xù món gì lớn chớ ai thèm xù cái móng tay?

Lan chăm chú đứng nhìn Hằng nói chuyện qua điện thoại. Chị loáng thoáng đoán biết mọi việc sẽ diễn ra như mong đợi. Thật vậy, buông điện thoại, Hằng nói ngay:

- Ông chủ này tốt lắm. Tuy là em bà chủ chỗ mình, nhưng tính cách khác hẳn. Ổng cứ thích mình sang đó, nhưng bà chủ không cho đi.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com