LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.7.2013

 

DSC08781RRR

Đi và viết, từ trái: nhà báo Hữu Thân, Lê Minh Quốc, Lê Thành Phong, Nhật Lệ (Ninh Bình)

 

Lúc nào con người ta bắt đầu già? Chừng hai mươi năm trước, khi đặt chân đến một vùng đất mới, y luôn ghi chép cẩn thận những gì đã thấy, đã nghe mà y cho là mới lạ, lúc quay trở về nhà, dù không ai bắt buộc vẫn có bài viết về nơi ấy. Viết tràn trề cảm xúc tươi mới, hào hứng. Chao ơi! Thời trẻ ấy, ai cũng hăm hở, trẻ trung, nhanh nhậy. Vẫn còn nhớ lúc từ Hà Nội cùng Fahasa viếng Đền Hùng; cùng Hữu Thân, L.K.T chiêm bái Đền Trần; thăm nhà con gái Vũ Trọng Phụng, Nam Cao; cùng Đoàn Tuấn phóng xe máy vào Nam Định thăm nhà cũ của Tú Xương v.v… và v.v... Đi và viết. Không mệt mỏi. Thời ấy chỉ gõ máy chữ, ít lưu giữ lại.

Bây giờ đã khác.

Đi không còn mang tâm trạng náo nức, khám phá về lịch sử, văn hóa, con người… nơi ấy, chỉ muốn có một không gian riêng, tha hồ mơn man cảm giác. Một không gian thiên nhiên riêng biệt. Tắt điện thoại. Không vướng bận. Chỉ hai người. Cùng trở về thuở hồng hoang địa đàng nơi trần thế. Chỉ là sự phiêu lưu tận cùng của cảm giác. Quan sát thiên nhiên trên vùng miền da thịt một người. Quan sát không để viết. Để tận hưởng cảm giác.

Một người mời đi Hồng Kông với điều kiện lúc về phải có bài trên báo. Bèn từ chối. Ngày trước, OK ngay. Đi để mở rộng tầm nhìn và viết. Nay đã lười, chỉ muốn đi theo cách đi và chơi của mình. Không ràng buộc đám đông. Gò bó theo chương trình cụ thể. Khi nhận lời mời của người ta đi chơi, thật ra đi công tác. Mọi hoạt động trong ngày phải tuân theo một lịch trình đã sắp xếp trước. Không thể giờ này việc nọ. Đúng răm rắp. Như cái máy. Chỉ thoáng nghĩ, đã thấy mệt, ở nhà sướng hơn. Chẳng phải một ràng buộc gì về giờ giấc, công việc và nhất là không phải đau đáu sau chuyến đi phải “trả nợ” bằng bài viết cụ thể.

Mệt.

Sáng nay, mới sáng sớm, đồng đội cũ đã réo điện thoại rủ ở về ĐN chơi. Chúng nó uống cà phê ở núi Sơn Chà. Đã đời mây trắng chưa? Xong lại thuê một chiếc xe chừng vài chục chỗ, vi vu vào Tam Kỳ. Trên đường đi sẽ réo  thêm bạn bè, ai muốn đi, cứ việc ra ngoài quốc lộ 1, xe ngang qua đón luôn. Đi thăm bạn bè của chiến trường K còn sống sót. Sở dĩ vào Tam Kỳ bởi Đ.Tuấn đang ở ĐN, đang cần tìm cảm hứng, kỷ niệm, chi tiết gì đó cho tập sách đang viết dở về ngày tháng ở K. Có dịp thăm nhau luôn thể. Sướng quá.

Y nhìn vào lịch làm việc trong ngày. Nghe bạn bè oang oang quan điện thoại. Tự nhiên tủi thân quá chừng.

Lại nhớ, trong những ngày ra Hà Nội, dạo ấy, liên tục thúc giục Đoàn Tuấn phải viết lại ngày tháng ở Kampuchia. Viết ngay thôi, bởi trí nhớ còn tốt, cảm xúc còn dạt dào. Chừng vài năm nữa, muốn viết cũng khó. Tập sách Những người không gặp lại nữa hoàn thành và xuất bản. Một phần nào kỷ niệm về của ngày tháng đó, về những anh em chết trẻ cũng đã trang trải trên trang giấy. Đỡ ân hận. Những số phận ném vào cuộc chiến không còn dấu vết.

Mùa mưa 1980, ở biên giới Anlungveng vẫn còn chằng chịt trong ký ức. Đêm đó cùng Trần Tuấn Bảo, Hiền Nhân vác súng qua D 10 ngồi uống rượu với Nguyễn Đăng Lâm, Vũ Đình Chiến… trên đường về, địch tập kích vào doanh trại. Chạy trối chết, về đến đơn vị lao nhanh xuống chiến hào. Khói thuốc súng đậm đặc. Cơn say đã tỉnh. Ngước nhìn lên trời mù mịt mưa, thấy nẽo về còn xa lắm.

Mùa mưa 1980, về hậu cứ cõng đạn, tải gạo bị phục kích liên tục. Sau những trận đánh, anh em lại đi tìm thân xác bạn bè. Những thịt xương tan nát. Thu gom lại. Rửa sạch bằng rượu. Xếp ngay ngắn trên chõng tre giữa rừng. Làm sao có thể tìm lại đủ một hình hài nguyên vẹn? Một lán trại dựng lên ngay trong doanh trại, xếp anh em tử sĩ nằm đó. Chờ đưa về hậu cứ. Có những ngày đường giao thông tắt nghẽn. Không còn cách nào khác, phải chôn thôi. Đặt anh em từng người nằm trong võng bạt. Đưa về với đất. Mỗi anh em đều có thêm tờ giấy cỡ bao thuốc lá ghi rõ họ tên, đơn vị, quê quán, ngày mất và nhét vào lọ penicilin. Bịt kín lại. Đặt trong túi áo. Sau này, đơn vị cải táng sẽ biết thông tin. Ngày tháng đó, mìn giăng khắp nẻo đường. Loại mìn ríp. Mìn K 63. Mìn claymo. Mìn nhiều như vãi trấu. Mỗi sáng, khẩu phần ăn là hai bát cơm. Nhét thêm vào túi cóc ba lô một cục cơm vắt dành cho bữa ăn trưa. Đi và đi. Đi truy quét. Đi phục kích. Đi cõng đạn. Đi tải thương. Đi vác gạo. Ngày tháng nặng nề.

Mùa mưa 1980, tấn công đồi Con Cá. Bị lọt vào ổ phục kích. Anh em chạy tán loạn. Vấp mìn chết. Lâm vứt luôn cả DKZ. Cả một trung đội tan nát. Nhớ lại vẫn còn nghe tiếng súng ì ầm. Nhớ cả ụ mối, gốc cây đã che khuất một tầm đạn. Quay về doanh trại. Còn nhìn thấy mặt nhau là mừng. Thời đó, còn trẻ quá. Chỉ mới mười tám đôi mươi. Những đồng đội chết trẻ quá. Mỗi lần nhớ lại rưng rung. Muốn khóc. Có một thể hệ tuổi trẻ chưa kịp lớn đã chết. Nhớ anh em quá. Ngày đó, y cũng trẻ. Cõng trái đất nặng ba ký lô là những gạo, đạn, mìn đi vào cuộc chiến tàn khốc trên quê hương Chùa Tháp. Những đêm nằm trong căn hầm chữ A, chữ Z treo võng tòng teng, dưới đất sũng bùn lầy và nhớ về ánh đèn thành phố. Nhớ con đường học trò. Tuổi trẻ khốc liệt. Tuổi trẻ cô đơn. Tuổi trẻ không có ngày mai chỉ có những khẩu lệnh nhà binh sẳn sáng tác chiến.

Mùa mưa 1980, đơn vị nhận lệnh rút về tuyến sau dưỡng binh. Khi ấy, toàn bộ doanh trại vẫn giữ y nguyên, chỉ có khác là đã giăng mìn khắp nơi. Nghi binh nhằm đánh lừa địch. Cả đội hình rút quân vào lúc rạng sáng. Còn ngoái nhìn lần cuối cùng nấm mồ anh em nằm lại. Lặng lẽ đi. Mưa như trút. Dằn dặc hơn năm năm trời ở K. Ngẫm lại thấy dài hơn cả đời người. Dài hơn cả tháng ngày sống sót trở về. Đã là lính, dù lính của thời nào cũng chỉ ước mơ một con đường cuối cùng. Đoàn Tuấn gọi “Đường lính”:

Không cần vé vẫn lên tàu đi B

Sang K, C cũng chẳng cần hộ chiếu

Những con đường chiến tranh đơn điệu

Lính chỉ mong: một lối trở về!

Lại nhớ năm 1998, khi phát hành tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc. Tuấn đã đem vài trăm tập vào Tam Kỳ tặng cựu binh của sư đoàn 307. Lúc ấy, báo chí từ Nam chí Bắc khen ngợi nhiều. Duy chỉ có một tờ báo  ở HN đưa tin nhảm nhí, thiếu thiện chí. Đồng đội cũ bất bình lắm, trong đó có N.Đ.Huần. Trong lời Tựa của phần thơ Đoàn Tuấn in trong tập Đất bên ngoài Tổ quốc, y viết: “Hình như Huần rời khỏi chúng ta vào ngày 27.8.1980? Quốc lật trang nhật ký thì trong ngày hôm đó có ghi bài thơ tặng Nguyễn Đình Huần:

Im nghe từng giọt mưa đêm

Như từng giọt máu rơi trên hình hài

Tình yêu bầm tím hai vai

Phố xưa hoang vắng trong ngày Prech-vihear

Im nghe trăm mảnh trăng khuya

Tan trong dĩ vãng đầm đìa thương yêu

Sao nghe từng nỗi quạnh hiu

Sầu ngông vật vã tim yêu ngỡ ngàng

Nhớ về ngày cũ miên man

Từ Liêm (Hà Nội) bàng hoàng mộng du...”

Ngày đó, Huần rời khỏi quân ngũ. Về HN không sống nổi, phải lang bạt kỳ hồ và cuối cùng dăm ba lần vào tù ra khám. Trời, chẳng biết trường đời đã giáo dục, dạy dỗ, rèn luyện thế nào mà từ bạch diện thư sinh, hắn trở thành tay đâm chém cộm cán. Chằng chịt dấu xâm. Loang lổ vết chém. Đang ngồi lai rai, giật thót người, khi nhìn đàn em lũ đầu trâu mặt ngựa đến xin ý kiến hắn xử vụ này vụ nọ. Ớn quá. Chẳng rõ, Huần thế nào rồi? Có lẽ đã mỏi cánh? Đã rời khỏi đường bay? Rồi người ta cũng già thôi, chẳng ai thể ngựa non háu đá mãi.

Vậy, lúc nào con người ta còn trẻ?

Trẻ là lúc năng lực yêu còn dữ dội. Như sóng. Từng ngọn sóng mạnh mẽ lao vút lên tận trời xanh. Môi đang hôn người này, mắt liếc nhìn người kia, tay sờ soạng kẻ khác. Chuyện trò với người này mà trong óc nhớ đến người kia. Nằm với người này, lại gọi tên người kia. Lúc đã gặp người kia lại tơ tưởng đến kẻ nọ. Tấm lòng từ bi, sẵn sàng săn đón bất kỳ bóng hồng nào đang bước qua. Thừa sức khỏe đeo đuổi, san sẻ tình cảm một lúc cho nhiều người. Thừa sức mọc cây si trước nhà nhiều người. Thừa sức rú lên thảm thiết:

Mỗi lần yêu là một lần suýt chết

tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều

Tưởng đã tởn tới già, không, lại toét miệng cười hơ hớ lao theo hình bóng khác. Mà thôi, đến lúc nào đó, con người ta chỉ muốn yên ổn với một người. Không léng phéng gì nữa. Ấy là lúc con người ta đã già.

Chiều nay, sẽ gặp vài người bạn không bao giờ già để bàn thêm về số phận của tờ A.T. Chỉ nghĩ rằng, tờ A.T cũng thế. Lúc nào cũng trẻ. Sau này, ai có muốn làm một luận văn khoa học về tờ A.T để qua đó có thể biết được sự hình thành của một thế hệ cây bút trẻ, chỉ có thể tìm mượn tư liệu ấy ở anh Đ.T.Biền. Anh có đủ bộ sưu tập về tờ A.T. Ban đầu, NXB Trẻ giao anh trực tiếp làm, sau đó, chuyển về Công ty Phương Nam một thời gian ngắn. Rồi đình bản. Rồi báo TT nhận làm, người trực tiếp vẫn hai ông anh Đ.T.B và N.Đ.T, còn y, chỉ hụ hợ bên ngoài cho xôm tụ thôi.

Chiều nay, nắng đẹp. Chẳng hiểu sao lại nhớ đến câu thơ rất hay của Phạm Hầu: "Chân em trắng vậy mà  lòng anh lạnh". Chỉ có thể viết được câu thơ ấy khi còn trẻ.

Y đã già rồi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment