LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 31.10.2014

 

Thử tưởng tượng:

Vào một ngày nọ, có kẻ bước vào nhà. Sau vài câu hỏi thăm bâng quơ, hắn ngồi xuống ghế và bắt đầu mở mồm ra. Mở mồm là lúc cần phải nói. Hắn nói những gì? Hắn đem bố hắn ra chửi.

Thái độ chủ nhà ứng xử ra sao?

Có người, thoạt nghe đã tống cổ hắn ra khỏi nhà. Mắng cho vài câu. Đừng bao giờ béng mảng đến đây nữa. Đóng sập cửa. Loại chủ nhà này có tư cách.

Có người, vỗ tay hoan hô, khuyến khích hắn chửi bố càng to nhiều người nghe càng tốt. Rồi đem những lời hắn chửi mách cho thiên hạ cùng biết. Loại chủ nhà này thuộc loại người gì?

Chừng non một tháng gì đó, tờ báo nọ ở trong nước có đăng bài chửi nhà văn Võ Phiến.

Ai chửi? Con trai Võ Phiến.

Nhân tình đến thế thì thôi. Sự đồi trụy nhân cách đã vượt qua giới hạn cho phép. Hầu hết các ý kiến trên cộng đồng mạng cho rằng, đây là trường hợp con “đấu tố” bố. Không bàn quan điểm chính trị của Võ Phiến. Chỉ nghĩ rằng, một khi đã dám lôi bố mình ra mắng công khai trên trường văn trận bút thì còn gì không dám làm? Kể cả giết người cũng là chuyện nhỏ.

Người Việt có nhiều thói hư tật xấu nhưng không cạn tàu ráo máng, qua sông đấm buồi vào sóng, ăn cháo đái bát đổ đốn đến thế.

Đọc sử, ta thấy rằng mầm mống hình thành “đấu tố” đã có từ xa xưa lắm rồi, ít ra từ đời nhà Trần. Thế nhưng, vua Trần biết gạt bỏ từ trứng nước.

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông, quân Đại Việt tiến vào thành Thăng Long có thu được hồ sơ, giấy tờ của giặc để lại. Trong đó, có bản danh sách ghi đầy đủ tên tuổi những người đầu hàng, hợp tác với giặc trong thời gian toàn dân kháng chiến.

Có người tâu lên vua Trần phải xử lý nghiêm, lôi chúng ra, dòng họ chúng ra buộc tự sỉ vả nhau rồi trừng phạt một một trận cho biết đá biết vàng. Cũng là một hình thức “đấu tố” chứ gì?

May thay, vua Trần cho đốt sạch những thứ ấy để yên dân. Có an dân, mới tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân. Có đoàn kết toàn dân, dân một lòng, không nghi kỵ mới đủ sức đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Tầm nhìn sâu xa của một minh vương còn vang động đến ngàn đời sau.

Lại nữa, Hồ Quý Ly bị Trần Khát Chân ám sát nhưng thoát được. Từ đó, mối nghi kỵ, nghi ngờ lẫn nhau lan rộng cả nước, người cùng làng, cùng xã khi gặp nhau không dám nhìn, chứ đừng nói chào hỏi, chỉ đưa mắt rồi lẳng lặng việc ai nấy làm, đường ai nấy đi. Cả nước sống trong không khí ngột ngạt, không ai còn dám tin ai nữa, dẫu là ruột thịt.

May quá, Hồ Quý Ly không vì thế mà tiến hành những cuộc “đấu tố” lẫn nhau.

Vậy thử hỏi, chuyện đấu tố ở ta đã hình thành từ bao giờ?

Chiều thức dậy, nằm đọc 9,5 ký thơ đã nhận từ Hội Nhà văn TP.HCM, chuẩn bị cho cuộc họp xét giải và kết nạp hội viên mới vào cuối năm. Thời gian trôi qua nhanh. Thoáng chốc đã sắp Tết. Sáng nay, đồng nghiệp Lam Điền báo tin nhà thơ Kiên Giang qua đời lúc 6g30 phút; Hà Đình Nguyên bổ sung thêm, do đọc được trên báo cái tin một bé sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường, nhà thơ Kiên Giang đã gom chút tiền hưu, đón xe từ TP.Long Xuyên - nơi ông an dưỡng cuối đời, lên TP.HCM để giúp đỡ cho trường hợp này. Tuy nhiên, vừa tới nơi, chưa kịp thực hiện ý định thì ông bị đột quỵ vào xế trưa 28.10.2014. Có lẽ nên nhắc lại chi tiết này, có thời gian sẽ viết kỹ hơn, chính Nguyễn Bính là người dẫn dắt Kiên Giang đi vào con đường thơ. Thời đó, khoảng chừng năm 1947 lúc Nguyễn Bính tham gia kháng chiến ở Nam bộ. Bài thơ nổi tiếng nhất của Kiên Giang “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”, đoạn cuối:

“Lạy Chúa con là người ngoại đạo

Nhưng tin có Chúa ngự trên trời

Trong lòng con, giữa màu hoa trắng

Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi !”

Trên tạp chí Văn Học in cuối năm 1969 tại Sài Gòn, Kiên Giang cho biết: “Mười mấy năm sau tôi sửa chữa bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím bên bờ hồ ở Bến Tre, tôi quên mất mình đã vô tình lấy một câu thơ chót trong bài thơ "12 giờ trưa" của Nguyễn Bính : 

Chuông ngọ từng hồi chuông ngọ đổ

Từng hồi chuông ngọ đổ chơi vơi

Con nghe chuông đổ rồi con khóc

Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!”


thubut-kien-giang

Thủ bút nhà thơ Kiên Giang (1995)


Sự thành thật này đáng quý lắm. Bài thơ trên đi vào trí nhớ nhiều thế hệ bởi chuyện tình học trò Hoa trắng thôi cài trên áo tím còn gắn với hình ảnh tôn giáo. Những chi tiết xóm đạo, giáo đường, lời nguyện… khiến người đọc thương xót hơn vì đã làm nổi bật sự trong trẻo, tươi tắn của tình yêu mới lớn. Nếu bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp tước bỏ:

Thẹn thùng em không nói:

"Nam mô A Di Đà!"

Chắc chắn cả bài thơ sẽ nhẹ đi rất nhiều. Nhẹ hều. Hình ảnh cô gái đi chùa Hương không thể đáng yêu như nhiều thế hệ đã yêu. Đọc một bài thơ hay cũng tựa như lúc đang ngóng đợi người tình, bỗng nghe từ xa xăm có bước chân quen bất ngờ bước đến.

Chiều rồi.

Anh T.N.V vừa nhắn tin qua nhà nhận bình rượu “ông uống bà khen”, cường dương bổ thận, nhất dạ lục giao sinh ngũ tử. Sở dĩ như thế, vì trước đây, y đã tặng anh bản photo quyển sách viết về Hội kín Nam kỳ của nhà nghiên cứu người Pháp, in năm 1929; quyển Truyện Phan Xích Long, in năm 1913.

Mà này, cơn cớ vì sao chiều này, mở đầu Nhật ký lại nhắc vụ Võ Phiến bị con “đấu tố”?

À, do sáng này đọc TT biết được thông tin: “Chiều 30.10, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng các sở, ngành đã nghe Sở VH-TT&DL báo cáo nội dung bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, việc xin ý kiến tập thể UBND TP, các sở, ngành là một bước trong quá trình hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử: “Dự thảo quy tắc ứng xử vẫn đang trong quá trình tiếp thu các ý kiến đóng góp, thậm chí tiếp thu từng câu, từng chữ để chắt lọc ra những quy tắc ứng xử văn hóa nhất”.

Về chuyện này cũng trên TT, nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn có ý kiến: “Người Hà Nội coi cách ứng xử quay mặt đi là chính xác nhất. Phù hợp cho mọi tình huống. Bởi họ không còn được đông đảo người xung quanh ủng hộ và bảo vệ nữa”.

Đâu riêng gì Hà Nội, nơi nào không thế? Sống trong xã hội ngày càng văn minh, tại sao còn diễn ra cái trò khốn nạn con “đấu tố” bố? Hành động này hoàn toàn xa lạ với phép ứng xử, văn hóa người Việt. Vậy mà vẫn in chình ình trên mặt báo đấy chứ! Nhưng rồi thay vì có thái độ, người ta chọn "cách ứng xử quay mặt đi".

Tách khỏi ngữ cảnh Truyện Kiều, từ câu 1585 đến 1588, nếu liên tưởng đến trận đòn "đấu tố" khốc liệt do chính con trai đã giáng xuồng đầu::

Khen cho những chuyện dông dài,

Bướm ong lại đặt những lời nọ kia.

Thiếp dù bụng chẳng hay suy,

Đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười!

Ấy là tâm sự của nhà văn Võ Phiến đó chăng?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment