LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.2.2015

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-d6

Anh em Lê Minh Quốc cùng mẹ. Ảnh chụp khoảng thập niên 1960 tại Đà Nẵng


Đã vào công việc. Đã đi làm. Mùi Tết đã phai nhạt dần. Gió đã thổi những hoài niệm của khoảnh khắc giao thừa và ngày đầu năm xa dần. Vệt khói thơm của nhang trầm đã bay lên vòm trời tháng giêng. Tan loãng. Hầu như không còn dấu vết nào. Nắng đã thôi xanh. Gió thôi mượt. Lòng người đã thôi rạo rực. Hoa cúc đã bung xòe từng cánh. Rủ từng cánh. Đã hết Tết. Vẫn biết thế. Tự ý thức như thế. Nhưng rồi, những ngày này, y vẫn còn thả hồn theo nhịp sóng vỗ ngoài xa tít Thuận An.

Chiều qua, nghe từ bãi biển Thuận An vang vọng tiếng tụng kinh lẫn trong nhịp sóng. Nhìn ra phía biển thấy một đoàn nhà sư, chừng hai mươi người đi vòng quanh một ngôi mộ gió đắp trên bãi biển. Và nhịp nhàng cất lên những câu kinh cầu siêu. Không rõ, có phải đây là phong tục của ngư dân vùng biển cầu nguyện cho những linh hồn: “vào sông ra bể / Cánh buồm mây chạy xế gió đông / Gặp cơn giông tố giữa dòng / Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê”? Chiều qua, vội vào nội thành Huế nên không kịp hỏi.

Huế vẫn thế. Vẫn không khác gì những gì đã thấy từ những năm trước. Nếu các nơi khác hầu như chiếc xích lô đã không hiện diện trên đường phố, Huế vẫn còn. Đến Huế, thích nhất vẫn là những món ăn của vùng đất một thời đã là kinh đô nước Việt. Món ăn Huế hấp dẫn, ma mị, quyến rũ nghĩ cho cùng vẫn là ở nước chấm. Nói rộng ra, bí quyết ngon, thể hiện cái ngon bất tận của món ăn Việt cũng nằm gọn gàng, gọn ghẽ trong hai từ “nước chấm”. Cũng món ăn đó, cũng cách chế biến đó, nếu thay đổi “nước chấm” thì chẳng còn gì để nói nữa. Tựa như một người đẹp chỉ còn lại cái thân xác tầm thường, chứ sự tinh tế, tế nhị của linh hồn đã mất. Món ăn Huế ngon là ở đó. Ngon ở nước chấm. Ăn một lần sẽ nhớ như nhớ đến một mùi vị của da thịt nõn nà, phơi phới dâng hiến trong chiều xuân gió lành lạnh, men nồng nàn và gợi mở sự háo hức khám phá cho dù đã tận hưởng nhiều lần. Rất nhiều lần. Mà vẫn không ớn. Vẫn không bưa. Vẫn thèm thuồng đến tê cay đầu lưỡi của mỗi lần lại nhớ.

Chiều qua lên Kim Long ăn bún thịt nướng. Ngon ơi là ngon. Ngon ở nước chấm, rau xanh, ớt xanh và thoảng thoảng trong gió vẫn còn một chút nhang khói thanh diệu của ngày Tết còn sót lại trên vòm cau xanh mướt. Ông Vũ Bẳng đã viết Món ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam, ước gì có ai đó sành ăn, biết ăn viết quyển sách lan man, đẩy đưa, ngẫu hứng khi thưởng thức món ăn Huế. Nghe nói rằng, chỉ riêng các hạt muối bình thường kia, dân dã kia người Huế thừa khả năng, thừa sức chế biến thành hàng chục món muối khác nhau. Mỗi món là một vị mặn. Có mặn của sóng biển. Có mặn của gừng cay muối mặn. Có mặn của mặn mà thanh sắc nặng trĩu âm trắc của người Huế...  Ghê gớm chưa? Lại nghe nói, chính ở Huế là nơi đầu tiên xuất hiện món mắm tôm chua. Tại sao? Dòng ngoại của vua Tự Đức gốc Gò Công, bà Từ Dũ sai người ở quê làm món ăn này cho đỡ nhớ nhà. Từ miền Nam xa lắc xa lơ đó, phải đi dài ngày, khi ra đến kinh đô thì mắm đã lên men chua. Và mắm tôm đó có một mùi vị đặc trưng, cực kỳ độc đáo còn truyền đến ngày nay.

Thật ra, bất kỳ vùng miền nào cũng có những món ăn ngon, với họ vẫn ngon nhất, không nơi nào có thể sánh kịp. Tình yêu quê hương cũng từ đó mà trở thành vết xước luôn khắc khoải trong tâm trí của mọi người. Vết xước ấy không bao giờ lành sẹo. Càng lớn tuổi, càng đi xa lại càng nhớ. Nhớ món ăn mà ngày xưa mẹ đã nấu. Tình cảm chân thật ấy, sống muôn đời vạn kiếp trong nỗi lòng mỗi một người. Chiều qua, vừa ăn bún thịt nướng,vừa nhẫm trong đầu những câu thơ vừa đến. Những câu thơ nối theo, đứt đoạn và hoàn thành sứ mệnh ghi lại một cảm xúc chân tình của lần này đến Huế. Đời sống cứ thế nhẹ nhàng trôi. Trôi nhẹ nhàng cũng một phần là do con người ta tách ra ngoài, đứng bên ngoài các sự kiện thời sự khốc liệt đang diễn ra mỗi ngày.

Nếu chiều qua đã đọc những thông tin này, sức mấy có thể vẩn vơ lơ tơ mơ theo thơ. Thông tin gì vậy? Theo báo TT, chỉ một mùa Tết vừa qua đã có tới hơn 6.200 vụ đánh lộn đánh lạo bươu đầu mẻ trán, cả trăm nhân mạng chết oan chết uổng, chết lãng xẹt; và: “Trong báo cáo tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong dịp Tết Ất Mùi 2015 vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, trong chín ngày nghỉ tết toàn quốc xảy ra 536 vụ tai nạn, làm chết 317 người, bị thương 509 người. So với cùng kỳ Tết Giáp Ngọ 2014 thì giảm 40 vụ (giảm 6,9%), tăng 35 người chết (tăng 12,4%), giảm 82 người bị thương (giảm 13,9%)” (báo TT ngày 25.2.2015).

Những con số này nói lên điều gì?

Các bộ óc thông minh nhất, tầm thường nhất cũng thừa biết rằng, lý do chính gây nên sự thương tâm đáng tiếc này vẫn chính từ việc uống rượu, bia "xả láng sáng về sớm"; là hệ thống giao thông, đường xá quá kém. Ai cũng thừa biết, nhưng rồi làm thế nào để thay đổi vẫn còn là bài toán không dễ dàng tìm ra cách giải. Mỗi một ngày, nếu cứ nghĩ đến những con số này, chuyện này thì liệu có thơ? Chắc là không. Ơ hay, vậy thơ đứng ở đâu trong đời sống hiện tại? Thơ chỉ là sự phản ánh tâm trạng của người viết với những sự riêng tư, riêng lẻ hay phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng? Câu hỏi xưa như trái đất, cũ rích, nghe đã nhàm tai, ấy thế, đôi khi tự nó lại trở thành câu tự vấn thời sự của người cầm bút. Có đúng vậy không? Mà thôi, hãy gạt những câu hỏi ấy ra ra ngoài trí óc.

Vừa nghĩ thế, Nàng hỏi: “Anh ơi, tại sao dòng sông Hương của Huế, người ta còn gọi Hương Giang; hoặc gọi sông Bạch ĐằngBạch Đằng Giang… Trong khi đó, chẳng ai gọi sông Hàn ở Đà Nẵng là Hàn Giang; sông Hồng ở Hà Nội đâu có ai gọi Hồng Giang; nào có ai gọi sông Bảo Định ở Tiền Giang là Bảo Định Giang; hoặc gọi sông Đà Rằng ở Phú Yên là Đà Rằng Giang? v.v…Tại sao?”.  Vậy phải giải thích ra làm sao? Ai có biết, xin giải thích giúp. Trong khi chờ đợi, y bèn vận dụng lấy hết mọi sự thông minh mà rằng: “Nàng ơi, tại sao không? Có Hàn Giang đấy chứ nhưng là… dịch giả Hàn Giang Nhạn; có Hồng Giang nhưng là… nhà văn Phạm Hồng Giang và tất nhiên cũng có cả nhà thơ Bảo Định Giang!”. Chưa nói hết câu đã nghe: “Dzô diên!”. Cool

Thôi thì, y bèn lấy lại duyên bằng cách…đọc thơ vậy. Còn gì có duyên hơn khi người đàn ông đó thỏ thẻ thầm thì thủ thỉ nhả ngọc phun châu với bài thơ vừa viết đêm qua. Thơ rằng:

 

HUẾ XANH

 

Huế dịu dàng dữ dội Hương Giang

Dòng sông theo hò hẹn cùng nàng

Tình ta lững thững quên ngày tháng

 

Giữ lại Huế mình cây xòe tán

Tôn nữ líu ríu búp non xanh

Lăng tẩm sẫm rêu chiều Hoàng thành

 

Quán cơm Âm Phủ đêm Vỹ Dạ

Nhạc Rook phố phường thương tiếng “dạ”

Xích lô chầm chậm đẩy trăng lên


Câu hò Huyền Trân loang gió thổi

Nhịp phách đường tơ ru khắc khoải

Tràng Tiền áo trắng nắng khuya quên


Đại Nội sen hồng mượt câu kinh

Ngày tháng tình ta vẫn chín xanh

Gọi Huế mà nghe thơm cả lưỡi…


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment