LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.12.2014

 

hatgiamnghetinh

Hát giặm Nghệ Tĩnh (2 tập - NXB KHXH in năm 1963) của  Nguyễn Đổng Chi - Ninh Viết Giao. Tư liệu L.M.Q  


Tâm lý con người ta cũng lạ.

Có những điều quan tâm, cứ tưởng thiên hạ cũng như mình. Vì thế, đi đâu, gặp ai cũng bàn luận, cũng tỉ tê, tâm tình cho thỏa mãn những gì đang nghĩ. Nhưng thật ra người đối diện, dù dỏng tai lên như đang lắng nghe nhưng lọt qua tai kia bởi trong đầu đang nghĩ đến chuyện khác. Thông tin đáng ghi nhận nhất trong những ngày này: Tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đêm 27.11.2014 ở Paris (Pháp) đã chính thức công nhận dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Y quan tâm, nhưng rồi khi trà dư tửu hậu hầu như chẳng ai đoái hoài tới. Kể cũng lạ.

Với thông tin trên, thông cáo cung cấp báo chí của Bộ Ngoại giao viết: “Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh”; còn văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại gọi: “Dân ca ví, giặm xứ Nghệ”.

Thử hỏi, “dặm” hay “giặm”?

Trước đây cũng đã từng có cuộc tranh luận lý thú Thánh “Gióng” hay Thánh "Dóng”? Công trình  nghiên cứu của GS Cao Huy Đỉnh có tựa Người anh hùng làng Dóng, in năm 1969: lý giải, theo truyền thuyết “Dóng” được sinh ra bằng việc mẹ “Dóng” ướm chân vào dấu chân to tạo thành vũng nước, và sau đó mang bầu “Dóng”. Và vũng nước có bàn chân to đấy được tạo thành bởi dông tố, cho nên ở đây phải dùng Dóng.

Ngược lại GS Trần Quốc Vượng cho rằng viết  Thánh "Gióng” mới đúng. Bởi trong văn hóa Việt Nam từ thời xưa, mỗi một con người đều gắn liền với làng, gắn liền với bụi tre. Vì vậy mà họ đã nghĩ ra cái tên Thánh Gióng. Gióng ở đây là “gióng tre” để thể hiện tình thần gắn kết, khăng khít của dân tộc như bụi tre.

Nhìn chung hiện nay, các văn bản đều viết “Thánh Gióng”

Về “dặm” hay “giặm”, từ năm 1963, GS Nguyễn Đổng Chi GS  và nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao - đồng tác giả Hát giặm Nghệ Tĩnh (2 tập - NXB KHXH) khẳng định “hát giặm”, chứ không phải “hát dặm”“còn có cái lợi là để phân biệt nó với “hát dậm Hà Nam”.

Tại sao “giặm” chứ không là “dặm”? Câu hỏi này được lý giải cẩn trọng: “Thực ra, ngày nay nhiều người không còn rõ nghĩa tiếng “giặm” là gì; ngay cả những tay hát “kỳ cựu” cũng hiểu nó một cách mơ hồ. Tuồng như tiếng “giặm” đặt trong từ “hát giặm” đã trở thành một từ không có nghĩa. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cắt nghĩa sau đây ít nhiều có vẻ hợp lý. Tiếng “giặm” có nghĩa là đem vào một vật gì thêm vào, điền vào, đệm vào, chắp vào một cái gì còn khuyết, vào một nơi nào đó còn có thể chứa được. (Người miền Bắc cũng hiểu thế. Ví dụ: giặm một vài nan vào cái rổ rách). Nó rất gần với tiếng “giắm”, “giắm giú”. Giắm” tiếng Nghệ Tĩnh nghĩa là cấy lúa điền vào những chỗ trống trên đám ruộng đã cấy rồi (vì thiếu mạ hay mạ chết). Còn “giắm giúi” thì dễ thường không ai lại gì cái nghĩa nhét vào tay, cho giấu, đút của lót… Vậy thì có nhiều người Nghệ Tĩnh đã hiểu tiếng “giặm” trong “hát giặm” theo một nghĩa gần như “giắm” thêm vào. Nhưng họ hiểu theo hai cách khác nhau: Cách hiểu thứ nhất bắt nguồn từ hiện tượng điệp câu của “hát giặm”. Thường trong khi đặt một bài hát, người ta bắt buộc phải xen vào "câu láy” (hay “câu điệp”), vì thế mà gọi là “hát giặm”. Cách hiểu thứ hai lại xuất phát từ chỗ “hát giặm” thường phải chắp vần. Thường thường trong lối hát đối đáp, chữ vần của câu đầu bài phải chắp cùng vần với câu cuối của bài hỏi. Ví dụ:

Hỏi:

Tui hỏi mự mấy lời

Xin mự tường cho tỏ

Đáp:

Lời cậu vừa nói đó

Xui dạ thiếp âu sầu

Việc chắp vần hay hát chắp vào vần ấy tức là giặm, cũng gọi là “bắt xắp”. Bởi vậy, “hát giặm” cũng có nơi gọi là “hát xắp” (hay hát luồn) như một số người gần đây quen gọi” (tr. 14-15).

Cách giải thích đã tỏ tường. Không phải bàn cãi gì thêm.

Tuy nhiên, trước sự kiện loại hình nghệ thuật dân gian này được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà văn bản cấp nhà nước lại có cách viết khac nhau “dặm” “giặm”. Kể cũng lạ.

Thời buổi này, sách ra nhiều. Tiếc những quyển như Hát dặm Nghệ Tĩnh của GS  Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao lại không nhà xuất bản nào tái bản. Kể cũng lạ.

Mà thôi, chuyện lạ thời đang sống còn quá nhiều. Nhiều lắm. Có ai chịu khó liệt kê, có lẽ cũng dày như quyển tự điển chăng? Kể cũng lạ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment