THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG - 2. Râu này cằm nọ

LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG - 2. Râu này cằm nọ

Mục lục
LÊ MINH QUỐC bình thơ ÁO TRẮNG
1. Trục trặc lục bát
2. Râu này cằm nọ
3. Hương xưa đã khuất
4. Giục tằm nhả tơ
Tất cả các trang
 

Chủ Nhật, 31/07/2011, 04:14 

Râu này cằm nọ

        AT - Thao tác trong công việc làm thơ?  Thì cũng tựa một người bước ra sàn nhảy. Tùy theo điệu nhạc đang du dương cất lên mà chúng ta nhảy theo Rumba hoặc Valse, Bebop hoặc Tango...

           Thậm chí, người ta còn có thể nhảy một cách ngẫu hứng, không theo khuôn mẫu. Nhảy gì thì nhảy. Nhưng trước hết, người đó phải thuần thục những bước đi cơ bản. Làm thơ cũng vậy thôi. Khi tâm hồn đang dạt dào cảm xúc như thác lũ mưa nguồn, bạn tự biết chỉ có thể sử dụng thể loại tự do; hoặc khi tâm hồn trầm mặc cây rừng đìu hiu lá trút, bạn tự biết chỉ có thể mượn hình thức ngũ ngôn...  Nói cách khác, bạn sẽ chọn lấy một hình thức phù hợp với nội dung. Giai điệu tâm hồn sẽ “quy định” thể loại thơ bạn sẽ múa bút. Thể loại gì cũng được. Chả ai bắt buộc. Nhưng đã chọn thể loại nào, phải tuân thủ quy định, phép tắc của nó. Thì khiêu vũ cũng thế, điệu nào cũng được nhưng phải nhảy đúng điệu kẻo đạp chân lên người khác.

Thu nghiêng mình chiếc lá vàng trút bỏ

Thẩn thơ qua lối cũng lá lấp đầy

Mùa đất kia sao nồng nàn đến lạ

Vương mãi trong hồn ký ức nào qua.

(H.M.L.)

Ta khẽ đặt bàn tay lên lồng ngực

Ta siết chặt để biết từng có đau?

Ta khẽ xoa vào trái tim bé nhỏ

- Thôi ngủ ngoan cho giấc mơ tròn.

(V.T.H.N.)

          Ở đây “vần chéo” đã bị phá bỏ một cách nghiêm trọng, khó chấp nhận. Tại sao? “Đầy” và “qua” hoặc “đau” và “tròn”  không thể sánh đôi nhau, cũng tựa như chân này mang guốc nhưng chân kia mang giày. Thử so sánh: “Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần/ Đàn buồn, đàn chậm, ôi đàn chậm/ Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân” (Xuân Diệu). Rõ ràng, vần “ngần” và “ngân” quấn quýt với nhau, không thể tách rời khiến khổ thơ chặt và âm vang trong trí nhớ.

Mưa vội vàng như lữ khách phương xa

Phiêu bạt khắp mọi miền quen lạ

Để sau chuyến đi là một trời sũng ướt

Nước mắt mưa hay nước mắt của đời?

(M.D.)

       Ở đây “vần ôm” cũng vi phạm, tựa như... phóng xe vượt đèn đỏ. Quy định của thể loại này, buộc câu hai và ba phải “bấu”, phải “níu” vào nhau. Thử so sánh về vần: “Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi/ Và khi thét khúc trường dữ dội/ Ta bước chân lên, dõng dạc,  đường hoàng” (Thế Lữ). Khổ thơ này, “núi” và “dội” cùng  trắc và cùng âm như thể anh em sinh đôi một cách tương xứng.

         Thể thơ bảy chữ cũng có quy định riêng, chẳng hạn, câu 1,câu 2 và 3 phải vần với nhau. Nhưng bạn N.N.G. lại viết rất “vô tư”:

Ánh nắng bừng lên trong sớm mai

Ngõ vắng rực rỡ sắc xuân hồng

Khung cửa chói lòa một màu trắng

Áo trắng mượt mà tuổi thiên thai.

       Đọc xong, cảm giác đầu tiên của ta là sự tréo ngoe, trục trặc. Ta thử đọc: “Chẳng biết xa lòng ghi những ai?/Thềm son từng dội gót vân hài/ Hỡi ôi! Người chỉ là du khách/ Giây phút dừng chân Vọng hải đài” (Phạm Hầu). Vần “ai” cả ba câu thuận theo nhịp đọc của ta, vì thế nó ở lại trong trí nhớ.  Lại có bạn như T.T.K.G. lại viết:

Khi xa nhau anh ơi em hiểu

Nỗi nhớ đến cồn cào, da diết

Đêm từng đêm, lặng thầm giọt lệ

Mắt cay nào... nhìn về phía anh?

     Cảm giác đầu tiên của người đọc là trúc trắc, bởi cả ba câu đều trắc hết cả. Mà lẽ ra phải là trắc bằng, trắc bằng/ hoặc bằng trắc, trắc bằng/ hoặc trắc bằng, bằng trắc... Cũng có những câu thơ liên tiếp âm trắc, nhưng người đọc vẫn thấy xuôi tai vì kế theo là hai âm bằng. Chẳng hạn, Chế Lan Viên viết: “Trưa! Một ít trưa, lạc vào lăng tẩm/ Nhập làm hồn những tượng xưa u thảm/ Trưa, theo tàu, bước xuống những sân ga/ Dựng buồn lên gửi đến Muôn Xa”...

       Những nguyên tắc thơ đơn giản như trên, hầu như bất kỳ ai làm thơ cũng phải biết qua. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là tại sao thơ gửi về AT - đối tượng của SVHS - lại có quá nhiều bạn lại không nhớ (hoặc không biết đến)? Chỉ mới khảo sát ở loại thơ 7 và 8 chữ như trên, chứ nhìn qua ở thể thơ 5 chữ, 4 chữ, cũng thấy chưa vượt qua những sơ đẳng ấy.

     Nói nghiêm khắc thế, chắc có bạn tự ái, cãi: “Ối dào! Vần với chả vần. Phép với chả tắc. Miễn thơ hay là được. Thơ là tiếng lòng, là cảm xúc thì gieo vần thế nào là mặc kệ người ta, chứ việc gì phải tuân theo phép tắc?”. Về chuyện này, Nàng Thơ xin mời thi sĩ Xuân Diệu phát biểu giúp. Trong tập sách Công việc làm thơ, ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, một số cây bút trẻ... do thiếu huấn luyện, mà làm thơ bất chấp cả những phép tắc thông thường. Những phép tắc này, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, những nhà thơ có tài, có nhiều sáng tạo và độc đáo nhất cũng không bỏ qua”.

Gạch nối

    Sau bài Trục trặc lục bát (AT số 12.2011), Nàng Thơ có nhận được ý kiến của bạn Huỳnh Đắc Nhất (101/25 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.10, TP.HCM) “xin có vài thắc mắc: Số là tôi đọc qua một số bài thơ của những nhà thơ nổi tiếng, tôi thấy cũng có nhiều câu thơ gieo vần không khớp trong thơ lục bát gữa câu lục và câu bát. Trong thơ Việt Bắc: “Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc, cụ Hồ sáng soi.../ Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Trong Truyện Kiều: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi... Khi hương sớm khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn... Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa... Vật mình, vẫy gió, tuôn mưa/ Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai”. “Mong Nàng Thơ giải đáp giùm”.

        Nàng Thơ rất hoan nghênh thư của bạn, bạn đã bổ sung rất hợp tình hợp lý và kịp thời. Xin trả lời: “Vần (rhyme) là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Đây là một quy luật để nối các câu trong bài thơ với nhau. Thường vần được dùng để nối câu gieo vào chữ cuối cùng của câu thơ”. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%Á). Có hai loại vần: “vần bình” và “vần trắc”. Tuy nhiên, nó còn có cả “vần thông” nữa. Đó là trường hợp mà bạn vừa nêu trên. Nói cách khác, ngoài “toàn vần” (như trong bài trước đã phân tích); ta còn có “bán vần”. Cụ thể là “bán vần trong nguyên âm” và “bán vận trong nguyên âm và phụ âm cuối” (chẳng hạn những câu thơ bạn nêu, hoàn toàn không hề sái vận).

     Nhân đây cũng nói thêm, trong thơ lục bát còn có phá cách như: “Bao giờ cho tới Bắc phương/ Chuột chạy ra đường, con mới nên danh” (Lục Vân Tiên). Ở đây, chữ cuối của câu lục thay vì hiệp vần chữ thứ 6 của câu bát, lại hiệp vần xuống chữ thứ 4.

NÀNG THƠ

nguồn: http://tuoitre.vn/Ao-trang/448966/Rau-nay-cam-no.html



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com