LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.3.2016



10649477_960783670707574_4744794136132751118_n(nguồn: Facebook Nguyễn Đông Thức)

 

Tuần lễ Hội sách lần thứ IX, chù đề Sách - văn hóa và phát triển từ ngày 21.3.2016 đến ngày 27.3.2016 vừa kết thúc. Cả một rừng người đã có mặt trong công viên Lê Văn Tám. Có cả thẩy 167 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách trong và ngoài nước tham gia với hơn 720 gian hàng. Ngày nào cũng đông nghìn nghịt người. Các mặt đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng và tận dụng cả ngay trong công viên, tại nhà dân cũng không đủ sức chứa các xe gắn máy của người đi mua sách. Khiếp quá. Khiếp nhất là ngày cuối cùng, sáng đó cùng nàng đi mua sách. Bở hơi tai. Mệt như phải tả xung hữu đột với người người lớp lớp. Sáng ngày 26.3.2016, có cuộc giao lưu Lê Minh Quốc - Yêu và viết, y mời bạn bè nhưng nhiều người không thể có mặt, chỉ vì không thể tìm ra nơi gửi xe. Những ngày đó, thỉnh thoảng đến với Hội sách, mua sách à? Tất nhiên, nhưng điều quan trọng hơn nữa là có mặt trong buổi giao lưu, ra mắt sách của đồng nghiệp. Một quyển sách của bạn vừa ấn hành, mình có mặt, cũng là một cách chia sẻ, động viên nhau.

Trong hành trình trình đơn độc, nhọc nhằn có những lúc một mình đơn độc. Một mình viết. Một mình khóc cười cùng bàn phím. Ai là người chia sẻ? Chẳng một ai, ngoài chính nhà văn. Anh ta viết và sống trong một thế giới khác. Thế giới của chữ nghĩa. Của từng mẫu tự. Của con chữ. Thế giới ấy thăm thẳm chân mây. Hun hút đường hầm. Thế giới của một hành trình mải mê, lầm lũi một mình đi qua sa mạc. Rồi tập sách ra đời. Một hành trình vừa khép lại. Tác phẩm ấy, không thuộc về họ nữa. Thuộc về đám đông. Như con gái đã bước chân về nhà chồng. Ngày mai, ai còn nhớ? Liệu có còn ai nhớ hay nó đã lãng quên khi vừa ráo khô giọt mực in? Nào ai biết. Dù không biết, chẳng ảo tưởng gì, họ cứ tiếp tục công việc đã chọn.

Chiều ngày 25.3.2016, nhà văn Nguyễn Đông Thức có cuộc giao lưu cùng bạn đọc nhân vừa phát hành tập truyện ngắn Vĩnh biệt Facebook, tái bản tiểu thuyết Ngọc trong đá. Ngồi nghe và ngẫm nghĩ rằng: Chắc chắn một điều, lực lượng TNXP dù đã hình thành từ năm tháng chiến tranh nhưng chỉ sau 1975, ngay tại Sài Gòn mới hình thành một lực lượng viết xuất thân từ TNXP. Không những thế, ma lực hấp dẫn của TNXP cũng đã lôi cuốn theo cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ khác. Nói cách khác, chính TNXP đã khơi dậy và cưu mang; là chất liệu và kinh nghiệm sống để có nhiều văn nghệ sĩ tìm đến hoặc “thâm canh”; hoặc “cỡi ngựa xem hoa”. Và tất nhiên, họ đã có những sáng tác vừa phục vụ TNXP và cũng vừa phục vụ đại chúng. Mà dù tài năng thế nào, họ vẫn là “người ngoài cuộc”, liệu chừng có thể phản ánh hết được từ chân tơ đến kẻ tóc trong đời sống của anh em TNXP?

Y quả quyết rằng, không thể. Phải là những con người trưởng thành từ môi trường ấy. Nguyễn Đông Thức là một trong những người viết xuất thân từ “lò” TNXP. Dám nói rằng, Ngọc trong đá của anh là tiểu thuyết hay nhất viết về TNXP của năm tháng đó. Từ ấn bản đầu tiên đến nay đã 30 năm rồi còn gì? Sức sống nó còn dài. Chỉ ái ngại rằng, khi nhìn về quá khứ đó lại không ít người ngậm ngùi, ứa nước mắt. “Cánh hạc bay lên vút tận trời”. Câu thơ Tản Đà đó chứ. Nói hộ nhiều điều.

Hôm giao lưu anh có nói rằng, đại ý, trong lá số tử vi của anh, có câu “thạch trung hữu ngọc” - trong đá có ngọc. Thú thật, y bù trất về khoa chiêm tinh, tử vi, lý số nên không rõ mình đã nhớ đúng hay không? Bởi lẽ lúc ấy âm thanh ồn ào quá, mọi thứ âm thanh từ gian hàng sách này nọ thi nhau phát âm loạn xạ nên hỗn tạp. Khó nghe. Mà cũng cố gắng nghe. Nghe rằng, anh lý giải, với lá số đó, anh phải cật lực lao động thì mới có kết quả tốt. Muốn tìm lấy ngọc ẩn trong đá, phải làm sao? Phải đập từng nhát búa, phải miệt mài, không ngơi nghỉ, không nản chí, không bỏ cuộc thì may ra mới nên cơm cháo gì. Và anh đã làm được. Với tác phẩm đầu tay, lấy tựa Ngọc trong đá là từ suy nghĩ đó. Và nó cũng ngụ ý rằng, các nhân vật của anh, những thanh niên sinh ra và đã sống tại Sài Gòn khi tham gia TNXP phải lao động quên mình mới có thể đi về phía bình minh của một cuộc sống mới. Đó là một cái tựa cực hay.

Có chi tiết này, lần đầu tiên mới biết, khi tác phẩm dựng thành phim, nhà văn Nguyễn Đông Thức viết kịch bản nhưng lúc đưa kiểm duyệt thì tréo ngoe thay: Một thành viên trong ban kiểm duyệt không đồng tình với chi tiết một nhân vật thuộc thành phần gia đình có "máu mặt" của chế độ Sài Gòn cũ lại được tác giả cho chết như một người anh hùng. Phải sửa lại. Con cái sĩ quan “ngụy” mà được sự vẻ vang ấy à? Đừng hòng. Phải sửa lại. Phải, cứ để cho nhân vật đó sống. Lời góp ý thiển cận, sỗ sàng và ấu trĩ vì chỉ đánh giá con người qua lý lịch được Nguyễn Đông Thức xử lý ra làm sao? Hôm đó, anh cho biết là cương quyết không đồng thuận. Cứng đầu giữ nguyên kịch bản. Chỉ vì thể, hơn hai năm sau khi quan chức này không còn ngồi cầm chịch ở cái ghế đó nữa, bộ phim Ngọc trong đá mới được tiến hành. Nghĩ cũng lạ. Lạ cho một thời, đôi khi suy nghĩ chủ quan của chỉ một người lại có quyền quyết định số phận của một tác phẩm, công sức của rất nhiều người.

Trong buổi giao lưu, nhà văn Nguyễn Đông Thức còn cho biết mẹ anh -  nhà văn Bà Tùng Long khuyên các con không nên dấn thân vào đường văn chương. Câu  thơ của Viên Mai, mẹ anh thường hay đọc:

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương

Cụ Phan Bội Châu cũng thích câu thơ này và dịch:

Khuya sớm những mong ghi sử sách
Lập thân hèn nhất ấy văn chương

Y nghĩ rằng, sở dĩ như thế vì lúc cụ Phan cất tiếng khóc oe oe chào đời, chính cụ sau này có ghi trong Tự phán: “Mày sắp sửa làm người vong quốc". Thế thì văn chương chữ nghĩa chỉ nhai đi nhai lại những câu “chi chi, dã dã” đã cũ rích, đã lỗi thời! Hỡi ôi! Mà có như thế mới không phạm trường quy, mới thi đậu rồi tiến thân bằng con đường làm quan như một cách lập thân thì hèn hạ lắm. Suy nghĩ ấy, thời nào cũng đúng. Nó hèn hạ vì "lập ngôn" nhưng lại không thật bụng, thật lòng, không nói đúng điều đã nghĩ. Nói một đường, viết một nẻo. Thứ văn chương ấy, liệu có ích gì nhằm thay đổi thời cuộc? Phải hiểu như thế về câu thơ của Viên Mai. Với các cụ, văn chương là tấm lòng, là nói lên cái chí. Nó thiêng liêng liêng lắm. Ngày xưa, các nhà nho Trung Quốc cho rằng, ở trên đời có “tam bất hủ”: Lập đức, lập thân, lập ngôn. Lập ngôn thời buổi này, nó ra làm sao? Mà thôi. Trời đang xanh, mây đang trắng, người đi mua sách vẫn náo nhiệt, hãy cứ ngồi yên mà ngắm nhìn nam thanh nữ tú trong hội sách có thích hơn không? Sau buổi giao lưu ra mắt Ngọc trong đá, né nhậu. Quay về nhà viết luôn bài Người Sài Gòn mê sách theo đề nghị của báo Người Lao Động, Bài này đã in trên số báo ngày hôm qua. Y viết:

“Người Việt mê và yêu sách. Tuy nhiên, chỉ có ở Sài Gòn, thiên hạ mới hào phóng, dễ dàng móc tiền ra mua sách. Suy nghĩ này, thoạt nghe qua có thể nhiều người cho rằng chủ quan, thế nhưng đây không phải ý kiến của tôi. Nhiều anh em làm sách tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã có kết luận ấy. Thật vậy, Hội sách TP.HCM đã trải qua 9 lần, nhưng doanh thu về sách lên đến nhiều tỷ đồng là điều có thật. Khi tận mắt chứng kiến cả hàng ngàn lượt người đến Công viên Lê Văn Tám trong những ngày này, ta mới cảm nhận hết được ma lực quyến rũ, sức hấp dẫn ghê gớm của thế giới sách. Và không phải ngẫu nhiên, Sài Gòn đang là địa bàn “đứng chân” của giới làm sách trong cả nước.

Cầm quyển sách trên tay, người ta đang sở hữu một sức mạnh nhằm nuôi dưỡng tâm hồn, làm giàu tri thức. Ấn phẩm ấy, tất nhiên không chỉ tốt về nội dung nhưng còn phải đẹp, sang trọng về hình thức nữa. Trước đây, các nhà xuất bản ở Sài Gòn có một “thú chơi” nho nhỏ: ngoài số lượng phát hành ngoài thị trường, họ còn in thêm vài chục quyển, có đánh số hẳn hòi, in trên các loại giấy hoa tiên, giấy lụa hoặc giấy quý… chỉ dành cho chính họ và tác giả quyển sách đó. Ấn phẩm ít ỏi này, thật sự là một tác phẩm mỹ thuật và bao giờ cũng thuộc loại “hàng độc” mà người chơi sách, sưu tập sách luôn săn lùng ráo riết. Giữ được loại sách đặc biệt đó, nếu có thêm chữ ký, triện son của tác giả và của nhà xuất bản, lập tức giá thành của nó cao ngất ngưỡng và cũng là niệm tự hào của người sở hữu.

Chưa hết, với một quyển sách mà mình yêu thích, người Sài Gòn còn có thói quen đóng bìa cứng, mạ chữ vàng trên bìa và gáy sách. Rồi lật vào trang đầu tiên, ta đã thấy có đóng dấu đỏ tươi như: “Tủ sách gia đình của…”. Dù là sách phát hành rộng rãi nhưng qua tay người yêu sách ắt nó có thêm một diện mạo khác nữa. Và cần nhấn mạnh thêm rằng, với người “có ăn có học”, họ quan niệm rạch ròi, vị trí đẹp nhất ở trong nhà, nơi phòng khách chẳng hạn, không phải là tủ rượu Tây, Tàu loạn xạ mà chính là sách được xếp ngăn nắp, đâu ra đó. Bởi vì rằng, nhìn các gáy sách khi xếp trang trọng trên kệ sách, tự nó đã là một sự mỹ thuật khó gì có thể sách nổi.

Thêm một điều này nữa, mà theo tôi là nó hình thành từ tính cách “chịu chơi” của người Sài Gòn: Khi bạn bè ra mắt sách, tổ chức giao lưu  cùng bạn đọc thì các thân hữu luôn có mặt chung vui cùng hoa tặng. Họ tự nguyện mua sách và xin chữ ký của bạn làm kỷ niệm. Lại có người mua với giá cao hơn nhiều lần, như một cách bồi dưỡng thêm phần “nhuận bút” dành cho tác giả. Thái độ ấy đã có từ lâu, nay vẫn còn tồn tại. Qua đó, ta còn có thể nhìn ra một nét văn hóa trong phép ứng xử về sách từ độc giả của vùng đất phương Nam giàu nghĩa, nặng tình”.

Sở dĩ viết câu cuối, vì nhớ chừng mươi năm trước, lúc y ra mắt tập trường ca Hành trình của con kiến tại Quán hát với nhau Dòng thời gian của anh Nguyễn Ngọc Thành, có một đồng nghiệp - nhà thơ Đặng Nguyệt Anh đã mua tập sách với một giá cao ngất. Như một lời chúc mừng. Cảm động lắm. Rồi mới đây, ngày 22.3.2016 ra mắt Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn, Ngày viết mỗi ngày, chị Kim Phụng - giám đốc Công ty phát hành Trường Phát cũng tặng một lẵng hoa thật to và có nghĩa cử tương tự.

Nhẹ nhàng mà sống. Nhẹ nhàng mà vui.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment