LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.1.2015

 

Khác với lịch làm việc lâu nay, hôm nay ngày thứ Bảy nhưng vẫn ra khỏi nhà. Đi ăn sáng. Thông thường những ngày cuối tuần, không phải phân tâm với công việc hành chánh, ở nhà làm việc vẫn tốt nhất. Nhưng rồi, đôi khi cũng phải có sự thay đổi một chút. Chẳng ai có thể sống theo sở thích của riêng mình. Đường phố vắng hơn mọi ngày. Thời gian trôi qua nhanh. Những câu chuyện tâm tình. Đời sống đôi lúc cũng cần như thế. Chẳng lẽ mỗi ngày, từng ngày lại leo núi mãi sao?

Vẫn biết thế, vì biết nên mới tự dặn dò rằng: Có một người nuôi con cá rất đẹp trong bầu bằng thủy tinh, mỗi ngày ông ta bỏ vào trong đó một ít đất. Mỗi ngày, đất mỗi nhiều thêm, nước ít dần đi. Con cá vẫn thích ứng và dần dần sống không cần nước. Trước đây, mỗi lần đi chơi, muốn khoe cá, phải xách theo cái bầu. Nay không cần nữa. Đã có thể dắt cá theo. Con cá chạy tung tăng trên đường phố. Vậy là ổn rồi chứ gì? Chẳng may, ngày nọ đang đi chơi, thình lình trời mưa to. Con cá sa xuống hố. Chết ngộp vì nước. Ăn chơi nhảy múa mỗi ngày, thích quá đi chứ? Đúng rồi. Chỉ sợ sau đó, khó trở lại với nhịp điệu làm việc của mỗi ngày.

Ăn sáng và đọc báo. Một thú vui có lẽ sẽ tồn tại dài dài. Khó có thể thay đổi. Chà, đài truyền hình quốc gia lại “sụp hố” vụ chương trình Điều ước thứ 7 VTV 3 - phát sóng ngày 10.1.2015: Anh chàng nọ được giới thiệu là sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, con trai duy nhất trong gia đình, vượt qua định kiến của gia đình để kết hôn với cô gái nọ bị khiếm thị từ nhỏ. Họ sống bằng nghề hát rong và luôn mơ ước có ngày được đứng trên sân khấu chương trình Sao Mai - Điểm hẹn. Nuôi ước mơ đó, hai vợ chồng đã đặt tên cô con gái nhỏ là Sao Mai. Đại khái anh chàng này ở Thanh Hóa, đã vợ con đùm đề từ  đời tám hoánh, nghỉ học từ cấp 2 chứ chẳng hề học viện nhạc nhẹo gì. Năm qua, đài truyền hình này cũng ầm ĩ bởi nhiều vụ khác, chẳng hạn, vụ truy tìm tuổi thật của cầu thủ bóng đá nọ bằng nhiều cách, kể cả về tận quê cầu thủ nọ quay luôn mộ em/ anh ruột để so tuổi thật (!?),rồi vụ “nhặt xương cho thầy” (!?)… gây phản cảm. Qua vụ Điều ước thứ 7, thấy gì?

Thấy rằng, đã đến lúc cần thay đổi một quan niệm ca ngợi về trị sống.

Lâu nay, người ta thường ca ngợi những hoàn cảnh thương tâm, tật nguyền, nghèo khó nhưng vẫn dám nuôi dưỡng ước mơ hướng đến sự hoàn thiện. Điều này tốt quá. Nhưng chẳng lẽ chỉ có thế? Thử nghĩ, một gia đình giàu có, nuôi con ăn học thành tài có đáng ca ngợi không? Đáng quá đi chứ. Thông thường do mải mê làm giàu nên bố mẹ tỷ phú ít quan tâm đến con cái, họ chỉ nghĩ có tiền lo cho con là đủ. Nhưng ở đây họ vẫn có thể vừa làm giàu, vừa chu toàn cho con cái. Sao lại không đáng khen? Hơn nữa bản thân đứa trẻ sống trong gia đình giàu có, tự nó còn phải ý thức vượt qua biết bao cám dỗ khác về tiện nghi, vật chất, sự nuông chiều v.v… Cũng đáng khen nữa. Trong khi đó, giới truyền thông vẫn thèm thuồng khai thác cho bằng được những hoàn cảnh thương tâm nhằm tạo sự xúc động, lấy nước mắt công chúng.

Do quan niệm một chiều ấy, thỉnh thoảng lại thấy vài đài truyền hình bị hố khi đưa tin không đúng sự thật vốn có vì muốn "thêm mắm thêm muối" ly kỳ hơn, bi thảm hơn. Có như thế mới đáng ca ngợi (!?). Còn nhớ vụ cô Lượm ở Huế trên chương trình Người xây tổ ấm trên VTV 1 - có nhà có cửa, có cha có mẹ đàng hoàng nhưng "nhập vai" người mồ côi, vô gia cư, nuôi con bị tật bẩm sinh…; rồi vụ “tỷ phú Bìm” của nhà báo nọ, in trên tờ báo Xuân nọ đã bịa ra gương vượt khó làm giàu v.v… Chẳng nhất thiết phải là những hoàn cảnh éo le, thương tâm, nghèo khổ mà một người bình thường như hằng triệu người khác, nếu thành công gì gì đó cũng đáng ca ngợi. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Cứ phản ánh tự nhiên như nói vốn có, cần gì phải thêm nghịch cảnh, bất hạnh mới khiến người khác khâm phục?

Lại nghĩ, đã đến lúc cần thay đổi một quan niệm ca ngợi về trị sống.

Lâu nay, giới truyền thông vẫn ca ngợi những tấm gương, tổ chức làm từ thiện. Điều này không sai, vì nó phản ánh tinh thần, đạo lý người Việt “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”… Tuy nhiên, một xã hội có quá nhiều người, nhiều tập thể đi làm từ thiện đó là một xã hội không bình thường. Vấn đề đặt ra, tại sao sự phân hóa giàu nghèo lại ngày có khoảng cách đến thế? Nếu cứ chăm bẵm làm từ thiện mà không có biện pháp thay đổi nghịch lý đó, chẳng giải quyết được then chốt của câu hỏi đang đặt ra. Nếu cứ chăm bẵm làm từ thiện mà nếp nghĩ của từng cá thể không thấy xấu hổ trước nghịch lý giàu và nghèo thì thiện chí ấy cũng không là giải pháp tích cực. Một xã hội vận hành bình thường là không ai phải nhờ cậy sự trợ giúp của ai. Ông bà ta dạy: “Giúp ngặt chứ không giúp nghèo”. Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Cho một người con cá, bạn nuôi người đó một ngày. Dạy người đó câu cá, bạn nuôi sống người đó một đời” (Tục ngữ Trung Quốc). Cần có chính sách "dạy nuôi cá" trong sự hoàn thiện của một cơ chế. Cần thay đổi nguyên nhân dẫn đến cái nghèo mới là giải pháp căn bản. Bằng không sự từ thiện ấy chỉ là "muối bỏ biển".

Do nghĩ như thế, cảm thấy buồn cười khi đọc trên báo đã có nhiều ý kiến cực kỳ ngộ nghĩnh. Chẳng hạn, cô ca sĩ nọ kêu gọi không nên ăn thịt chó, bớt nghiện facebook; hoặc quan chức nọ mong đêm khuya người đi đường vẫn dừng đèn đỏ v.v… Những ý kiến này quá sức ngộ nghĩnh, bởi nếu muốn giải quyết một vấn đề cụ thể không thể tách ra riêng lẻ mà phải đặt nó trong quan hệ chằn chịt của một sự vận hành chung. Khi Chí Phèo muốn làm người lương thiện trong cái xã hội của Bá Kiến, Nghị Hách, Nghị Quế, Đội Tảo, Năm Sài Gòn, Binh Tư… thì sự thức tỉnh ấy có trở thành hiện thực? Tất nhiên là không. Chỉ với câu nói này, Chí Phèo xứng đáng là tác phẩm có thể sánh với bất kỳ truyện ngắn hay nhất, có ý nghĩa nhất của nhân loại:

“Hắn vênh cái mặt lên, rất kiêu ngạo:

- Tao đã bảo là tao không đòi tiền.

- Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế anh cần gì?

Hắn dõng dạc:

- Tao muốn làm người lương thiện!

Bá Kiến cười ha hả:

- Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.

Hắn lắc đầu:

- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách... biết không! Chỉ có một cách là... cái này biết không?

Hắn rút dao ra xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ người ta vội đến. Bởi thế khi người ta đến thì hắn cũng đang giẫy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra”.

Câu nói: “Ai cho tao lương thiện?” có ý nghĩa cho mọi thời đại, dù con người ta sống ở dưới gầm trời nào. Bi hài kịch cuối cùng mà nhân vật A.Q của Lỗ Tấn gánh lấy cũng chỉ mang sức khát đến thế là cùng.

Sáng nay, ăn sáng với Nàng, chăm chú với cái tin này in trên báo TT 17.1.2015, cần ghi lại: “Quyển sách Capital in the twenty - first century (Tư bản trong thế kỷ 21) của nhà kinh tế Pháp Thomas Piketty nói về bất bình đẳng giàu nghèo hiện nay -  năm vừa qua được tạp chí Esquire gọi là “cuốn sách quan trọng nhất thế kỷ 21”, có ý nghĩa hơn cả phong trào “Chiếm đóng phố Wall”.Ông Piketty cảnh báo hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo đang đưa thế giới đến “kỷ nguyên vàng” của bất bình đẳng, đồng thời ông kêu gọi nền kinh tế lớn nhất là Mỹ hãy khắc phục vấn đề này.Cũng nên biết nhà kinh tế 43 tuổi này là người đã thẳng thắn từ chối đề cử nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp vừa công bố đầu năm nay. “Tôi từ chối đề cử này vì nghĩ rằng chính phủ không có quyền quyết định ai là người danh giá. Họ nên tập trung cải thiện tăng trưởng của Pháp và châu Âu thì hơn” - ông Piketty khẳng khái nhắn với chính quyền Paris thông qua giới truyền thông”.

Thái độ của Piketty là thái độ của kẻ sĩ. Đọc Chiến quốc sách, mới biết có Kẻ sĩ quân tử/ Kẻ sĩ tiểu nhân. Lỗ Trọng Liên, người nước Tề cho rằng: “Kẻ sĩ (quân tử) sở dĩ đáng quý ở trong thiên hạ là vì giải trừ được hoạn nạn, cởi bỏ được rối loạn mà không nhận một chút báo đáp nào. Nếu nhận sự báo đáp thì thành con buôn rồi”. Còn kẻ sĩ (tiểu nhân) thì sao? “Nằm thì nằm cùng, dậy thì cùng dậy, đi thì đi cùng, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau. Nhưng ném cho chúng một khúc xương thì chúng vùng dậy mà nhe răng ra cắn nhau. Tại sao vậy? Tại tranh ăn”.

Thoáng đó, đã hết buổi sáng thứ Bảy rồi. Chẳng việc gì phải nghĩ ngợi linh tinh nữa. Làm thơ đi. Thì thơ vậy:

 

mot-giot-ruoudo-nguoi-ngoai-1-ngay-R

 

Ngày mai, ừ nhé. Mềm môi

Một góc phố. Một chỗ ngồi. Nến thơm

Nghiêng ly. Rượu đỏ như son

Thướt tha váy mỏng chập chờn nắng xanh

Đường dài đi đứng loanh quanh

Chẳng mấy chốc dốc bộ hành bước qua

Nhìn trong bốn cõi ta bà

Hương từ ngày cũ tà tà dậy men

Ngước nhìn bươm bướm bay lên

Nhụy hương in dấu rất mềm khó phai

Ừ thì, một chút lai rai

Một giọt rượu đỏ nguôi ngoay một ngày...



L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment