LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.4.2015


tranh-cua-HitleRR

Tranh tĩnh vật màu nước của Adolf Hitler (nguồn:The Telegraph)


Công việc mỗi ngày cũng thế. Tự mình “kỷ luật” lấy mình. Cái gì cũng muốn cho xong, vì thế, không chần chừ, không “ầu ơ vì dầu” mà cố gắng từng ngày. Đã thể thở phào nhẹ nhàng. Đã đâu vào đó. Chờ đến ngày gặp lại cảm giác tươi nguyên như lần thứ nhất trong đời. Như ngày được cầm cuốn sách đầu tay: Tập thơ Trong cõi chiêm bao (NXB Trẻ) in năm 1989. Năm đó vừa tròn 30 tuổi. Đến nay có bao nhiêu cuốn sách đã in? Chẳng rõ nữa. Có cái còn lại. Có cái sẽ mất đi. Mất và còn cũng không khác gì nhau. Câu thơ này của Trần Đăng Khoa:

Cái còn thì vẫn còn nguyên

Cái tan dù tưởng vững bền cũng tan

Nghĩ ngợi gì cho lắm. Đã tằm thì nhả tơ. Đã họa sĩ thì vẽ. Đã sống thì yêu. Đã hoang mang trong mùa thu gió trút thì phải viết một cái gì chăng? Đã sống trong một ngày, một đời rồi cuối cùng nhìn lại, thấy gì trên mười đầu ngón tay? Chẳng thấy gì ngoài mây bay qua, rớt xuống từng phiến lá lọt kẽ tay. Hun hút. Mơ hồ. Không một âm thanh nào vọng lại. Biết thế. Vì biết nên mỗi một ngày lại gõ phím. Lại leo dốc đi qua thời gian. Không hân hoan mà cũng chẳng buồn rầu.

Sắp đến đây là Ngày sách Việt Nam. Lý do chọn ngày 21.4 hằng năm vì hai lý do: lấy mốc thời gian xuất bản và phát hành tác phẩm Đường Kách Mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tháng 4 còn là thời gian diễn ra Ngày sách và bản quyền thế giới (23.4). Tại Sài Gòn, Ngày sách năm nay tổ chức tại một phần mặt bằng trước Bưu điện thành phố và tuyến đường Nguyễn Văn Bình (Q.1), từ ngày 18 đến 22.4.2015. Tại Đà Nẵng, Đường sách diễn ra dọc theo đường Bạch Đằng, từ ngày 23.4 đến 25. 2015. Cả hai chương trình này, y và bạn bè có buổi tặng chữ ký trên sách, giao lưu cùng bạn đọc.

Đời, thế mà vui.

Ghi lại mấy thông tin loáng thoáng. Theo nguồn tin báo TN, nếu không có gì thay đổi, ngày 14.4.2105 chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh - mẹ vua Thành Thái sẽ được chuyển từ Pháp về đến Hà Nội. Theo kế hoạch, nếu thuận lợi thì ngày 16.4 chiếc xe về đến Hà Nội. Trung tâm bảo tồn cố đô Huế sẽ cho người ra nhận đưa về Huế để kịp khai mạc triển lãm chuyên đề về xe, kiệu triều Nguyễn tại cung Diên Thọ vào ngày 22.4.2015, trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế.

Chuyện này cụ thể ra làm sao?

“Trước đó, ngày 13.6.2014 ở phiên đấu giá diễn ra tại Văn phòng Rouillac (Pháp), đại diện của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo này với mức đấu giá 45.000 euro (cộng thêm phần lệ phí đấu giá thành 55.800 euro - khoảng 1,3 tỉ đồng). Sau phiên đấu giá, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris) tuyên bố nhà nước Pháp đề nghị mua lại chiếc xe ấy (với giá trên) theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” ở nước sở tại. Sau quá trình vận động ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp đã đồng ý không tranh mua cổ vật với Việt Nam đối với chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh, mẹ vua Thành Thái. Như vậy, đây là cổ vật đầu tiên của VN đang lưu lạc ở nước ngoài được VN đấu giá thành công và đưa trở về nước” (TN số ra ngày 4.4.2015).

Chiếc xe kéo tay, nhìn lại ảnh chụp thời Pháp vẫn còn thấy nhiều. Hóa ra xe kéo tay dành cho mẹ vua cũng không khác gì xe dành cho thường dân.Có khác chăng chỉ về chất liệu trang trí.

Tương tự, do là Adolf Hitler nên bức tranh tĩnh vật màu nước  - có chữ ký của tác giả, vẽ lúc khoảng 24 tuổi được đem ra bán đấu giá vào ngày 26.3.2015 tại nhà đấu giá Nate D Saunders (Los Angeles, Mỹ) mới có giá đó? Bao nhiêu? Giá khởi điểm là 30.000 USD, dù thuở ấy ông ta đã từng hai lần bị Viện Nghệ thuật Vienna từ chối khi muốn vào học ở đây.

Do là tranh của Leonardo da Vinci nên khi xem bức tranh Bữa tiệc Ly, người ta mới quan tâm lúc ấy trên bàn ăn có những gì? Sau nhiều năm tháng nhọc công nghiên cứu mới biết, đó chính là đậu hầm, thịt cừu, ô liu, thảo mộc đắng, chà là và rượu thơm - ẩm thực Palestine thời Chúa Jesus.

Lại nghĩ, Vân Đường phủ - số 11 (số cũ là 9/1) Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh từ 20 năm nay đã khiến giới báo chí tốn biết bao bút mực. Sau khi “lên báo” có lẽ được bạn đọc quan tâm nhiều, bởi do là của nhà cụ Vương Hồng Sển.

Những gì liên quan đến người nổi tiếng, rõ ràng bao giờ cũng thu hút sự chú ý của công chúng.

Thử hỏi xe kéo tay du nhập vào Việt Nam thời điểm nào? Xin trả lời, sau khi Pháp đánh chiếm nước ta, các quan lại nhà Nguyễn mỗi lần di chuyển còn sử dụng  ngựa, võng hay đi cáng. Sau quan Đốc lý Bonnal mua hai cái xe tay rất đẹp ở Nhật đem về, có biếu quan Tổng đốc Hà Nội một cái. Sau đó, năm 1884 có ông tham tá nhà Đoan người Pháp là Ulysse Leneveu về hưu trí nhưng chưa vội hồi hương, ông ta nghĩ phải buôn bán gì để thêm kiếm chút ít tiền rủng rẻng. Ông ta sang Hồng Kong mua 6 chiếc xe tay đem về, vừa bán vừa cho thuê. Quan trọng hơn là từ chiếc xe mẫu sẵn có, thợ người Việt bắt chước sáng chế theo. Tính đến ngày 24.3.1887, ông Ulysse Leneveu đã sở hữu hơn một trăm chiếc để cho thuê. Dần dà, người Việt cũng lao vào nghề này. Thông tin này trích từ tạp chí Tứ dân văn uyển thuộc Tòa Tư thư Phủ Thống sứ Bắc kỳ - chủ đề “Công nghệ mới Việt Nam” phát hành ngày 1.3.1938 tại Hà Nội.

Người có công đầu đưa chiếc xe tay vào văn học sử nước nhà, chính là nhà báo Tam Lang với thiên phóng sự trứ danh Tôi kéo xe. Tất nhiên không thể quên Nguyễn Công Hoan với truyên ngắn Ngựa người người ngựa. Cách dây dăm năm, Sân khấu kịch Hồng Vân đã chuyển thành kịch, diễn ở Trung tâm văn hóa Phú Nhuận. Người trước nhất đưa chiếc xe tay vào thơ chính là Tú Xương. Rõ ràng, ông là “nhà báo” thứ thiệt, tiếp cận thông tin nhanh nhạy:

Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ

Ông chồng thương đến cái xe tay

Cái hơn người của Tú Xương ở chỗ, dù chất liệu từ hiện thực đời sống nhưng khi thời sự đi qua, thơ của ông vẫn “trụ” lại được với thời gian. Chiếc  xe tay cũng đi vào thơ của thi sĩ Tản Đà:

Đời thế anh ơi, thế cũng khoe

Hết trò phu cáng lại phu xe

Văn minh chừng mấy ki-lô-mét

Tiến bộ như anh nghĩ chán phè

Mấy hôm nay, thường đi xuống trung tâm Sài Gòn. Nhận thấy còn đường đi ngang qua UBND TP.HCM đã hoàn thành.“Ghi nhận của VietNamNet, tuyến đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ Đồng Khởi đến Pasteur) dài 220m, rộng 14m với tổng diện tích lát đá 3.080m2. Đây là con đường đầu tiên được lát đá, mỗi viên đá lát đường dày 8 cm, đá vỉa hè dày 6 cm, có độ bền sử dụng hàng trăm năm. Hiện tại, các phương tiện xe máy và ô tô đã được phép di chuyển trên tuyến đường này.Được biết, một phần tuyến đường Lê Thánh Tôn cùng với đường Nguyễn Huệ trở thành quảng trường TP và là phố đi bộ của TP trong tương lai gần.

Theo kế hoạch, công trình xây dựng quảng trường TP có tổng kinh phí gần 430 tỷ đồng sẽ hoàn thành trước tháng 4/2015 để kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước.Dự án quảng trường đi bộ sẽ xây lại hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật: cấp thoát nước, cấp điện, đài phun nước, cây xanh và mảng xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật”.

Vấn đề nan giải đang đặt ra là tìm chỗ đậu xe cho phố đi bộ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment