LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.10.2015

 

vedangian-QN-phan-thi-My-Khanh

 

Vì văn chương mà tan da nát thịt, danh phận bọt bèo xuống tận đáy bùn đen, trong cõi thiên hạ đã có nhiều người. Ở Việt Nam, trường hợp của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) - vị khai quốc công thần triều Nguyễn vẫn là đớn đau, oan khuất nhất. Ông có người con trai tên Thuyên, thi đậu Cử nhân, thích làm thơ. Thuyên thường ngao du, thư từ, xướng họa thơ phú với hai người bạn ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận.

Ngày kia, Thuyên nhờ người nhà là Trương Hiệu đem bài thơ của mình đi trao cho cho bạn. Chẳng rõ, Hiệu hớ hênh thế nào mà người ta có được đọc bài thơ này. Lập tức, cha con Thuyên bị tống giam vào ngục. Ông Nguyễn Văn Thành níu áo vua Gia Long, khóc lóc: “Thần theo bệ hạ từ thuở vào sống ra chết, nay bị người ta vu cáo, bệ hạ nỡ nào ngó lơ?”. Nhà vua không nói gì, phủi tay áo, đi thẳng vào cung, từ đó không cho ông Thành vào chầu. Sự thể đến thế này, ông tự nhủ: “Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết không phải là trung”, rồi uống thuốc độc chết. Thuyên bị xử án chém. Bài thơ oan nghiệt như sau:

Ái Châu nghe nói lắm người hay,

Ao ước cầu hiền đã bấy nay.

Ngọc phác Kinh sơn tài sẵn đó,

Ngựa Kỳ Ký bắc biết lâu thay.

Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,

Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.

Sơn tể phen này dù gặp gỡ,

Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.

(Không rõ người dịch)

Xin giải thích: Ái Châu là tên gọi cũ của Thanh Hóa. Năm 1029, vua Lý Thái Tổ đổi Ái Châu đổi Thanh Hóa; đời nhà Hồ đổi Thiên Xương; đời vua Lê Thánh Tôn đổi Thanh Hoa, ý ngầm so sánh với đất văn vật Hoa Hạ của Trung Quốc; đời vua Thiệu Trị vì kỵ húy tên mẹ là Hồ Thị Hoa nên đổi lại Thanh Hóa. Còn ngựa Kỳ, ngựa Ký là tên gọi loài ngựa hay, phóng nhanh hơn hẵn các giống ngựa khác. Thời nhà Trần lúc đánh nhau với bọn Ô Mã Nhi, vua Trần Nhân Tông muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: "Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi". Vua mừng, nói rằng: "Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo xe muối lại có ngựa Kỳ, ngựa Ký như thế!”.

Bài thơ trên, “chết” ở chỗ hai câu cuối. Khi thăng quan tiến chức, người thương thì ít kẻ ghét lại nhiều. Nhân đó, họ “chụp mũ” cha con ông Thành có ý phản loạn, muốn truất ngôi vua. Ối, thơ ơi là thơ. Một chữ, một câu lại có thể giết chết chính mình. Chuyện chữ nghĩa, há nào dám luông tuồng, bỡn cợt? Răn đấy. Nhớ đấy. Nhiều tư liệu ghi Nguyễn Văn Thành chính là tác giả Văn tế trận vong tướng sĩ, không hiểu sao Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên biên soạn năm 1926 lại ghi tác giả Vũ Lượng? Với quyển sách này, các cụ Dương Bá Trạc, Tản Đà đề tựa, Trần Tuấn Khải duyệt lại, Hư Chu hiệu chính - toàn là những “tay tổ” trong làng bút mực không rõ sao lại không phát hiện ra chi tiết trên?

Trường hợp Trương Hiệu đi chuyển thơ cho con của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành, có thể gọi giao liên được chăng? Nếu đưa thư tình cho mỹ nhân, lại gọi “chim xanh”, chẳng rõ, do nguồn cơn nào những kẻ yêu nhau, đêm thương ngày nhớ, lại nghĩ ra cụm từ hay đến thế?

Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương

(Truyện Kiều)

Nếu nhân vật cô Hồng, “chim xanh” cho Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh không hề xuất hiện, liệu kiệt tác Mái Tây của Vương Thực Phủ có khiến nhiều thế hệ say đắm đến thế không? Nhân vật Thúy Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du “cá tính” và “chịu chơi” hơn nhiều, khi đến với Kim Trọng, không thèm nhờ “chim xanh”:

Cửa ngoài vội rủ rèm the,

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình

Hai từ “xăm xăm” mới cứng cỏi làm sao, quả quyết làm sao.

Mấy ngày hôm nay, công việc cũng chẳng gì mới. Vẫn thế. Chiều nay, lang thang trên mạng Facebook đọc vẩn vơ. Giết thời gian. Dừng lại với ý kiến của nhà thơ Vương Trọng khi anh thận trọng “Thử hiệu đính một chữ trong Truyện Kiều”. Xưa nay, các bản chữ Quốc ngữ đều ghi rành rành câu 867-868:

Lầu mai vừa rúc còi sương

Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi

Theo anh, phải đọc “giục rạo”, mới đúng nguyên tác của Nguyễn Du: “Ở quê tôi cho đến tận ngày nay, người ta vẫn dùng chữ RẠO rất phồ biến, với chức năng trạng từ, bổ nghĩa cho động từ với ý nghĩa “ẫm ĩ”, “ồn ào”… gây khó chịu cho người nghe. Bố mẹ đi làm về, nghe trong nhà các con cãi nhau ồn ào thì quát:  Có chuyện chi mà bọn bay “mần rạo” ra rứa”? Ngay ở trong lớp học, có lần thầy giáo người Nghệ thấy học sinh mất trật tự đã nói: “Lớp học chứ không phải cái chợ, mà các em “làm rạo” như vậy”?… Trong dịp đi nói chuyện về Truyện Kiều ở các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh vừa qua, tôi đã đem từ RẠO này ra trưng cầu ý kiến khoảng một ngàn người thì được biết rằng, ở Hà Tĩnh cũng dùng từ này phổ biến như ở Nghệ An, với cùng một nghĩa ấy. Bản thân tôi thấy rằng, với nghĩa ấy, “giục rạo” hay hơn “giục giã” nhiều, vì “giục giã” khá bình thường, không nói lên được hành động đáng ghét của Mã Giám Sinh mà tác giả Truyện Kiều đã thể hiện thái độ. Bởi vậy, theo tôi, chúng ta nên trả lại chữ của Nguyễn Du như trong tất cả bản Kiều Nôm cổ:

Lầu mai vừa rúc còi sương

Mã Sinh giục rạo vội vàng ra đi”.

Ý kiến này của nhà thơ Vương Trọng đáng được quan tâm. Tuy nhiên, dù đúng với nguyên tác, những khổ nổi từ nhiều năm nay, nhất là những người ở vùng miền khác, không đồng hương với Nguyễn Du, ắt sẽ ngẩn tò te khi nghe “giục rạo”. Vì lẽ đó, chắc chắn họ vẫn giữ, vẫn đọc “giục giã” theo sự hiểu biết, cảm nhận về câu thơ trên. Điều này cũng bình thường thôi. Về từ "rạo", Từ điển tiếng Nghệ (NXB Nghệ An - 1998) do Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh giải thích: "1. Ầm ỉ cả lên - vd:Nói cười rạo lên; 2. cây cắm ngoài biển nhử cá tới mà bắt mà đánh - vd: Thả rạo" (tr.219). Từ điển này không ghi nhận từ "giục rạo".

Một câu thơ, thậm chí tên gọi riêng cho một sự vật nào đó, đôi khi người ta không nhớ đến tên chính thức trên văn bản mà lại nhớ, lại đọc theo thói quen chung miễn là được nhiều người thừa nhận. Chẳng hạn, sờ sờ cái tên Ngã năm Hàng Điệp, nhưng lại trở thành “Ngã năm chuồng chó” nghe chẳng còn một chút cảm hứng nào cho thi ca, nhạc, họa nữa. Đơn giản, chỉ vì người ta biết đến nơi đó có thời gian, đâu khoảng năm 1954, chính quyền Sài Gòn mở trường dạy dạy chó. Ở Gò Vấp cũng còn có Ngã ba chú Ía nữa.  Nghe đâu, tên ban đầu là chú Hía. Gọi riết một hồi, giản lược thành Ía cho nhanh! Lại ở quận 5, khu Chợ Lớn có cầu mang tên rất sang trọng: cầu Khâm Sai, nhưng nhìn hình thù xây dựng của nó, người ta bèn gọi “cầu Ba Cẳng” nghe ra vừa thô kệnh, lại vừa ngồ ngộ đáng yêu lắm. Từ tên gọi đó, mới có “thành ngữ” tếu táo: “Dân chơi cầu Ba Cẳng”!

Rõ ràng, khi gọi tên một địa danh, người ta có khuynh hướng nói gọn lại, bỏ bớt những từ không cần thiết mà vẫn rõ nghĩa. Thêm một thí dụ nữa, ở Quảng Trị, cửa An Việt/ Cửa Việt; ở Đà Nẵng, cửa sông Hàn/ cửa Hàn; chợ sông Hàn/ chợ Hàn; đèo Hải Vân (hoặc Ải Vân)/ đèo Ải hoặc chỉ nói gọn là Ải - ca dao Quảng Nam có câu:

Tổ tiên để lại em thờ

Anh ra ngoài Ải cầm cờ theo vua

Ngày xưa, người thi đậu từ đô Huế về Quảng Nam được dân làng đón rước thế nào? Đi đón Cử nhân, người làng lên đến tận Đồn Nhất ở đèo Hải Vân; đón Tú tài chỉ lên tới Nam Ô. Từ Nam Ô lên đến đèo Hải Vân còn xa lắm. Khi đón về làng, các vị tân khoa đi thẳng đến đình chùa, Văn Miếu rồi mới được về nhà.

Trăm năm bia đá cũng mòn

Ngàn năm bia miệng cũng còn trơ trơ

Nhớ lại câu này là do nguyên cớ thế này: Hôm trước trời mưa tầm tả, không có bất kỳ một tin nhắn, một cú điện thoại nào rủ rê đội mưa ra quán lai rai, bèn ở nhà, đóng cửa, và đọc sách. Vớ tay lấy quyển Trong vườn văn học dân gian Đất Quảng do cụ bà Phan Thị Mỹ Khanh sưu tầm. Nếu ai là độc giả tạp chí Phổ Thông của chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyễn Vỹ, vào khoảng thập niên 1960, ắt thỉnh thoảng có đọc vài bài viết của tác giả này. Cụ bà sinh năm 1927 ở  làng Bảo An, Điện Bàn (Quảng Nam), con gái của nhà văn hóa Phan Khôi. Bất ngờ, cụ bà còn nhớ bài Vè đi Sài Gòn, đố ai có thể tìm được từ các sách báo lâu nay đã viết về Sài Gòn. Còn độc đáo ở chỗ, bài vè do chính người Quảng Nam truyền miệng. Từ vùng quê nghèo khó ở miền Trung, chẳng rõ ai đó đã có dịp đi vào Sài Gòn và đã ghi lại cảm nhận chân chất, rõ ràng. Mở đầu:

Kể từ ngày dời gót ra đi

Thuế thân chỉ đem theo căn cước

Lê xe điện tại đường Nam Phước

Vô Quế Sơn tới bãi Liễu Trì

Những địa danh trên, nay vẫn còn. Với từ “thuế thân” có thể suy luận bài vè này ra đời trước năm 1945. Tác giả kể tỉ mỉ đã đi qua những vùng miền nào, và đây:

Anh em mình chừ đã đến Sài Gòn

Đất nhượng địa dạo qua cũng thú

Chốn đô hội du quan đã đủ

Đời văn minh, cha chả, cuộc văn minh

Chợ Bến Thành xinh đã quá xinh

Hãng Tây Cống lịch đà quá lịch

Trên đường đua, xe ngựa vô chừng

Quá mười giờ súng nổ cái đùng

Hãng nọ hãng tê ngó đà gần bãi

Trên nửa lừng, tàu bay qua lại

Chiếc cao chiếc thấp, ngó bắt loạn đa

Trên đường rày, xe lửa có ga

Máy nước lạnh, phông-tên có giếng

Bến Lăng Tô, tàu qua như kiến

Xe cam nhông đua chạy như ong

Hai bên đường đèn điện sáng chong

Các hãng phố máy quay, máy quạt

Dinh Chánh soái, cờ treo, lính gác

Điện Ngọc Hoàng trống đánh chuông rung

Vườn Bờ Rô rộng đã lung tung

Nhà thờ Chúa có hai hàng thánh giá

Nhà hát Tây có bốn hình nhơn

Lắng tai nghe kèn máy ca đờn

Mở mắt ngó cải lương, hát bội

Tàu thủy về còi thổi síp lê

Hãng mô vui bằng Hãng Sạc Ne

Lầu mô lịch bằng lầu Lữ quán

Con đường hẻm, xẩm vô mua bán

Các hãng làm, Chà giữ gác dan

Tây ăn chơi mấy cảnh nhà hàng

Hãng các chú, hãng Tàu, thuốc Bắc…

Tìm được tư liệu xưa vể Sài Gòn qua cái nhìn của người Quảng Nam. Thích chưa? Tất nhiên rồi. Chỉ tiếc cụ bà Phan Thị Mỹ Khanh chỉ nhớ đến đó.

L.M.Q

(6.10.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment