LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.1.2015

but-tich-Vu-Hoang-R

Bút tích nhạc sĩ VŨ HOÀNG

 

Sáng nay, cùng anh B đến Bệnh viện 115 thăm nhạc sĩ Vũ Hoàng. Anh bị đột quỵ chiều tối thứ 6 tuần rồi. Sực nhớ lại một kỷ niệm cũ: Khoảng cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, Vũ Hoàng bắt đầu được biết với ca khúc Hương thầm (phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn). Lúc bấy giờ, y vừa ra trường và bắt đầu bước vào nghề báo, cộng tác với nhiều tờ báo. Ngày kia, nhà văn Trần Thanh Tâm giao đi viết bài phỏng vấn Vũ Hoàng. Bấy giờ, anh Tâm đang làm tờ Bản tin Quận 6 và nhận “thầu” tờ Tuổi 18  - ấn bản phụ của tờ Tây Ninh thuộc cơ quan Đảng bộ Tây Ninh. Tờ Tuổi 18 ra đời phù hợp với xu thế báo chí lúc ấy. Sau một thời gian dài, chỉ đọc các tờ báo “chính thống” với tin tức chính trị - xã hội khô khan thì nay đã có những tạp chí chỉ thuần về giải trí, làm đẹp, tình yêu, hôn nhân, nấu bếp... nên cực kỳ “hút” khách. Còn nhớ tạp chí Hãy nuôi dưỡng tình yêu - phụ trương của báo PN mỗi lần in đến vài trăm ngàn bản. Cũng như Hãy nuôi dưỡng tình yêu, tờ Tuổi 18  đều do nhạc sĩ Từ Huy trình bày. Lúc ấy, trình bày đơn giản, ngoài bìa chỉ hình nữ diễn viên hoặc nữ sinh mặc áo dài trắng, đi xe đạp hoặc người đẹp cầm hoa, cười tươi roi rói là được. Do đáp ứng nhu cầu giải trí, bàn về chuyện đời thường thiết thực, hình ảnh đẹp nên hầu hết các tờ phụ san đều bán chạy.

Từ Tuổi 18 dưới sự chỉ huy của anh Tâm, một loạt sinh viên mới ra trường sau này đã trở thành nhà báo chuyên nghiệp như Hữu Bảo, Trần Kim Sơn, Lê Khắc Cường…, tất nhiên có cả y nữa. Nhận lời phân công của anh Tâm, y đạp xe cọc cạch đến Nhạc viện, ngồi ngay quán cóc lề dường Nguyễn Du thực hiện bài viết về Vũ Hoàng. Tiếc không còn giữ bài báo này. Dần dần mối thân tình ngày một đầy và y cũng bắt đầu có tác phẩm xuất bản. Rồi trong một cuộc trò chuyện, không nhớ ai đề xướng, hình như Nguyễn Văn Hiên thì phải, anh em đồng tình bắt tay thực hiện chương trình “Thơ nhạc vòng quanh Ký túc xá”. Cứ mỗi cuối tuần luân phiên đến các Ký túc xá thực hiện chương trình văn nghệ, thành phần gồm có nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Nguyễn văn Hiên, Thế Hiển…; nhà thơ có Nguyễn Thái Dương, Trương Nam Hương, Đoàn Vị Thượng, Lê Thị Kim, Lê Minh Quốc… Thời đó, còn trẻ nên còn sung. Có bài báo y đã viết đăng báo PN, không nhớ số nào, kể lại chuyện các em sinh viên leo lên cây nghe thơ, nhạc do hào hứng quá, vỗ tay nên... rớt té ạch đụi! Bây giờ chắc nhiều người tưởng bịa, nhưng sự thật là thế. Thời ấy, đời sống còn thiếu thốn lắm, không có gì giải trí vào cuối tuần nên anh em nhạc sĩ, nhà thơ đến Ký túc xá làm chương trình văn nghệ là cả ngàn sinh viên tham dự.

Thoáng đó đã xa. Sáng nay, nhìn “lão” Vũ Hoàng mà nản. Mấy tháng trước anh điện thoại cho biết sắp in một tuyển tập nhạc và có nhờ anh em viết giúp đôi lời cảm nhận, in trong sách như kỷ niệm bạn bè. Y nhận lời. Nhận email các ca khúc của anh đã sáng tác, bỗng giật mình. Anh viết nhiều đề tài. Cả hàng trăm ca khúc đã phổ biến. Lúc đó, y viết rằng:

“Nhạc sĩ Vũ Hoàng đã thuộc về tuổi trẻ.

Tuổi trẻ một thế hệ và nhiều thế hệ chắc chắc vẫn còn nhớ đến nhiều tình khúc đã từng say đắm lòng người. Vẫn còn nhớ đến những ca khúc thắp lửa sức sống sinh viên và các giai điệu lúc hào hùng, khi trầm lắng viết về quê hương, đất nước... Trên cung bậc của sáu sợi dây đàn đã gắn kết với một số phận tài hoa, Vũ Hoàng hầu như đã chạm đến nhiều đề tài khác nhau.

Một sự nghiệp có chiều sâu, bề dầy của Vũ Hoàng đã phản ánh một quá trình lao động bền bĩ theo năm tháng. Muốn được như thế, chắc chắn từ trong sâu thẳm của tâm hồn, Vũ Hoàng phải sống cùng, sống với những cảm xúc có thật để thăng hoa thành nhạc. Trong nhạc có thơ, có lúc anh phổ thơ bạn bè, có lúc những dòng thơ của anh đã tung tăng trên phím đàn.

Người nhạc sĩ ấy, khi nhìn lại một chặng đường đã đi qua của anh, tôi đã thấy tựa cánh chim sải cánh bay giữa trời mà không gì có thể xóa được dấu tích ấy. Bởi lẽ âm nhạc anh đã và còn ngân nga mãi trong trí nhớ của nhiều thế hệ”.

Bây giờ nhìn thấy anh trên giường bệnh. Nản quá. Mà ai ai cũng có lúc thế thôi. Đời người cũng chán. Đời sống của một tác phẩm nghệ thuật cũng chán nốt. Khó có thể nói trước điều gì. Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan ghi nhận trường hợp: “Hiện nay nhà văn mà được nam nữ thanh niên yêu chuộng, được họ coi là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả, có lẽ chỉ Khái Hưng… Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam cũng như Alfred de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa”. Cha đẻ của Chí Phèo không được chọn đưa vào Nhà văn hiện đại, thế nhưng bây giờ đọc lại Nam Cao vẫn còn thấy hấp dẫn, hiện đại. Một tác phẩm văn học, có thể hôm nay nhiều người tìm đọc, qua ngày mai thiên hạ đã quên béng. Vẫn biết thế. Mà chẳng gì ngại. Cứ viết. Viết như một thú vui ở đời. Chẳng ham hố gì. Có như thế, mới có thể viết lặng lẽ mỗi ngày.

Thế thì cứ viết ư?

Sáng nay, trên dương đi tình cờ nghe anh B buột miệng nói một câu vu vơ mà lạnh cả người: “Chữ nghĩa nó phản như chơi”.

Thật thế, có đôi lúc người ta lại viết sai một cách kỳ lạ. Không thể hiểu nổi. Đọc bài báo nọ, cũng sáng nay, anh bạn nhà văn N điện thoại bảo: “Đường Phan Thanh Giản nay đường Điện Biên Phủ; đường Trương Minh Giảng mới là Lê Văn Sỹ”. Chi tiết này, ai cũng biết nhưng đôi khi lại viết sai một cách lảng xẹt. Cũng có thể trong đầu nghĩ thế này, nhưng lúc đặt bút lại viết thế kia. Chính người viết chẳng rõ lúc ấy “ma đưa lối, quỷ đưa đường” thế nào lại nhầm. Còn nhớ tờ báo nọ đã rút tít thế này: “Hôm nay đã dời chợ chó X”. X là tên nhân vật lịch sử. Oái oăm chưa? Khi viết, cứ viết một cách tự nhiên chứ chẳng hàm ý xỏ xiên gì. Lẽ ra phải là "Hôm nay đã dời chợ chó đường X ". Bản thảo qua nhiều khâu biên tập, nhưng rồi vẫn “lọt lưới” như thường. Có ai chịu khó hỏi han các nhà báo về những sai sót “chết người” trên mặt báo ắt ghi nhận được nhiều chuyện dở khóc, dở cười. Cái trò chữ nghĩa đôi khi nó lạ lùng đến vậy. “Chữ nghĩa nó phản như chơi” cũng là một cách giải thích chăng?

Trong tuần này, mọi việc hầu như đã giải quyết sắp xong. Có 2 việc phải tư vấn, hướng dẫn đề tài tốt nghiệp ra trường giúp 2 em sinh viên đồng môn: “Vấn đề nữ quyền từ Nữ giới chung đến Phụ nữ tân văn”; “Thế giới tâm linh từ Truyện Kiều đến Lục Vân Tiên”. Đề tài hay. Có thể giúp được gì đây? Để rồi xem. Nghĩ cho cùng, trên đời này, đáng quý nhất trên đời vẫn là những ai cần mẫn làm việc mỗi ngày. Kiếm sống bằng nghề nghiệp lương thiện. Vẫn biết thế, nhưng rồi lại tự trách rằng, dạo này y lười đi xa quá. Một phần công việc bề bộn, lúc bài vở khi họp hành ở cơ quan nên cứ nấn ná, chần chừ rồi từ chối nhiều lời mời. Hôm thứ 6 vừa rồi anh em có về Vĩnh Long đưa ma mẹ vợ của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Không đi được. Cả một ngày bận rộn nên không thể.

Anh B kể, chuyến đi đó, có nghe được câu này: “Trẻ làm ma, già làm hội”. Có thể hiểu khi một người chết trẻ, gia đình, xóm giềng làm tang ma thương xót; còn một người sống đã thọ khi được về cõi trên thì con cháu, láng giềng làm hội tiễn đưa vui vẻ. Quan niệm này hay, thiết thực quá. Có phải chỉ ở Nam bộ mới có câu này hay các vùng miền khác cũng thế? Thử lật quyển Kho tàng tục ngữ Việt Nam (NXB VHTT- 2002) tra cứu thử xem. Cả 2 tập, dày 2.946 trang, tiệt nhiên không hề ghi nhận câu: “Trẻ làm ma, già làm hội”. Lật thêm các quyển từ điển khác về thành ngữ, tục ngữ khác cũng không có nốt.

Thế mới biết đời sống bên ngoài phong phú, đa dạng, tươi mới biết chừng nào. Trong khi đó, y chỉ là công chức “sáng vác ô đi, tối vác về”. Nghĩ mà chán cho y. Đời sống ngoài kia mới là chất liệu sống quý báu cho trang viết, chứ nào phải tầm chương trích cú mỗi ngày.

Nhớ chưa?

Vâng, xin nhớ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment