THƠ Suy nghĩ về Thơ Nhà thơ Lê Minh Quốc từ A đến Z

Nhà thơ Lê Minh Quốc từ A đến Z

a-den-z


A. Mỗi lần viết chữ A tôi lập tức liên tưởng đến âu yếm. Bởi lẽ đàn ông là phái yếu cần được sự chở che độ lượng của mọi người phụ nữ, khi được âu yếm tôi sẽ có ảo ảnh về những vần thơ sẽ viết…

B. Tôi sực nhớ tới biển. Đứng trước biển, đó là lúc tôi cảm thấy mình bất lực trước lẽ sinh tồn của vũ trụ.

C.Tôi liên tưởng đến những hạt trân châu reo vui từ tiếng cười lấp lánh của một góa phụ khi được nuông chiều thái quá. Nếu không, tôi lại nhớ đến Carmen - một nhân vật của P.Mérimée - được quỳ dưới chân nàng cũng là hạnh phúc.

D. Tôi nghĩ đến sự dùng dằng, day dứt… Dù dửng dưng, dứt áo nhưng làm sao quên được một mùi hương dịu dàng còn dằng dai của một phụ nữ?

Đ. Đẹp nhất cho Đ chính là Đi. Ra đi. Đi đâu? Chả rõ. Thân phận của thi sĩ chính là sự ra đi. Trang giấy trắng mênh mông như sa mạc nhưng lại có sức hấp dẫn để quyến rũ tôi ra đi. Đi đâu trong bể dâu sáng tạo?  Ồ ông Bùi Giáng đã dặn dò:
“Đi về đi ở đi đi!
Đi là đi biệt từ khi đi về”

E. Em làm gì có một từ em trong người phụ nữ. Tôi hằng nguyện cầu để thấy trong một người phụ nữ gồm có những đức tính: hiền thục của người em, độ lượng của người mẹ, bát ngát thương yêu của người chị và e ấp lẫn vạm vỡ của một người tình. Tất cả những đức tính ấy trong một người phụ nữ mà tôi gọi là… vợ.

N. Nàng. Quái lạ! Có những người phụ nữ khi gặp họ, ta chỉ nghĩ đến sự thánh thiện, trinh bạch. Ai đã gặp được nàng? Tôi nghĩ rằng, trong lịch sử thi ca VN hiện đại, chỉ có một người may mắn gặp nàng đó là Hàn Mặc Tử. Câu thơ “Nàng đánh tôi đau quá!” chính là cảm hứng tột cùng để vọt ra thi hứng thiên tài Hàn Mặc Tử.

M. Tôi nghĩ đến mưa. Những giọt mưa nhẹ nhàng chỉ đem lại thú vui là… nằm đọc sách. Thế nhưng khi mưa gào thét trong đêm khuya, gió lay động dữ dội, đã thúc giục tôi mãnh liệt về một sự tự ý thức. Đôi khi những tiếng gầm rú của mưa khuya đã vỗ về và an ủi lòng tôi nhiều lắm.

V. Tôi lập tức nghĩ đến vợ. Tôi chịu đựng được vợ hay vợ chịu đựng được tôi? Câu hỏi chỉ có thể trả lời bằng kinh nghiệm của chính mình. Do đó, trên trái đất này đã tồn tại nhiều kinh nghiệm, có thể đem kinh nghiệm của người này áp dụng cho người kia - nhưng dứt khoát không thể có kinh nghiệm làm… vợ!

X. Tôi đang hình dung ra nhân vật Xã Xệ. Ông này dù không tự ý thức nhưng nổi danh hơn rất nhiều người tự ý thức - trong số đó có tôi. Thành tựu lớn nhất khi tạo ra nhân vật hoạt kê trong lịch sử báo chí VN chính là Xã Xệ và Lý Toét. Từ Phong Hòa và Ngày Nay của thập niên 30 trong thế kỷ XX, hai nhân vật này đã hội nhập vào đời sống của chúng ta. Tôi tin rằng, Xã Xệ và Lý Toét còn có mặt ở thế kỷ XXI.

Z. Trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt chỉ có hai từ bắt đầu từ Z là Zéro và Ziczac (?). Thật ra còn có thể kể đến Zăm-pô-lít, Zép-lin, Zét, Zét-i-ông, Zê-na-na, Zê-phia, Zê-ta, Zi-bơ-lin, Zi-gan, Zimaz, Zi-nha, Zirronium, Zlô-ti, Zôe, Zoo, Zô-rô, Zum. Trong tất cả những từ đã liệt kê đầy đủ như trên, thuở nhỏ tôi thích Zô-rô  đứa trẻ nào mà không từng hát: “Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-zăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng….”. Lớn lên, bây giờ tôi thích từ Zi-gan. Riêng từ Zi-gan đã gợi hứng cho những chuyến ra đi phiêu bạt như người Bôhêmiêng.

LÊ MINH QUỐC
(Tuần báo Tiểu thuyết thứ 7, số 10, ngày 1-8-1997)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com