LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.7.2013

 

“Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú… Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi?”. Văn xuôi Hàn Mặc Tử lung linh ánh sáng. Đọc thoáng qua. Nhớ. Đã nhớ. Quan niệm về công việc làm thơ của một ngôi sao băng vụt qua vòm trời thi ca Việt Nam hiện đại, một lần lóe sáng. Rực rỡ. Chói lòa. Chỉ một lần và không quay trở lại nữa. Tôi hiểu làm thơ là khai thác từ nội tâm, tiềm thức chính mình. Một làn roi quất nghiến trong trí nhớ, từ nàng, sẽ vọng lên những câu thơ hoặc máu lệ; hoặc hân hoan ca ngợi một niềm mặc khải từ trời cao rót xuống đời đời. Cứ thế, những câu thơ đã viết. Nhớ Hàn Mặc Tử. Đã nhớ.

 

bien-nhau-R

Từ trái: Đoàn Thạch Biền, Trần Hoàng Nhân, Lê Minh Quốc, Nguyễn Đông Thức (ảnh: Đinh Thu Hiền)

 

Không làm thơ thì hãy đọc sách. Làm sao có thể kiên nhẫn đọc hết những quyển tiểu thuyết dày cộm. Thời sinh viên, ngấu nghiến đọc. Những gì đã đọc, đọc nhiều nhất vẫn là thời máu xanh lòng tơ chưa vướng víu bụi bặm, tị hiềm, cơm áo ghì tâm hồn sát rạt xuống mặt đất. Tâm hồn còn lững lơ trên mây. Treo ngược cành cây. Đọc nhẹ nhàng. Thong dong. Bây giờ lười đọc. Đọc nhanh và vội. Chỉ hay đọc báo. Dễ tiêu hóa. Đọc một quyển tiểu thuyết phải có có khoảng khắc dọn lòng mình và bắt đầu sống với thế giới của nhân vật.

Trên giường nằm là hai cuốn sách viết về sex. Tình dục. Ngoại tình. Tác giả là đàn bà. Đàn bà viết văn. Đàn ông viết văn về đề tài này có thể không phải chịu áp lực nào. Đàn bà lại khác. Tự họ phải vượt  ra ngoài định kiến của xã hội và của chính họ.  Và họ cần có một người phải cảm thông. Ấy là chồng / người tình chia sẻ với trang viết. Nếu không ngòi bút chỉ dừng lại. Cựa quậy khó khăn.

Giải mã dục vọng - nguyên tác Lust in translation là tác phẩm thú vị của nữ nhà báo Pamela Druckerman, NXB Thời Đại vừa ấn hành qua bản dịch của Lâm Thanh Tùng. Cô nhà báo này “điều tra” về chuyện ngoại tình. Tại sao ngoại tình? Đọc đi. Nhiều tình tiết hay. Trang cuối cùng: “Chắc có rất ít đàn ông dám cầu hôn một người phụ nữ viết sách về ngoại tình như tôi, nhưng anh ấy không những cưới tôi mà còn đọc qua mọi trang bản thảo. Tôi sẽ luôn mang ơn trí tuệ, lòng dũng cảm, sự nhẫn nại và tình yêu anh ấy dành cho tôi”. Rõ ràng, cần có sự cảm thông.

Mấy lần lai rai, anh B lúc cao hứng lại ca quyển 50 sắc thái - nguyên tác Fifty shades of grey - NXB Lao Động ấn hành qua ản dịch của Tường Vy. Sáng qua, vào nhà sách tìm mua cho bằng được. Đang đọc. Trang đầu tiên: “Dành tặng Niall, chồng tôi. Cám ơn anh đã chịu đựng nỗi ám ảnh của tôi, luôn bao dung như một vị thần, và đã cùng tôi sửa bản thảo đầu tiên”. Tiểu thuyết này viết về tình dục, các động thái, tâm lý, tâm trạng của con người khi mây mưa trăng hoa tuyết nguyệt trên cõi thiên đàng là căn phòng khép kín. Viết chi tiết. Nói như nhân vật Grey: “Đừng tốn công lo lắng về cảm  giác, về tội lỗi, hay vì lẽ đúng sai, Ana, Em và tôi là những người trưởng thành tình nguyện đến với nhau và chúng ta làm những việc đó chỉ có hai chúng ta biết, đằng sau cánh cửa đóng kín. Em hãy giải phóng tâm trí để lắng nghe thể xác của mình hơn”.

Cả ba tập dày đến gần 2.000 trang in. Chữ nhỏ. Bao giờ đọc xong?

Đêm qua, lai rai với anh Biền, Thức, Nhân. Thêm vài người bạn. Cũng là gương mặt cũ. Chỉ là cái cớ để “rửa sách” tái bản của anh B. Cho nó vui. Có cái cớ nhậu, mới không áy áy bởi đã phí phạm thời gian. Muốn hân hoan tửu lượng phải tìm một cái cớ. Dù chính đáng hoặc không. Phải có cái cớ. Nếu không, lúc tan canh gió lộng ngoái nhìn lại trên bàn thấy ngổn ngang ly chén xen kẽ giọng cười tiếng nói hầm hố lộng ngôn là lại có cảm giác phí phạm thời gian đã trôi qua. Câu chuyện lan man đến sự cẩu thả, lười đọc của nhiều nhà báo. Cụ thể, trong tác phẩm Ve vãn Sài Gòn, Chị Đẹp viết: “Nếu lấy một cái compass và dùng Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố làm một cái tâm, xoay một vòng trong bán kính độ chừng 1 cây số, đó có lẽ là Saigon trong suy nghĩ của rất nhiều người...”. Rõ ràng, rành mạch, cụ thể như thế nhưng có nhà báo viết trong mục Tin sách lại bảo, “lấy cái la bàn xoay một vòng trong bán kính độ chừng…”. Ai nấy cũng cười. Chua chát.

Cuộc trò chuyện xoay quanh về ngày 1.8. Sinh nhật của danh sĩ Nguyễn Sáng, của bà cụ. Mẹ anh Thức. Bà Tùng Long. Ngày cụ mất, mẹ của T.H.Trinh - một độc giả ái mộ bà cụ đã báo tin cho y. Lúc ấy, anh em đang ở Hà Nội. Sáng qua, ra nhà sách mới biết, sách của bà cụ đã tái bản. Đang in hai quyển nữa. Làm cái gì đó nhân dịp này. Không biết có kịp không? Nếu được thì hay quá. Vui quá. Mà cũng là sinh nhật của y. Chị P.M.Thúy bảo, ủng hộ hết mình, các anh cứ làm đi. Cái khó vẫn là tìm một chỗ tổ chức ra mắt sách cho đàng hoàng. Ở Sài Gòn chuyện này hơi bị khó.

Sáng qua, ra nhà sách tìm mua cuốn Con gái vốn phức tạp của anh Thức, gửi về Đà Nẵng tặng người bạn nhưng trên kệ sách đã không còn. Mua quyển Đại Việt sử ký toàn thư do Đông A in. Khổ lớn. In đẹp. Nặng 4,5 ký lô. Mua vì khâm phục người làm sách đã đầu tư xứng cho một bộ sử rất có giá trị. Mua như một cách biểu lộ sự hoan nghênh của người đọc dành cho người làm sách, bởi bộ sách này, thư viện y đã có nhiều bản in trong thời gian khác nhau.

Ghét nhất vẫn là câu nói qua điện thoại hoặc tin nhắn của những người chưa đủ tình thân, đại loại: Chúc mừng anh/ em vừa ra sách mới; rất thích sách của anh/ em; nhớ... gửi tặng anh / em một quyển; nhớ gửi về địa chỉ là...; nhớ nha!

Có mà điên.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment