LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.11.2016

Nhat-tuan-Suoi-hoa-Le-minh-quoc-Viet-Nga1-RTừ trái: Nhật Tuấn, Suối Hoa, Lê MInh Quốc, Việt Nga

 

Không nhớ đã quen Bùi Suối Hoa từ lúc nào. Có thể đã chừng 20 năm rồi. Qua giới thiệu của đồng nghiệp Việt Nga - con gái của nhà thơ Phan Vũ, lúc ấy, chị bắt đầu vẽ tranh minh họa truyện ngắn cho Báo Phụ Nữ chủ nhật. Những tranh này đều vẽ bằng màu nước, khổ giấy bằng trang vở học trò. Bấy giờ, đang thích thú sưu tập nên những bức tranh ấy, sau khi đã chế bản, y đều giữ lại.

Xem tranh của họa sĩ, từ chỗ thích nét vẽ ấy, rồi con người ta cũng có cảm hứng muốn tự mình thể nghiệm bằng sắc màu. Thế là, sau khi đã là bè bạn, thỉnh thoảng y đến xưởng vẽ của chị và tha hồ nghịch màu. Một căn phòng rộng, bốn bề là tranh đã vẽ, treo chật cả mấy gian phòng, là toan trắng toát và rất nhiều hộp sơn dầu, cọ vẽ. Tại đây, y đã vẽ những bức tranh đầu tiên. Ngày đó, quan sát những lúc tôi vụng về cầm cọ, chị thường động viên: “Vẽ đi. Đừng có ngại. Cứ nhảy xuống biển. Biết đâu sẽ có ngày biết bơi. Nếu không bơi được cũng biết được cảm giác của sóng nước. Thú lắm”. Trong lúc đó, thường là nhà văn Nhật Tuấn lụi cụi dưới bếp trổ tài nấu nướng. Anh chế biến thức ăn rất ngon. Thêm một người bạn thân của Hoa là Trà Mi, hát rất hay. Căn phòng rôm rã nhiều âm thanh. Và y chỉ việc mải mê theo màu sắc.

Ông bà mình nói đúng lắm: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhờ chơi với Suối Hoa và bạn bè họa sĩ của chị, chẳng rõ, y đã mê đắm đường nét từ lúc nào. “Nếu không gặp suối hoa thì tôi chẳng vẽ tranh/ đã suối lại hoa/ đã hoa lại phiêu bồng như suối/ nàng dạy tôi về sự rụt rè của sắc màu yếu đuối/ về sự tươi nguyên khỏe khoắn ở trên đời/ tưởng rằng vẽ chơi/ đã chơi lại đắm”. Có lẽ nhiều người biết, Suối Hoa là con gái cưng của nhà thơ Bùi Lão Kiều, tức thi sĩ Huyền Kiêu (1915-1995). Ngày nọ, chị đưa các tâp thơ của bố chị và nhờ y tuyển lại in thành một tập. Như giữ gìn kỷ niệm. Nhưng rồi, cuối cùng, chị không mấy hào hứng với ý định này nữa. Có lẽ một phần chính là sự thờ ơ của độc giả đối với thể loại thơ. Mấy ai còn đủ kiên nhẫn đọc thơ nữa? Thơ như gió thoảng, có còn ai bền lòng cảm nhận được sắc màu của gió? Nghe chị nói, y không tán thành và cũng không lắc đầu. Chỉ nghĩ rằng, với một, hai bài thơ như Tương dạ biệt, Tình sầu, Huyền Kiêu đã tạo ra một vết nhớ lâu dài trong tâm trí bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi viết truyện dài Hạ đỏ, mở đầu tập sách là câu thơ: “Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi/ Em thơ, chị đẹp em đâu?”. Còn nhà văn Lê Phương Thảo,  tác giả Sóng đưa nước, Ve vãn Sài Gòn, lấy bút danh Chị Đẹp cũng từ câu thơ: “Xuân hồng có chàng tới hỏi/ Em thơ, chị đẹp em đâu?”. Thơ Huyền Kiêu đấy. Riêng tôi, lại thuộc lòng Tương dạ biệt và thỉnh thoảng tử cõi xa xăm, mơi hồ nào đó nó lại vọng đến như một niềm an ủi, vỗ về: “Ngồi suốt đêm trường chẳng nói năng/ Ngậm ngùi chén rượu ánh vần trăng/ Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?/ Có giống như mình lưu luyến chăng?”. Tròn một tứ thơ. Mênh mang âm hưởng rất thơ Đường. Có thể tách riêng khổ thơ này, thành một tứ tuyệt. Làm bạn với con gái một nhà thơ nổi tiếng ngẫm lại càng hay. Không phải là nhà phê bình hội họa, tôi dám quả quyết một điều: Trong tranh của Suối Hoa có cảm hứng của thơ đấy chứ?

Và từ mối quan hệ thân tình này, lần đầu tiên y cũng được triễn lãm tranh chung với những họa sĩ chuyên nghiệp. Nhiều tờ báo đã đưa tin. “Mùa xuân chín là chủ đề cuộc triển lãm kéo dài trong một tháng của 9 họa sĩ và một nhà thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài từ 17.12.2008 đến 16.1.2009, một triển lãm kết thúc năm cũ và mở đầu năm mới đầy hứa hẹn của 10 tác giả tham gia. Trong số các họa sĩ tham gia triển lãm, có người đã tham gia nhiều cuộc triển lãm như họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, Cao Thị Được, Bùi Suối Hoa, Đỗ Lệnh Hùng Tú, Nguyễn Lệ Dung, Vũ Hải, Huỳnh Quang Cường…, Và cũng có người mới tập tành vẽ ra những bức tranh đầu tiên mang đến cuộc triển lãm như nhà thơ Lê Minh Quốc. Mỗi người mỗi phong cách nhưng gặp nhau ở điểm chung là sự náo nức với cuộc sống, với con người và cỏ cây thiên nhiên”.

Ấy là một kỷ niệm của tình bạn. Khó quên.

Và những lúc hàn huyên tại nhà chị, qua những lần trao đổi về hội họa, có lần nhà văn Nhật Tuấn đã cao hứng ghi chép lại và trở thành bài phỏng vấn. Còn nhớ, Suối Hoa tâm sự: “Năm 1991, tôi vẽ bức Barie. Vào thời bao cấp, tranh chưa bán được, sinh hoạt  rất khó khăn, túng thiếu, tôi vẽ những hàng rào bít kín từ trái sang phải như những phiền muộn lớp lớp của đời sống. Tôi sử dụng chuyển động của màu và của nét không giống nhau tạo nên cảm giác vùng vẫy, muốn thoát ra khỏi cảnh ngộ. Năm 1992, tôi vẽ bức Ngôi nhà dang dở sử dụng bố cục rất táo bạo bằng những khoảng trắng đè xuống khoảng đen. Năm 1993, vẽ Phận đàn bà với cô gái ngồi bên con thuyền mắc cạn, trời, mây, nước ngổn ngang, tan tác. Rồi, Những đúa trẻ không nhà đi lang thang giữa trời mưa, ven đường có một con chim chết”.

Nhà văn Lửa lạnh hỏi tiếp: “Như vậy liệu có thể nói “vẽ nỗi đau” phải chăng là cái tạng của chị?”. Chị bảo: “Không phải, tôi chẳng có cái tạng nào hết, tôi sống trong đời sống một cách chân thành, say mê, quyết liệt và khi cảm hứng tôi vẽ". Tác giả Con chim biết chọn hạt gặng hỏi: “Và chị vẽ cái “cảm hứng” đó?”. Suối Hoa trả lời: “Tôi không vẽ “cảm hứng”, tôi vẽ cái hồn của những con người, những vật thể tôi nhìn thấy vào khoảnh khắc đó”. Tôi thích đọc những bài trao đổi chân tình như thế này. Hỏi và trả lời không màu mè gì. Chỉ lấy sự chân thật làm trọng. Quý nhau mà ghi chép lại. Đơn giản như đang giỡn vậy thôi.

Và tâm thế ấy, khi vẽ, Suối  Hoa cũng nhẹ nhàng. Có lần chị kể: “Đôi lúc xem lại tranh đã vẽ. Tụ dưng lại muốn vẽ chồng lên một lớp màu khác”. Ban đầu nghe lạ tai, vì đã một bức tranh hoàn chỉnh, ai đời lại chỉnh sửa? Sau này, khi đã vẽ y mới biết điều này có thật. Lúc nọ thích bố cục thế nọ, màu sắc thế nọ nhưng lúc khác lại khoái thế kia, thế là sửa. Vẽ à? Cũng là một cách thể hiện tâm trạng của mình đấy thôi.

Khi triển lãm ở Virginia vào tháng 8.1997, chị nói với họa sĩ Đinh Cường: “Tôi may mắn được cha mẹ cho đi học vẽ từ nhỏ và cầm bút vẽ tôi đã yêu vẽ. Trong cuộc sống thực tế, có nhiều điều tôi không có, không đạt được. Trong tranh tôi có được nhiều hơn, vẽ là cuộc sống của tôi, là người bạn đời tuyệt diệu nhất của tôi… Tôi muốn tranh của tôi là ngọn lửa nhỏ chất chứa bao khát khao sự sống”.

Ngày đó, họa sĩ Định Cường nhận xét: “Suối Hoa sinh năm 1957 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội 1985. Năm 1991, tranh chị được chọn in trong tuyển tập tranh đương đại Việt Nam đầu tiên do Plum Blossoms, một Gallery tại Hồng Kông, có trước Gallery Lã Vọng, nơi sau này chuyên giới thiệu tranh của các họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, và làm giá tranh của các họa sĩ lên cao. Tranh chị còn được Christie’s, nơi chuyên bán đấu giá tranh vừa bán đấu giá trong năm nay tại Singapore cùng với tranh của Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... Tranh Suối Hoa có những mảng màu bạo, chồng chất lên nhau, xô đẩy nhau trong một đắm say sáng tạo. Không quằn quại như Soutine mà gần với Vlaminck. Quê hương miền Bắc, nơi chị sống suốt đời thơ ấu, vẫn là dấu ấn in đậm vào tâm hồn chị”.

Mới chừng cách đây vài tháng, tập sách Bùi Suối Hoa (NXB Mỹ Thuật - 2016) đã được ấn hành. Trong đó, cả hàng trăm bức tranh của chị được sắp xếp theo chủ đề: Chèo, Trừu tượng, Hoan ca, Phong cảnh, Con người & cuộc sống, Tĩnh vật. Cầm tập sách, y nhớ lại khoảng thời gian quen với chị, tôi in tập trường ca Hành trình của con kiến, chị đã vẽ bìa. Ngày ấy, nhiều lần lên nhà chị vào mỗi chiều chủ nhật - những cuộc hẹn gặp gỡ thường xuyên của nhóm bạn hữu, tôi biết lúc ấy, chị bắt đầu vẽ tranh chèo.

Về tranh chèo, danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ nhiều. Ai cũng rõ. Còn với Suối Hoa thì sao? Nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận xét: “Tranh Chèo Bùi xuân Phái tài hoa trong vẻ hóm, thực, sắc; Suối Hoa phóng túng, lãng mạn, hoang tưởng, chị dễ bay bổng hơn là vì vậy. Chèo của Phái là thế giới khép, lắng đọng, như giọt nước đông thành muối, Chèo nơi Suối Hoa là thế giới mở, là trần thế phôi pha, như hạt muối tan trong nuớc. Dù rất tự do, nét bút Bùi xuân Phái vẫn hàn lâm, duy lý. Suối Hoa duy tâm hơn, lối tạo hình siêu nhiên có lúc nhắc tới tranh Chagall, với con người và sự vật bay bổng, hóa thân, đầu xuôi đuôi ngược”.

Thú thật, như đã nói, y thích đọc những cảm nhận của bè bạn dành cho bè bạn. Bởi nó chân tình. Khác hẳn những nhận xét của các nhà phê bình, dù đúng, chính xác nhưng khó tìm thấy trong câu văn sự thân mật. Cũng tựa như, ăn món ăn ngon, do bạn bè tự tay nấu, vẫn thích hơn ăn món đó ở ngoài nhà hàng sang trọng. Và này nữa, xem tranh tại xưởng vẽ của họa sĩ, chắc chắn ta sẽ hứng thú hơn vạn lần nhìn nó treo tại nhà triển lãm, phô bày chốn công cộng.

Với xưởng vẽ của Suối Hoa, y đã có cảm giác của một người đang bước chân vào một thế giới khác. Để rồi ngay lúc ấy, tự lòng mình là một cảm hứng bùng vỡ, một cánh cửa khác đã mở ra: “trước khung tranh trắng toát một màu/ anh cảm thấy như sắp lao xuống biển/ nhưng chẳng biết bơi/ vẽ gì đi tôi ơi/ biết vẽ gì khi tâm hồn trống rỗng/ một màu đen vỡ ra nghìn tiếng động/ những lời em đay nghiến cháy bỏng môi/ vẽ gì đi tôi ơi/ một màu xanh hấp hối/ có đủ sức sẻ chia lòng yếu đuối?”. Câu hỏi ấy, tự lòng mình, có được cũng chính từ những sắc màu mà bạn đã thể hiện.

Lãng du trên con đường di đến với sự sáng tạo, đành rằng, đó là một việc làm lặng lẽ, đơn độc, nhưng y nghĩ cũng cần sự san sớt, sẻ chia cảm hứng ấy với bạn bè. Nhìn lại Tự Lực Văn Đoàn, Hàn Thuyên, Sáng Tạo, Nhân Loại…cũng chính là sự thành công của “cùng hội cùng thuyền”. Nó tác động lẫn nhau từ tâm thế bạn bè, chứ không phải do ràng buộc của quy chế, nội quy, bầu bán, biểu quyết, bỏ phiếu gì cả. Nhờ thế, tình đồng nghiệp mới bền và mới thật sự thủy chung.

Ngày nọ, nửa khuya giật mình thức dậy bởi một tin nhắn của Suối Hoa về người bạn chung. Đột nhiên bao nhiêu kỷ niệm của những buổi chiều vàng lại ùa về trí nhớ. Lúc ấy, hay tin nhà văn Nhật Tuấn đã chạm vào Một cái chết thong thả. Viết luôn vài câu thơ tiễn anh, tất nhiên không thể không nhắc đến Suối Hoa. Thơ rằng: “Gặp nhau chỉ một chặng đường/ Lúc “Trang 17” tang thương nát nhầu/ “Niềm vui trần thế”? Còn lâu/ “Những mảnh tình đã vỡ” sau bóng ngày/ Bạn bè “Lửa lạnh” tỉnh say/ Sắc màu “Bận rộn” vẫn đầy suối hoa/ Văn chương chữ nghĩa đi qua/ Có ai thấu hiểu bóng ma nhoẹt nhòe?/ Đường dài một bóng ngựa xe/ Buốt từ tiếng gió có nghe tiếng người?”.

Lâu rồi không gặp nhiều bạn bè. Trong đó, có Suối Hoa. Có lẽ, cái lỗi trầm trọng nhất là do… Facebook! Mỗi ngày, lướt qua là biết bạn đang làm gì, ở đâu, một cái like, một câu comment là xong. Dần dà, nhu cầu cần gặp gỡ nhau ít đí chăng? Chẳng phải đâu. Lại nhớ đến câu thơ của Huyền Kiêu: “Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề/ Ý sầu lên vụt đến sao Khuê/ Quý thay giây phút gần tương biệt/ Vương vấn người đi với kẻ về”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment