LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.10.2014

hinh-chup-Thai-Lan

 

1. Thông tin trên mạng depplus.vn cho biết Liên Hiệp quốc vừa công bố xếp hạng thứ tự "Quốc gia đáng sống". Theo đó, 10 đất nước đáng sống nhất trên thế giới bao gồm: 1. Ireland; 2. Phần Lan; 3. Thụy Điển; 4. Hà Lan; 5. New Zealand; 6. Thụy Sĩ; 7. Vương quốc Anh; 8. Na Uy; 9. Đan Mạch; 10. Bỉ. “Bảng xếp hạng "Quốc gia đáng sống" dùng để đo những đóng góp của mỗi quốc gia cho hành tinh và nhân loại. Có 7 phương diện được xét đến đó là "đóng góp về khoa học công nghệ, đóng góp về văn hóa, đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới, trật tự thế giới, bảo vệ môi trường hành tinh, đóng góp vào sự phồn vinh và bình đẳng của thế giới, đóng góp về y tế sức khỏe. từ văn hóa đến đóng góp để cái thiện hành tình và nâng cao sức khỏe cộng đồng".

Việt Nam đứng hạng thứ bao nhiêu? Xin thưa, Việt Nam đứng thứ 124/125 đất nước được khảo sát, chỉ đứng trên Lybia - đất nước bất ổn ở Trung Đông.


2. Thêm môt sự kính trọng Vũ Trọng Phụng là trong tiểu thuyết Trúng số độc đắc, ông đã ca ngợi bà Cả Mọc. Một nhà văn luôn căm thù, bất mãn với xã hội nhố nhăng, từng ném ra những câu văn hằn học như tát vào mặt giới thượng lưu hợm hĩnh, từng cất tiếng cười khinh bỉ, đau đời trước bao cảnh lố nhố lăng nhăng… nhưng khi viết về bà Cả Mọc, giọng văn của ông lại rất dịu dàng và bày tỏ lòng ngưỡng mộ chân thành. Bà Cả Mọc là ai? Là người đàn bà đức hạnh, lúc gần 80 tuổi đã lập Hội Tế sinh nuôi dạy trẻ mồ côi ở Hà Nội: “Chà! Ở cái xã hội này mà lại có được một người đáng kính trọng đến bậc này sao? Ở cái nước Nam khốn khổ, xấu xa này, mà lại có được một sự tốt đẹp thế này hay sao?”.

3.  Ai đầu tiên viết tiểu thuyết trinh thám? Đó là nhà văn Phạm Cao Củng - tác giả của các truyện Vết tay trên trần (1936), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Cái kho tàng nhà họ Đặng, Ba viên ngọc bích (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người (1941), Nhà sư thọt (1941), Đôi hoa tai của bà Chúa (1942), Đám cưới Kỳ Phát (1942)... Theo ông: “Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội ít thấy xảy ra những vụ trộm hay án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật. Phần lớn dân ta chưa hề trông thấy chính mắt một khẩu súng lục bao giờ, hiểu biết rất ít về cơ khí và hóa học, lại rất hiếm ai có được một chiếc xe hơi riêng của mình. Vì thế cho nên những vai chính trong truyện trinh thám Việt Nam chẳng thể mỗi lúc giơ được khẩu súng lục ra hay bắn nhau, không thể có được những nhà hầm có cơ quan bí mật hay luôn luôn nhảy lên xe hơi theo dõi quân gian như ở trong nhiều truyện trinh thám Âu Tây. Chính vì thế mà luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra được trong xã hội Việt Nam, và vai chính cần phải có được những tính cách hoàn toàn Việt Nam”.

Về giá trị tác phẩm của nhà văn Phạm Cao Cũng, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan - tác giả bộ Nhà văn hiện đại, đã nêu lên nhận xét tổng quát: “Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn”.


4. Khi yêu, người phụ nữ đã yêu rất mãnh liệt và họ bất chấp những dị nghị không đáng. Có thể kể đến trường hợp Mai Đình nữ sĩ. Khoảng năm 1937, bà đến Quy Nhơn và nghe danh tiếng Hàn Mặc Tử. Nhiều lần bà muốn đến diện kiến, nhưng không dám. Nghe bạn bè kể, nhà thơ đã tặng bà tập thơ Gái quê. Việc làm của Hàn Mặc Tử đã khiến bà có cảm hứng làm được bài thơ Biết anh và gửi cho Quách Tấn nhờ chuyển Hàn Mặc Tử. Đọc xong, Hàn Mặc Tử đã tặng lại bài thơ Lưu luyến. Khi hay tin Hàn Mặc Tử bị bệnh nan y, bất chấp tất cả, bà đã đến ở nhà thi sĩ và chăm lo tất tần tật mọi việc vặt vãnh. Đã có lần bà ghen vì với Hàn Mặc Tử quá mê… trăng:

Hôm nay sáng tỏ cung Hằng

Khiến lòng em nhớ đêm rằm bên anh

Hãi hùng, em sợ trăng thanh

Vắng em, anh lại tự tình cùng trăng

Tình cảm của bà dành cho một tài năng lớn thật cảm động, đáng trân trọng. Bù lại, thế hệ hậu sinh khi nhắc đến Hàn Mặc Tử bên cạnh nhiều nhan sắc khác,không thể không nhắc đến Mai Đình nữ sĩ.

5. Một ngày của Xuân Diệu: Nhà thơ Hoàng Cát - người em kết nghĩa, học trò nhỏ về văn học của nhà thơ Xuân Diệu từ năm 1960. Sau đây là những thông tin thú vị của ông về thời gian làm việc của tác giả Gửi hương cho gió:

“Tuy là một người sống độc thân, không ai “quản lý”, đốc thúc, nhưng do lòng ham say làm việc trên bàn viết, nên Xuân Diệu thường xuyên có một lối sống rất ngăn nắp, gọn gàng và vô cùng tiết kiệm thì giờ. Ông có một chiếc đồng hồ báo thức nhỏ, hằng đêm khuya, trước khi đi ngủ, bao giờ ông cũng lên dây chuông. Thường thường, về mùa hè thì năm giờ, mùa đông thì năm rưỡi, đợt nào rét đậm thì sáu giờ kém mười lăm là chuông đồng hồ reo. Ông đặt đồng hồ sát ngay đầu giường ngủ. Hễ có chuông reo là ông vùng dậy ngay, không chần chừ.

Việc đầu tiên của Xuân Diệu sau khi ngủ dậy là tập thể dục. Ông tập tạ tay, tập Cốc Đại Phong, tập chạy chân đất suốt dọc đường Cột Cờ, lên bể bơi Ba Đình tắm và tập bơi. Thường ngày, sau bữa điểm tâm buổi sáng, cứ tám giờ là Xuân Diệu ngồi vào bàn viết. Ông làm việc một mạch cho đến mười một giờ mới nghỉ giải lao. Thường thường, sau bữa cơm trưa, Xuân Diệu nằm nghỉ nửa tiếng, đến một giờ. Mùa hè thì ông đặt quạt xa giường, để khỏi mát quá, gây ngủ sâu, khó dậy. Mùa đông, ông không đắp chăn, để khỏi ấm sinh ham ngủ. Ông ngủ vùi chập chờn như thế đến một giờ, hoặc một rưỡi chiều, chuông đồng hồ reo là dậy được ngay rửa mặt hoặc tắm qua loa, rồi ngồi vào bàn làm việc. Ông ngồi một mạch cho tới khi u già thổi cơm chiều mới nghỉ giải lao. Sau đó, ông lại lên phòng, bật đèn bàn, ngồi viết tiếp cho đến tận bữa ăn tối.

Ăn xong, nghỉ ngơi chừng một tiếng, bằng cách mang cái giường bạt hoặc cái ghế phô tơi ra nằm lặng lẽ một mình dưới gốc cây hoàng lan đại thụ phía trước cổng. Sau đó, ông lại ngồi vào bàn, làm việc mải mê đến mười giờ rưỡi, hoặc mười một giờ đêm. Đó là lịch trình làm việc theo thông lệ. Còn những lúc gặp bài vở các báo hoặc nhà xuất bản đặt gấp thì ông thường thức đến một hai giờ sáng, để đọc, tra cứu, viết. Tuy vậy, sáng hôm sau ông vẫn dậy sớm, không, ngủ “rốn” để bù chỗ thiếu ngủ tối hôm trước. Do làm việc ở một cường độ luôn luôn căng và cao như thế, nên Xuân Diệu thường bị đau đầu, đau thần kinh. Rất nhiều khi đang viết, ông phải rời bàn ít phút, ra nhúng đầu vào nước lã, hoặc dùng tạ tay đập đập vào sau đầu, vào hai bên vai, vào gáy khá mạnh. Những lúc như vậy ông thường một mình lầu bầu, thở dài: “Ấy chà chà!... ấy chà chà!...”.

Các buổi tối khuya, sau khi rời bàn viết và trước khi đi ngủ, ông thường tập thở, làm vài động tác thể dục nhẹ nhàng ở ngay trong phòng làm việc”.

6. Nhà thơ Tô Hà làm biên tập viên ở một tờ báo, hôm nọ ông nhận được bài thơ của tác giả nổi tiếng gửi đến. Trong đó có câu mà ông rất thích và  bảo với tác giả: "Cái câu: “Chiếc lá sen thơm cả tay cầm” theo mình là rất gợi. Lá sen xui người ta nhớ đến cốm vì người Hà Nội hay dùng lá sen gói cốm. Viết như thế này thì phải là người tinh tế lắm. Chao ôi! Cốm thơm, lá sen cũng thơm, hai mùi thơm ấy quyện vào tay mình thì thật tuyệt. Mình sẽ cho in ngay!".

Nhưng chờ mãi, chẳng thấy bài thơ này xuất hiện trên mặt báo! Tại sao? Nhà thơ Tô Hà kể với tác giả: "Tớ đưa lên, nhưng tay duyệt bài cuối cùng phê bên câu thơ của ông là: “Không khuyến khích làm cốm, có hại cho chính sách lương thực”. Nay mình xin trả lại ông bài thơ!".


7. Các nhà thơ vốn là người hay chữ, vì thế, khi họ khóc cũng... thành thơ! Năm 1971, nhà thơ Nguyễn Vỹ qua đời, nhà thơ Vũ Hoàng Chương có đến viếng và khóc bằng bài thơ tứ tuyệt Chuyến xe định mệnh:

Hàng cây xõa tóc chạy đâm nhào

Ngược với chiều xe, chúi mũi lao...

Trước mặt có gì nguy? Hẳn thế!

Không dừng lại được, biết làm sao!

Cái hay bài thơ này là đã diễn tả đúng hoàn cảnh ngặt nghèo của tác giả câu thơ “Nhà văn An Nam khổ như chó”. Nguyễn Vỹ mất trên đường từ Mỹ Tho về Sài Gòn, vì tai nạn giao thông!

8.  Trong một dịp vui, nhà thơ Đông Hồ làm bài thơ Đường luật, trong đó có hai câu ai cũng khen hay:

Chi có nhà vàng treo giá ngọc

Chút còn lông phượng đổi sừng lân

Muốn họa lại, cái khó nhất là ở chỗ chữ “lân”; đã thế, mỗi câu còn “trung đối” nữa như “nhà vàng” đối “giá ngọc”“lông phượng” đối “sừng lân”! Khó thế!  Nhà thơ Lãng Nhân - tác giả Chuyện vô lý, Giai thoại làng Nho, Chơi chữ... đã đối lại như sau:

Đã trót buổi xuân ngồi trốc cọp

Thôi thì dịp Tết múa đầu lân!

Nhà thơ Đông Hồ đã bình như sau: “Câu thơ này “trốc cọp” đối với “đầu lân”, đối thì cũng đối đó, nhưng mà ‘trốc” cũng có nghĩa là “đầu”. Lại với ý tác giả muốn nói “trót đã ngồi trên lưng cọp” nhưng vì “lưng” là tiếng bình thất niêm nên phải đem tiếng “trốc” là tiếng trắc thay vào. Cho nên mới thành ra “ngồi trốc cọp”. Mà ngồi "tróc cọp" là ngồi thế nào nhỉ? Xét lại lúc làm thơ nhằm cuối năm Dần là thời gian sau cùng của năm cọp, thì chính nó là “ngồi đít cọp” mới là đúng. Lại thêm được đối với “múa đầu lân”! Và còn có một cái lợi nữa là khi đã cỡi lên rồi mà có muốn từ chỗ đó nhảy xuống nữa, cũng có đường nhảy xuống không sợ nguy hiểm!"

Nghe nhà thơ bình, không chỉ Lãng Nhân mà các bạn văn cũng đều cười xòa và khen sự tinh tế của Đông Hồ

9 . Ít người biết rằng, trước khi trở thành nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng, Nam Cao đã từng... làm thơ! Chẳng hạn, bài Lòng người của ông, ta thấy mang âm điệu thơ... Nguyễn Bính :

Lòng người là khói là hương

Hương bay bốn hướng khói vương bốn trời

Buồn cho tôi ! Muốn lòng người

Là con sóng nhỏ chảy xuôi một dòng

Thế rồi tôi lại muốn sông

Đừng ra bể nữa cho lòng mang mang…

 

Buồn cho tôi muốn tình nàng

Có hình như đã rõ ràng từ đây    

Ai làm cho gió đưa mây

Cho mây vương núi đổi thay muôn hình

Đổi thay là trái tim tình

Một làn mây đủ xuôi mình phụ ta

(1939)

Còn bài thơ Khi chiều thẫm, có những câu gần giống như thơ... Xuân Diệu! Hơn ai hết, Nam Cao tự nhận thức: “Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những  gì chưa có” (Đời thừa). Do đó, không vì có dăm bài thơ in báo mà Nam Cao tự bằng lòng với mình, ông quyết định “li dị” với nàng thơ. Quyết định của Nam Cao là hoàn toàn chính xác, nhờ vậy, ông đã tìm được sở trường của mình và tạo được tên tuổi lừng lẫy trong văn học sử.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment