LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.5.2016

mocban2_xbfq

Mộc bản Trường Lưu (ảnh: Báo Thanh Niên)

 

Nếu thế giới mạng phản ánh đúng nhất suy nghĩ của công chúng, ắt phải ghi nhận, chưa bao giờ người Việt hồ hởi đến thế. Đó là tình cảm của người Việt dành cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức Việt Nam - từ ngày 23 đến ngày 25.5.2016. Tình cảm ấy có thật. Náo nức, chờ đợi, thân thiện và hy vọng. Cả một rừng người, cờ, hoa thắm, hình ảnh “người đàn ông quyền lực nhất thế giới” đã xuất hiện trên các ngả đường. Báo chí đồng loạt đưa tin “nhất cử nhất động” những gì liên quan đến sự kiện quan trọng này. Lòng dân hoàn toàn khác, khác vô cùng lúc Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viện sang thăm hữu nghị Việt Nam - từ ngày từ 5 đến 6.11.2015.

Đúng 21 giờ 30 phút ngày 22.5.2016, chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Khi vừa rời khỏi chuyên cơ, Tổng thống Mỹ đã nhận được bó hoa tươi thắm từ tay một nữ sinh. Đó là em Trần Mỹ Linh - sinh năm 1995 tại Hà Nội, đang là sinh viên khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội). Em kể với báo giới: “Khi tặng hoa cho ngài, em đã nói: “Chào mừng Tổng thống đã đến thăm Việt Nam”. Sau đó, ngài đỡ lấy bó hoa và tươi cười rạng rỡ đáp: “Cảm ơn cô bé, bó hoa rất đẹp”.

Dịp này Báo Thanh Niên Online có điểm lại 8 câu nói “để đời: của Tổng thống Mỹ Barack Obama dành cho giới trẻ. Y thích nhất câu này, lúc ông trả lời phỏng vấn tạp chí Ladies’ Home Journal, số tháng 9.2008: “Để nhận xét liệu rằng một quốc gia có thể phát triển hay không, hãy nhìn vào cách nó đối xử với phụ nữ. Nếu phụ nữ được giáo dục, được đối xử bình đẳng, đất nước đó sẽ hướng tới tương lai. Nhưng nếu phụ nữ bị đàn áp, bạo hành, tước đoạt cơ hội tiếp thu kiến thức, cả dân tộc đó sẽ trở nên chậm tiến”.

Khi sang Việt Nam, sáng 6.11.2105, tại Hội trường Quốc hội, trong bài phát biểu quan trọng, ông Tập đã đọc hai câu thơ cuối của bài Tẩu lộ (Đi đường) nằm trong tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trùng sơn đăng đáo cao phong hậu/ Vạn lý dư đồ cố miện gian" (Sau khi lên đến đỉnh cao nhất giữa các lớp núi, thì muôn dặm giang sơn thu cả vào trong tầm mắt). Sau đó, ông Tập có nói rằng: “Nhà thơ Vương Bột đời Đường của Trung Quốc cũng từng nói: “Đăng Thái Sơn nhi lãm quần nhạc/ Tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã” (Theo biển xanh mà xem các nguồn nước, thì sự qui tụ của sông ngòi [về đó] có thể thấy được; lên Thái Sơn để ngắm núi non, thì gốc ngọn của núi gò có thể biết được). Không những thế, ông Tập còn dẫn ngạn ngữ: “Mất hàng ngàn vàng mua láng giềng gần”; “Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt”, dẫn ra bài hát chung của 2 nước Trung -  Việt: “Bên sông tắm cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây” v.v…

Xưa nay, văn hóa luôn đóng vai trò sứ giả của ngoại giao. Với việc ông Tập trích dẫn thơ, ngạn ngữ nêu trên, báo chí Việt Nam đã tập trung phân tích “ẩn ý” của nó là gì? Phải vậy thôi, giữa lời nói và việc làm đã và đang có khoảng cách quá xa, người Việt nghi ngờ, nghi ngại, không tin cậy cũng phải thôi. Thành ngữ tiếng Việt, không rõ từ bao giờ đã xuất hiện câu: “Thâm như Tàu”.

Với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trưa ngày 24.5.2016 ông có  bài diễn văn trước hơn 2.000 người tại Trung Tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Khi khẳng định về chuyện chủ quyền thiêng liêng, không thể phủ định của Việt Nam, ông đã dẫn lời bài Thơ Thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt: "Sông núi nước Nam vua nam ở / Rành rành định phận tại sách trời". Nói về những triển vọng trong mối quan hệ giữa hai nước, ông dẫn ca từ trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao: "Từ đây người biết quê người/Từ đây người biết thương người/Từ đây người biết yêu người..."; nhắc lại câu “Nói vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn.... Trước khi kết thúc bài phát biểu, ông trích dẫn hai câu Kiều của Nguyễn Du:

Rằng: “Trăm năm nữa từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi

Hai câu Kiều, theo thứ tự là câu 355-356. Lúc Kiều và Kim Trọng lúc mới quen nhau, sau gặp gỡ: “Đã lòng quân tử đa mang/ Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung”.  Quan hệ Việt - Mỹ, từ nay, nếu được thế, tốt quá. Cầu mong là thế. Chọn 2 câu ấy, phải thừa nhận, ông Barack Obama tinh tế, cực giỏi. Còn nhớ, Tháng 11.2000, Bill Clinton - Tổng thống đầu tiên của Mỹ thăm Việt Nam sau 25 năm chiến tranh kết thúc, ông đọc Kiều:

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Rồi ngày 8.7.2015, tại cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã dẫn câu thơ trong Truyện Kiều để nói về quan hệ Mỹ - Việt Nam:

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Các vị nguyên thủ quốc gia của Mỹ chọn câu Kiều, câu nào cũng hay, hợp tình hợp lý. Nhưng phải là: “Rằng: “Trăm năm nữa từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” mới thấy rõ ràng dấu ấn cá nhân, bản lĩnh của người đã vận dụng câu đó bởi nó thể hiện sự chủ động. Nghe đến đó, đọc đến đó, sực nhớ đến Kim Trọng. Lúc biết tấm lòng của Kiều: “Được lời như cởi tấm lòng/ Giở kim hoàn với khăn hồng trao tray”, chàng đã nói 2 câu mà Barack Obama đã vận dụng. Còn Kiều: “Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ/ Với cành thoa ấy tức thì đổi trao”.

Những ai đã đọc Kiều ắt biết, sau giây phút tương ngộ tuyệt vời ấy, hoạn nạn đã xẩy ra trong gia đình Kiều, nàng bán mình chuộc cha và bắt đầu dấn thân vào mười lăm phong trần gió bụi. Không nên liên tưởng làm gì. Thơ là thơ. Đời là đời. Có thể, nói chuyến đi thăm hữu nghị của Tổng thống Mỹ là thông tin hào hứng, phấn khởi, vui vẻ nhất của người Việt trong khoảng thời gian này - một thời gian có quá nhiều biến động, nhiều sự kiện đau lòng.

À, có còn thông tin này, cần ghi nhận thêm: Chiều 19.5.2016, Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) còn gọi Mộc bản Trường Lưu; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Thừa Thiên-Huế) được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc MOWCAP.

Đọc sử sách ắt biết, năm 1782, Thượng thư Bộ Hộ là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) về nghỉ ở quê, cụ mở trường dạy học và thành lập Thư viện Phúc Giang. Cụ còn trích ruộng làm “học điền” để khuyến khích việc học, in sách được nhà vua ban khen "lấy văn trồng người mở kế trăm năm". Dòng họ này ghê gớm lắm. Con trai cụ Oánh là Nguyễn Huy Tự, tác giả Hoa Tiên; con trai Nguyễn Huy Tự là Nguyễn Huy Hổ, tác giả Mai Đình mộng ký… Số lượng mộc bản thuộc thư viện dòng họ Nguyễn Huy Oánh cụ thể thế nào? Báo Thanh Niên số ra ngày 20.5.2106 cho biết, đại khái, trước đây, Mộc bản Trường Lưu chất đầy 3 gian tại nhà thờ Nguyễn Huy Oánh. Thống kê năm 1953 - 1955, số lượng chỉ còn gần 1.700 bản. Rồi do nhận thức chưa cao nên nhiều bản bị chẻ làm củi đun, nay chỉ còn 375 bản.

Về Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Thừa Thiên - Huế) mới năm ngoái đây thôi, các nhà nghiên cứu văn hóa đã “giải mã” hệ thống di sản tư liệu độc đáo trên các đền đài, lăng tẩm, cung điện triều Nguyễn tại cố đô Huế. Xin chép lại một bài thơ ghi trên Điện Thái Hòa - nơi đặt ngai vàng, thể hiện quyền uy của của một triều đại -  được các nhà nghiên cứu ghi nhận: "Mang ý nghĩa là bản tuyên ngôn độc lập của vương triều nhà Nguyễn". Bài thơ nguyên văn được phiên âm như sau:

"Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường, Ngu

Dịch nghĩa:

Nước Việt đã ngàn năm văn hiến
Cơ đồ vạn dặm đã thống nhất hoàn toàn
Từ thuở Hồng Bàng mở nước
Trời Nam đã một cõi sánh với Đường, Ngu
(Bản dịch của Phạm Đức Thành Dũng).

Di sản cha ông để lại còn nhiều. Nhiều bí ẩn chưa thể giải mã hết. Cuộc sống thường nhật mỗi ngày có gì bí ẩn không? Chắc chắn có nhiều. Nhưng thôi, không bàn làm gì. Chỉ muốn đừng lại với những con số vừa “bí ẩn” lại “bí hiểm”, chẳng hạn: “1086/127/2/6/15/41”, “1806/127/2/6/15/48/2A”, “1806/127/2/6/15/48B” v.v… Con số gì vậy hả Q? Xin thưa, đó là… số nhà hiện nay tại Nhà Bè, Bình Tân thuộc TP.HCM -  đồng nghiệp báo Pháp Luật sau khi thâm nhập thực tế, đã phải thốt lên não nùng: “Điên đầu với số nhà 'siêu xuyệt'.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment