LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.2.2015

 

Thôi thì, thế thì, vậy thì, thì chỉ xin anh em, bạn bè, đồng nghiệp dành cho hai chữ “đại xá”. Đừng giận, đừng trách bởi không thể có mặt trong các cuộc tất niên, liên hoan, họp mặt những ngày này. Hầu như ngày nào cũng có những réo rắc điện thoại, những tấp nập tin nhắn về một địa chỉ, một nơi chốn để ngồi cùng nhau trong một chiều sắp tắt từng phút, một năm sắp cạn từng ngày để bù khú bia bọt lai rai. Cũng đủ lãng quên đời trong chốc lát. Nhưng rồi cũng không thể. Tự nhiên, lại thấy bận rộn quá. Đôi khi cái sự bận rộn ấy chẳng rõ từ nguồn cơn nào, chỉ biết thời gian trôi qua nhanh hơn mọi ngày.

Tính nhẫm từng ngày đã thấy đến 23 tháng Chạp. “Nhà mình có đưa ông Táo không hả mẹ?”. Bà cụ chỉ cười. Trong lúc đó, “Anh ơi, một con gà, một con cá chép để cúng ông Táo. Gấp. Gấp. Gấp”. Một mệnh lệnh dứt khoát đạt đến tầm cỡ “quân lệnh như sơn”. Chỉ có thể chắp hành răm rắp. Không dám cãi đến nửa lời.Tongue out

Sáng hôm qua, người bạn cũ Nguyễn Đăng Lâm của thời đôi mươi cùng sống trên chiến trường K gọi điện thoại nhắc về cuộc gặp mặt ngày Tết ở quê nhà. Đi trên trên đường, ngang qua chùa Vĩnh Nghiêm, nghe chuông vọng lên tự dưng lại nhớ câu thơ của Tản Đà:

Nực cười cho bác Mai Lâm

Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau

Bài thơ này có cả một giai thoại văn học, không nhắc lại vì nhiều người đã biết. Ơ hay, cái đầu óc con người ta cũng lạ, đang nhớ đến Lâm này bỗng dưng có một Lâm khác chen vào. Ấy là nhà báo Kỳ Lâm. Lại nhớ ngày mới vào nghề, thỉnh thoảng trưa trưa ngồi hầu rượu rồi lúc xế bóng quay về nhà ông nằm ngủ vật vờ. Còn nhớ ông sở hữu khá nhiều tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Vẽ trên những mảnh giấy cỡ hộp diêm, bao thuốc lá. Nay trôi dạt về đâu? Ông mất khoảng năm 1993 thì phải. Lúc ấy, ông chuyên viết Tản mạn cuối tuần cho báo Lao Động. Sau  ngày ông mất, các đồng nghiệp có in tập sách Chóe - Kỳ Lâm Lai rai vẽ… viết. Hôm nào tìm đọc lại. Hôm qua, vừa đi đường vừa lẫm nhẫm mấy câu thơ vụt đến trong đầu:

Bỗng dưng nhớ bác Kỳ Lâm

Cầm ly từ độ dẫm chân vào nghề

Một già, một trẻ rủ rê

Rượu suông nắng gắt tỉ tê mưa dầm

Nói cười tếu táo Kỳ Lâm

Cầm ly, cầm bút như cầm giọt say

Kỳ Lâm xòe những ngón tay

Từng con chữ béo, ốm, gầy cầm ly

Trong đời sống, có những người đi qua kỷ niệm, đi qua ngày tháng chỉ trong khoảnh khắc ngắn rồi quên béng, quên hẳn, vậy mà có lúc lại nhớ như nhớ đến một ảo ảnh, một hình ảnh đậm nhạt xa tít chẳng còn rõ nét trong trí nhớ. Nhật ký hôm nọ có nhắc đến hai câu thơ của anh bạn Bùi Đức Long, do chỉ nhớ loáng thoáng nên không ghi ra. May sao, anh A còn nhớ rành rọt, “đó là bài thơ Đến Củ Chi, gặp ao:

Giữa đồng còn một hố bom

Hỏi ra mới biết bà con để dành

Chỉ vỏn vẹn 2 câu. Bài thơ này in trong tập Nhìn nhau và nói in khoảng năm 1976, Võ Ngọc An chủ biên, Bùi Chí Vinh tuyển chọn”. Trong tủ sách của y, có tập thơ này. Sẽ tìm đọc lại.

Những ngày này, dư luận ồn ào với vụ con ruồi nằm trong chia nước ngọt. Người phát hiện đòi nhà sản xuất phải trả 1 tỷ, sau thương lượng “chốt” là 500 triệu nếu không sẽ tung thông tin này cho báo chí. Những tưởng vậy là xong, nào ngờ, lúc đưa tay nhận tiền thì công an bắt quả tang vì tội tống tiền. Về chuyện này, có lẽ ý kiến bình luận của ông Phạm Phú Ngọc Trai - Tổng giám đốc Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu  GIBC là xác đáng nhất - Gặp sự cố, đừng bưng bít (TT ngày 6.2.2015):

“Câu chuyện này là bài học cho các doanh nghiệp: không nên thỏa hiệp bất cứ vấn đề gì mà hãy chạm trán sự việc. Nếu thỏa hiệp thì những câu chuyện con ruồi và 500 triệu đồng như vậy sẽ còn xảy ra nữa. Từng ở cương vị giám đốc của một hãng nước giải khát, tôi không phủ nhận đôi lúc cũng có sản phẩm bị lỗi nhưng so với hàng triệu triệu sản phẩm chất lượng trên thế giới mà hãng đã cung cấp thì một vài sản phẩm “khuyết tật” có thể thông cảm được.

Nếu không may gặp sự cố, doanh nghiệp cần kiểm tra, xác định có phải lỗi của mình hay không, nếu đó là sản phẩm bị lỗi thì doanh nghiệp phải nhận, đừng bưng bít hay thỏa hiệp. Cứ nói thật, dù sự thật xấu xí cũng nên công khai thông tin và cho truyền thông hiểu được quá trình xử lý của mình, cho họ hiểu đó chỉ là sự cố, nhà sản xuất không cố tình làm điều đó.Cứ thuyết phục người tiêu dùng bằng quy trình quản lý chất lượng an toàn, đảm bảo vệ sinh mà mình đang có. Như vậy công chúng dễ tha thứ hơn.

Bưng bít hay chống chế chỉ làm giảm uy tín doanh nghiệp và kéo theo những cách xử lý thiếu minh bạch khác. Đừng để việc “đi đêm” như vậy trở thành văn hóa xử lý khủng hoảng của doanh nghiệp, 500 triệu đồng đó làm tổn thương người tiêu dùng, làm xấu đi môi trường xã hội”.

Đêm qua lai rai với nhiều doanh nghiệp, lúc bàn chuyện này, ý kiến trên được nhiều người tán thành.

Lại thêm chuyện này nữa, cũng cần ghi lại. Đại khái, lâu nay, hễ dịp xuân về tết đến là ở nông thôn có diễn ra các lễ hội truyền thống. Chẳng hạn ở Bắc Ninh có lễ hội "Chém lợn" - nghe sặc mùi chém giết, chết chóc, vì thế Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh đề nghị đổi thành lễ hội “Rước lợn”. Cần ủng hộ đề nghị này. Theo thông tin báo chí, từ ngày 27-1, Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) đã phát đi thông điệp kêu gọi lấy chữ ký của cộng đồng để các cơ quan chức năng Việt Nam sớm ban hành luật chấm dứt lễ hội Chém lợn tại Bắc Ninh. Animals Asia đưa ra quan điểm: “Việc chém những con heo còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng”. Đúng quá. Thế nhưng, các cụ bô lão làng Ném Thượng (Bắc Ninh) cương quyết phản đối. Họ vin vào lý do lễ hội này đã có nguồn gốc lịch sử rõ ràng, và từ xưa đến nay vẫn duy trì nghi thức đó, nên không thể bỏ đi được. Lập luận này nghe ra cực kỳ “cùi bắp”.

Có thể phân tích thêm. Nhưng thôi. Y bỏ phiếu tán thành xóa bỏ cái gọi là “lễ hội” chém lợn, đâm trâu… đã trở thành sự man rợ, không nên khuyến khích; nếu duy trì nên linh hoạt chuyển qua hình thức khác.

Vấn đề thời sự này, hầu hết báo chí đều thông tin và ủng hộ quan điểm Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh, tuy nhiên chỉ có tờ TT&VH thể hiện có “tầm” hơn cả. Nhà báo Linh Lan đã khảo sát từ tập sách Hội hè đình đám của nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh, đưa ra chứng cứ “Thành hoàng làng Ném Thượng là cướp”. Bài báo viết:

“Là người Bắc Ninh gốc, nên Toan Ánh miêu tả khá kỹ: “Làng này nằm bên tỉnh lộ đi từ Bắc Ninh tới Thuận Thành cách tỉnh lỵ vào khoảng trên mười cây số. Dân làng không đông lắm vào khoảng trên năm trăm người, quanh năm sống về nghề canh nông. Dân làng chia làm hai giáp”. Ông cũng cung cấp thông tin: “Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng. Lý Công quê ở làng Châm Khê cùng huyện, thường kiếm ăn ở các làng quanh vùng. Một hôm Lý Công đi ăn cướp, bị dân chúng và khổ chủ đuổi đánh ráo riết chạy bán sống bán chết, chạy đến núi Nghè gần làng Niệm Thượng. Tới núi, Lý Công tìm chỗ ẩn núp, dân chúng kiếm không ra. Tuy kiếm không ra, nhưng mọi người đều biết họ Lý ẩn ở trên núi, nên cùng nhau vây quanh ngọn núi canh chừng.

Bị vây, ẩn mãi trên núi, tên cướp họ Lý không có gì ăn đang lo chết đói. May thay giữa lúc đói lòng, một con lợn lớn không hiểu từ đâu đi tới, đi từ trong bụi rậm ra. Chàng cướp ta không để lỡ cơ hội, lập tức, sẵn dao dài trong tay, chém một nhát ngang mình lợn, con lợn bị chặt làm đôi, đầu với hai chân trước rời khỏi mình. Chém xong chàng lột bì lợn bỏ đi lấy thịt ăn sống. Không thấy thần tích nhắc tới, sau này Lý công bị chết ra sao, chỉ biết khi chết gặp giờ linh nên được dân làng Niệm Thượng thờ làm Thành Hoàng”.

Chính vì thế trong phần Những cổ tục, Toan Ánh viết: “Hội làng Niệm Thượng ngoài những lễ nghi thường lệ có những cổ tục nhắc lại kỷ niệm lúc sinh thời của Lý Thành Hoàng... Trong hội làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên, cũng có tục chém lợn chúng tôi đã nhắc qua, nhưng tục chém lợn ở làng Niệm Thượng khác hẳn tục chém lợn ở làng Tích Sơn. Con lợn hy sinh ở làng Niệm Thượng khác hẳn tục chém lợn ở làng Tích Sơn. Con lợn hy sinh ở làng Niệm Thượng khi bị chém còn đang bị nhốt ở trong cũi, và ở đây một năm chém hai con lợn do hai giáp trong làng. Tục này nhắc lại lúc Lý Công bị đói đã chém con lợn ở núi Nghè”. BOX: “Theo lời ông Nguyễn Đăng Chương (Khu phố Thượng, Bắc Ninh), trong thần phả còn lưu giữ tại làng Ném Thượng, nghi thức chém lợn gắn liền với những truyền thuyết về tướng Đoàn Thượng thời Lý - người được dân Ném Thượng thờ làm Thành hoàng - và duy trì từ vài trăm năm qua” (TT& VH ngày 10.2.2015).

Có thể hiểu, thành hoàng là thần chủ được tôn vinh theo tín ngưỡng thờ thần của cộng đồng dân cư làng xã Việt Nam truyền thống. Có Nhân thần (người thật được suy tôn), Nhiên thần (nhân vật huyền thoại được suy tôn) lại có cả Phúc thần. Đại khái thế.

Thêm thông tin khác cũng cần ghi nhận, đó là việc khởi tố và cách chức Tổng Biên tập báo Người Cao Tuổi. Nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa được tại ngoại, trước đó, ngày 6-12-2014 Người thổi kèn Trom-pet bị Cơ quan an ninh điều tra Công an TP ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment