LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.9.2014

 

Sáng qua, xuống trung tâm Sài Gòn. Một mình. Đường phố vắng. Một không gian thanh bình. Êm ả. Không kẹt xe. Không khói xe mù mịt. Không chen lấn, náo nhiệt như mọi ngày. “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.

Về nhà. Đọc sách.

Vớ tay, tình cờ gặp tập thơ Em là gái trời bắt xấu của Lệ Khánh. In năm 1964. Nay hầu như không ai nhớ đến tác giả này. Đọc xong, cảm thấy tồi tội. Tội nghiệp. Những vần thơ than mây khóc gió, than vãn cuộc tình buồn, lúc viết chắc hẳn đớn đau lắm nhưng rồi, kẻ khác cầm lên lại thấy nhẹ tênh. Nhẹ tênh con chữ từng vật vã đèn khuya một bóng. Nhẹ tênh tiếng thời gian đi qua nhang tàn thắp khuya. Nghệ thuật đi tìm sự đồng cảm. Chẳng dễ dàng. “Mắt xanh” của tri kỷ, chẳng phải nhà nghệ sĩ nào cũng có. Bằng không, chỉ là tiếng thở dài, tiếng kêu gào, tiếng nói giữa sa mạc mênh mông. Hàng ngàn tiểu thuyết, hàng triệu câu thơ, ca khúc, tranh vẽ… ra ra mắt công chúng đôi khi có cảm tưởng như ném một vốc nước xuống đại dương mênh mông kia. Mất hút. Xa hun hút. Không vọng về một tiếng vang, một âm thanh nào. Biết thế, thấu hiểu hơn cả thế, con người sáng tạo vẫn lầm lũi đi qua trang viết mỗi ngày. Đi như lữ khách vượt qua sa mạc. Đi như mây trên trời đã hun hút dưới vực sâu.

Để làm gì?

Chẳng làm gì cả.

Một thú vui? Một lao động khổ sai? Một nghiệp chướng?

Hôm qua, một ngày ở nhà trong tâm thế nghỉ ngơi, bỗng nhiên thấy ngày dài và rộng đến vô cùng. Dài và rộng như tiếng gõ của nhịp kim đồng hồ. Từng khoảng khắc. Từng giây phút nhích chậm từng giờ. Nhìn lên, nhìn xuống, nhìn trước, nhìn sau chỉ thấy sách. Chán mớ đời. Đời sống ngoài cánh cửa mở, hiện thực ngoài cõi nhân sinh bụi bặm kia mới đáng kể. Sách vở chẳng là gì. Chỉ là những khoảnh khắc thời gian đã cô đọng. Nhịp sống náo nhiệt mỗi ngày mới là sức sống. Ngồi nghĩ linh tinh lang tang, cũng mệt. Sực nhớ đến người bạn già, lâu quá không gặp.

Chiều, đi thăm anh.

Vẫn trong cư xá Bắc Hải. Vẫn cà phê Động Hoa Vàng. Khi đến nơi đã thấy anh quét sân, từ trong nhà vọng ra tiếng đàn dương cầm. Chị Báu, vợ anh đang thả hồn theo các tình khúc lộng lẫy một thời. Đôi vợ chồng “rổ ráp cạp lại” hạnh phúc quá. Anh khoe đã tiếp tục “thi hóa” kinh Phật bằng hàng ngàn câu thơ. Ngồi trước sân nhà gió mát, tịnh không một âm thanh ồn ào, anh đem ra những quyển vở học trò, trong đó đã viết đầy các câu thơ. Ngồi nhẩn nha đọc thơ thì thú quá. Cái thú ấy chỉ nửa chừng, bởi cũng như mọi lần, từ mười năm trước đã thế, anh lại hào hứng nói về phương pháp Phathata. Nói tắt một lời, phương pháp này đã gói gọn trong mấy câu tự kỷ ám thị: “Luôn biết mình dốt/ để gọt tính kiêu/ để yêu như mới/ để cởi mối hiềm/ để thêm tinh tiến/ để biến vô thường/ để đường thử thách/ để mạnh dưỡng khí/ để trí an lạc”. Mỗi người, về già, đều có một đam mê gì đó chăng? Lúc về già, y sẽ mê gì nhất. Gái chăng? Chắc là không? Rượu chăng? Chắc là không? Mà thôi, nào ai có thể biết điều gì sẽ xẩy ra trong tương lai. Nếu biết, chắc chắn đời sống sẽ triệt tiêu hoàn toàn sức hấp dẫn. Nếu hành trình đời người phơi bày ra trước mắt như lật trang cuối tập sách đã thấy phần “mục lục”, còn gì hấp dẫn nữa?

Tình yêu cũng thế. Hấp dẫn bởi con người ta chẳng thể biết trước sẽ đi về đâu, sẽ đến đâu, sẽ viên mãn, sẽ kết thúc thế nào? Mù mờ. Mịt mờ. “Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Câu thơ vĩ đại nhất của Cung oán ngâm khúc Nguyễn Gia Thiều đã vận vào mọi kiếp người trên trái đất nhỏ bé này. Cứ thế, con người ta lại hăm hở lao đi. Có thể sẽ va vào bức tường vô hình trước mắt, vỡ trán u đầu, té nhào vào địa ngục. Cũng có thể sẽ lao lên chín cõi địa đàng trăng hoa tuyết nguyệt. Hai cảm giác ấy nào có khác gì? Đừng biết gì trước. Đừng phải suy đoán những gì sẽ xẩy ra. Cứ thế, bình tâm sống mỗi ngày. “Hãy cứ vui như mọi ngày/ Nhìn người đi như mây vô danh/ Dù chân xưa dặm nghìn/ Vẫn như còn thấp thoáng/ Dù trong ta đêm thì thầm tiếng buồn” (T.C.S).

Ai lại không Vô danh dưới gầm trời này? Ai lại không nghe trong sâu thẳm tiềm thức tiếng buồn thì thầm suốt một cõi nhân sinh? Ai cũng có đó thôi, có điều, có nghe thấy, có nhận ra hay không là chuyện khác. Tự nó, tự lúc cất tiếng khóc oe oe chào đời, tiếng buồn đã bám theo linh hồn như một bóng ma hội ngộ từ tiền kiếp. Thôi thì, cứ thế, biết thế, hãy sống nhẹ nhàng với những gì đang có mỗi ngày.

Trước kia, y viết: “Mỗi ngày một mới lạ thêm/ Mặt trời lên đặng ngắm em mỗi ngày/ Mỗi ngày, ngày một ngày hai/ Một tôi hai bóng bởi đầy bóng em”. Chỉ có tình yêu mới có thể đem lại điều kỳ diệu ấy cho con người. Một người hai bóng. Đó là ân sủng có thật và duy nhất mà Thượng đế dành cho con người. Sự bình đẳng giữa ngườ và người chính là ở đó. Còn lại, mọi sự chỉ phù du. Khi trở về kiếp tơ tắm hạt bụi, ngay cả hạt nút áo cũng không thể đem theo, ấy thế, chẳng phù du là gì? Mà ngay cả sự tồn tại, có mặt của mỗi phần kiếp cũng phù du nốt. Nghĩ lại đi, ngay dưới chân ta đứng, dưới chỗ ta nằm đã có bao nhiêu thân xác ngàn đời lãng du? Nào ai có thể biết được. Nơi chôn nhau cắt rốn chỉ là một khái niệm. Quê hương xứ sở chỉ là một khái niệm. Có lẽ suốt đời, y sẽ không thể quên được ánh mắt sâu thẳm một sự buồn rầu của cô gái Campuchia gốc Chiêm Thành đã gặp lúc hành quân trên quê hương Chùa Tháp. Ánh mắt ấy buồn? Chẳng phải. Ánh mắt ấy đau đớn? Chẳng phải. Ánh mắt ấy thế nào? Ánh mắt ấy đăm đắm, nhìn sững vào một khoảng trời chói nắng lúc đứng bên ngôi đền cổ. Ánh mắt câm nín. Ánh mắt nhẫn nhục. Tự nó đã khắc khoải một nỗi buồn sâu thăm thẳm. Số phận của dân tộc đó, mới có ánh mắt u uẩn đó. Toàn bộ tinh anh, khí cốt, hồn vía của con người ta chỉ chung quy vào trong hai con mắt chăng?

 

doan-thach-hanRR

Nhà báo Đoàn Thạch Hãn - "Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh" (Kiều)

 

Khi vừa viết đến dòng chữ này, Ngô Kinh Luân báo tin nhà báo Đoàn Thạch Hãn vừa qua đời lúc nửa khuya đêm qua. Lâu nay, anh bị tiểu đường, biến chứng qua nhiều bệnh khác. Nhanh quá. Ngày anh mới ra tù sau vụ án Hồ Con Rùa; ngày đó, y mới vừa cưới vợ. Anh đã thường xuyên đến nhà bù khú. Và hát. Một giọng hát Quảng Trị đủ sức chiếm được tình cảm nhiêu người. Có lắm kỷ niệm với anh. Rất nhiều. Sẽ kể lại sau. Gọi điện thoại test lại thông tin, chưa kịp hỏi, nhà thơ Phạm Chu Sa đã nhanh nhẩu bằng giọng buồn rầu: “Q mau vào nhà xác, sau lưng bệnh viện bướu Gia Định viếng Đ.T.H. Bốn giờ chiều nay, đưa luôn thi hài về Quảng Trị”. Ai đưa? Ở đây, anh không có nhà cửa, vì thế phải đưa ngay về quê quán. Một kiếp người đã chấm dứt. Đã kết thúc một tiếng vĩ cầm. Đàn đã đứt dây. Đã chia lìa. Mãi mãi và vĩnh biễn. Hơn ai hết, y thừa biết anh Đoàn Thạch Hãn đã tự ý thức điều này, vì thế, chuyện này chẳng gì đột ngột ít ra với chính anh, được thế, đã là sự nhẹ nhàng đón nhận nên có lẽ anh không than van gì. Một ngày cũng một đời. Rồi mỗi con người cũng đi về cõi ấy. Ngày đi về cõi ấy, không xa mà cũng không gần. Nào ai có thể biết trước một điều gì? Thôi thì, hãy ngước mắt nhìn lên trời, nhìn mây trắng đang phiêu lãng và nhủ rằng:

Người lên ngựa kẻ chia bào,

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment