THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Cần chắt lọc hơn nữa

LÊ MINH QUỐC: Cần chắt lọc hơn nữa

 

nhidobg-thio-cua-em-mi-2-R


 

Sau Hội thi văn học Thành phố của em (2019), lần này, Gia đình yêu thương do báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức, các thí sinh nhỏ tuổi cũng tham dự khá nhiều. Các em thể hiện cảm xúc qua nhiều hình thức, ngoài văn bản đánh máy vi tính, còn có những bài thơ chép tay nắn nót trên trang vở học trò. Sự thu hút này, chắc chắn do chủ đề của cuộc thi gần gũi, thân thiện khiến các em hào hứng tham gia. Vì rằng, ngoài thời gian đến trường lớp thì gia đình vẫn là nơi chốn các em gắn bó nhất. Nơi thân thương đầm ấm này, có biết bao hình ảnh, sự việc, sinh hoạt diễn ra mỗi ngày và trải dài theo năm tháng trở thành một phần khó quên trong ký ức. Từ đó, các em có được sự thuận lợi trong cảm nhận mà những bài thơ dự thi lần này đã cho thấy tình cảm sâu sắc đó.


Trước hết, điều dễ dàng nhận thấy là có khá nhiều bài thơ viết về bữa ăn gia đình. Từ món ăn mẹ nấu, em đã hào hứng phát biểu: “Mùi gạo sao thơm quá/ Nồi cá kho dậy mùi/ Nghe cái bụng nó đói/ Nào cùng làm nhanh thôi” (Phạm Gia Huy - Lớp 4C trường TH Nhị Xuân, H.Hóc Môn). Còn bữa ăn của gia đình em Phan Quỳnh Như (Lớp 3D trường Nhị Xuân, Hóc Môn): “Mùi gạo thơm thoảng qua/ Thêm cá chiên nức mũi/ Đang đứng ở ngoài sân/ Cái bụng sao chịu nổi”. Rồi sau đó, thật vui biết bao trong không gian ấm cúng diễn ra sinh hoạt: “Gia đình quây quần/ Chuyện trò rôm rã” (Đồng Minh Hiếu - Lớp 5C trường TH Bình Hưng Hòa 1, Q. Bình Tân) v.v…


Nhìn chung, sự miêu tả này cần thiết, đơn giản vì nó chính là chất liệu để các em gieo vần, tìm câu chữ phù hợp. Tuy nhiên, các em chỉ mới dừng lại đó, nên bài thơ chưa bật ra một “điểm nhấn” nào khiến cho người đọc phải ấn tượng. Thí dụ, ở bài thơ Giọt mồ hôi, em Nguyễn Phương Quỳnh (Lớp 3-4 trường Đặng Văn Bất, Q. Thủ Đức) đã “nâng lên” để có sự khái quát: “Cha mẹ đã nuôi mình/ Đến khi lớn thành người/ Thì giọt mồ hôi ơi/ Đã đặng thành biển cả” - cho thấy công sức cha mẹ dành cho con bao la biết dường nào. Thơ cần phải vậy, chứ không dừng lại ở miêu tả, liệt kê các sự việc đã thấy, đã cảm nhận mà các em cần chắt lọc hơn nữa.


Một khi đề cập đến Gia đình yêu thương, thiết nghĩ đây là chủ đề mở, vì các em hoàn toàn chủ động lựa chọn “đối tượng” để đưa vào thơ. Chẳng hạn, tình cảm dành cho cha mẹ, ông bà, thú nuôi, vườn cây v.v… Sự lựa chọn này là đúng nhưng thật ra vẫn chưa đủ, tức là bản thân các em còn phải suy nghĩ thêm, phải chịu khó tìm ra cái gì “mới, độc, lạ”, nếu không bài thơ của mình cũng na ná như các bạn khác. Nói cách khác, dù cùng chủ đề nhưng mình phải khác các bạn. Sự khác biệt này tạo cho bài thơ của các em trở nên độc đáo hơn chính là chỗ đó.


Vậy, ta tìm ở đâu?


Tìm ngay trong những gì mình đã trải qua, đã nhìn thấy. Do đó, chính mình mới có được những câu thơ không “đụng hàng”. Với tình cảm cha con, hầu như thường có sinh hoạt vui nhộn là cha làm ngựa con con cỡi, tỷ như nhạc sĩ Thế Hiển viết: “Nhong nhong nhong/ Cha làm con ngựa/ Để cho con lên cỡi trên lưng…; nhà thơ Nguyễn Thái Dương viết: “Thì ba làm ngựa chớ sao/ Tai đây, con bấu chặt vào rồi phi”. Nay, cũng trò chơi đó, nhưng em Nguyễn Hải Phong (Lớp 2/1 trường TH Nguyễn Thị Định, Q.7) lại có cách gọi khác là chơi ô tô. Cái sự khác này có được là do xuất phát từ chính trò chơi giữa ba và con, chứ không lặp lại điều mà người khác đã nói đến. Và thật bất ngờ: “Ô tô ba to thế/ Nhưng không chạy bằng con/ Ô tô con rất khỏe/ Vì ba cởi trên lưng”. Hình ảnh này đáng yêu ghê.


Rõ ràng, tìm ra sự khác biệt rất cần thiết. Bài thơ Ba đã quên nhưng thật ra ba đã nhớ của em Lưu Tuấn Khang (Lớp 2A trường TH Lý Chính Thắng 2, H. Hóc Môn), thú thật, chú rất ngạc nhiên cứ tự hỏi mãi, nhờ đâu, do đâu em lại có được bài thơ này? Hẳn nhiều người cảm động khi đọc vần thơ: Con phải chỉ cho ba/ Làm sao dùng đũa muỗng/ Làm sao cầm bút viết/ Nhưng ba đã quên luôn”. Thông thường, người cha hướng dẫn cho con, còn ở đây thì ngược lại khiến cho bài thơ có ấn tượng rõ nét.


Sau hai lần làm giám khảo, từ Hội thi văn học Thành phố của em (2019), đến Gia đình yêu thương (2020), chú may mắn có dịp được đọc nhiều bài thơ dự thi của các em. Sự tham gia nhiệt tình với số lượng bài vở ngày một nhiều và chất lượng ngày càng cao, cho thấy tình cảm các em dành cho thơ không hề vơi đi. Nếu muốn góp ý một điều gì cần thiết nhất, thú thật không dễ dàng trình bày qua một bài viết có tính nhận xét chung. Tuy nhiên, chú muồn chia sẻ là khi diễn đạt các em cố gắng cô đọng, ngắn gọn nhiều hơn nữa, tránh dài dòng có tính chất liệt kê, kể lể… Sự dễ dãi này khiến cho bài thơ “loãng” đi, rất uổng. Thế thì, từ những gì đã thấy, đã cảm nhận, các em cần chọn lọc những hình ảnh, chi tiết nào thật đắc giá nhất, chứ đừng nên ôm đồm quá nhiều.


Mấy lời chân tình chung vui cùng các em, chú hy vọng rằng, qua những gì đã tiếp thu ở bài viết này, ở sinh hoạt câu lạc bộ sáng tác, các em sẽ  có nhiều thay đổi tích cực hơn nữa.


L.M.Q

(nguồn: Báo Nhi Đồng - số 36 ngày 4.9.2020).

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com