LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.9.2015

daichinongcog-1-R

 

Những ngày qua, mưa tầm tả. Cơn mưa chiều ngày 15.9.2105 tại TP.HCM, báo chí ghi nhận “ngập lụt kinh hoàng”. Chiều hôm đó, y từ chung cư Gia Hòa trở về nhà. Phải vượt qua cầu Cát Lái, cầu Sài Gòn. Trắng xóa là mưa. Nước ngập. Về đến nhà mà ướt như chuột lội. Lội có nghĩa bơi lội, chuột sa xuống nước, ướt nhèm nhẹp là đúng rồi. Lại nghe “ướt như chuột lột” và cho rằng “lột” là biến âm của “lụt”, là nói trệt đi của “lội”.

Trời mưa tầm tả, nằm nhà, mở cửa sổ cho gió thông thoáng, vẫn thích lặp lại thói quen nằm đọc sách. Nhẩn nha từng trang. Có những quyển sách thoạt nhìn thấy đồ sộ ghê gớm, tiến sĩ này, thạc sĩ nọ, giáo sư kia nhưng nội dung chẳng có gì đáng đọc. Chẳng qua chỉ là sự sao chép lẫn nhau. Họ giỏi thì giỏi thật, cứ cho là thế, nhưng làm sao có những người giỏi đến mức hết biên soạn địa chí tỉnh này đến tỉnh nọ? Chỉ là một kiểu "đánh sô", kiếm chác đấy thôi. Công việc nhọc nhằn này, chỉ những ai chôn nhau cắt rốn nơi đó mới có thể làm được. Làm được, tất nhiên ngoài kiến thức, học vấn họ còn có tình yêu sâu đậm, tình yêu máu thịt với nơi đã sinh ra và lớn lên. Cả một đời sống chết, gắn liền với mảnh đất ấy, nhờ thế, họ mới có thể nhìn ra và cảm nhận được sự độc đáo của quê hương mình mà người nơi khác thoáng qua, chỉ cỡi ngựa xem hoa không thể nào có được sự đồng cảm.

Nói như thế, bởi mấy hôm nay đọc quyển Địa chí Nông Cống (NXB Khoa học Xã hội -1998) do Huyện ủy, UBND huyện này đứng tên, Hoàng Anh Tuấn - Lê Huy Trâm biên soạn. Cả hàng trăm người cùng tham gia cung cấp tài liệu; cố vấn khoa học, trong đó có nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh. Những người trực tiếp thực hiện dù không nổi tiếng ghê gớm trên trường văn trận bút, nhưng những gì họ viết là viết từ sự ghi chép qua quan sát từ thực địa, từ các gia phả, thần phả, di tích, nhân chứng vật chứng tại địa phương, nhờ thế, cung cấp cho người đọc nhiều thông tin mới mẻ, lý thú.

Nói đến Nông Cống (Thanh Hóa), có thể quên đi nhiều bậc kỳ tài  nhưng không thể quên anh hùng Bà Triệu. Lâu nay vẫn nhớ đến câu “Lệnh ông không bằng cồng bà”  - nhằm ghi nhận vai trò to lớn, quyền quyết định tối hậu của người vợ trong gia đình, tưởng vai trò đó thuộc về chồng nhưng người chồng chỉ tép riu. Theo y, ban đầu ý nghĩa của câu “Lệnh ông không bằng cồng bà” không hề liên quan gì đến chuyện vợ chồng cả. Đó là chuyện của hai anh em ruột ở Quan Yên (nay thuộc xã Định Công, huyện Yên Định - Thanh Hóa). Anh là Triệu Quốc Đạt, em là Triệu Thị Trinh. Năm 248, hai anh em họ Triệu nổi lên đánh nhà Ngô.

Ru con con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi

Muốn coi lên núi mà coi

Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Núi đó là núi Nưa. Cồng là vật dụng chế tạo bằng hợp kim, giống như cái chiêng nhưng không có núm, dùng để phát hiệu lệnh. Còn nhớ có câu:  Tội lội xuống sông, đánh ba tiếng cồng, tội lại nổi lên; Chì khoe chì nặng hơn đồng, sao chì không đúc nên cồng, nên chiêng? v.v… Khi ra trận, Bà Triệu dùng cồng tập hợp nghĩa quân. Dù là em, nhưng cồng của Bà Triệu uy lực, uy quyền hơn lệnh của ông anh Triệu Quốc Trinh - hào trưởng, bằng chứng bài đồng dao còn lưu truyền:

Này cò, này cấu

Này đấu, này thưng

Lưng sào, canh ná

Này lá, này lao

Nghe cồng Bà rao

Nghe lệnh Ông gióng

Chong chóng chạy về

“Cồng” được nhắc đến trước “lệnh”. “Lệnh ông không bằng cồng bà” ra đời với ý nghĩa rõ ràng như thế, sau này, người ta hiểu chệch qua chuyện vợ chồng. Mà hiểu chệnh như thế cũng hợp lý thôi. Đàn ông nào dù lừng lừng lẫy lẫy là thế, nhưng nhiều trường hợp chỉ là một loại “râu quặp”. Trong gia đình, người vợ lặng lẽ phía sau, một cái bóng mờ nhạt nhưng mới là người có tiếng nói quyết định. Biết thế, hiểu thế, đi “cửa sau” gặp người vợ nhiều khi lại hiệu quả hơn gấp bội phần.

Ai cũng biết, trong máu thịt người Việt dù đang sinh sống ở chân trời góc biển nào đi nữa, khí chất nông dân vẫn còn trong huyết quản, thèm ăn cơm hơn bất kỳ các loại bột nào đã được chế biến từ lúa gạo. Cây lúa gắn liền với sự sống của mỗi người từ lúc mở mắt chào đời. Thế thử hỏi, ông cha mình có tục “hú vía lúa” không? Phải nói thật, nhờ đọc quyển Địa chí Nông Cống, lần đầu tiên mới biết đến tục này mà chưa sách nào nào đến. Sai khi lúa cấy xong, làng cử người đàn bà già có đức độ hú vía lúa:

Ông lọ bà lọ (lúa)

Ông tốt như mây

Bà sây (sai quả) như móc

Hạt chắc như hèo (quả mây, quả hèo to tròn)

Vừa cắt vừa kèo

Một mẫu trăm phương

Mười lăm gánh lẻ

Người già người trẻ

Sức khỏe làm ăn

Đầy đụn đầy chum

Vừa ăn vừa bán… ơ…ơ…

Văn bản quý giá này, thời buổi công nghiệp hóa mấy ai còn nhớ nữa. Từng đọc Phong tục Việt Nam của Phan Kế Bính, được xem như một trong những nghiên cứu mẫu mực, nếu muốn tìm hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc Việt đã trải qua hàng ngàn năm thăng trầm nhưng không một kẻ thù nào có thể đồng hóa nổi. Đọc tập sách đó, ta biết đến tục khảo cây, giục nó mau ra quả: “thì chờ đến ngày đoan ngọ. một người trèo lên cây, một người cầm vồ khảo dưới gốc cây ba cái, hỏi đã chịu nẩy quả chưa, người trên cây nói chịu, sang năm tự khắc cây có quả”. Tuy nhiên, cụ Phan Kế Bính không đề cập đến tục khảo rể, là trường hợp có người lập gia đình đã lâu như chưa có con. Thông tin này lý thú quá, không riêng gì cụ Phan Kế Bính mà các sách khác hầu như cũng chưa nói đến.

Ở làng Giáp Mai (xã Tế Thắng): “Quan niệm rằng: đất có long mạch, long mạch thông suốt thì dân mới thịnh vượng. Người có khí huyết, huyết mạch lưu thông thì mới sinh con đẻ cái. Rể làng nếu chậm có sinh con thì phải khảo rể để mau có con. Tháng Giêng Âm lịch, làng vào đám. Rể làng chưa có con thì làng bắt ra khảo:

Lễ vật là mỗi chàng rể chưa có con biện một mâm xôi gà, chai rượu và một trăm đồng tiền. Các mâm lễ vật đặt lên thắp hương, ông Tiên chỉ khấn Thành hoàng về chứng giám và cúng tạ long mạch. Sau đó, bắt từng chàng rể chưa có con ra khảo. Cách khảo:

- Dùng một cái vồ bằng cây dứa dại (chặt một đoạn dứa, đẽo vỏ, đóng cán, vồ nhỏ);

- Dâng lễ vật khấn Thành hoàng và long mạch xong, từng chàng rể ra chịu khảo. Anh ta phải đến trước án thờ, vén quần đến gối, ngồi bệt xuống nền đình, đặt hai chân lên một đoạn khẳng tre có buộc dây ở giữa để kéo hai chân lên cao cách mặt nền đình độ 30 cm. (Đầu dây kia dài, lòn qua đòn tay mái đình để cầm kéo đoạn dây buộc khẳng tre nhấc đôi chân chàng rể lên khỏi mặt đình);

- Ông Tiên chỉ cầm vồ dứa, giơ thật cao đánh xuống… rất nhẹ, lấy phép, vào đầu gối chàng rể đủ 120 vồ;

- Trai gái làng đứng xem vừa cười đùa, xô đẩy nhau, chọc ghẹo nhau, vừa hát các câu động viên việc “chăn gối”: Đêm bảy ngày ba vào ra không kể này! Đêm bảy ngày ba làm chán trong nhà lại ra ngoài sân này!...” (SĐD tr.274 - 275).

Tất nhiên, tục khảo rể đã mất đi rồi. Cần ghi lại bởi đó là một phần ký ức của một dân tộc. Những ngày này vẫn nhì nhằng. Công việc không có gì mới. Vẫn quen thuộc của mỗi ngày. Được thế, đã là vui sống với mỗi ngày.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment