LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.7.2013

 

Lúc mẹ dắt y đến trường Nam Tiểu học, nhà thơ Hạc Thành Hoa đã có tập thơ đầu tay Trong nỗi buồn vàng. Ngày nọ trong facebook, y nhận được tin nhắn cái địa chỉ để gửi tặng Tuyển tập thơ Hạc Thành Hoa. Xem phần tiểu sử mới biết anh sinh trước y những 20 năm, người Thanh Hóa. Trưa, nằm đọc tập thơ vừa nhận qua đường bưu điện, thích những bài tứ tuyệt như:

Em về khói thấm từng chân tóc

Suốt một ngày đùa với lửa than

Bỗng dưng chợt thấy cay nơi mắt

Bên chồng hơi khói vẫn chưa tan

(Khói tóc)

Chỉ mấy câu đã khắc họa được nghĩa vợ tình chồng. Tứ tuyệt vẫn loại thơ khó viết hay. Chỉ bốn câu phải cô đọng một cái tứ. Văn học Trung Quốc cũng ghê gớm khi nó có thể tràng giang đại hải hàng trăm nhân vật với những Tam Quốc Chí, Hồng  Lâu Mộng... Nhưng lại có thể thu gọn lại trong lòng bàn tay với tứ tuyệt. Đọc hết tập thơ của Hạc Thành Hoa, nhìn trang lưu chiểu mới biết tập thơ anh chỉ in 300 bản. Con số quá ít ỏi. Ái ngại thật.

 

hac-tyhanh-hoa

 

Đêm qua, nằm đọc quyển 22 tản mạn (NXB Hội Nhà văn) của Võ Chân Cửu, một người tặng. Ngậm ngùi vu vơ. Thời đi làm báo, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Anh là phóng viên của báo Cao su, khi viết báo ký bút danh Hưng Văn. Lớn tướng. To cao. Dềnh dàng. Ăn nói rổn rảnh. Lành tính. Con gái của anh đã lớn, đi họp vẫn gặp luôn. Đã có chồng. Xinh ơi là xinh. Y và bạn thơ Đoàn Vị Thượng có lúc đùa mà thật. Thật mà đùa: "Em ơi đừng gọi anh bằng chú". Câu trả lời lỏn lẻn: "Chú ơi! Ba con gửi lời thăm chú đó".

Cái cảm động là tập sách này, anh Võ Chân Cửu viết về thế hệ viết văn, làm thơ của thời Thế Vũ, Vũ Hữu Định, Lê Xuân Tiến, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ, Thái Ngọc San, Phù Hư, Mường Mán, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Miên Thảo, Hoài Khanh, Từ Hoài Tấn, Từ Kế Tường, Phạm Chu Sa, Lê Nguyên Ngữ, Trần Dzạ lữ, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Ngạc Ngữ, Đặng Tấn Tới… Trong sách lan man nhiều ký ức, kỷ niệm về ngày tháng làm văn nghệ của những người trẻ (lúc ấy) ở miền Nam.

Cuộc đời này không có từ “nếu”. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Với từ “nếu” người ta có thể bỏ Paris vào trong cái lọ”. Lúc bấy giờ những tên tuổi ấy đã ra khỏi sân chơi “thi văn đoàn, bút nhóm” mà đã đặt hẳn một chân vào thế giới văn chương chuyên nghiệp. Thế nhưng, vẫn còn một khoảng cách xa mới có thể chạm đến vị trí của những Duyên Anh, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hạnh, Võ Phiến…

Bù lại, ấy là giai đoạn các anh đang viết sung sức nhất. Có người đã in tác phẩm, có người đang chuẩn bị bản thảo. Đột ngột thời cuộc thay đổi. Hầu hết bỏ bút. Nếu có viết cũng khó theo kịp những người viết trẻ sau này không dính líu gì với thể chế trước. Các anh chưa đủ già để lui về ngõ vắng. Không đủ trẻ để có thể "hồ hởi phấn khởi". Rồi dần dà với cơm áo gạo tiền phải tất bật kiếm sống sau ngày giải phóng: "Cả nước ăn bo bo, người hào hoa đến mấy đi nữa, lúc này gặp bạn  cũng phải tự dè xẻn. Có người nhiều buổi phải “ngồi đồng” tách cà phê kho. Cùng tắc biến. “Răng vàng bạc vụn - RVBV” là cụm từ diễn tả một nghề mới phát sinh giữa thời khốn khó này. Đó không phải là nghề tìm phế liệu chiến tranh hay liều mình đi kiếm rồi cưa “bom bi” như những trai tráng nông thôn. Đa phần người đi mua RVBV lại xuất than từ những người có chút ít học hành, nhiều nhất lại là giới sáng tác. Chiến tranh Tây Nam rồi biên giới phía Bắc đã xảy ra, gây nên sự cố “nạn kiều”. Người có nhiều tiền hay dính dáng tới chế độ cũ rủ nhau mua bãi, sắm tàu để vượt biên ngày càng đông. Họ bán tháo hoặc bỏ lại nhiều đồ dùng xưa kia phổ thông nhưng nay trở thàng hàng hiếm. Các gọng kiếng “Pilot”, nắp và ngòi viết Parker có mạ vàng, có cái là vàng 10, 14 ròng. Những chiếc muổng “Navy” dát dày bạc. Có những món đồ xưa như cối xay trầu, khay và chung rượu xưa đúc từ bạc.Chúng quăng lăn lóc nhiều năm bị xẫm màu. Chủ nhân tưởng đó chỉ là món hàng thau, thiếc. Một lạng bạc giá bằng 1/10 vàng ròng, nếu mua được với giá ve chai, đời cũng đỡ khổ" (tr,46).

 Vừa kiếm sống, vừa viết nhưng hầu hết không ai viết gì thêm. Có người viết được thì “trụ” lại được. Bằng không, nay chẳng ai nhớ đến. Biến mất khỏi cuộc chơi. Sau khi đi bộ đội về, mới biết thời ấy mấy người anh của y cũng kiếm sống lay lắt, tạm bợ bằng cái nghề này, tên gọi "nghề phân kim", chứ không nghe nói là "răng vàng bạc vụn". Mỗi nơi có một kiểu gọi khác nhau đó thôi.

 

img_0213_2

 

Tập sách của Võ Chân Cửu đáng quý ở chỗ nhắc lại thế hệ cầm bút của anh mà nay ít ai nhớ đến. Đọc  đôi lúc thấy gợi lên không khí văn nghệ của miền Nam ngày trước. Không khí ấy đã mất. Cách "chơi” văn nghệ ấy đã khác. Một thời đã qua. Không lặp lại. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ăn theo thuở, ở theo thời.  Anh tự sự: “Dưới dòng suối, những rễ cây vô tình ngoạm đá. Dâu biển tang thương, phá xong những cánh rừng, người ta moi đến gốc. Những rễ cây ôm đá qua các nhà sinh vật cảnh đã trở thành các món hàng vô giá. Dòng chảy 21 năm văn học miền Nam có thể sẽ được đào xới lên theo nhiều cách. Một nhà khoa học sinh học chăm băm vào các đề tài nghiên cứu, khi nhìn thấy các món sinh vật cảnh nầy quả quyết qua tháng năm, nó tích tụ nhiều chất phóng xạ; có loại đem chưng trong nhà sẽ rất độc hại. Cách nhìn duy vật thô sơ vẫn xem gỗ đá là những loài vô cơ. Cách nhìn mới cho rằng trong đó sự sống vẫn dịch chuyển. Có khi nó chứa đựng cả phần hồn. Thật vậy chăng?”.

Có thật vậy chăng? Đừng có mơ. Sẽ không có một câu trả lời nào vọng lại. Đừng có hỏi. Dẫu có níu áo mà hỏi. Thôi thì, viết được kỷ niệm với bạn bè của thuở mới lớn và hăm hở bước vào nghệ thuật như vậy đã là đủ. Một gói kỷ niệm đã còn. Còn trong nỗi nhớ. Một vài tim óc vắt ra dâng hiến cho trang viết lúc thanh tân trong trẻo ấy đã mất. Còn và mất, nghĩ cho cùng khái niệm ấy cũng quá đỗi mơ hồ.

Vườn con hoang vắng đã đành

Tiếng chim dựng lại những thành lũy xiêu

(Hoài Khanh)

Đôi khi y thấy đời y tẻ nhạt quá. Trong một ngày, con đường dài nhất vẫn là từ nhà đến cơ quan. “Sáng vác ô đi tối vác về”. Bình yên. Lặng lẽ. Lặp lại. Quen thuộc. Ngăn nắp. Trật tự. Chỉnh chu. Đời sống nhàn nhạt ấy không ích gì cho thơ? Thơ có viết cũng nhủn, nhèo, nhạt. Cũng ráp chữ. Cũng ghép vần. Nghĩ về thơ? Nghĩ thế nào?

Bấy lâu cửa đóng then cài

Bịt tai nhắm mắt miệt mài với thơ

Tâm không bợn chút bụi mờ

Trí không náo động chín ngờ một nghi

 

Nhịp đời nhẵn nhụi phẳng lì

Nhịp yêu tròn trịa chu vi rạch ròi

An toàn đến thế thì thôi

Thôi thì thơ cũng cọc còi tong teo

 

Tâm không vật vã eo sèo

Trí không giông bão cheo leo bụi hồng

Đừng đợi mà cũng đừng mong

Câu thơ khỏe mạnh sống trong cõi người

Y đang sống những những ngày tẻ nhạt. Nhạt như nước ốc. Nhạt như vài lít rượu đế trong quán nhậu bình dân phải pha loãng thêm nước lã. Nhạt như tiếng khóc mướn trong đám tang. Ngày từng này đi qua giống hệt nhau. Như kép hề, mỗi ngày bước ra “đế” một câu cho nhộn dòng đời, trong chốc lát. Rồi lui vào cánh gà. Rồi lánh sau hậu trường. Rồi trở về vùi đầu vào những trang sách nát. Từng ngày như thế. Làm sao có thể viết  được gì? Đời sống công chức mẫn cán giết dần, giết mòn cảm xúc của thơ. Một cú thất tình đã hết dám. Một dằn vặt đớn đau thế sự đã không còn. Một tiếng nói lớn cũng không há miệng. Một tiếng cười cũng ngậm trôi xuôi xuống họng.

Liệu có còn thơ?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment