LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.11.2016

donghods5

 

Đêm qua, ngủ sớm. Nửa đêm về sáng, ngoài trời có mưa. Giật mình, tỉnh giấc. Mở cửa nhìn trời. Mưa về sáng là thế này à? Sực nhớ, ông Đoàn Chuẩn viết ca từ da diết quá đi thôi: “Có những đêm về sáng/ Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi”. Có phải do khoảng khắc giao thời ấy, khiến lòng người chùng xuống, lắng lại hơn chăng? Vì thế, vui cũng vui hơn mà buồn cũng nhiều hơn? "Anh buồn còn chỗ thở than/ Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya". Người phụ nữ trong câu ca dao này buồn gấp bội phần. Đêm dài lắm mộng. Thức lâu mới biết đêm dài. Nỗi buồn quạnh quẽ, đơn độc, dằng dặt tương tư, ngàn đêm sầu mộng mới tê tái hơn nhiều.

Nhớ lại đôi câu ca dao đã đọc, nhận xét rằng, những ai lỡ hội tình duyên nửa đêm nghe tiếng gà mới hoảng hốt làm sao. Bởi nó báo hiệu một ngày nữa, sắp đến. Những ai làm lẻ/ vợ bé chưa kịp “cơm cháo” gì nghe tiếng gà gáy, hỏi sao không bực mình quát lên:“Chém cha con gà kia, sao mày vội gáy dồn/ Để tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con”? Tự dưng thấy thương thương phận mỏng cánh chuồn. Còn anh chàng kia, nhớ câu này đã thấy tức cười, bèn cười lên một tiếng cho đỡ sầu một chút: “Ước gì anh đặng vô phòng/ Loan ôm lấy phụng, phụng bồng lấy loan/ Ngặt con gà quá đỗi vô doan/ Mới vừa nằm xuống, nó đã lon ton gáy dồn”. "Vô doan" là vô duyên. “Gáy dồn” là gáy liên hồi. Dứt tiếng này, nối tiếp tiếng kia. Chuỗi âm thanh như không dứt. Ngay sau lúc bán mình chuộc cha, Mã Giám Sinh đã ép Kiều chung chạ, sau đó: “Những là đo đắn ngược xuôi/ Tiếng gà nghe gáy đã sôi mé tường”. “Sôi” tự nó đã hàm ý lúc ấy tiếng gà “gáy dồn”.

Lúc nửa đêm về sáng, mưa rào một trận, đất trời mát mẻ. Rồi tạnh ngay. Đứng nhìn trời ngó đất lúc thanh vắng. Rạng sáng. Lòng y reo vui. Và lại nghe tiếng gà gáy. Cảm thấy yêu đời quá đi mất. Cũng tiếng gà, nhưng nghe vào buổi trưa lại luôn cảm thấy chuỗi âm thanh ngân vang, trong veo, vút cao ấy luôn gợi về sự hiu quạnh. Như tiếng gió buốt đang trợt dài theo bóng nắng. Lại nhớ những trưa ở Đà Lạt, “Về trên phố cao nguyên ngồi/ Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi/ Chợt như phố kia không người” (TCS). Một cảm nhận buồn bã sâu thẳm… Lại nhớ những này mới vào Sài Gòn, tình cờ có buổi trưa kia đang ngược xuôi giữa dòng đời tấp nập người ngợm xanh đỏ đèn đường ồn ào nháo nhiệt, giật thót người bởi nghe vọng đến tiếng gà gáy. Thân mật như có bàn tay vỗ vào vai. Y dừng xe lại. Viết ngay vào sổ tay:

Tưởng chừng như trên vòm xanh xa tít
Ai gọi tôi bằng những tiếng ru hời
Tôi ngơ ngác. Bỗng giật mình hoảng hốt
Chợt nghe ran gà gáy phía chân trời

Ơi âm vang của một thời tuổi nhỏ
Vọng về tôi xao xác gió thu phai
Thuở quê mùa chưa một lần vấp ngã
Tôi còn thơm như nắng đẹp trong ngày

Năm tháng qua. Sa đà vào kinh ngiệm
Tôi lãng quên âm điệu tiếng gà
Âm thanh ấy dại khờ trong trẻo quá
Đêm thị thành lăn lắc bóng quê xa

Chẳng biết rõ lòng vui hay buồn bã
Suốt nửa đời lăn lộn cõi người ta
Chợt chiêm nghiệm một điều thiêng liêng quá
Nghe gà gáy ran tôi lại nhớ quê nhà

Lúc nửa đêm về sáng, lại tự hỏi, sắp đến Tết chưa? Chưa hề, nhưng đã phải sống trong tâm thế đó. Đã vào nhịp viết lai rai cho báo Xuân, báo Tết. Năm nay là năm con gà. Trong 12 con giáp, có lẽ gà vẫn là con vật thân thiện, gần gũi nhất trong tâm thức người Việt. Thời còn bé, những ngày gần Tết, được mẹ dẫn đi chợ Cồn. “Không ven sông cỏ ướt/ Sao lại gọi chợ Cồn/ “Mời bà con mua “gộ”/ Tiếng rao nghe rất ngon”. Ấy là kỷ niệm về ngày thơ ở quê nhà. Ngày ấy, y thích mua những con tò he. Kìa, trông con gà rực rỡ làm sao. Cái mồng đỏ chói, cánh, lông đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng; lại cái mỏ màu vàng nghệ nữa chứ. Xinh xắn, đáng yêu quá đi mất. Không phải ngẫu nhiên, nhà thơ Đoàn Văn Cừ miêu tả Chợ Tết, có một hình ảnh rất đáng yêu. Đọc là nhớ về ngày thơ ấu: “Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi”. Chao ôi, chợ Tết thời nào cũng vậy. Đủ cả. Không thiếu một thứ gì. Đọc câu thơ, có thể hình dung ra một đời sống ấm no, sung túc, dù ít ra, có túng thiếu gì trong năm đi nữa nhưng đã ngày Tết phải sắm sửa đâu ra đó. Thành ngữ có câu: “Giàu, khó ba mươi Tết mới hay” là vậy.

Theo chị/ mẹ đi ra chợ Tết, đứa trẻ không chỉ xem tranh gà, còn có thể nhìn thể tận mắt nữa. “Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”. Hay nhỉ. Sao lại xem gà bằng cách “cầm cẳng dốc lên”? Hôm nào về quê, hỏi mẹ thử xem sao. Ít ai biết nhà thơ Hoài Anh có viết câu rất hay về bức tranh gà. Qua trí tưởng tượng của thi nhân: “Bác thợ lật giấy/ Con gà đứng dậy/ Ô sao bỗng thấy/ Mắt gà chớp nhanh…/ Cái mào lửa cháy/ Cổ vươn tiếng gáy/ O o bình minh”. Từ tranh, con gà bước ra đời thường, có thể hiểu là sự giao giữa nghệ thuật với cuộc đời.

Ngày xửa, ngày xưa, đã lâu lắm rồi. Đó là thời Tả quân Lê Văn Duyệt còn là Tổng trấn Gia Định. Ông rất mê thú chơi đá gà? Cơn cớ tại làm sao? Có tài liệu cho rằng, vì ông quan niệm: Gà là loài cầm thú có năm đức tính lớn: Đầu có mào như đội mũ gọi là Văn; chân có cựa bén, sắc làm vũ khí gọi là Vũ; thấy kẻ địch hiên ngang xông vào đánh là Dũng; thấy cái ăn đều gọi bạn là Nhân; cứ tới giờ nhất định cất lên tiếng gáy báo sáng là Tín. Đúng quá, cha chả là đúng. Nghe cứ đến đâu, gật đầu đến đó.

Và còn thấy rằng, trong các con giáp thì gà vẫn là được tiếng khen nhiều nhất. Không tin à? Cứ khảo sát ca dao tục ngữ ắt rõ. Chẳng hạn, lúc khách đến chơi nhà, có lần cụ Nguyễn Khuyến than thở: “Ao sâu, nước cả, khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà/ Cải chửa ra cây, cà mới nụ/ Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. Dù gì đi nữa, “Khách đến nhà, không gà thì vịt” là một cách tỏ lòng hiếu khách xưa nay của người Việt. Thời @ này, nếu thế, chỉ cần khoác vai bạn, rủ nhau ra quán nhậu, gọi ngay món gà xé phay. Xong tất. Mà này, nhớ bảo chủ quán cho thêm thứ này vào món nhậu nữa nhé. Gì vậy? Xin thưa, đã ăn gà đúng điệu nghệ ắt phải tuân theo lời dặn dò: “Con gà tục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Các bà nội trợ ngày xưa hóm quá đi mất. Lời dặn này được lồng vào nhịp thơ lục bát, nhờ thế dễ đi vào lòng người từ nhiều thế hệ, có thể từ hàng ngàn năm trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt đấy chứ?

Và khi cầm đũa, đừng quên: “Nhất phao câu, nhì đầu cánh”. Thịt gà ngon. Ai dám bảo không ngon? Nhưng này, xin được hỏi, nó ngon đến cỡ nào? Nếu nhà văn ắt họ có đủ vốn từ để diễn tả cái ngon đó mà đọc xong, ta lại nuốt nước bọt cái ực. Còn đây, hãy nghe ông bà mình ví von:  “Gạo tám xoan, chim ra ra ràng, gái mãn tang, gan gà giò”; “cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà gạy ổ”. “Gạy ổ” tức là mới nhảy ổ. Gà không quá “chiếp hoi” cũng không quá già. Phải là “Chó già, gà tơ”. Chưa cần ăn vội, chi cần nghe thấy lớp lang thứ tự ấy, khách háu ăn đã cảm thấy cồn cào ruột gan lắm rồi. Phải há mồm ra bảo vợ một câu cho đáng mặt đàn ông: “Này mình, chiều nay, thịt gà nhá”. Cô vợ đáo để tợn, bèn ỏn ẻng mà rằng: “Vâng ạ. Muốn thì em xin chiều nhưng xin chớ có… như gà đấy nhé”. Dứt câu nói ấy, cái đuôi mắt lá răm dài đến là duyên. Đố ai biết tại làm sao?

"Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu/ Anh thương em chẳng ngại sang giàu/ Mứt hồng đôi lượng, trà Tàu đôi cân". Chép lại câu ca dao này, đơn giản chỉ vì ấn tượng với từ “bảnh”. Bảnh/ bảnh lảnh/ bảnh tẻn/ bánh tỏn. Lúc tỏ tình, dẫn người đẹp vào quán Truyền Ký ở Chợ Lớn ăn gà hấp muối là “bảnh” chứ gì? Đúng thế. Y chứ còn ai. Nhưng thích nhất, với y, vẫn là ăn gà luộc, để nguyên con, thích ăn đâu, cứ dùng tay xé đến đó. Ngon phải biết. “Thịt gà, cơm nếp đàn bà/ Cả ba thứ ấy đều là dùng tay”. Những tay hảo hớn sành điệu ẩm thực đã nói, chỉ có từ đúng đến đúng.

Không chỉ món ăn ngon, hình ảnh của con gà cũng đi vào cái đẹp, chẳng hạn, “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên”. Tóc đuôi gà như thế nào? Trả lời câu hỏi này, xin dành cho các nhà làm tóc. Mỗi người một chuyên môn, tay mơ thì lo làm thơ, chớ bàn không tới đầu tới đũa thiên hạ cười cho. Chẳng dại. Chỉ nhớ đến câu ca dao tuyệt hay: “Chị kia bới tóc đuôi gà/ Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu? Nhà tôi ở dưới đám dâu/ Ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua/ Ngó qua bụi bắp trổ cờ/ Đám dưa trổ nụ,  đám cà trổ bông”. Rõ ràng cách chỉ đường khá... kỳ cục. Đố ai tìm ra được nhà cô ta ở đâu! Mà tại sao cô ta trả lời ỡm ờ đến thế? Hãy nghe nhà văn Mai Văn Tạo giải thích: “Ngày xưa, trước những năm Bốn mươi, các cô gái làng quê bới tóc, cô nào muốn làm dáng, thên duyên, chừa một tí tóc ló ra khỏi búi tóc. Trông giống cái đuôi gà. Thế là đẹp đấy. Tôi nghĩ anh chàng nào tán gái, mà lại xấn xổ nắm tóc, còn có nghĩa là nắm đầu. Nắm đầu là khi đánh nhau, hoặc hạ nhục. Đàng này ve gái kia mà?”. Ông Tạo ngạc nhiên cũng phải thôi.

Mà xin hỏi, “ve gái” dễ hay khó? Khó lắm chứ. Ông bà ta từng ví von: “Nhất chặt tre, nhì ve gái”. Hễ những ai đã từng chặt tre, mới cảm nhận được cái sự nhọc nhằn của nó. Trong câu ca dao trên, anh chàng kia ve gái thuộc hạng xoàng, tầm thường hạng bét vì chẳng có nghệ thuật gì. Chỉ là hành động của sự thô lậu. Do đó, cô gái trên mới có cách phản ứng lại nhưng vô cùng văn hóa, vô cùng bản lĩnh, vô cùng điệu nghệ, tóm lại là rất “cao cơ”. Ông Tạo phân tích thêm về cách chỉ đường của cô gái: “Ẩn dụ sâu xa về nhân cách người con gái đoan trang và tư cách một anh chàng hơi cà chớn. Chưa biết nhà người đẹp, có thể mới gặp lần đầu, đã vội vàng “hỏi nhà chị đâu?”. Cách hỏi rất ba gai - “nắm tóc” người ta mà hỏi! Người con gái đàng hoàng tất nhiên không ai chỉ chỗ ở của mình cho con người như vậy. Không trả lời không tiện, nặng lời càng bất lợi hơn. Chứ đối với anh chàng cà lơ kia đáng mắng, đáng tát tai và tặng hai chữ “cút đi”. Cô gái điềm nhiên chỉ chỗ ở nhà mình. Cái hay là chỉ mà không chỉ. Không làm cho anh chàng thô tục kia mất mặt. Biết đâu hắn chẳng nổi khùng. Cô gái khôn khéo chọn thái độ trung dung, nửa thật nửa đùa. Chỉ nẽo loanh quanh như đánh đố”.

Nghe xong câu: “Nhà tôi ở dưới đám dâu/ Ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua/ Ngó qua bụi bắp trổ cờ/ Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông", anh chàng cà chớn kia “nốc ao” cái oạch.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment