LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.11.2014

kim-thachky-duyen

Tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên của Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa, bản in năm 1895, Nhà sách Khai Trí tái bản năm 1966. Trong tuồng có nhân vật "công tử bột" Ái Lang. Tư liệu: LM.Q

 

“Mấy hôm nay đi đâu, làm gì mà không thấy Nhật ký hở anh?”. Một vài tin nhắn đã gừi đến. Thì vẫn thế. Sáng: phở; trưa: cơm; chiều: lại phở. Ngày từng ngày cứ thế trôi vụt qua như vừa lật bàn tay, như vừa nhận nhuận bút bước vào quán nhậu mà lúc đứng lên thanh toán hóa đơn thì những đồng tiền ấy đã vụt bay cái vèo. Thời gian trôi nhanh. Đã gần hết một năm rồi.

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy?

Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười

Chẳng rõ, ông Cao Bá Quát nực cười bởi chuyện gì? Sáng nay, như mọi ngày, hễ vừa ngồi xuống ghế thì nhanh như chớp ông chủ quán đã đưa ngay vài tờ báo mới. Lật qua và bảo đồng nghiệp Ngô Kinh Luân: “Anh không dám đọc tin này”. Nói xong, lật qua trang khác và sáng nay, phở đã kém ngon. Ấy là cái tin bé gái 5 tuổi bị xâm hại tình dục tại nhà giữ trẻ. Chuyện này xẩy ra tại Bà Rịa. Khiếp quá. Sự tha hóa con người đã chạm đáy địa ngục, đã bắt tay với ác quỷ rồi chăng?

Vẫn tự ý thức, mỗi ngày tự kiếm những niềm vui, chồi non lạc quan, tình người đằm thắm đang diễn ra để thêm yêu lấy đời, yêu lấy người và cũng là một cách yêu chính mình. Nhưng rồi, đã có những thông tin hắc ám ùa tới. Như bão quét qua. Bão đã khiến khu vườn vừa nhú lên những mầm xanh đã xác xơ, tan hoang. Thế thì, như con ốc chui sâu vào trong vỏ, chìm dưới lòng dại dương, y lại quay về với những câu chuyện chữ nghĩa, về tiếng Việt. Cũng là một cách tránh xa đời. Đời yêu y sao y lại né tránh? Sự mâu thuẫn này thường trực trong tâm thức mỗi ngày.

Biết làm sao?

Mấy hôm nay có làm sao không?

Sao lại hỏi thế?

Vì chẳng thấy dòng Nhật ký nào.

Thì ra thế.

Những ngày này đang đọc lại những gì đã viết. Chọn nhón để in tập sách mới. Thế nào chọn nhón? Người miền Trung có dùng từ này không? Thú thật, y chỉ biết khi đọc tập sách sưu tầm truyện tiếu lâm, cụ Trương Vĩnh Ký cho biết đã “chọn nhón. Ban đầu không hiểu rõ lắm. Mãi về sau mới biết nó hàm nghĩa “lấy hớt cái trên”, cái gì hay, tốt thì lấy bằng không thì thôi. Từ điển tiếng Việt giải thích: “lấy vật rời, vụn một cách nhẹ nhàng bằng mấy đầu ngón tay chụm lại”.

Đọc bài thơ Quán bên đường của nhà văn Trang Thế Hy có câu: “Em bẹo hình hài rao lên bán”. Từ lâu, trong đầu y nghĩ theo ý nghĩa “bẹo  là lấy ra một ít cái gì đó đã có. Ngày còn nhỏ, thấy đứa bạn cầm cái bánh bò bông, ngon quá, y thèm thuồng năn nỉ: “Mi bẹo cho tau một miếng”. Nếu đứa trẻ người Bắc ắt nói: “Cậu cấu cho tớ một tẹo”. “bẹo” còn có nghĩa là “béo”. Mẹ y từng la: “Em nó còn nhỏ, đừng có béo má em, tội nghiệp”. Béo ở đây là véo. Cô gái Bắc thỏ thẻ người tình: “Anh cho em véo một cái nha?”. Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: Véo: Lấy đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp vật gì mà rứt ra”. Nghĩ cũng buồn cười. “Véo” cũng hàm nghĩa là cấu”. Thành ngữ có câu: “Trăm cái cấu không bằng cái một cái véo”.

Thế thì, chữ “bẹo” trong câu thơ của Trang Thế Hy hiểu theo nghĩa nào? Có phải như y đã từng nghĩ “là lấy ra một ít cái gì đó đã có”? Lẩn thẩn lật lại vài quyển sách tra cứu xem sao, vì y không hiểu rõ phương ngữ Nam bộ. Quyển mà y tin cậy nhất cho đến nay vẫn là Từ  điển từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín. Trong này ghi nhận: Bẹo”: chưng ra, đưa ra để khêu gợi, khích thích lòng ham muốn người khác”. Từ “bẹo” còn được ghép với các từ khác: “bẹo dạng”: trang điểm, chưng diện nhan sắc, phơi bày ra những cái nà người ta có thể ham thích’; “bẹo gan”: chọc tức, trêu tức, trêu gan; “bẹo hình”: phô trương hình dáng thân thể; “bẹo hình bẹo dạng”: phô trương hình dáng, chưng diện sắc đẹp, có ý khoe khoang lả lơi, thiếu đứng đắn trong hành vị ăn mặc; “bẹo mặt”: chường mặt ra để chọc tức người khác; “bẹo nhẹo”: bèo nhèo, mềm nhão, nhăn nheo”. Hôm trước, ngồi với N.M.Nhựt, người Bến Tre, anh còn cho biết thêm nghĩa của "bẹo": Cây sào cao ở trên ghe, xuồng có treo những thứ cần bán, người ta từ xa cũng thể biết có bán những thứ gì. Hàng hóa treo trên cây sào này, gọi là "đồ bẹo"!

Rõ ràng, nếu hiểu “bẹo” theo cách người miền Trung (như y) là không hiểu đúng câu “em bẹo hình hài rao lên bán”.

Hôm trước qua chơi quán Đo Đo, anh Ánh hỏi: “Q có biết “mọng” của người quê mình nghĩa là gì không?”. Y chưa kịp trả lời. Anh nói tiếp: “Ví dụ có câu: “Mi đừng có hứa mà em nó mọng”. Giải thích ra làm sao? “Mọng” đơn giản là mong đợi, chờ đợi; Từ điển in năm 1895 ở miền Nam của ông Huình Tịnh Pulus Của không ghi nhận từ “mọng”; từ điển in năm 1931 của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích theo cái nghĩa phổ thông “nhụng nhịu nhiều nước” như “quả hồng chín mọng”; tương tự người Bắc còn nói “mọng mọng” hoặc “mòng mọng” nghĩa là “hơi mọng”.

Tiếng Việt rắc rối quá. Có thời gian, chẳng phải cày kiếm sống, mỗi ngày cứ việc tìm hiểu ngữ ngữ tiếng Việt thì vui biết bao nhiêu.

Nhân đây trở lại với nguồn gốc ra đời câu thành ngữ “Công tử bột”. Trên tạp chí  Ngôn ngữ & Đời sống đã có cuộc tranh luận sôi nổi, bất phân thắng bại. Số báo 1&2 ấn hành 2004, TS Nguyễn Văn Nở giải thích: “Thành ngữ “Công tử bột” thường dùng để chỉ các cậu ấm con nhà giàu có, quần áo bảnh bao, mê ăn chơi nhưng biếng nhác trong công việc; ngờ nghệch trước cuộc sống và thường yếu đuối, “nắng không ưa, mưa không chịu”... Sắc thái biểu cảm của thành ngữ này có phần âm tính; người dùng nhằm mục đích châm biếm, chê bai và có phần thương hại nhưng chưa đến mức căm ghét, thù hằn”.

Sau đó, TS Nguyễn Văn Nở liệt kê những cách giải thích như sau:

1. “Theo nhiều người kể lại, các công tử bột không phải ai xa lạ mà chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp thuộc. Thuở ấy, các công chức này thường ăn diện quần áo trắng tinh, bảnh bao, cứ chạy nhong nhong như cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn. Trong mắt người lao động, bọn họ là loại người ăn trắng mặc trơn. Nhưng cớ sao lại gọi họ là công tử bột? Công tử là con quan thì ai cũng hiểu rõ. Nhưng bột là gì? Ở đây, trong cách hiểu dân gian, dường như có sự trùng âm giữa từ “bột” với nghĩa như trong bột gạo, bột mì, bột sắn, gà bột, phổng bột... Cũng như các thứ đồ chơi cho trẻ, xinh xắn, bụ bẫm.... Và từ bột, vốn là cách đọc chệch của âm từ poste trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép). Hoá ra, công tử bột là chàng công tử làm nghề bưu điện...” (Kể chuyện thành ngữ, tập II - Nxb KHXH, Hà Nội).

2. “Đây là tiếng chế giễu một học sinh đi ăn cắp. Tên hắn là Nguyễn Đức Quý. Quý sau này làm mật thám cho Pháp, can vào vụ âm mưu bắt cóc cụ Phan Bội Châu ở Thượng Hải năm 1925. Quý là con một người tòng sự ở Sở bưu điện Hà Nội. Hồi còn đi học, Quý đã mê một người đào hát, tên là Minh ở rạp Quảng Lạc. Quý muốn tặng cho Minh một chiếc nhẫn kim cương, bèn nghĩ cách ăn cắp của cửa hàng Gôđa... (Tuyển tập Nguyễn Công Hoan - tập III (1986), NXB Văn học, Hà Nội).

3. “Là có nguồn gốc từ tuồng hát bội có nhân vật tên là Hoa Bột, Ba Bột: “Hoặc hát khách thằng Bột: rượu bọt ngon, con gái tốt đẹp, xang xang xang cống xang xê cống cống xang xê. Hoa Bột, Ba Bột là tên của nhân vật xấu gần như vai hề, tánh tình kiêu hãnh trong tuồng hát bội (nay hãy còn gọi là công tử bột). Trong Kim Thạch Kì Duyên của Thủ Khoa Nghĩa có bài hát thằng Bột:

Cậu Ái Lang chữ đặt, cha tri phủ giàu sang,

Như nhà cụ: cửa nhà chớn chở bạc vàng,

Hầu thiếp nhởn nhơ điếu đỏ

Nói chi bạn hàng cũ, nuốn con gái nguyên

Cậu chơi hoài hoài, thiên hoàng thiến chi hoang

sướng đế sướng đê chí sướng…

(Bến Nghé xưa - Sơn Nam).

Cách lý giải nào đúng?

Y cho rằng cách giải thích của nhà văn Sơn Nam thuyết phục hơn cả.

Chứng cứ rành rành là trong bài khảo cứu Hát bội in trên Phổ Thông số 35 (15.6.1960), ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý cho biết trong hát bội có điệu hát Bài Thằng Bột: “Con quan ở trong triều dân gian thường gọi là công tử bột, học hành chẳng ra hình, ở không nên nết, tụ năm tụ ba, thả rểu phố phường, hiếp kẻ cô đơn, nịnh người quyền thế, có một tài chim gái mà thôi, không giúp ích cho gia đình, chẳng làm lợi cho xã hội. Sân khấu cổ truyền trình những nhân vật đó làm trò cười cho khán giả, cho nói giọng trọ trẹ, đầu bịt khăn gò, mặt cho giồi phấn mốc, mắt mang kiếng giọng vàng, chơn đi giày Tàu, tay cầm quạt lông, mình mặc áo gấm, ra vẻ snag trọng, có nét ăn chơi, ăn nói ngược ngạo láo xấc”. Nói có sách mách có chứng, ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý dẫn chứng rành rẽ cách ăn nói của công tử bột trên sân khấu:

“Tớ trẻ,

Sáng mai tang tạng tàng tang

Cụ bảo thằng tê bắt con kiến vàng

Lấy sợi dây chà, xỏ ngang lỗ mũi, cho cụ dắt đi chơi, có không hở thằng tê?

Tớ trẻ,

Mi đi đâu mà cụ kiếm đôn, kiếm đáo, đảo địa thiên tôn, hà môn chi xứ, am tự thừa lôi, thấy bánh thấy xôi, thấy ông lọ nồi, chẳng thấy thằng tế, ứ hự thằng tê”.

Không được nghe âm điệu, chỉ cần đọc qua đã thấy sướng tai. Rõ ràng, thành ngữ "công tử bột" ban đầu là từ lời ăn tiếng nói dân gian, tạo nên sức sống của nó chính là do sân khấu hát bội đã tái hiện bằng hình mẫu điển hình. Nói cách khác, xuất xứ thành ngữ "công tử bột" bắt đầu từ Nam bộ. Rồi lan rộng ra cả nước và "sống" đến tận bây giờ. Tương tự, "bẹo" là từ phổ thông ngoài Bắc, ngoài Trung nhưng khi "du nhập" vào Nam bộ lại mang thêm những hàm nghĩa khác.

Chao ôi! Tiếng Việt ngoắt ngéo, rắc rối mà cũng phong phú biết chừng nào. Đã da vàng máu đỏ, dù ở tận đẩu tận đâu trên trái đất mà không tự hào "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời"?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment