LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.5.2015

hoan-ho-xe-dap-R


Ngày hôm qua, ngày 19.5.2015, một ngày khó quên: Kỷ niệm 40 năm ngày Báo Phụ Nữ TP.HCM phát hành số báo đầu tiên. Thoáng đó, y đã có 30 năm công tác tại tờ báo này. Một nơi, đã từ lâu, y xem như gia đình thứ hai. Thân thương. Trìu mến. Nghĩa tình chan hòa. Mọi việc xẩy ra trên đời là cái lẽ nhân duyên. Dù hư ảo, lờ mờ khó nhận ra nhưng nó lại rất thật, có thật dưới vòm trời này.

Ngày kia, sau khi rời khỏi TT, vì theo nhận định của Ban biên tập là y khó có thể theo đuổi nghề báo, vì tâm hồn bay bổng quá, suốt ngày chỉ thơ thẩn, hết in thơ báo này đến báo kia. Trong khi đó, các bài phản ánh thời sự lại viết ạch đụi vì ít chịu đi thực tế. Đúng thế, “đi thực tế” trong khoảng thời gian làm việc ở TT, với y chính là thư viện của báo. Nơi này còn lưu trữ khá nhiều tạp chí, báo chí, sách báo in ấn, phát hành trước năm 1975. Mê quá. Mỗi ngày vào cơ quan, y chui tọt vào đó lục lọi, tìm đọc tất tần tật. May, thuở ấy, chú  Dậu - thủ thư, do thương tình nên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Kể cả những buổi trưa, ngủ luôn trong thư viện.

Rời khỏi báo TT, y đi xin việc nơi khác. Trước đó, do một dịp tình cờ, y đã gặp nhà báo Nguyễn Công Khế và có trình bày nguyện vọng. Anh đồng ý, một phần vì anh có thời gian ở tù chung với ba của y tại nhà lao Đà Nẵng. Một buổi sáng đẹp trời của năm 1989, y qua báo TN theo lời hẹn với anh Khế, trên đường đi, bỗng dưng gặp nhà báo Thanh Bình ngay trước cổng báo PN. Anh gọi vào tòa soạn ngồi chơi, uống trà. Ngày đó, trước cổng báo PN tại 188 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM còn có giàn hoa giấy, thêm một khoảng sân rộng trồng cây xanh (sau này trở thành nơi phát hành, quảng cáo, tiếp bạn đọc, phát nhuận bút - tất nhiên các phòng đó đều nhỏ nhắn, xinh xắn như hộp diêm). Qua trò chuyện, anh Thanh Bình gợi ý nên xin về báo PN. Chần chừ, chưa biết trả lời sao, lúc ấy, chị TBT Thế Thanh đi ngang qua, biết được câu chuyện, chị cũng bảo thế. Câu thơ của nhà văn Nguyễn Vỹ (1910 - 1971), từ đó “vận” vào cuộc đời y:

Còn tôi bưng thúng theo đàn bà

Ra chợ bán văn, ngày tháng qua

Đến bây giờ vẫn chưa có dịp hỏi lại, vì sao ngày đó chị Thế Thanh nhận ngay y về Báo PN dù chưa xem qua sơ yếu lý lịch, chưa xem đơn xin việc?

Há chẳng phải nhân duyên đó sao?

Ngày đó, Báo PN còn ít phóng viên nam, y được giao viết mảng công tác Hội ở ngoại thành, thay cho chị Hồng Tuyến. Sau ngày nhận nhiệm vụ, hai chị em phóng chiếc xe Honda cà tàng của cơ quan đi khắp quận huyện, xã. Đi nhằm mục đích, chị giới thiệu và "bàn giao" y cho các chị, các cô, dì tại cơ sở Hội các cấp. Lúc ấy, y ký bút danh Trần Thị Vĩnh Phúc, sau đổi qua Huyền Sương. Do ký bút danh nữ nên mới có lắm chuyện buồn cười. Trên tạp chí Nghề báo của Hội Nhà báo TP.HCM (số phát hành tháng 7.1995), y có kể trong bài Hoa lạc giữa rừng gươm:

“Thời đó, tôi còn trẻ. Mỗi lần đi xa như thế thì tôi không quên chở theo “mèo” để tâm sự suốt đoạn đường xa hun hút. Đó là thời gian thú vị, vừa đi công tác, vừa hẹn hò tán tỉnh, thử hỏi có mấy nhà báo được như tôi? Nhưng có một lần làm tôi tởn tới già! Trong một lần tôi về huyện Nhà Bè để viết về phong trào vận động sinh đẻ có kế hoạch, mặc dầu tôi đã đưa ra giấy giới thiệu, nhưng mấy chị trong Hội vẫn khăng khăng cầm tay… cô bồ của tôi mời vào phòng làm việc. Còn tôi thì nghe được câu phán ngọt ngào: “Anh là chồng của cô nhà báo hả? Vậy anh ngồi ngoài đợi một chút nhé!”. Không đợi tôi trả lời, thế là tôi được kéo ra ngoài.

Sau hơn một giờ làm việc, cô bồ của tôi mặt bí xị! Cô ta ném trả lại tôi tờ giấy giới thiệu, thì ra trong giấy ghi rõ “PV Trần Thị Vĩnh Phúc”. Các chị ở Hội hiểu lầm là phải.

Sau vụ “động trời” này, may mà Ban biên tập không biết, tôi bèn lẳng lặng bỏ bút hiệu này. Sau đó, tôi chuyển qua ký hiệu “Huyền Sương”. Tên này nghe cũng tuyệt đấy chứ!

Có một lần, một bạn đọc mày râu bặm trợn xộc vào tòa soạn tìm nữ phóng viên Huyền Sương! Tôi phải ra tiếp khách. Sau một hồi khen ngợi những bài viết của Huyền Sương, anh ta muốn gặp mặt nữ phóng viên này, tôi đáp: “Cô ta đi vắng. Anh có nhắn lại gì không? Tôi sẽ chuyển giúp”. Sau một lúc ngồi suy nghĩ, anh ta lấy trong túi áo một cánh hoa hồng và lá thư tỏ tình viết bằng mực tím đưa cho tôi! Trời đất! Tôi hoảng quá! Không thể không nói rõ với anh ta về sự oái oăm này, tôi nén tiếng thở dài: “Thưa anh, chính tôi là phóng viên ký tên Huyền Sương”.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Anh ta đứng bật dậy và đi ra khỏi tòa soạn một mạch mà không thèm bắt tay tôi! Đấy, làm báo phụ nữ mà ký tên cho giống phụ nữ thì hãy… liệu hồn (!)”.

Chiều qua, tại cơ quan đã diễn ra cuộc họp mặt tri ân các thế hệ làm báo cựu trào, và những anh chị em đã từng công tác. Tại tòa soạn 311 Điện Biên Phủ, Q.3, nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên có kể, khoảng thời gian 1990 - 2002, anh bút danh Quỳnh Vy - tên con gái đầu lòng. Một bạn đọc nam đòi gặp cho bằng được nữ nhà báo Quỳnh Vy, mới cung cấp tài liệu “mật”! Cuối cùng, không còn cách nào khác anh đành "lật bài ngửa" là cũng trường hợp tương tự. Chuyện nhà báo nam ký bút danh nữ đã có "truyền thống" từ lâu trong nền báo chí nước nhà. Chẳng hạn, nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh ký Đào Thị Loan, Nguyễn Vỹ ký Lệ Chi, Diệu Huyền, Phạm Cao Củng ký Phạm Thị Cả Mốc, Lê Văn Trương ký Cô Lý, Hồ Dzếnh ký Lưu Thị Hạnh, Vũ Bằng ký Cô Ngã (lúc làm tờ Vịt Đực), Hoàng Thiếu Phủ có lúc ký Hà Tiên Cô, Vũ Hạnh ký cô Phương Thảo, Trần Văn Thạch ký Trần Như Liên Phượng v.v...Những câu chuyện tác nghiệp, nghiệp vụ của nhà báo, nếu chính nhà báo kể lại sẽ hữu ích cho các bạn trẻ mới vào nghề nhiều lắm.

Sau cuộc hàn huyên tâm sự, mọi người cùng qua Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức phụ nữ của báo PN (số 20 Nguyễn Văn Giai, Q.2, TP.HCM). Nơi ấy cũng đang tiếp đón nhiều quan chức, văn nghệ sĩ, khách mời khác đến tham dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Báo. Buổi lễ này, Ban biên tập đã tổ chức long trọng, ấm cúng, chan hòa tình nghĩa. Cuộc gặp giỡ với các đồng nghiệp cũ đã lưu luyến trong lòng nhiều cảm xúc chân thành. Y quay về nhà, viết gấp bài bài báo Người trong một nhà, kịp in số báo phát hành sáng nay.

Còn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ của năm tháng đã qua. Sực nghĩ, điều may mắn của một thanh niên khi vào đời, không phải thu nhập cao mà chính là sự tử tế trong quan hệ đối xử giữa các đồng nghiệp, giữa nhân viên và người lãnh đạo tại cơ quan ấy, công ty ấy. Y đã có may mắn đó. Nếu đọc kỹ, sẽ thấy có không ít bài thơ, y đã viết cũng từ các sự kiện do Báo PN đã tổ chức trong 40 năm qua. Có thể kể đến các cuộc thi có tính tiên phong do một cơ quan báo chí tổ chức như Hoa hậu áo dài, Đua xe đạp nữ, Thời trang tuổi 40, Thời trang Mẹ và Con v.v… Những dịp ấy, các chị trong Ban Biên tập - nhất là chị TBT Thế Thanh thường “đặt hàng” mà thật ra là chỉ đạo: “Q có thơ gì không?”. Được lời như cởi tấm lòng. Thơ dào dạt tuôn ra. Còn nhớ bài thơ Hoan hô xe đạp in trên PN - số báo phát hành dịp 8.3.1992 tặng các vận động viên tham gia giải đua xe đạp:

Không phải Maika trên trời rơi xuống đất

Sáng hôm nay, em bỗng hóa thiên thần

Ồ! Mỵ Nương lần đầu đi xe đạp

Trương Chi nhìn đắm đuối những bàn chân

 

Tâm hồn reo lên theo nhịp bánh xe lăn

Đang chạy vòng quanh trong sân Phú Thọ

Tôi thèm hóa thân thành vuông cỏ xanh

Đón nhận vòng xe đang lăn qua đó


Tôi đột ngột thèm hóa thành ngọn gió

Thổi lời tự tình theo tóc em bay

Đời sẽ vui khi cười trên xe đạp

Xin chở tôi theo qua những dốc đường dài


Nếu Rômêô tồn tại đến ngày nay

Chàng sẽ chở người yêu dạo chơi bằng xe đạp

Guilliet thong thả tựa vào vai

Lắng nghe trái tim tình nhân run nhịp đập


Tôi hy vọng một niềm tin trong sạch

Sau hiến dâng kia, Thị Nở ước mơ rằng:

Nếu trúng số thì cũng mua xe đạp

Tặng Chí Phèo dạo mát dưới đêm trăng


Và cuộc đua bắt đầu - tôi ca ngợi muôn năm

Hỡi cổ động viên reo hò như trẻ nhỏ

Cái Đẹp thể thao là nhan sắc vĩnh hằng

Lần đầu tiên tình yêu bay trong gió

Nhà thơ đi làm báo còn có lợi thế, không chỉ viết những bài  báo phản ánh sự kiện đang diễn ra mà có thể kịp thời tác nghiệp bằng… thơ. Rồi sau này, các bài thơ khác viết về xe đạp cũng chính từ cảm hứng đó. Câu chuyện về năm tháng làm báo còn dài. Một dịp khác sẽ kể tiếp.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment