LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.10.2014


“Đồng chí chú yêu quý,

Rất lâu rồi đồng chí cháu mới mail cho đồng chí chú. Chuyện là đọc Nhật ký của ĐCC dạo này nghe bảo càng lớn tuổi tìm niềm vui khó quá ấy mà. Sáng nay, ĐCC đọc được bài ngắn ngắn này trên một trang web Trung Quốc. Đọc thấy vui vui, lại đang lúc rỗi nên dịch và gửi sang ĐCC đây. Hy vọng chú luôn tìm thấy niềm vui đơn giản hằng ngày để Nhật ký không phải réo rắt gọi tên buồn. ĐCC rất ít khi dịch nên chắc hẳn đôi chỗ hơi buồn cười, DCC đọc vui là chính. Bài ngắn thôi, nhưng DCC nghĩ thời công nghệ số bận bịu này, đọc cái ngăn ngắn như vậy là đủ rồi, chứ dài thì ít ai chịu khó đọc và nhớ nổi. Tongue out Vậy nha, DCC. Hy vọng nhận được sự hoan nghênh của DCC.

Dạ, DCC đưa vào Nhật ký đi, độc giả ghé thăm web DCC chắc nhiều người giỏi tiếng Tàu lắm, DCC cứ trích song ngữ luôn cho bạn bè gần xa góp ý, để DCC có thể học hỏi thêm mà, Kiss. Vui thôi. Vì trước giờ công việc DCC chả bao giờ dịch mấy thứ này. Nay nổi hứng nên dịch í mà. Sẽ cố gắng dịch thường xuyên để làm phong phú thêm màu sắc nhà DCC hén. Hy vọng một ngày không xa, DCC sẽ gửi đến cho DCC vài bản dịch từ tiếng Nhật nữa, hii. Tình hình là bây giờ DCC đang tự mày mò tiếng Nhật nhưng mới xong 1 chặng đường ngăn ngắn thôi, Tongue out.

Ah, Báo mình mới mở chi nhánh tại 2 Phan Chu Trinh ĐN phải không DCC, nghe vui vui he. Vậy là lúc nào có bài được đăng có thể chạy qua mua luôn cho nhanh chứ ko dài cổ ngồi đợi như mấy đợt trước nữa,Cool”.

Đọc mail cảm động quá. Từ khi mở trang web cá nhân, đã có thêm nhiều tình bạn văn nghệ. Có những người chưa biết mặt; hoặc chỉ mới gặp đôi lần. Rồi dần dà thân thiết. Đã thân thiết mới có thể kết bạn và tin cậy. Mấy hôm nay, nhận từ hộp thư facebook của một người thông báo sắp vào Sài Gòn và hẹn gặp. Với những người chưa gặp, thú thật, y rất ngại. Trường hợp này cũng thế.

Không biết từ bao giờ, do cái gì mà trước mối quan hệ nào y cũng muốn né tránh. Đọc báo mỗi ngày nên đâm ra sợ chăng? Có những vụ việc quá khủng khiếp, ghê rợn nên buộc lòng phải cảnh giác. Chừng mươi năm trước, thời sinh viên, từ Thủ Đức về Sài Gòn, nếu mệt có thể tạt vào bất kỳ nhà nào xin miếng nước giải khát hoặc nằm nghỉ lưng; lúc đói, có thể vào chùa ăn miếng cơm từ thiện; nghe biết đồng hương từ quê vào đây lập nghiệp, dù thân dù không cũng có thể tìm ghé đến nhà chơi… Những dịp ấy, giữa khách và chủ thân tình, không nghi ngờ gì nhau. Thời buổi này, khó lắm. Con người ta sợ hãi cả những lúc muốn làm việc tốt; nghi ngờ cả việc tốt của người khác làm cho mình. Đâu là mối gắn kết giữa người và người? Sự gắn kết ấy trong thời buổi này dựa trên cái gì? Không rõ các nhà xã hội học trả lời thế nào? Một điều dễ nhận ra nhất, con người ngày càng có xu hướng tự giải quyết mâu thuẫn hơn là trông cậy đến cơ quan chức năng. Đụng xe ngoài đường, va chạm một chút, không khéo đổ máu như chơi; hoặc ít ra cũng là những tiếng tục tằn, thô lỗ ném ngay vào mặt.

Khiếp quá.

Với anh bạn trên facebook, sau nhiều lần ậm ừ, cuối cùng, sáng nay, y cũng quyết định đến gặp bởi lời mời tha thiết quá, dù chưa biết mặt. Tất nhiên, chẳng hào hứng gì. Vào quán cà phê, tình cờ gặp bạn thơ Trương Nam Hương, Huệ Triệu và vài người khác. Sau vài câu chào hỏi, y bước qua bàn người bạn đang đợi. “Anh còn nhớ em không?”. Y không thể nhớ. Đó là người đàn ông trẻ bị bại liệt, tay chân quặt què, miệng méo, phát âm không rõ. “Năm 2001, anh đã trao em giải khuyến khích thi thơ trẻ tại Nhà Văn hóa Bến Thành”. Trò chuyện một lúc mới biết, năm đó, sau khi học xong lớp 11, từ Quảng Nam, em vào Sài Gòn đi bán vé số kiếm sống, thỉnh thoảng có làm thơ. Em cho biết hiện nay đã mở quán cà phê tại nhà và làm từ thiện. Tưởng là đùa. Em đưa ra danh sách, có chữ ký và hình ảnh của những người có lòng. “Đó là nhờ em kêu gọi trên facebook. Công việc này không thường xuyên, lúc nào có tiền thì giúp người nghèo trong làng, xã chứ không gì  thúc bách. Mỗi suất từ thiện 70.000 đồng. Mà bọn em trao tận tay.  Về phần em, mỗi ngày trích ra 3 ngàn bỏ ống góp thêm vào”. Trò chuyện giây lát, em tặng dĩa CD Tình thơ. Trương Nam Hương, Huệ Triệu, Minh Lê cảm động và tặng em ít tiền ủng hộ…

Mọi việc nhẹ nhàng. Tự dưng thấy lòng vui. Cuộc đời vẫn còn có những con người tật nguyền cưu mang cho người nghèo khác. Lòng nhân ái như mạch nước ngầm vẫn còn len lỏi đâu đó trong đời sống. Những tấm lòng thiện nguyện vẫn còn nhiều. Đáng quý lắm. Tuy nhiên, một xã hội không bình thường là một khi còn có nhiều hoàn cảnh cần cộng đồng trợ giúp. Thật khó có thể lý giải nổi, vì sao còn có nhiều con người bình thường tự nguyện san sớt, lo lắng cho các số phận bất hạnh? Họ làm lặng lẽ, bền bĩ và không cần phải có báo chí tuyên truyền ầm ĩ. Liệu có võ đoán hay không, khi nói rằng, chính các tổ chức tôn giáo đã làm công việc này trong sáng nhất? Đành rằng, làm từ thiện không phải của riêng ai nhưng thâm tâm y vẫn tin vào thiện tâm của những con người có đức tin. Cô Bảy - vợ của T nhiều năm nay làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, hầu như những nơi vùng sâu, vùng xa nào nghèo đói nhất thì đoàn của cô đều có mặt. “Mình phải đến tận nơi, trợ giúp đúng người chứ không thể nhờ bất kỳ một hệ thống hành chánh ở địa phương nào”. Tại sao người ta lại mất niềm tin đến thế?

Ngày trước, dưới chân đèo Hải Vân có bệnh viện, làng của người cùi, chung sống cùng họ, lo lắng cho họ hết lòng và quên mình vẫn là các seur. Họ làm tận tụy công việc mà người trần mắt thịt chúng ta xa lánh là do gì? Đức tin chăng? Đừng nói tôn giáo là thuốc phiện. Do đâu về cuối đời thi sĩ Hàn Mặc Tử:

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn

Giầu nhân đức, giầu muôn hộc từ bi,

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lậm lụy vừa trải qua dưới thế

Tôi cảm động rưng hai hàng lệ?

Trang viết Sự trong sạch của tâm hồn do Hàn Mặc Tử viết vào đêm 24.10.1940 là nhằm ca ngợi công ơn các mẹ, các chị dòng Franciscain đã hết lòng chăm sóc ông và những người bạn ở trại cùi Quy Hòa. Những thiên thần ấy có thật trong đời đấy chứ? Hàn Mặc Tử gọi các chị, các mẹ là “tấm linh hồn thanh khiết”: “Hỡi các vị thiên thần của Trời, thiên thần của Chúa, thiên thần hòa bình và hoan lạc, xin hãy ném cho nhau những đóa hoa hồng, hoa súng, những điệu hát réo rắt và những hơi nhạc thơm tho, và hãy xin rưới trúc cho tràn trề nào là đức hạnh, can đảm và hạnh phúc cho những vị nữ tỳ của Đức Chúa”.

Do đâu hình ảnh các sư bà, sư chị, sư em, các seur lại luôn hiện lên trong tâm thức của y về phép lành có thật ở trần thế? Từ cảm hứng đọc bài thơ Xuân Như Ý của Hàn mặc Tử và chiêm nghiệm về thiện tâm có thật đó, đã có lần y viết bài thơ này viết cho những số phận khốc liệt không còn biết bấu vào niềm tin nào để sống - dù y không là tín đồ của tôn giáo nào:

cúi xuống niềm đau, van xin Người thứ lỗi

có một lần (chỉ một lần) như kẻ ngủ mê

như gã điên, tôi nói gì? chả hiểu

nói một lời miệng lưỡi cứ đau tê


tôi dằn vặt suốt một đêm mất ngủ

tôi nhìn tôi oán giận đến đau lòng

trời đất ơi tôi lạy Người ngàn lạy

Đức Mẹ ơi con nước chẳng xa dòng


đừng đuổi tôi trên đường xa vạn dặm

trong ngực đây chỉ có tiếng kinh cầu

tôi gọi Người giữa điêu tàn mộng mị

Đức Mẹ ơi ơn thánh rất nhiệm mầu


cúi xuống ăn năn đêm dài sám hối

trời đất ơi tôi lạy dưới chân Người

ôi Đức Mẹ của ngàn đời yêu dấu

xin dâng Người này máu đang tươi

 

xin dâng người một đức tin trong sạch

tiếng Amen trổ phước lộc đời đời

nước Thiên Chúa, xin Người mở cửa

Người mở lòng đón nhận lấy lòng tôi

 

tôi nhận lấy mùa xanh như cốm mới

Người quay về thong thả gió đang non

cửa chẳng khép, một câu thơ sám hối

Đức Mẹ ôi, che chở một linh hồn...

Bất kỳ một chủ thuyết nào, một chủ nghĩa nào, một chủ trương… nào muốn con người ta tin theo thì những người đề xướng chủ thuyết, chủ nghĩa, chủ trương… đó phải gương mẫu. Bằng không, người ta tuân theo, đi theo vì quyền lợi gì đó, vì sự o ép đổi chác nào đó chứ không hẳn từ thâm tâm. Vừa đọc đâu đó mẫu chuyện này, ngày xưa vua Louis XIV nước Pháp thường đến nhà thờ nọ cầu nguyện vào sáng chủ nhật. Dân chúng thường xuyên đến rất đông. Một ngày nọ, đức vua đến dự lễ nhưng thấy không còn sự nhộn nhịp, rộn ràng như trước. Mà vắng như chùa bà Đanh. Vua liền hỏi vị giám mục nguyên cớ vì sao? Ông này trả lời: “Thưa ngài, chính tôi đã tung tin là hôm nay Đức vua không đến thánh lễ ở đây”. Thế đấy! Một câu chuyện gợi lên nhiều điều suy nghĩ.

Trở lại với bản dịch của cô cháu gái ở xa tít Quảng Nam với bản dịch Hạnh phúc thực sự rất đơn giản. Nguyên văn như sau:

dich-tieng-TrungRR

“1. Lúc đau bụng chịu không nổi, bạn tìm mãi mà không ra toilet, đột nhiên nhìn thấy cánh cửa nhà vệ sinh, bạn xông vào ngay lập tức thì thấy đã có người trong đấy rồi. Đang lúc bó tay không biết làm sao thì cánh cửa hé mở, người ấy đã giải quyết xong “nhiệm vụ” và đi ra, tới lượt bạn xông vào. Và thời điểm bạn ngồi xổm trong toilet, đấy chính là hạnh phúc.

2. Lúc đau răng không thể tả, sau khi uống xong hai viên thuốc bạn thấy hết đau và có thể đánh một giấc ngon lành, đấy chính là hạnh phúc.

3. Lúc mọi người đang chen chúc nhau trên xe điện ngầm công cộng, kẻ khác đang đứng bạn lại đang ngồi, đấy chính là hạnh phúc.

4. Lúc bạn ăn cao lương mỹ vị trong khi nhân viên phục phụ đang quần quật bưng bê thức ăn, rót rượu, lúc bạn đang ăn kẻ khác đang nhìn, đấy chính là hạnh phúc.

5.Lúc bạn yên tĩnh nằm ngủ sau một ngày làm việc, đấy chính là hạnh phúc.

6. Lúc tỉnh giấc, bạn thấy mình vẫn còn sống, đấy chính là hạnh phúc. Bạn lại bắt đầu một ngày rất mới.

7.Bạn không có gia tài của cải nhưng bạn có một gia đình hạnh phúc, đấy chính là hạnh phúc.

8.Bạn không có nhà cửa, xe hơi, tiền bạc nhưng bạn có niềm vui, vậy là bạn hạnh phúc.

Ủa? 8 điều đem lại hạnh phúc đó ư? Nay bổ sung thêm cho đủ 9 điều vì sực nhớ rằng, ngày nọ có con kiến nọ bò vào lỗ tai con voi thỏ thẻ: “Anh ơi, em đang rất hạnh phúc vì em vừa có bầu với anh”. Nghe thế, con voi cũng hạnh phúc chứ? Không, nó lăn đùng ngất xỉu. Tongue outTongue outTongue out

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment