LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.7.2015

buc-hoanh-phi-d_lqpp

Bài thơ mang ý nghĩa là bản tuyên ngôn độc lập của vương triều nhà Nguyễn tại điện Thái Hòa  -  Ảnh: Lê Công Doanh (nguồn: Báo TN)

 

“Một mẹ già bằng ba lần giậu”.

Đến một lúc nào đó, một hoàn cảnh nào đó, con người ta mới thấm thía câu thành ngữ này. Có đôi lúc, trong cuộc sống bề bộn, bận rộn của mỗi ngày, ở chung với mẹ, ta cảm thấy “xốn mắt” lắm. Làm sao có thể chìu được người già? Khoảng cách giữa hai thế hệ là một vực thẳm. Cả hai khó có thể hiểu, chia sẻ những mối quan tâm chung. Đứa con bước ra khỏi nhà, tự trong lòng đã gánh lấy một áp lực từ công việc, từ mối quan hệ ngoài xã hội; trong khi đó với người mẹ lại khác, chỉ là những chuyện vặt vãnh, bếp núc. Có cũng được, không cũng chẳng sao, nếu cần, thuê lấy Osin là xong tất. Chẳng gì phải bận tâm.

Nghĩ là nghĩ thế. Nhưng rồi, lúc mẹ nhập viện, ở nhà thui thủi một mình/với vợ con mới ngộ ra rằng, phải là mẹ, có mẹ thì mọi việc mới chu toàn đâu ra đó. Thích nhất trong đời của nhiều người, với nhiều người có lẽ vẫn là câu nói: “Con ăn gì mẹ nấu cho”. Một sự tự nguyện, tự giác mách bảo từ tình mẫu từ, chỉ biết rằng hễ con ưng ý, hài lòng là vui.

Niềm vui của người mẹ già đơn giản lắm. Chỉ cần con ăn ngon, ngủ ngon, không bệnh tật là vui. Niềm vui ấy, đã có, ngay từ lúc đứa con vừa lọt lòng cất tiếng khóc oe oe và thầm lặng suốt một đời. Chẳng người mẹ nào kể công đã nuôi con cực nhọc như thế nào, nếu nhắc lại cũng chỉ kể về niềm vui. Vui gì? Vui, lúc con bập bẹ tiếng nói đầu tiên gọi ba, gọi mẹ. Vui, lúc còn son trẻ, mỗi lần đi chợ về, con ùa ra níu áo: “Mẹ ơi, quà con đâu?”. Thế rồi, khi đã đủ lông đủ cánh, đủ sức bay nhảy giữa trời cao đất rộng, có lúc nào ta  nhớ đến món quà, tấm bánh dành cho mẹ? Hay có nhớ, nhưng rồi bận rộn quá, tặc lưỡi: “Dịp khác” Dịp khác ấy, bao giờ mới đến?

Ở trong nhà, vai trò của mẹ mờ nhạt lắm. Thế nhưng, khi không có mẹ mới thấy trống trải biết chừng nào. Thì ra, lâu nay nhà cửa gọn gàng, bếp núc đâu ra đó; cái bàn, cái ghế sạch sẽ không một hạt bụi; mọi vật dụng sắp xếp ngăn nắp, nề nếp… chẳng phải tự nhiên mà có. Một tay mẹ quán xuyến tất cả. Muốn tìm cái gì, hỏi cái gì trong nhà, quả nhiên mẹ như một “từ điển sống”. Một ánh sáng lặng lẽ phía sau lưng, khiến ta thấy cuộc sống của mỗi ngày ổn định, hài lòng.

Mà than ôi, người mẹ chẳng hề đòi hỏi gì cho riêng mình. Ngày nọ, y hào hứng ngồi vẽ. Tràn trề sắc màu hò reo nhảy múa. Bỗng nghe tiếng nói chậm rãi của mẹ, từ phía sau lưng: “Từ 11 giờ đến chừ, mẹ cảm sốt, không ngủ được”. Giọng nói ấy không hề than thở buồn rầu, nghe như bà cụ đang thủ thỉ, đang “méc” lại một chuyện oan ức gì đó. Cứ như thể thời còn bé bị ai đó bắt nạt; hoặc ấm ức điều gì chỉ đợi mẹ, chờ ba về đến nhà để “méc” cho bằng được. Già rồi, chỉ dựa vào con. Y vội trấn an: “Xoàng thôi. Mưa nắng thất thường, ai mà không cảm sốt. Không sao đâu”. Bà cụ im lặng. Không dám nói gì thêm, không “mè nheo” nữa. Mãi đến lúc vẽ xong tranh, y mới buột miệng một câu hú họa làm ra vẻ như đang an ủi: “Hay con đưa mẹ đi khám bệnh?”. Bà cụ mừng rỡ, gật đầu ngay, chứng tỏ nẫy giờ muốn nói nhưng không dám thổ lộ. Đưa mẹ đi khám bệnh. Và bác sĩ… cho nhập viện luôn.

Thế đấy, y vô tâm vô tư, vô ý vô tứ quá thể.

Mỗi lần vào bệnh viện thăm, bao giờ bà cụ cũng hỏi: “Con ăn gì chưa?”. Rồi lại nói: “Chịu khó vài ngày, ít bữa nữa về nhà, mẹ nấu cho”. Hỡi ôi, y chẳng ra làm sao cả. Ở với mẹ nhưng rồi có hiểu gì về mẹ, có bao giờ trò chuyện gì không? Chỉ năm thì mười họa. Chỉ là những câu hỏi nhát gừng. Hỏi bâng quơ rồi đắm đuối với những hư ảo, mộng mị xa vời. Vẫn đong đưa theo những cuộc chơi phù phiếm mơ mơ màng màng chẳng nên tích sự gì. Đến một lúc nào đó, một hoàn cảnh nào đó, con người ta mới thấm thía câu thành ngữ: “Một mẹ già bằng ba lần giậu”. Chẳng phải đâu, hãy ngay tự bây giờ, mỗi một ngày, cần dành lấy một khoảnh khắc nghĩ về mẹ. Nghĩ về những ngày còn có mẹ, chỉ cần thế, sẽ cảm nhận được biết bao điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời này.

Chiều hôm ấy, vao bệnh viện, mẹ y phải nằm chung giường với bà cụ khác. Ái ngại quá, bèn đi đóng tiền dịch vụ, may còn đúng một giường. Ở bệnh viện có 3 mức đóng tiền dịch vụ, tùy theo số giường trong phòng nhiều hay ít mà tính tiền. Cụ thể: Phòng máy lạnh tính theo từng ngày, mỗi người 1 giường: 430 ngàn, phòng 4 người; 300 ngàn, phòng 6 người; 240 ngàn, phòng 8 người. Khi bà cụ vừa nằm trên giường đã nghe tiếng nói cằn nhằn của bệnh nhân bên cạnh. Đại khái, ông này là thương binh thời chiến tranh, cụt chân, xếp loại 81% nhưng khi vào bệnh viện vẫn phải nằm chung giường với người khác. May có con đóng tiền dịch vụ nên ông mới được sang phòng này. Ông thở than, thời buổi nào cũng thế, nghèo chỉ khổ, nghèo chỉ hèn dù trước đó đã “cống hiến”, đã “công trạng” thế nào. Ông ta nói đúng, nhưng rồi chẳng ai thèm nghe. Có lẽ, điều cần thiết nhất của đất nước ngàn năm văn hiến này, vẫn là xây thêm nhiều bệnh viện nữa. Tận mắt nhìn thập loại chúng sinh phải nằm dật dờ, vật vờ dọc theo hành lang, nằm túm tụm, co ro dưới đất tại bệnh viện cảm thấy thân phận con người rẻ rúng, bọt bèo, nghèo hèn quá.

Ơn trời, vào bệnh viện, sức khỏe mẹ y phục hồi dần.

Mỗi lần vào thăm, bao giờ bà cụ cũng hỏi: “Con ăn gì chưa?”. Rồi lại nói: “Chịu khó ăn hàng quán vài ngày, ít bữa nữa về nhà, mẹ nấu cho”. Hỡi ôi, y chẳng ra làm sao cả. Đã ngoài ngũ thập, trong mắt người mẹ vẫn là đứa trẻ đấy thôi. Mỗi tối, anh của y vào ngủ chung, chăm sóc mẹ, còn y vẫn chăn êm nệm ấm ngày như mọi ngày. Vẫn như không có gì xẩy ra. Vẫn bình chân như vại.

ta cầm hương hoa vung vãi khắp nơi

cho mối tình đầu, tình sau, tình cuối

thì lúc ấy mẹ ngồi trong bóng tối

tựa cửa một mình chống chọi với mùa đông

Những ngày này, đụng vào cái gì dù nhỏ nhặt nhất, y cũng cảm thấy ngỡ ngàng lúng ta lúng túng. Đã có lần nàng bảo, anh ở với mẹ, đươc mẹ lo cho từng ly, từng tí nên anh sẽ rất khó… lấy vợ! Bèn tủm tỉm cười. Cười cho gã đàn ông được mẹ cưng chiều, yêu thương, đùm bọc như đúa trẻ làm sao có thể trưởng thành, có thể lo toan, gánh vác cho người khác?

Biết trả lời thế nào?

Chẳng trả lời gì.

Mọi ngày cứ đều đặn mỗi ngày. Nghĩ vòng vèo. Viết vớ vẩn. Đọc vu vơ.

Vừa rồi, đọc trên báo TN, thông tin này cần ghi lại: Hiện nay, các nhà nghiên cứu văn hóa đã “giải mã” hệ thống di sản tư liệu độc đáo trên các đền đài, lăng tẩm, cung điện triều Nguyễn tại cố đô Huế. Hàng ngàn bài thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán thuộc di sản này đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới. Xin chép lại một bài thơ ghi trên Điện Thái Hòa - nơi đặt ngai vàng, thể hiện quyền uy của của một triều đại -  được các nhà nghiên cứu ghi nhận "mang ý nghĩa là bản tuyên ngôn độc lập của vương triều nhà Nguyễn". Bài thơ nguyên văn được phiên âm như sau:

"Văn hiến thiên niên quốc

Xa thư vạn lý đồ

Hồng Bàng khai tịch hậu

Nam phục nhất Đường, Ngu

Dịch nghĩa:

Nước Việt đã ngàn năm văn hiến

Cơ đồ vạn dặm đã thống nhất hoàn toàn

Từ thuở Hồng Bàng mở nước

Trời Nam đã một cõi sánh với Đường, Ngu

(bản dịch của Phạm Đức Thành Dũng)”

Đáng chú ý nhất, là câu thứ tư. Bài thơ này của nhà vua nào? Bài báo viết: “Tác giả những bài thơ trên điện Thái Hòa, theo nhiều nhà nghiên cứu là của vua Minh Mạng, trích trong tập Ngự chế thi. Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, lại cho rằng hầu hết các bài thơ đều không ghi tác giả, trên bờ nóc ngoại thất của điện Thái Hòa có một ô pháp lam ghi thông tin về tác giả một cách mơ hồ như sau: Ngự chế thi tam thập thủ. Thông tin trên cho thấy những bài thơ trên là do vua làm, nhưng cụ thể là vua nào thì vẫn rất khó xác định, muốn xác định tác giả cần phải đối chiếu với nhiều tư liệu Hán - Nôm về thơ của các vua triều Nguyễn đang lưu trữ nhiều nơi”. (TN 22.7.2105).

Từ bài báo này, nghĩ rằng, ngày càng có thêm nhiều sự phát hiện mới, qua đó, có một số sự kiện, giai đoạn lịch sử sẽ được đánh giá lại. Công tâm hơn. Đúng mực hơn. Không phiến diện như trước. Trường hợp nhà Hồ, nhà Mạc, nhà Nguyễn... nằm trong xu thế này; lại có những nhân vật lịch sử cũng được nhìn nhận ở góc độ khác trước. Vậy thì, chắc chắn một khi thời gian đã lùi xa, với các chứng cứ, tài liệu được công bố, tìm tòi ắt sẽ có nhiều sự kiện, nhân vật mà thế hệ sau sẽ nhìn khác. Công tội rõ ràng hơn, minh bạch hơn.

Đôi khi, y lại nghĩ lẩn thẩn như một kẻ vô công rỗi nghề. Nghĩ rằng, sau này, thế hệ sau sẽ nghĩ gì về hình ảnh của chính người Việt ngày hôm nay?

Họ nghĩ gì khi đọc lại thông tin, vào tháng 7.2015, đất nước Singapore không cho nhiều phụ nữ Việt Nam nhập cảnh? Nghĩ gì khi báo chí vừa đưa tin hai người du khách Việt ăn cắp tại Zurich (Thụy Sĩ) vừa bị cảnh sát nước này tạm giữ vì tội ăn cắp? Đọc tin này, sực nhớ  vào tháng 7.2008 khi sang Mỹ, anh bạn ở đó dẫn y vào một siêu thị rộng mênh mông, đầy đủ các loại hàng hóa nhưng không hề thấy có một nhân viên nào cả. Ai mua gì, cứ việc lựa chọn, chất đầy trên chiếc xe đẩy. Khi ra đến cửa, mọi người tự giác tiền qua thẻ. Một khi nhân viên siêu thị không có mặt, có thể “thuổng” cái gì chăng? Chắc là được. Nhiều người đã nghĩ thế. Và cuối cùng là bẽ mặt vì bị bắt quả tang, hết đường chối cãi.

Về trường hợp hai du khách người Việt bị “thộp cổ” tại Thụy Sĩ như sau:  “Nhân viên cảnh sát phụ trách vụ việc ở đây cho biết hai người này bị tạm giữ vì tội ăn cắp ba cặp kính mát đắt tiền hiệu Gucci, LV... trị giá hơn 300 euro/cặp. Theo băng hình ghi nhận được tại trung tâm mua sắm, hai người này sau khi xem kính thì tháo bỏ mẩu thông tin về kính, giá tiền ra và đeo lên như là kính của mình. Cả hai sau đó bước ra khỏi trung tâm thương mại nhưng không ngờ họ đã bị theo dõi bằng camera. Khi họ rời khỏi khu vực bán hàng đã bị bảo vệ giữ lại với ba cặp kính mát và gần như ngay lập tức cảnh sát (đồn cảnh sát ở rất gần trung tâm thương mại này) ập đến lập biên bản và đưa về đồn. Cả hai sau đó phải đóng tiền phạt trị giá 2.000 franc Thụy Sĩ để được tại ngoại” (TT 24.7.2015).

Cũng trên số báo này, TT có bài Dân bức xúc với khoảng cách giàu nghèo tăng. “Đó là nội dung tại buổi công bố kết quả khảo sát “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường VN” năm 2014 (CAMS 2014), do Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI) và Ngân hàng Thế giới công bố ngày 23/7/2015”. “Kết quả khảo sát: 19% hài lòng về tình hình kinh tế hiện tại;  47% bức xúc trước khoảng cách giàu nghèo tăng lên ở VN; 56% cho rằng doanh nghiệp nhà nước cần minh bạch hơn; 49% đồng tình kinh tế VN hiện nay là kinh tế thị trường; 36% chưa hài lòng, cho rằng tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường còn chậm”. Bên cạnh đó, “Theo ông Đoàn Hồng Quang - chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại VN, nhóm khảo sát đã chọn 4 loại dịch vụ công mà người dân phải tiếp cận hằng ngày, gồm: y tế, giáo dục, công chứng và giao thông công cộng. Kết quả, giao thông công cộng có mức độ hài lòng/hoàn toàn hài lòng với dịch vụ do Nhà nước cung cấp thấp nhất, chỉ 10%. Với y tế, chỉ có 11% người được khảo sát hài lòng hoặc hoàn toàn hài lòng với dịch vụ y tế công. Với giáo dục, tỉ lệ hài lòng, hoàn toàn hài lòng với dịch vụ do Nhà nước cung cấp có cao hơn, nhưng chỉ đạt 15%”.

Những con số này đã nói lên điều gì?

Gì thì gì, cần ghi nhận để sau này, ai đọc lại có thể hình dung ra thời mà chúng ta đang sống.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment