LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.3.2015

hop-mat-gia-dinh-RHọp mặt tân niên gia đình chiều ngày 1.3.2015 ở nhà hàng Việt Nam tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng)

Trở về Sài Gòn vào chiều tối ngày 2.3.2015. Chấm dứt những ngày về quê ăn Tết. Bước xuống sân bay, một cảm giác bận rộn đã ùa đến. Thôi nhé những ngày nghỉ ngơi và ăn ngon, tình ái và thơ ca ở Alma Courtyard (Hội An); Ana Mandara - gần cửa biển Thuận An (Huế) và Fusion Maia resort (Đà Nẵng). Lại bắt đầu những ngày marathon. Lại làm quen, phải cố gắng trở lại nhịp làm việc quen thuộc mỗi ngày. Vì lẽ đó, hôm họp mặt tân niên anh em ruột tại nhà hàng bên biển Mỹ Khê, y phát biểu rằng, khi có con du học đừng nên cho nó về thăm nhà nhiều lần. Về không khó nhưng lúc sang lại mới là khó. Khó ở chỗ nó lại phải làm quen với nhịp sống đã có ở nước ngoài. Thời sinh viên của y cũng vậy thôi. Sau Tết từ Đà Nẵng, mỗi lúc phải vào Sài Gòn đi học là tự dưng có cảm giác ngao ngán tột cùng. Ngao ngán vì phải tập lại thói quen đã có. Có như thế mới thích ứng với đời sống mỗi ngày ở nơi xa.

Bây giờ cũng chẳng khác gì. Đã hơn mười ngày nghỉ Tết, nghĩ đến công việc thấy oải quá. Chưa rời khỏi sân bay, vừa khởi động điện thoại đã thấy ùa đến các tin nhắn. Không gì khác. Chỉ bài vở. Đã đến hẹn lại lên. Một ngày, lại viết. Cứ thế. Chữ nghĩa ở đâu trong đầu mà lúc nào cũng có thể viết, phải viết? Viết để kiếm sống. Viết rồi quên. Thời buổi này, thông tin thiên hình vạn trạng, đến nhanh,đi nhanh mà quên cũng nhanh. Mấy ngày Tết, mới ồn ào vụ cụ Vũ Khiêu viết câu đối tặng hoa hậu nọ, ngoảnh lại, thiên hạ đã quên béng, chằng còn ai buồn nhắc đến. Rồi vụ cô người mẫu nọ do say rượu, đi ngược chiều, bị công an thổi phạt nhưng lại dám mắng chửi bằng lời lẽ thô tục nhất. Vừa nghe bàn tán đó. Nay chẳng ai thèm nhớ.

Sự việc gì cũng thoáng qua nhanh. Đời sống nhanh và vội. Khó có cái gì đọng lại lâu trong mối quan tâm của mọi người.

Thế thì, cứ tưởng rằng, đã thân tình, đã khề khà tâm sự, đã có những cuộc say bất tận, mở lòng ra chơi không thèm, không cần cảnh giác thì con người ta sẽ hiểu nhau hơn, tin cậy nhau hơn? Không hề. Ủa, hóa ra đời sống tình cảm trong mối quan hệ của từng cá nhân ngày càng nhợt nhạt hơn trước chăng? Chẳng rõ. Cuối cùng đâu là nơi chốn mà con người ta quay về và lấy đó làm điểm tựa? Chỉ có thể trả lời là chính lòng mình. Chỉ có mình mới thấu hiểu, cảm thông và an ủi lấy mình thiện chí nhất mà cũng công bằng nhất.  Mấy hôm nay, vui với một email nguyên văn như sau:

“Bố của con là một người rất mến mộ những bài thơ của bác. Bố của con cũng có hoàn cảnh giống bác, là sinh viên đại học, sau đó đi bộ đội ở chiến trường Cam-pu-chia, sau đó về lại học đại học thủy sản Nha Trang, hiện đang sinh sống ở quê nhà.

Bố con rất muốn giao lưu kết bạn với bác Quốc.

Bố con đọc thơ bác thấy bác thích nước mắm zin. Nhà con có cơ sở làm nước mắm, ở tại Hoài Nhơn, Bình Định. Bố con có nhờ con gửi bác mấy chai nước mắm làm quà và bài thơ bố con sáng tác tặng bác. Con rất mong có thể chuyển tâm ý của bố con đến bác Quốc. Con rất mong chờ email hồi âm của bác”.

Trong cuộc sống, đôi lúc có những chuyện chẳng to tát, lớn lao gì nhưng tình cảm đơn sơ ấy, chân tình ấy quý báu biết dường nào. Cảm động nhất ở chỗ “Bố con đọc thơ bác thấy bác thích nước mắm zin”. Nước zin là nước mắm nhỉ, nước mắt cốt, nước mắm nguyên chất. Nước mắm nhĩ hay nhỉ? Gọi "nhỉ" đúng hơn cả vì nó nhỏ từng giọt một. Từng giọt thơm điếc mũi. Ăn như thế, mới thấm thía hết cái ngon của hương vị nước mắm. Phương ngữ Quảng Nam có câu “Nước mắm Nam Ô / Cá rô Xuân Thiều”. Đã lâu lắm rồi, cái thời còn cùng anh Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức giúp Công ty Sơn Ca làm mấy tập sách, có xuống chơi Vĩnh Long. Ngày đó, anh bạn nhà văn Hồ Tĩnh Tâm có đọc cho nghe câu ca dao Nam bộ:

Nước mắm ngon dòm sâu đáy hủ

Thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình

Mù u nhuộm thấm bông huỳnh

Bao nhiêu gái đẹp không nhìn

Dạ anh chỉ để thương mình em thôi!

Ngày ấy, trí nhớ còn tốt quá. Nghe thoáng qua một lần là nhớ. Bây giờ đã khác. Có những chuyện cần nhớ nhưng lại quên. Ngược lại, có những điều muốn quên nhưng lại nhớ. Hôm nay, dù biết đã có quà tặng nước mắm ở cơ quan, nhưng rồi vẫn chưa lên lấy được. Bận quá. Những công việc đầu năm đang đến dần. Vẫn ở nhà tập trung làm cho xong mấy việc. Tối nay, còn phải dẫn chương trình thơ cho Ngày thơ Việt Nam.

Hôm qua, họp cả ngày. Tranh thủ đọc tập sách Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam (NXB Lao Động) của nhà nghiên cứu Đinh Văn Niêm. Đọc là học. Đọc do ham thích, còn do người tặng là bà quả phụ Trương Thị Phương Duyên, từ Hà Nội gửi tặng. Lật ở trang 61, thích thú với đoạn này: “Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên 1 (1400), mùa thu, tháng 8, Hồ Quý Ly mở khoa thi Thái học sinh. Đầu đề thi bài phú là “Linh kim (kiếm) tàng” (Kho chứa gươm thiêng, lấy điển Lưu Bang dùng gươm chém rắn khi mới nổi lên chống nhà Tần”. Các học trò xin giảng nghĩa đề thi. Quan trường hỏi: "Có lệ cũ như vậy không?" Duy có Bùi Ứng Đẩu trả lời rằng triều Tống có Tôn Hà Khoa đã hỏi nghĩa đề thi "Chi ngôn nhật xuất". Cho nên quan trường đã giảng nghĩa đề này”. Tra lại, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại sự kiện và chi tiết như trên. Nay đọc và biết ý nghĩa: "Chi ngôn nhật xuất" (Chén rượu như câu nói mỗi lúc một khác) là câu trong sách Trang Tử: “Chi là chân của chén uống rượu, để không thì đứng, rót đầy thì nghiêng, tùy theo thức chứa trong chén mà thay đổi tư thế. Cũng ví như lời nói, tùy theo sự vật mà thay đổi”.

Phép ứng xử khôn ngoan ở đời đấy ư?

Ai có lưỡi ắt nói. Nói và biết nói rất khác xa nhau. Nhân vật Trương Nghi - nhà du thuyết trứ danh của nước Tàu nổi tiếng với mẩu chuyện: “Lúc hàn vi, thường hay hầu rượu tướng nước Sở, một hôm, tướng nước Sở mất ngọc bích, môn hạ ai nấy đều ngờ cho Trương Nghi, và đánh đập Nghi tàn nhẫn. Trương Nghi không phục tình. Lúc được tha trở về nhà, vợ thấy thế bảo rằng: “Than ôi! Giá chàng học hành biết du thuyết thì không đến nỗi nhục nhằn như thế này!”. Trương Nghi há mồm to, hỏi vợ rằng:” Nàng thử xem cái lưỡi của ta có còn không?”. Vợ cười, nói: “Lưỡi vẫn còn”. Trương Nghi bảo: “Thế thì được”. Sực nghĩ, câu thơ ứng khẩu của cụ Phan Châu Trinh lúc rời khỏi nhà tù ở Huế bị đem đày Côn Đảo: “Khẳng khái bi ca thiệt thượng tồn” (Hăng hái hò reo lưỡi vẫn còn) là lấy từ tinh thần của mẩu chuyện trên. Đọc sách có cái thú ở chỗ liên tưởng lan man. Tự mình hài lòng là được. Chẳng cần phải chia sẻ với ai khác.

Hôm bước xuống sân bay khuya ngày 2.3.2015, tự dưng lại liên tưởng đến những dòng Nhật ký 11.2.2014, lúc sau Tết, từ Đà Nẵng quay lại Sài Gòn: “Trở về Sài Gòn, sau Tết, tự nhiên thấm mệt. Không mệt sao được khi hàng trăm con người phải đứng trước sân bay chờ đón đón taxi. Tranh giành. Chầu chực. Tay xách nách mang. Buồn ngủ buồn nghê. Không đủ xe taxi đón khách?". Lúc ấy, y đã tìm ra câu trả lời. Bạn đọc DucVo đã comment như sau: “Tối mùng 3 tết, tôi dính một quả taxi như thế này, khách đông, xe thì đông, nhưng bọn trời con (bọn đi làm an ninh bảo vệ sân bay) điều động xe theo kiểu nhỏ giọt, chả có thứ tự gì cả, với cách điều động như một cái ao làng ở sân bay, cuối cùng chân lý thuộc về kẻ mạnh, ai giang hồ, chai mặt, vào cướp được chiếc nào thì lên xe đó (mặc dù đi phải trả tiền). Tôi phải chờ hơn 1.5 tiếng mới lên xe được, làm người có học và tử tế cũng khó quá... May là rui rủi xe đổ trước mặt mình mà không có ai cướp”.

Kỳ quái chửa? Hiện tượng trên vẫn còn lặp lại. Chẳng thấy thay đổi gì ráo!

Về đến nhà, đã khuya. Chỉ nghe tiếng mèo kêu meo meo. Không còn tiếng chó sủa nữa. Nó đã chết bất thình lình vào ngày trước Tết. Mở cửa bước vào nhà, mẹ vẫn chưa ngủ. Vẫn đợi cửa. Loay hoay một lúc đã nửa đêm. Tình cờ, bước qua nhà bếp thấy mẹ đang cắt một khoanh bánh tét của vợ chồng Tẹo gửi đem vào. Bà cụ ngồi ăn ngon lành. Hình ảnh ấy, cảm động quá chừng. Hai mẹ con vẫn không nói với nhau gì nhiều. Chỉ những câu bâng quơ, đại loại, ngày tết có ai đến nhà không, mẹ có nhớ con không?

Không rõ, hình ảnh yêu dấu, thiêng liêng này có còn lặp lại đến mùa tết của năm nào nữa? Chỉ nghĩ thế, đã không dám nghĩ gì thêm. Trời đã chiều. Làm sao để có thể quen với nhịp làm việc như những ngày trước Tết?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment