LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.11.2105

 

son-dau-1-R-hai-chi-em-1-R

Sơn dầu Lê Minh Quốc (2105)

 

Sáng nay, Chủ nhật lướt Facebook.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới đã hỗ trợ người dùng cài đặt avatar in mờ màu quốc kỳ nước Pháp để tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố tại Paris. Một cách chia buồn với sự đau thương, mất mát của đồng loại. Màu cờ đó, ngày trước người Việt gọi là “cờ tam tài”, “cờ tam sắc”. Trong quyển Tuấn, chàng trai nước Việt của nhà văn Nguyễn Vỹ có đoạn, ông Charol, giáo sư Sử ký giải thích: "Lá cờ ba sắc của Pháp hồi khởi cuộc cách mạng 1789. Lúc bấy giờ nước Pháp còn là một nước quân chủ chuyên chế, lá cờ của nhà vua là màu trắng, dân chúng Paris nổi dậy đòi nhà vua phải chia sẻ quyền hành cho dân, và sau khi phá ngục Bastille, đòi vua phải triệu tập một hội nghị nhân dân. Chính trong hội nghị ấy, nhà lãnh tụ La Fayette đề nghị bỏ lá cờ trắng có hoa huệ (drapeau blanc fleur de lys) của vua, mà thay vào cờ của dân chúng thủ đô Paris, kèm hai bên màu trắng của vua. Lá cờ tam sắc được dân chúng hoan hô nhiệt liệt và từ đấy được coi là cờ cách mạng. Ðến khi tòa án nhân dân diệt Vua Louis XVI và Hoàng Hậu Marie Antoinette để thành lập chính phủ Cộng Hòa, lá cờ tam sắc vẫn được chính thức nhìn nhận là lá cờ của Cộng Hòa Pháp quốc, lá cờ của nhân dân Pháp".

Sự kiện bi thảm tại thủ đô Paris đã diễn ra sau vào tối 13.11.2105 (rạng sáng 14.11, giờ Việt Nam), ít nhất 128 người thiệt mạng và 180 người bị thương. Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đứng sau chuỗi tấn công kinh hoàng nói trên. Báo Thanh Niên sáng nay, nhà báo Minh Trung căn cứ AFP, liệt kê “Các vụ khủng bố đẫm máu ở châu Âu”:

Ngày 2.8.1980: Hai thành viên của một nhóm khủng bố cho nổ bom trong phòng chờ của nhà ga Bologna ở Ý, khiến 85 người chết và 200 người bị thương.

Ngày 19.6.1987: Nhóm ly khai ETA đánh bom bãi đậu xe của một trung tâm mua sắm ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha, khiến 21 người chết và 45 người bị thương.

Ngày 15.8.1998: Nhóm ly khai của lực lượng du kích Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) tiến hành vụ đánh bom ở thị trấn Omagh thuộc Bắc Ireland (Vương quốc Anh), khiến 29 người chết và 220 người bị thương.

Ngày 11.3.2004: Các tay súng có liên hệ với al-Qaeda tiến hành hàng chục vụ đánh bom trên 4 xe lửa chạy về hướng Sân vận động Atocha ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, khiến 191 người chết và khoảng 2.000 người bị thương.

Ngày 7.7.2005: Một số thành viên mạng lưới khủng bố al-Qaeda tiến hành 4 vụ đánh bom tự sát trên 3 tàu điện ngầm và 1 xe buýt 2 tầng ở thủ đô London của Anh, khiến 56 người chết và 700 người bị thương.

Ngày 22.7.2011: Thanh niên Na Uy có tư tưởng cực đoan Anders Behring Breivik tiến hành tấn công bằng bom bên ngoài một tòa nhà chính phủ ở thủ đô Oslo trước khi xả súng vào một trại thanh niên, làm tổng cộng 77 người chết.

Ngày 7.1.2015: Hai tên khủng bố mang súng trường tấn công văn phòng tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, khiến 12 người chết và 11 người bị thương".

Sự cuồng tín chính là nguyên nhân dẫn đến tội ác khốc liệt, sa đọa bi thảm nhất của con người, dù rằng cuồng tín vào bất kỳ một giá trị nào, nhân danh bất kỳ sứ mệnh nào và vì bất kỳ mục tiêu nào. Lại sực nhớ lại đến vụ đắm tàu tàu Sewol vào sáng sáng 16.4.2.2014 tại Hàn Quốc. 304 người chết. Chiếc tàu này trên đường đi từ Incheon đến đảo Jeju bị lật úp giữa biển. 304 hành khách bỏ xác giữa trùng khơi. Đây là một trong những sự kiện kinh hoàng trong năm 2014. Lúc ấy, trên đường đi làm nhẫm trong óc mấy câu thơ vụt đến:

Chẳng một ai thịt sắt da đồng

Bốn phương nam bắc cũng tây đông

Lẽ thường muôn hướng chung một hướng

Giọt loãng nào không tựa máu hồng?

Cái chết của người xa lạ, còn thế, huống gì người cùng da vàng mũi tẹt. Trưa nay, ứa nước mắt về một tình chị em. Em Nguyễn Văn Uy, sinh năm 1943, chết ngày 8.1.1969. Chị Nguyễn Thị Tẩu viết về em lúc từ Sài Gòn ra Phan Thiết nhận xác em: “Khóc chán, kêu gào chán, các chị lôi tôi ra xe trở về. Dọc đường, tôi vẫn kêu gào như người điên, không ngại ngùng, không xấu hổ, không còn kể đất trời nào nữa. Chiếc cầu Mường Mán đây. Uy đã viết thư gửi về, kể cho tôi nghe về chiếc cầu này. Em tôi vẫn thích đứng nơi đây để nhìn trời, nhìn nước, nhìn hàng dừa ngả nghiêng soi bóng nước trong, nhìn đàn chim chiều chiều đang bay về tổ ấm. Chỗ nào em tôi vẫn hay đứng? Phía nào em tôi vẫn hay nhìn. Các chị ơi làm ơn cho tôi biết với. Để tôi sẽ in bàn chân lên chỗ em tôi vẫn đứng và ghen tức với khung trời đã thâu trọn những cái nhìn say đắm của em tôi. Tôi muốn tìm lại tất cả những gì dư ảnh của em tôi, dù lớn hoặc nhỏ; vì lúc này em tôi đã đi rồi, giống như dòng nước chảy dưới chân cầu không bao giờ trở lại” (Tạp chí Văn số 129 ngày 1.5.1969).

Đoạn văn bình dị, không hoa hòe hoa sói, đọc lên rưng rưng bởi thấm đẫm cái tình. Tình xót xa máu thịt, đã mất. Nguyễn Văn Uy, trong cuộc chiến vừa qua, cái tên ấy như hàng vạn cái tên khác. Một cái chết, như hàng vạn cái chết khác. Rồi lãng quên? Chẳng ai còn nhớ đến nữa? May thay, người chết trẻ còn để lại những cuốn sách Tượng đá sườn non, Bão khô, Ngựa tía, Quê nhà, Chiếc xương lá mục..., ký bút danh Y Uyên. Chị Tẩu viết: “Một cái gì đó dẻo dai, bền vững, sẽ chịu đựng nổi sự thử thách của thời gian, sự dễ quên tàn khốc của cuộc đời vô thủy vô chung này”. Cái đó là cái gì? Là những gì em đã viết? Là tình chị em cùng huyết thống? Đọc những trang viết xúc động này, tự dưng lại nhớ đến chị Lê Ngọc Sương - chị ruột của Bích Khê:

… Tôi mất em là mất cả một mùa hương

Cả ánh sáng và cả gì man mác

Tôi mất em, ôi! Cõi lòng tan nát

Tôi mất em! Trời hỡi, tôi mất em

Tình lên mi sầu dựng giữa màn đêm

Tôi muốn xé tử thần ra trăm mảnh

Tôi gào thét giữa đêm tàn trăng lạnh

Đòi hồn em và xác thịt em tôi…

... Nấm mồ được đặt trên miếng đất Hội quán ở gần Thu Xà và luôn bao năm lửa khói chỉ có một con quạ đứng im hơi. Em tôi đã chết. Nhưng bây giờ tôi vẫn không tin là em tôi đã chết (Tạp chí Văn số 64, 15.5.1966). Lại nhớ đến chị Lễ của Hàn Mặc Tử. Chơi giữa mùa trăng, không nên xếp vào thể loại tùy bút, gọi là thơ văn xuôi thì đúng hơn. Một áng thơ văn xuôi xuất sắc:

“Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu...

Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là bực tinh truyền chi thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi.

Tôi nắm tay chị tôi dặt lia lịa và hỏi một câu hỏi tức cười làm sao: “Có phải chị không hở chị?” Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng, mà em đây cũng là trăng nữa!”.

Và lúc này, lại nhớ đến một tin nhắn, đã nhận vào lúc 0 giờ ngày 9.11.2012, từ Đà Nẵng, báo tin người chị đã về trời. Chị Lê Thị Ái. Một cái chết đã đến với một người. Nghĩ đến tận cùng, chết cũng là một sự giải thoát. Từ nhiều năm, chị đã phải chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Một cuộc chạy đua với thần chết rất quyết liệt. Những người bệnh cùng thời với chị, đã hai mươi năm trước, tất thẩy đều bỏ cuộc. Và bây giờ đến phiên chị. Một nẻo về cuối cùng rồi ai cũng chạm đến. Như một lẽ tất nhiên. Không thể chối từ. Không thể thoái thác. Ai cũng về “cuối bến tình yêu”. Một hẹn hò đã dự báo từ khi con người cất tiếng oa oa chào đời. Từ nay, vĩnh viễn mất chị. Một phần máu thịt đã mất…

Lạ kỳ cho những giấc chiêm bao.

Ngày ấy, y quyết định không thông báo cho mẹ biết. Giữa khuya nghe tin dữ, bà cụ sẽ trằn trọc khó ngủ. Không ngờ, sáng hôm sau, y thức dậy sớm, mới 5 giờ sáng đã thấy mẹ ngồi tự lúc nào và buộc miệng hỏi ngay: “Ái chết rồi à?”. Kinh ngạc, làm sao bà cụ có thể biết? Làm sao có thể biết? Thì đây: “Đêm qua, không biết reng mà tau chẽng ngủ được. Cứ nhắm mét lơ mơ làn màng là nghe con Ái gụa: “Mẹ ơi! Mẹ về với con!”. Nghe tiếng gọi khẩn thiết ấy như xa như gần, như mơ như thật, mẹ y không thể ngủ yên và thao thức đến sáng. Quả nhiên, chị Ái đã chết đúng vào thời điểm mà mẹ chập chờn mộng mị…

Sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment