LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 9.9.2014


mongtay-cua-nha-nho-VN

Móng tay nhà nho Việt Nam ngày xưa - ảnh tư liệu

 

Ghi lại vài suy nghĩ thoáng qua:

- Thánh Ganhdi cho biết, ban đầu, ông không thích đọc Kinh thánh, nhất là phần Cựu ước, không đem lại cho ông sự hứng thú. “Khi ấy, tôi chỉ thấy có một hình ảnh duy nhất về đạo này là sự tự do một tay cầm chai whisky và một tay cầm miếng beef-steak. Suy nghĩ này thay đổi sau khi ông đọc phần đọc Tân ước, đọc Bài giảng trên núi của Đức Kitô. Nhắc lại, chắc dù ngoại đạo nhưng ai cũng nhớ đến câu: “Nếu ai tát má bên phải ngươi, hãy đưa luôn má bên trái”. Sau này, anh bạn Bùi Chí Vinh viết bài thơ Phản ứng sinh học cũng lấy từ ý đó: "Chúng tát vào má phải của Giêsu/ Giêsu chìa má trái/ Chúng tát vào má ta bên phải/ Ta không làm Giêsu/ Ta tập trung một thế hệ căm thù/ Để chìa ra… quả đấm”. Thánh Ganhdi cho biết: “Chính Bài giảng trên núi đã cho tôi thấy giá trị của sự kháng cự “bất bạo động”. Tâm hồn tôi tràn đầy sự vui mừng khi đọc: yêu mến kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” (Đối diện số 6 - tháng 12.1969).

- Như thế nào là tưởng nhớ tiền nhân? Là xây đền đài, nhà bảo tàng, dựng tượng, linh đình lễ hội ở khắp nơi khắp chốn chăng? Theo Jawahartal Nehru - thủ tương đầu tiên của nước Ấn Độ: “Lời cầu nguyện tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể dâng lên, đó là chúng ta thề hiến mình cho sự thật và đại nghĩa mà bậc vĩ nhân đồng bào chúng ta đã sống và chết để phục vụ”. Ý nghĩa đích thực, tư tường tích cực này dù thời đại nào, dưới gầm trời nào bao giờ cũng đúng.

- Sau khi cụ Phan Châu Trinh về nước, năm 1925, cụ ở tại khách sạn Chiêu Nam lầu của cụ Nguyễn An Khương - thân phụ Nguyễn An Ninh. Hằng ngày, nhiều người ai mộ tìm đến thăm cụ. Ngày nọ, có tốp thanh niên trai tráng đến thăm, lúc ra về họ thưa: “Kính chúc cụ khỏe mạnh luôn luôn để dìu dắt quốc dân giành độc lập”. Cụ Phan nổi giận, xách ba tong đuổi bọn thanh niên ấy chạy có cờ, cụ quát: “Các anh còn trẻ, thân dài vài rộng, không lo cứu dân, cứu nước mà ỷ lại gì vào thân già này?”. Chuyện này, không thấy ghi trong sử sách. Chỉ nghe được khi thu thập tài liệu viết tiểu thuyết lịch sử Dấu ấn Nguyễn An Ninh. Thông tin trên đáng tin cậy, phù hợp với tính cách cụ Phan - một người rất Quảng Nam.

- Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam “không phải là một chủ thuyết”, “không bắt đầu bằng một lý thuyết về bất bạo động mà bằng ý thức về những khổ đau cùng cực do bạo động gây nên”. Người Việt Nam đã có sáng tạo gì trong đấu tranh bất bạo động, khác với Thánh Ganhdi? Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra 12 phương tiện và hình thái đấu tranh như sau:

1. Triệt để nêu cao tầm quan trọng của một nền văn hóa dân tộc;

2. Khai phá một đường lối chính trị dân tộc và nhân bản;

3 .Trực tiếp đặt và giải quyết các vấn đề xã hội;

4. Phát khơi một nền văn học phản chiến qua trọng;

5. Sử dụng ca dao, hò vè, kinh cầu nguyện và sấm  truyền;

6. Liên minh với tất cả các lực lượng dân tộc và hòa bình;

7. Áp dụng phương pháp tự thiêu để cảnh tỉnh, phản kháng và giáo dục;

8. Tuyệt thực để cầu nguyện và tạo tinh thần cho đoàn kết;

9. Chặt tay để cảnh cáo bạo quyền;

10. Đem bàn thờ ra đường chận chiến xa;

11. Cạo đầu phản đối chính quyền;

12. Thực hiện bất hợp tác.

Có thể tìm đọc tiểu luận quan trọng này trên tạp chí Đối Diện số 2 (6.1969).

- Cũng theo Thích Nhất hạnh, phát động phong trào đấu tranh Phật giáo tại miền Nam 1966 là một loạt bài kinh cầu nguyện, chẳng hạn:

“Kính lạy mười phương chư Phật

Từ bi trí tuệ chan hòa, xin thương Việt Nam khốn khổ hai mươi năm lẻ can qua, đất nước hai miền chia cắt, máu xương rơi rụng trẻ già;

Mẹ khóc khô giòng nước mắt con phơi thây chiến trường xa, rách nát non sông gấm vóc, khóc thương máu lệ chan hòa, huynh đệ tương tàn tương sát theo xúi xiểm gần xa…

Kính lạy mười phương chư Phật.

Xót thương dân Việt hiếu hòa, xin cho Việt Nam mở mắt nhìn ra Nam Bắc một nhà, xin cho từ bi khơi dậy trong tình huynh đệ, xin cho lợi quyền chủ nghĩa biến thành thương cảm xót xa, lạy đức từ bi dun dủi để cho thù hận xóa nhòa…”.

Câu văn nhịp nhàng nghe như tiếng nấc nghẹn. Chép lại như một tài liệu để thấy rằng, trong tâm thức của người Việt trước lúc ra trận bao giờ cũng có những bài hịch, lời kêu gọi nhằm huy động sức mạnh toàn lực lượng. Văn nhân trói gà không chặt há nào phải vô dụng? Bút lực của các danh nhân Nguyễn Trãi, Phan Huy Ích v.v… đời sau ghi nhận có sức mạnh hơn cả vạn quân địch là vậy. Nếu nay mai xẩy ra cuộc chiến chống Trung Quốc, liệu người Việt có còn sử dụng hịch, lời kêu gọi? Chắc là có. Nói thế thôi. Trong thế giới phẳng, cuộc xâm lăng bằng vũ lực đã lỗi thời, điều cốt tử vẫn là sự xâm lăng về mặt văn hóa. Các tượng sư tử phương Bắc tự dưng một ngày thức dậy đã thấy chễm chệ từ tư gia đến chùa chiền, miếu mạo là một thí dụ sinh động. Sắp tới sẽ là gì?

- Sáng ngày 8.9.2014, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (1 Tràng Tiền, Hà Nội) lần đầu tiên triển lãm về cải cách ruộng đất. Báo TN sáng nay đưa tin: “Triển lãm có 133 hiện vật, chia làm 4 phần. Phần đời sống trước Cải cách ruộng đất có tới 45 hiện vật. Phần Cải cách ruộng đất có 18 hiện vật, tư liệu ảnh của Thông tấn xã nổi trội. Có niềm vui của người nông dân hăng hái ủng hộ chính sách cải cách ruộng đất. Có cảnh quán triệt chủ trương với công nhân. Kèm theo đó là nhiều văn bản liên quan như đơn xin hiến đất, thống kê tình hình tài sản tịch thu, cùng các bản tin liên quan đến công cuộc cải cách này. Phần Sai lầm và sửa sai lầm trong cải cách ruộng đất chiếm số hiện vật không nhiều - chỉ có 6. Phần trưng bày cuối về Hoàn thành thắng lợi cải cách ruộng đất với 34 hiện vật, trong đó có tư liệu ảnh nhân dân cắm thẻ nhận ruộng, nông dân vui sướng đốt văn tự cũ...”.

-Vài năm trước đây, tạp chí Xưa & nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có làm chuyên đề về cải cách ruộng đất.

Đôi khi tự hỏi, hình thái kinh tế - xã hội Việt Nam có đã hình thành “giai cấp” chưa? Thế nào là giai cấp, theo Từ điển tiếng Việt (NXN KHXH - 1988): “Giai cấp: Tập đoàn người đông đảo có địa vị như nhau trong hệ thống sản xuất, trong quan hệ đối với tư liệu sản xuất, trong tổ chức lao động xã hội, trong sự hưởng thụ và đo đó có quyền lợi chung, phân biệt với những tập đoàn người khác” (tr.408). Đọc các văn bản liên quan đến cải cách ruộng đất, chẳng hạn, nghị quyết Về công tác cải cách rượng đất đã được Quốc hội nhất trí thông qua trong buổi họp đêm 18.1.1957, có đoạn: “Ở miền Bắc, giai cấp địa chủ căn bản đã bị đánh đổ, chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất đã bị xoá bỏ, nông dân đã làm chủ nông thôn; nguyện vọng lâu đời của nông dân là "người cày có ruộng" đã thực hiện…”.

Thời điểm đó, “giai cấp địa chủ” đã hình thành?

Với câu hỏi đó, thú thật, y ngần ngừ quá. Không dám mạnh miệng khẳng định hay phủ nhận. Chỉ biết, giai cấp địa chủ như kiểu Trung Quốc và các nước khác thì ở Việt Nan chưa hình thành. Dân tộc Việt Nam vốn hiếu hòa, giàu lòng nhân nên dù có ăn trên ngồi tróc, có là địa chủ (ở miền Nam gọi chủ điền) họ cũng không đàn áp, bóc lột nông nô đến tận cùng xương thịt. Lịch sử nước nhà đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng nông dân chống lại triều đình hà khắc chứ không phải chống lại địa chủ. Có thể xét thấy rằng, giữa nông dân và địa chủ chưa đẩy mâu thuẫn tột cùng để dẫn đến “đấu tranh giai cấp”. Do suy nghĩ máy móc ghép các thành phần khác vào trong cái rọ “giai cấp” nên cuộc thanh trừng mới đẫm máu, bất kể đạo lý làm người.

Trước năm 1975, tại miền Nam đã hình thành “giai cấp tư sản mại bản” chưa? Nếu có chăng cũng một số ít người, còn lại, nghĩ cho cùng cũng chỉ mới là thành phần giàu có mà sự làm giàu ấy chưa tiêu biểu trong quan hệ đối với tư liệu sản xuất của cùng một giai cấp. Thế nhưng, do tùy tiện ghép họ thuộc “giai cấp”đối kháng nên mới dẫn đến sai lầm. Chìa khóa bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác có phải “chuyên chính vô sản” và “đấu tranh giai cấp”? Có điều ở Việt Nam đã hình thành, đã phân chia rạch ròi giai cấp chưa? Lại nghĩ, có hay chưa “giai cấp công nhân”? Tầng lớp công nhân ở Việt Nam chỉ mới xuất hiện từ thập niên 1920 cùng với sự du nhập của máy móc, khoa học kỹ thuật của người Pháp. Lúc ấy, họ hầu hết xuất thân từ nông thôn ra thành thị làm thuê cho Pháp. Mãi đến đầu thế kỷ XXI, thành phần xuất thân công nhân có khác gì không? Họ thật sự làm chủ máy móc hay chỉ là tầng lớp làm thuê, thuộc hạng dân nghèo thành thị? Rồi từ năm 1934, ông Phan Khôi đã phản biện là ở Việt Nam không có chế độ phong kiến; sao không đặt câu hỏi, ở Việt Nam có trải qua hình thái xã hội chiếm hữu nô lệ hay không? v.v... Những vấn đề này nên suy nghĩ thế nào? Nếu có những cuộc hội thảo khoa học bàn luận thì hay quá.

- Tối ngày 8.9.2014 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu tổ chức Kỷ niệm 95 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang (1919 - 2014) nhằm tôn vinh giá trị, tri ân công lao của cố nghệ nhân Cao Văn Lầu và các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân có công phát triển bản Dạ cổ hoài lang trở thành bản Vọng cổ. Nếu ngày đó, vợ chồng ông có con sớm như bao người khác, không đến nỗi bị cha mẹ buộc phải bỏ vợ thì làm sao ông có được sự bi thương, tấm lòng da diết yêu thương người vợ hiền để thôi thúc sáng tác Dạ cổ hoài lang. Nghệ thuật ra đời từ thổn thức tuyệt vọng không thể xẻ chia với ai khác. May mắn thay, sau khi viết xong nỗi lòng thăm thẳm rầu thảm tự lòng mình, vợ ông đã sinh con đúng như ước nguyện trong câu kết "Cho én nhạn hiệp đôi". Có phải trời cao đã hiểu lòng ông - một tấm lòng thủ y chung như nhất?  Người xưa bảo, thơ văn có thể động đến quỷ thần, nếu thế, Dạ cổ hoài lang là một thí dụ đó chăng?

                                                                                                                                                                        

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment