LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.8.2014

 

Người Việt ngày càng xấu xí. Tại sao như thế? Loạt bài Người Việt đang rất xấu trên TN, y đọc chăm chú. Trước đây vái tháng, báo TT cũng tổ chức diễn đàn Tính xấu người Việt. Căn nguyên từ đâu, do đâu? Vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo. Không bàn chuyện này nữa. Mấy hôm nay nằm đọc những tập do bạn bè Đà Nẵng gửi tặng, Anh Hoàng Hương Việt năm nay đã 79 xuân xanh nhưng vẫn trẻ chán. Anh bảo: “Tặng sách cho Q là anh yên tâm. Ai cũng bảo Q mê sách, biết giữ sách và nhất là chịu đọc sách”. Vừa đọc qua tập Đà Nẵng khoảnh khắc 29 tháng Ba do anh và Hoàng Minh Nhân sưu tầm, biên soạn. NXB Văn Học và Hội LHVHNT Đà Nẵng in năm 2005. Số lượng in chỉ 600 quyển. Dừng lại với Chuyện nhà tư sản Phan Kỳ ở Đà Nẵng. Chuyện này, ông bạn nhà văn Hoàng Minh Nhân ghi lại theo lời kể của thiếu tướng Trần Tiến Cung.

Chuyện rằng: Bấy giờ cơ quan tình báo B54 điều tra biết ông Phan Kỳ thuộc loại tư sản có “máu mặt” tại ĐN. Nhà ông ở trên đường Trần Hưng Đạo, gần chợ Hàn. Nếu “móc nối” gia đình ông làm cơ sở cho lưới tình báo nội thành thì an toàn quá. Hơn nữa, trung tá Huỳnh Lý, cháu gọi ông bằng cậu lại là thư ký riêng của trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Một công đôi chuyện là mưu kế phải tính. Điều tra tiếp, lại biết ông Phan Kỳ có người bà con tên Quảng Khanh mà 3 người con đang sống tại Hà Nội.

Với những dữ liệu đã có, phải sử lý ra sao?

Qua thăm dò, “cấp trên” lại phát hiện ra Nguyễn Văn Quý thời “chín năm” công tác chung cơ quan với Huỳnh Lý ở Phòng Tham mưu Quân khu V. Tập kết ra Bắc, Lý từng lãnh đạo đội bóng Thể Công. Ngay lập tức, Lý được rút về đào tạo công tác tình báo, rồi cho thâm nhập vào chiến trường khu V, “cấy” vào Đà Nẵng, có bí danh N2. Với nhiệm vụ được giao, N2 đột nhập vào nhà ông Phan Kỳ. Lúc đó, N2 đưa thư và những tấm ảnh của gia đình ông Quảng Khanh để tạo lòng tin. Dù bất ngờ, sau vài lần trao đổi, ông Phan Kỳ thừa biết mình đang trò chuyện với ai. Sau đó, N2 ở hẳn tại nhà ông với vai trò gia sư cho con ông. Như cách nói của ông là cách mạng “đặt trong nhà tôi một quả bom nổ chậm” (tr.260).

Sau khi sắp xếp đâu vào đó, tình hình tạm ổn, ông Hồ Nghinh - Bí thư Tỉnh ủy cho “đường dây” đưa ông Phan Kỳ lên chiến khu. Lúc trò chuyện, ông tỏ ý lo ngại sau này cách mạng thành công thì tư sản Đà Nẵng cũng bị đánh, bị cải tạo như ngoài Hà Nội. Nhưng rồi, vì cách mạng “nên tôi gắng làm” (tr.261) - ông nói. Sau đó, N2 cũng móc nối được Huỳnh Lý nhằm khai thác thông tin bí mật. Câu chuyện kéo dài đến ngày 29.3.1975. Ngày đó, ông Phan Kỳ cho treo dây pháo từ lầu 4 chạm đất, đốt mừng niềm vui giải phóng. Hỡi ôi! Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đà Nẵng tiến hành cải tạo tư sản. Ông kêu cứu ông Hồ Nghinh “Nhưng dù là Bí thư Tỉnh ủy có uy tín lớn với dân Đà Nẵng, Quảng Nam và cả Khu V cũng không cản lại những sai lầm của một thời ấy. Đành cắn răng và bó tay” (tr.265).

Nếu câu chuyện dừng lại đây, chẳng việc gì y phải kể lại. Hoàn cảnh rất nhiều người, trong đó có gia đình y cũng chẳng khác gì.

Cái hay và bất ngờ nhất từ một nhà tư sản “gộc” trở thành kẻ trắng tay, ông Phan Kỳ đã kỳ khu, "lạy lục cúc bái" xin ban cải tạo tư sản cho lại một tấm gương. Họ vặn vẹo bắt bẻ: "Ông xin để làm gì?” rồi quát tháo, nạt nộ nhưng ông vẫn bấm bụng, xin cho bằng được: “Tôi xin làm kỷ niệm, để soi gương mặt mình và bè bạn…” (tr.265). Rồi, ông ngồi xích lô chở đến tấm gương tận nhà thiếu tướng Trần Tiến Cung để tặng. Ông Cung không dám nhận, hỏi ý kiến ông Hồ Nghinh thì được khuyên cứ nhận.

Khi Hoàng Minh Nhân chép lại chuyện này, nhà tư sản Phan Kỳ đã ra người thiên cổ. Điều y thắc mắc, tại sao ông lại chọn tấm gương chứ không là vật gì khác? Câu hỏi không có câu trả lời. Mà những người trong câu chuyện này đã thuộc về dĩ vãng. Tưởng rằng dĩ vãng, có những câu chuyện thuộc về dĩ vãng nhưng không giải quyết sòng phẳng thì đời sau vẫn còn nhắc đến. Thỉnh thoảng người ta vẫn còn nhắc lại những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1975, cũng chọn in lại trong tập sách này:

Tôi lại mơ trên Thái Bình Dương

Tổ quốc ta như một thiên đường

Của muôn triệu anh hùng làm nên cuộc sống

Của tự do, hy vọng tình thương.

Có thật không? Nhắc lại câu thơ ấy với thái độ thế nào mới là điều cần suy nghĩ. Mấy hôm nay là những ngày rằm tháng Bảy. Tháng cúng cô hồn. Nhiều suy nghĩ riêng tư. Những lúc tỉnh giấc nửa khuya. Lại nghĩ ngợi. Sống trên đời không khó. Sống phải tự ứng xử với với chính mình mới là khó. Có những điều tự mình chẳng thể tìm ra câu trả lời. Vẫn biết thế. Lại không tin thế. Oái oăm là thế.

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô,

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Ngọn đường lê lác đác sương sa,

Lòng nào là chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.


Đọc lên, nghe đìu hiu không gian ba chiều. Nhưng câu thơ này mới ám ảnh vô cùng, vô tận trong hỗn mang cõi người: “Trong trường dạ tối tăm trời đất”. Câu thơ gờn gợn trên từng phiến da non, trên từng sợi máu đang đông đặc lại như mảng đêm đã dựng lũy xây thành. Buổi chiều trong những ngày này, đôi khi thèm ngồi với một hai người bạn. Ngồi để nhìn nhau. Và chẳng phải nói với nhau một điều gì. Cứ ngồi nhìn nắng chiều trong một ngày sắp tắt. Rồi, đứng dậy chia tay nhau. Mỗi người một con đường. Một đời sống. Tình bạn, đôi khi chỉ cần thế. Đã qua rồi cái thời gặp nhau ồn ào, chìm lỉm xuống đáy ly mà men say bốc ngược lên đầu với phát ngôn huyên hoang bán trời không thèm mời thiên lôi chứng kiến. Những ngày ấy đã xa. Chẳng phải y đã già. Mà y cảm thấy mọi việc diễn ra của từng ngày, mỗi ngày, hằng ngày không nhú lên một mầm xanh của niềm vui, dù sự hy vọng ấy chỉ mong manh như nắng nhạt cuối ngày. Tự dưng lại thích cách thư giản của người Nhật, đã đọc đâu đó, lâu lắm rồi. Nơi ấy, có những căn phòng thanh tinh, nến thơm, trầm ngát của các vị thiền sư. Những kẻ phàm phu tục tử, lúc ngao ngán, chán ngán, bẽ bàng với đời sống hiện tại tìm đến. Họ bước vào phòng, ngồi và nhìn chậu bon sai trước mặt. Chỉ có thế. Nhìn chỉ để suy ngẫm về chặng đường đã khuất xa bóng tối. Họ ngồi hằng tiếng đồng hồ. Tịnh tâm. Tịnh khẩu. Biết đâu đó chính là lúc:

Em hãy cười lên vang cõi âm,

Khi trăng thu lạnh bước đi thầm.

Những hồn phiêu bạt bao năm trước,

Nay đã vào chung một chỗ nằm.

Chỗ nằm ấy ở đâu? Đinh Hùng bảo:

Ta đi, lạc xứ thần tiên

Hồn trùng dương hiện bóng thuyền U Minh

Cần gì. Không cần đâu. Những ngày rằm tháng Bảy, Nguyễn Du đã nhìn thấy: "Cõi dương còn thế nữa là cõi âm". Thấy gì? Nhìn ra gì? Chỉ có thể ngày tháng đi qua đã tuột dần, phai dần sức sống để hiện hữu một tiếng cười không âm thanh không ngân vang mà khô đọng như giọt máu. Đành lòng vậy. Vẫn mỗi ngày mở mắt dậy, cúi xuống thắt chặt dây giày và bắt đầu cuộc viễn du của 24 tiếng đồng hồ. Rồi đứng dậy lao về phía dòng đời đang cuồn cuộn chảy. Vâng, không cách nào khác. Đã hiện diện trên cõi sống thì chẳng thể nào tách khỏi thế giới chung quanh với đủ mọi gam màu hỉ, nộ, ái, ố, tam bành, lục tặc… Hạnh phúc là đó. Khổ đau là đó.

Hôm kia có niềm vui nho nhỏ, do đọc Nhật ký 6.8.2014 nên mấy đồng nghiệp nữ ở cơ quan đã mua tặng y bình đầu gội đầu và nhấn mạnh: “Lần sau nhớ mua đúng loại này. Anh còn sử dụng loại “Nước xả làm mềm vải đậm đặc” là hết còn có cơ hội đi hớt tóc đó nghen”. Chiều nay, có mặt ở phim trường HTV 1 để trả lời phỏng vấn một chương trình về hôn nhân gia đình. Trưa nay, viết mấy câu thơ:

Em rằng: “Thơ của em đâu?”

Trăng non rời rạc rầu rầu cỏ xanh


Đèn khuya phố xá loanh quanh

Chim kêu khắc khoải lũy thành vẹo xiêu


Em rằng, thơ của em yêu

Sợi lông mày nhíu níu chiều nhẹ tênh


Tầng cao tiếng sóng xô ghềnh

Âm thanh náo động vang rền tiếng thơ


Tình tôi lạc bến xa bờ

Con sông ngày nọ hững hờ chảy xuôi


Em rằng, thơ của Ngày Vui

Xẻ đôi dòng chữ ngược xuôi đường trần


Thưa rằng, nhìn xuống mộ phần

Trên tay lưu dấu nợ nần chưa phai


thuc-oanh-va-QuocRR


Cùng đồng nghiệp Thục Oanh tại báo Phụ Nữ TP.HCM trưa ngày 11.8.2104


DSCN1672phim-truongHTV-1

Cùng MC Thảo Vy tại phim trường HTV 1 chiều 12.8.2014

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment