LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.12.2014


bui-ngoc-tan

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (1934 - 2014) qua ký họa Nguyễn Hồng Hưng


Ở Quảng Nam, thời nhỏ thường nghe cụm từ “chuyện ruồi bu kiến đậu”. Có thể hiểu nôm na là những chuyện ấm ớ, dấm dớ, chẳng đáng quan tâm, chẳng có “một ký lô gam” nào, là những chuyện vứt đi, không ai thèm quan tâm. Nhà chính trị tài ba, thuộc hàng cao thủ võ lâm là biết cách tạo dư luận làm sao cho dân đen chúi đầu chúi mũi tranh luận, đỏ mặt tía tai bàn tán, trăn trở, cãi nhau chí chóe “chuyện ruồi bu kiến đậu” mà quên béng đi vấn đề quốc gia đại sự.

Chẳng phải “mèo khen mèo dài đuôi”. Báo PN mình số phát hành ngày hôm qua. mảng giáo dục có nhiều bài hay. Bài “Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học: Thầy khổ, trò sợ, phụ huynh hoang mang” chẳng hạn. Đọc xong, tự dưng thấy thơ thới trong lòng, may quá, đã qua cái thời tiểu học. Nếu không, với Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, liệu y còn có thể hí hửng: “Hôm qua em đến trường, mẹ dắt tay từng bước. Hôm nay mẹ lên nương, Một mình em tới lớp” như câu thơ của Hoàng Minh Chính? Tìm hiểu kỹ mới biết, Thông tư 30 này gồm 4 chương, chỉ trích lấy Điều 5 “Nội dung đánh giá” thuộc Chương II “Nội dung và cách thức đánh giá”, trong đó:

2. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh: a) Tự phục vụ, tự quản; b) Giao tiếp, hợp tác; c) Tự học và giải quyết vấn đề.

3. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh:a) Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; b) Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; c) Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; d) Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước”.

Đọc thấy choáng. Xem ra không khác gì cách đánh giá cán bộ. Có điều cán bộ xuân thu nhị kỳ, từng quý một lần, chứ các em tiểu học phải “đánh giá” suốt niên học! Có ai đã kiểm tra con em, liệu các cháu có hiểu, hiểu thế nào về cách từ thuộc tiêu  chí phải “đánh giá”?

Lại nữa, cũng trên báo PN, trang 2 cho biết một vài đề thi. Thử đọc: “Nước Mỹ và nước Nhật trong những năm 1929 - 1939 đã tìm cách thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 như thế nào? Nội dung của những biện pháp đó? Nếu em đóng vai trò là một trong những nhà lãnh đạo của nhà nước ta hiện nay, em có thể đưa ra những biện pháp gì để tạo điều kiện cho nhân dân làm giàu?”. Tương tự: “Tây Nam Á nằm ở vị trí ngã ba của ba châu lục Á, Âu, Phi, là khu vực nhiều núi và cao nguyên, có khí hậu khô hạn và có nguồn tài nguyên dầu mỏ rất phong phú. Tây Nam Á là một trong những nơi phát sinh các nền văn minh cổ đại. Yêu cầu C: Nếu em là nhà đầu tư đến Tây Nam Á, em sẽ chọn một ngành kinh tế nào để đầu tư? Vì sao?”.  Những đề thi này dành cho ai? Dành cho các nhà nghiên cứu sử học, các chuyên gia kinh tế?

Không, dành cho em học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Văn Ơn thi học kỳ I - diễn ra từ ngày 9 đến 19.12.2014.

Hiệu quả bài thi này thế nào? Y không phải giáo viên chấm bài, không được đọc bài của các em nên không thể hồ đồ kết luận. Tuy nhiên, quyết không là sự hồ hỡi, phấn khởi, tự hào như ông Trần Minh Thành, chuyên viên Phòng GD - ĐT Q.1 phát biểu: “Trước đây, chúng ta thường chỉ đổi mới ở một số môn xã hội, năm nay, chúng tôi cố gắng lồng ghép những câu hỏi có tính ứng dụng thực tế vào các môn văn, sử, địa, sinh, lý, hóa… để giảm bớt sự khô khan của những con số, sự kiện. Qua một số bài làm chọn ngẫu nhiên, chúng tôi thấy các em biết thể hiện ý kiến và vận dụng khá tốt”.  Nếu đúng, nếu những đề thi vừa nêu trên “các em biết thể hiện ý kiến và vận dụng khá tốt”, rõ ràng ngành giáo dục nước nhà đang sở hữu những bộ óc vàng ở bậc trung học cơ sở chứ chẳng đùa. Mà thời buổi này, thiên hạ đùa hơi nhiều.

Lại thêm chuyện như đùa khác, cũng đang được bàn râm ran. Đó là Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết sẽ thí điểm dịch vụ nhậu say được quán đưa về nhà. Trước đó, dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương đưa ra quy định cấm bán bia tại vỉa hè (?!), rồi quán bán bia không được nóng quá 30 độ (?!)…. Nếu chịu khó ngồi ngẫm nghỉ một chút, có thể viết được nhiều tiểu phẩm trào phúng. Mà chẳng thấy ai viết cười cợt cho vui cái sự đời. Có điều lạ, hiện nay, làng báo Việt Nam chỉ có mỗi một tờ TTC, nửa tháng phát hành một số. Trong khi đó, các tờ báo khác thì chuyên mục tiểu phẩm, thơ trào phúng hầu như đã vắng bóng. Có lẽ, do không có người viết nên các chuyên mục đó tự nó “chết”?

Mỗi sáng, đứng trước sạp báo, thấy la liệt các tờ báo mới. Các đầu báo nhiều quá, vì thế, nó có bị đình bản, đóng cửa chẳng mấy ai quan tâm. Mới đây nhất Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn vừa ký quyết định thu hồi Giấy phép xuất bản số phụ đối với ấn phẩm Dòng đời của Báo Nông thôn Ngày nay vì đăng tải quá nhiều các bài viết về các vấn đề tiêu cực trong xã hội, nhiều nội dung mê tín dị đoan, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí.

Sở dĩ nhắc lại vì dăm năm trước, đồng nghiệp Đ - “chủ xị” tờ Dòng đời mời anh em đến quán Hoa Lư trên đường Đ.B.P nhậu lai rai chúc mừng số đầu tiên ra mắt. Không còn nhớ cụ thể bài vở thế nào, nhưng chắc chắn có bài của nhà báo H.L kể lại những ngày quen biết với Năm Cam rồi xộ khám cũng vì đính líu đến Nam Cam. (À, chẳng biết, từ nguồn nào, ai cho hoặc mua ở đâu mà tủ sách của y lại có tập Cáo trạng Vụ án Trương Văn Cam cùng đồng bọn tội phạm của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Hà Nội - tháng 11.2002), dày 600 trang, khổ 20,5 x 29,5 cm). Cầm tờ Dòng đời số đầu tiên, đọc bài của H.L viết về Năm Cam. Còn nhớ cảm giác lúc ấy thật sự “ngán ngẩm”. Rất ngán ngẩm. Trước đây, có đồng nghiệp hỏi: "Em đang tìm kiếm tài liệu viết về những tay du đảng khét tiếng của miền Nam như Đại Cathay, lâm Lâm chín ngón, Năm Cam... anh thấy thế nào?". Y trả lời thẳng thừng: "Nếu viết để kiếm cơm thì được, loại đề tài này "ăn khách" nhưng phải biết rằng, người ta đọc chỉ qua một lần rồi bỏ. Chẳng ai thèm phải nhớ lâu đến hạng người "To gan lớn mật làm thầy du côn". Chi bằng, dành thời gian viết về những con người hy sinh vì đại nghĩa, chết vì Nước, chống xâm lăng thì có hữu ích hơn không?".

Mấy hôm nay, báo chí đã thông tin lai rai về các đại hội chuyên ngành văn hóa nghệ thuật nhiệm kỳ 2014-2019. Đưa tin trên báo TT sáng nay, đồng nghiệp Quang Thi cho biết: “11 nhân sự BCH mới thì đến 10 người thuộc BCH nhiệm kỳ trước (2009-2014) gồm các họa sĩ Trần Khánh Chương, Phan Gia Hương, Lương Xuân Ðoàn, Vi Kiến Thành, Ðào Châu Hải, Thành Chương, Ðặng Mậu Tựu, Lê Chí Dũng, Mai Ngọc Oanh, Huỳnh Văn Mười. Người mới duy nhất của BCH mới là họa sĩ Lê Huy Tiếp. Trong đó, người trẻ nhất là bà Mai Ngọc Oanh cũng đã độ tuổi U-60, còn lại những người khác đều đã ở độ tuổi U-70, U-80”. Còn có chi tiết này: "Hai nhân sự trúng cử là họa sĩ Thành Chương và điêu khắc gia Đoàn Châu Hải đột ngột tuyên bố rời BCH Trung ương ngay tại đại hội. Hành động này được xem "chưa có tiền lệ" ở các kỳ đại hội văn hóa nghệ thuật từ trước đến nay". Đại hội Sân khấu thì sao? Đồng nghiệp Đức Triết rút tít: “Lại thiếu vắng những gương mặt trẻ”. Chuyện bầu bán nhân sự này công chúng, thậm chí người trong nghề có quan tâm đến không? Chỉ có thể trả lời gói gọn trong mỗi một từ khẳng định dứt khoát.

Sáng nay, nhận được tin nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời vì bệnh ung thư phổi. Đọc lại tập sách có Một thời để mất của ông bạn già vừa quá cố. Trang cuối cùng, trang 179 là dòng chữ tác giả ghi câu nói của nhà văn Nguyên Hồng: “Tấn ơi! Làm gì đấy. Nghe đã nhé. Đây là câu kết trong một vở kịch Ba Lan. Nhân vật chính quay ra nói khán giả: “Các bạn có biết vì sao người ta nói dối không? Có hai lý do. Thứ nhất: Người ta sợ nói khác mọi người? Thứ hai: Người ta quá mệt rồi”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment