LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.10.2017

 

ngay-di-tren-chu-2Rrr

Tranh giấy dó của Lê Minh Quốc


Trở về với cuộc sống, nếp sinh hoạt cũ dễ hay khó? Đang cố gắng dần. Phải hòa nhịp lại với những gì lâu nay đã trở thành thói quen. Phải cố gắng dần. Cảm thấy chống chếnh. Bỡ ngỡ. Chẳng gì ra cái gì. Cố gắng giữ nguyên, giữ lấy mọi sinh hoạt đã có. Không thay đổi. Đời sống của mỗi người, phải biết chấp nhận một sự thật nào đó. Và nhận ra rằng, tất cả đều bình thường. Phải là thế. Và cứ thế, mỗi ngày lại đi qua. Dù muốn, dù không, cũng không thể, vậy, hãy chấp nhận lấy nó. Mở lòng ra và nhận lấy một cách an nhiên. Trong những ngày nay, tự nhủ như thế. Tự dặn dò lấy chính mình. Không một lời khuyên nào có thể thay đổi một người, ngoại trừ lời khuyên của chính nó.

Sài Gòn vẫn mưa, thỉnh thoảng những cơn mưa ùa đến. Dai dẳng. Nặng hạt. Sấm chớp ầm ầm. Rồi lại nắng. Sáng hôm qua, đi xuống phố. Ghé lại nhà sách của NXB Tổng hợp TP.HCM. Mua vài quyển sách. Cũng là một cách thư giản, vì rằng, trong nhà đã quá nhiều sách, không nhất thiết phải mua thêm nữa. Nhưng rồi vẫn thích la cà những nơi bày bán sách. Một thói quen đã định hình từ ngày còn thơ bé, đến lúc ngoài ngũ thập vẫn không thể bỏ. Sách có ma lực gì mà khi đã vào đó, bao giờ lúc bước chân ra thì trên tay cũng cầm theo một hoặc nhiều quyển sách? Trả lời câu hỏi này, có thể viết thành một bài tuy bút đấy chứ? Hẹn dịp khác.

Sáng hôm qua, mua lấy nhiều quyển, trong đó có Hậu Kiều Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư. Có lần gặp nhau, ông bảo: “Tôi đặt bút xuống là thấy cỏ cây. Chắc chắn vì ảnh hưởng hồi nhỏ. Năm tôi lên 3, cha mẹ đã đem tôi lên rừng. Lúc ấy, cha tôi từ Hải Phòng tới vùng Cổ Vịt tại huyện Chí Linh khai hoang và lập trang trại Đá Trắng tại đây. Tôi ở trong rừng suốt tám năm, lớn lên nơi lưng một ngọn núi hoang vu, suốt ngày chỉ biết hát ca với cỏ cây, chạy nhảy với đàn chó săn hay nằm trên đỉnh núi trọc nhìn hoàng hôn. Mảnh đất màu xanh này ám ảnh tôi, và được dựng thành quê hương của Thúy Kiều trong Đoạn trường vô thanh”.

Bản in của NXB Nến Hồng in năm 1972, lấy tựa Đoạn trường vô thanh; năm 2012, NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản là Hậu Kiều Đoạn trường vô thanh.

Mua, một phần vì nhớ đến ông bạn già đã lâu không gặp. Không còn buổi chiều lên Tân Bình, đến chơi với ông ở quán cà phê Động hoa vàng. Ngồi nói chuyện linh tinh lang tang. Rồi về. Mua, vì lật vào trong, thấy có in dòng chữ: “Một đêm năm mơ, ở đất Tân Bình - gặp Người Đẹp tặng tấm gương soi và cây bút. Tỉnh dậy, mới biết ấp trang Vô Thanh trên ngực mà ngủ quên. Tự nghĩ mặt mày còn phải rửa lại, huống chi là hư truyện đã viết cách đây trên hai mươi năm - đọc lại lắm chỗ chẳng được như lòng… Nên đêm nay, khêu đèn dầu hao, tựa mảnh trăng tròn hơn ngoài cửa, mượn Người Đẹp ngọn ý bút, nhuận sắc lại Vô Thanh, cốt để tự soi mình vậy. Nay thêm đôi dòng tạ tội” (21.4.1992).

Việc sửa lại thơ mình từ bản đã in, không lạ, nhiều nhà thơ đã làm việc này. Có thể qua đó, câu thơ hay hẳn lên, nhưng cũng không ít trường hợp “trâu lành thành trâu què”. Bản thân y không thích sửa lại những câu thơ đã in, đã công bố, thôi thì cứ giữ nguyên dấu vết ấy, dù  biết rằng nếu sửa sẽ gột bỏ được sự thô vụng.

Với Phạm Thiên Thư, nhiều lần qua trò chuyện, ông cho biết sẽ chỉnh sửa chỉ vì vấn đề Phật học sau này ông tinh tấn hơn, có nhận thức khác hơn thuở còn trẻ, vì thể muốn “nhuận sắc” là vậy. So sánh của 2 bản in, quả đúng như thế. Chẳng hạn, bản in 1972: “Đất trời mừng đón Thánh minh/ Dân gian mở hội thái bình bốn phương/ Thiền sư quẩy gói lên đường/ Bước chân tịnh mặc áo vương mầu trời”; bản in năm 2012: “Đất trời thắm lại bình minh/ Dân gian mở hội thái bình bốn phương/ Thánh nhân quẩy gói lên đường/ Bước chân Tự Chỉnh mặc áo vương mầu trời”. Tự chỉnh là gì? Hãy nghe tác giả  giải thích… Mà thôi. Đọc thơ chứ phải đọc sách nghiên cứu đâu. “Ẩn Lan ơi mái tóc thề/ Gió xuân nay có vỗ về hương xưa/ Đêm nao học dưới trăng mờ/ Nến leo lét lụi, chữ hờ hững in”; nay: “Ẩn Lan ơi mái tóc thề/ Gió xuân nay có vỗ về suối hương/ Đêm nao ngồi học bên tường/ Nến leo lét lụi, chữ vương vắt chìm” v.v… và v.v…

Sự hồn nhiên, vô tư, tự nó bộc phát ra ngay trong một thời điểm nào đó bao giờ cũng chân thật, thật lòng hơn cả. Dù rằng, sự chân thật ấy, chưa tròn trịa như người khác mong muốn, nó còn gai góc, còn va vấp nhưng đó mới là sự chân thật. Nếu đã tính toán thận trọng, đã cân nhắc chu đáo dù rằng có chân thật đi nữa nhưng nó lại không có dấu vết của sự hồn nhiên, vô tư. Trong đời sống, y thích làm bạn với những ai khi sử lý tình huống vẫn còn có dấu vết của sự hồn nhiên, vô tư ấy, miễn là thật lòng. Và thơ cũng cần những dấu vết ấy. Đoạn trường vô thanh bản in năm 1972 của Phạm Thiên Thư là một thí dụ.

Sáng nay, chủ nhật. Ngồi thừ trước bàn phím. Chẳng viết được gì cả. Dù rất muốn trở lại thói quen của mỗi ngày. Ngày trong nếp ngày. Ngày viết mỗi ngày. Ngày sống đời thơ. Ngày đi trên chữ. Nhưng rồi chữ nghĩa có là gì? Bài thơ cuối cùng viết về mẹ là lúc 24 giờ của ngày 12.10.2017 - ngày mẹ mất, lúc 5 giờ sáng. Những câu thơ trào ra ngoài ngọn bút. Vẽ lại cảm xúc của khoảnh khắc ấy. Một khoảng khắc tột cùng của sự mất mát: từ nay không còn có mẹ.

Một khi đối mặt cùng sự đau đớn, cách hóa giải tốt nhất vẫn là nghĩ đến nỗi bất hạnh của người khác, biết đâu họ gánh chịu còn lớn lao hơn mình gấp bội phần. Nói như thế, bởi nhớ đến nhà văn Võ Phi Hùng, một đồng nghiệp nghèo, mồ côi cha mẹ, thuở bé sống trong cô nhi viện, nay đã mất. Năm tháng cuối đời của Hùng, y gặp luôn vì anh thuê phòng trọ và hay uống ở quán cà phê gần nhà. Có lần anh tâm sự: “Tôi đã dành nhiều thời gian đi tìm mẹ, đi tìm lấy cội nguồn của mình, nhưng rồi bất lực. Không thể tìm được mẹ, dù đã nhiều lần cố gắng hết sức. Khi đã ngoài 60, tôi ngộ ra rằng, đó là một sự thật mà tôi đành phải chấp nhận”. Còn có sự chấp nhận nào bất hạnh hơn thế không? Nghĩ đến hoàn cảnh của người khác, để thấy rằng, dù gì mình cũng còn may mắn hơn.

Ngày về tiễn mẹ là bài cuối cùng, y viết về mẹ. Viết lúc còn nhìn thấy mẹ trên cõi trần. Một gương mặt thanh thoát, thanh thản như đang ngủ sau một chặng đường dài. Chặng đường 90 năm của cụ bà Lương Thị Ân (1927-2017). Lúc ấy, y nằm dài dưới đất, hướng mặt về bàn thờ Phật, phía sau là cỗ quan mẹ. Và đặt bút viết: “Tiếng kinh cầu dịu dàng hương sen/ Hoa huệ trắng của một đêm về sáng/ Ngoài trời mưa từng giọt, mẹ ơi/ Đã từ đây không gặp lại trong đời/ Giọng nói, tiếng cười, dáng người của mẹ/ Con ước gì quay về thơ bé/ Vẫn có mẹ dỗ dành”. Những ai còn có mẹ, một khi nghĩ đến câu: “Đã từ đây không gặp lại trong đời”, có thể cảm thấy bình thường, nhẹ hếu, nhưng rồi lúc mất mẹ mới cảm thấy điều ấy khủng khiếp biết dường nào. Cảm nhận rất rõ một sự trống rỗng đang đè ập xuống lòng mình. Tưởng chừng như nghẹt thở.  

Mẹ mất, nếu đã có vợ/ chồng/ con cái thì người ta sẽ nghĩ gì? Y không biết vì không là hoàn cảnh đó. Vẫn đơn thân độc mã. Đường xa lẻ loi. Đơn độc dặm dài. Vì thế mới vụt nghĩ đến ngày mai, lúc đã không còn mẹ: “Trên đường đi cho hết cuộc hành trình / Lúc vấp ngã - ai người an ủi/ Lúc niềm vui - ai người san sẻ/ Mẹ đã ra ngoài bể dâu/ Ngàn sau mây trắng về đâu? Lại trở về cát bụi”. Đã viết rõ nẻo về của mẹ. Rồi tự hỏi, hỏi lấy chính mình: “Và bây giờ con đang đứng ở đâu?”.

Đang đứng ở cõi nào mà trong tâm tưởng, trí nhớ, ký ức vẫn không có gì khác. Vẫn như mọi ngày còn quấn quýt bên chân mẹ: “Hình bóng cũ vẫn còn nguyên vẹn mới/ Con vẫn thấy ngoài trời xanh nắng tới/ Tiếng chim reo trong trẻo của mỗi ngày/ Vẫn có mẹ ra vào/ Vẫn bếp lửa, vẫn cửa nhà, vẫn mỗi ngày đi chợ/ Vẫn từng ngày con gọi mẹ/ Tiếng gọi âm vang đã máu thịt hình hài”. Và khi mất mẹ, chính là lúc tưởng chừng như máu của mình đang đọng lại. Khô cứng lại. Sự sống không còn. Nhưng rồi, con người ta vẫn tiếp tục phải sống. Sống như vẫn đang còn có mẹ.

Lúc ấy, ngoài trời đang mưa. Đà Nẵng. Con đường Triệu Nữ Vương. Đường phố vắng. Gió thổi lành lạnh. Ngước mặt nhìn ra ngoài trời. Nhìn lên vòm trời tối đen. Và viết tiếp: “Đêm nay từng giọt mưa rơi/ Con ngồi yên lặng lẽ/ Lắng nghe tiếng lòng rất khẽ/ Tiếng kinh cầu tiễn bước mẹ đi/ Thắp nén nhang trầm âm thầm nước mắt/ Thấy trên trời một vầng sáng bay đi/ Mẹ đã đi qua đời con vĩnh viễn/ Vẫn vẹn nguyên dấu nhớ lại quay về…”. Vẫn là thế. Mãi mãi là thế.

Bây giờ, Sài Gòn, chiều nay đã xuống. Ngoài trời lại đang mưa. Phải làm gì cho hết buổi chiều? Như mọi lần, đọc Truyện Kiều vậy? Tất nhiên. Lật ra, ứng vào câu: “Tưởng bây giờ, là bao giờ/ Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”.


ngu-duoi-ban-tho-me

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment