LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.7.2013

 

Mèo khen mèo dài đuôi? Ắt có. Y viết nhật ký có hay không? Ắt có.

Nếu không hay, sức mấy ANTG giữa tháng - tờ báo có số lượng in vài trăm ngàn bản, vừa phát hành sáng nay đã in trọn Nhật ký 29.6. 2013. Các anh không biên tập gì, dù chỉ một chữ.  Anh B vui. Vậy là đủ. Chơi với nhau, bạn bè vui là mình vui. Lấy cái vui của bạn làm niềm vui của mình, để thấy, niềm vui không bao giờ khánh kiệt.  Chơi với nhau, lấy cái thất bại, cái đau buồn, cái sai sót của bạn làm niềm vui thì tàn nhẫn quá.

 

Bien-ANTG1

 

Y viết nhật ký có hay không? Ắt có.

Nếu không, sức mấy trên facebook của y, bạn Trần Thị Nhung comment một câu rất đỗi chân tình: “Em n rat ghet ai doc nhat ky cua minh va cung khong to mo doc nhat ky cua nguoi khac, nhung gio lai rat hay "doc len" Nhat Ky cua anh LMQ:Smile-) Thich mot so goc nhin cua anh ve con nguoi, cuoc song”. Nếu không hay, sức mấy bạn hiền là nhà văn B.N có nhã ý sẽ in nhật ký thành sách? Nếu không hay, sức mấy mỗi ngày mở tin nhắn lại thấy dòng chữ nhắc nhở: “Chưa nhật ký à?”. Quái, trước đây, mỗi ngày, nàng luôn hỏi “Thơ của em đâu?”. Thì đây:

em rằng: "thơ của em đâu?"

rằng thưa, mây trắng dạt dào lãng quên

 

chân mây ngày tháng lênh đênh

chờ em quay lại chưa quên đường về

 

không là thuốc lú bùa mê

chỉ là biển hẹn non thề đó em

 

rằng thưa, ngày cũng như đêm

đêm dài thăm thẳm lại thêm một ngày

 

tương tư nằm gọn trong tay

xòe ra thấy sợi tóc gầy như trăng

 

vuốt ve từng ngón búp măng

câu thơ thức dậy thưa rằng: “yêu em”

(2010)

Bây giờ lại khác. “Những ngày thương nhớ online”, dòng chữ đầu tiên và kết thúc, bao giờ một câu hỏi nũng na nũng nịu như đứa trẻ mè nheo hỏi quà lúc mẹ đi chợ về: “nhật ký em đâu”. Thì đây:

em rằng: "nhật ký em đâu?”

rằng thưa, con chữ té nhào xuống sông

 

vớt lên lại thấy dáng hồng

thướt tha váy mỏng phiêu bồng gió mây

 

rằng thưa: “Nhật ký hôm nay”

vẫn da thịt nọ đọa đày hương sen

 

chữ chìm bóng chữ Mùa Quên

ngày trong Hiện Tại lụa mềm gối chăn

 

cắn tình ê ẩm dấu răng

soi gương lưu dấu vĩnh hằng Ngàn Sau

 

em rằng: “nhật ký em đâu?”

rằng thưa, mây trắng dạt dào thiên di…

(11g15 ngày 8.7.2013)

Ngày từng ngày vẫn thế. Không gì xáo trộn. Yên ổn. Bình yên. Sực nhớ câu thơ của Nguyễn Duy:

Thơ ơi ta bảo thơ này

Để ta đi cấy đi cày nuôi em

Nghe thương quá. Thêm yêu một ngày. Hôm qua, ngày 7.7 có một sự kiện khó quên. Ngày 7.7.1963, nhà văn Nhất Linh kết thúc cuộc đời chính trị vì phải ra Tòa án quân sự của Ngô Đình Diệm vào sáng hôm sau, do liên quan đến cuộc đảo chánh của đại tá Nguyễn Chánh Thi. Ông tự uống độc dược và để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử”.

Vì thế, nằm đọc lại Nhất Linh.

Trước đây, bạn y, nhà văn Vu Gia có viết tập sách Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học. Có nhiều tư liệu quý. Nhưng chắc chắn, thiếu tư liệu này: Điếu văn  của VNQD Đảng đọc trong lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Tường Tam tại vườn Tao Đàn ngày 05.1.1964. Bản này quay ronéo. Độc chưa? Y tìm được lúc bắt tay viết về danh nhân Nguyễn Thái Học.

 

RRnhatlinh

 

Vai trò của Nhất Linh với Tự lực văn đoàn, chứng tỏ ông là thủ lĩnh số một. Thủ lĩnh của báo Phong hóa, Ngày nay và Tự lực văn đoàn mà phải còn lâu, rất lâu nữa, có khi hàng trăm năm nữa mới có một Tự lực văn đoàn như thời của Nhất Linh. Trong đề dẫn Hội thảo 80 năm Thơ mới và Tự lực văn đoàn, PGS Trần Hữu Tá khẳng định hoàn toàn có cơ sở là đã: “Hoàn tất quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc chỉ trong hơn một thập kỷ (1930 - 1945), đưa văn học nước ta từ quỹ đạo văn học trung đại hòa nhập chung dòng chảy của văn học thế giới hiện đại”.

Dấu ấn của Tự lực văn đoàn là một đóng góp lớn cho văn hóa nước nhà. Không phải bây giờ, thế hệ sau vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, còn phải trả lời những câu hỏi, những vấn đề về nhân sinh, xã hội mà Nhất Linh và Tự Lực văn đoàn đã khởi xướng. “Những tác phẩm ấy đúng là không dạy họ làm cách mạng, không kêu họ đứng lên chống Pháp nhưng đã giúp họ yêu thiên nhiên đất nước mình, biết yêu những tâm hồn Việt Nam trong sáng với những mối tình chân thực, biết yêu tiếng mẹ đẻ của mình… biết buồn những nỗi buồn mất nước, biết đau, biết nhục vì cảm thấy “thiếu quê hương” ngay trên đất nước mình. Như thế chẳng có hại gì cho cách mạng mà trái lại chuẩn bị cho họ về tư tưởng để sẵn sàng hưởng ứng cách mạng” (GS Nguyễn Đăng Mạnh).

Có một thời, trước 1975, ngoài Bắc không đề cập gì đến Tự lực văn đoàn, muốn xổ tẹt, chối bỏ; trong Nam các nhà văn của nhóm Sáng Tạo những muốn mổ xẻ, phê phán “văn nghệ tiền chiến”, tất nhiên trong đó có Thơ mới” và Tự lực văn đoàn.Ngay cả nhà phê bình Hoài Thanh - người có công rất lớn với phong trào Thơ mới, nhưng rồi có lúc quay lại phủ nhận thành tựu của nó. Đúng như Xuân Sách giễu cợt:

Thi nhân còn lại chút duyên

Lại vò cho nát lại lèn cho đau

Nhưng rồi mọi phủ nhận nào cũng không thể.

Đọc lại những Phong hóa, Ngày nay ta nhận thấy không một nhân vật nổi tiếng nào mà Tự lực văn đoàn không chế giễu. Có lẽ nhiều nhất vẫn là Tản Đà, nhưng chính Tản Đà về cuối đời đã cộng tác thường xuyên với Ngày nay trong mục dịch thơ Đường ra tiếng Việt. Hồi ký văn học Trong bếp núc của Tự lực văn đoàn nhà thơ Tứ Mỡ kể: “Tản Đà là người biết đùa, không giận. Một hôm sau khi đọc bài thơ Giời đày Nguyễn Khắc Hiếu, nhà thơ đích thân đến tòa soạn, cười ngất phê bình: “Bài thơ thú lắm, nhưng mà xược!”. Anh Khái Hưng hỏi: “Thực tình anh có giận chúng tôi không?. Tản Đà cười khà đáp: “Chúng ta ví như những vai hề trên sân khấu, có khi giễu xỏ nhau ở rạp hát để thiên hạ mua vui. Nưng diễn xong trò, ta vẫn là ta, bạn đồng nghiệp cả, việc quái gì mà giận nhau”.

Ôi Tản Đà tiên sinh, quá tuyệt. Một nghệ sĩ thứ thiệt.

Riêng tài liệu về Nhất Linh, sẽ tặng lại Vu Gia, bởi anh đã nhọc công, tâm huyết nghiên cứu chu đáo về các nhân vật trụ cột của Tự lực văn đoàn. Chỉ là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng với các tập sách viết về Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Tú Mỡ... của Vu Gia đã khiến giới nghiên cứu phải nghiêng mình thán phục. Tương tự, quá nể, quá hữu ích khi đọc những tập sách nghiên cứu có tính chất tiên phong như Ngàn năm áo mũ (Trần Văn Đức), Văn minh vật chất của người Việt (Phan Cẩm Thượng)... Các luận văn tiến sĩ còn thua xa, thua từ rất xa...

Y viết nhật ký có hay không?  Ắt có. Vậy có thơ rằng:

em rằng: “nhật ký em đâu?”

hãy nhìn nước chảy chân cầu lãng du

 

ngày xa mưa tuyết mịt mù

bông hoa xanh thắm lời ru đắm tình

 

yêu người, yêu lấy yêu tinh

ngũ âm vọng cổ điêu linh hóa vàng

 

hãy nhìn xuống ngón tay ngoan

còn không ve vuốt nắng vàng tốt tươi

 

Mùa Thơm da thịt của người

vẫn còn ám ảnh cuối trời mưa mau

 

em rằng: “nhật ký em đâu?”

hãy nhìn gió cuốn ngàn dâu lụy tình…

(12g26 ngày 8.7.2013)

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment