THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: BÙI KIM ANH - Đi tìm đi giấc mơ

LÊ MINH QUỐC: BÙI KIM ANH - Đi tìm đi giấc mơ

 

Với thơ, dù đang ở chân trời góc biển nào, người ta vẫn có thể tìm thấy được tri âm của mình. Những câu thơ đã viết, nói như nhà thơ Bùi Kim Anh “bán không cho gió”, thả bay lên chín tầng trời thăm thẳm và không mưu toan một sự hồi âm, một reply nào từ phía người đọc. Một ứng xử nhẹ nhàng, cũng tựa làm xong một bài thơ là quên béng đi và lại lao theo những cảm xúc khác để tiếp tục sống với thơ. Lâu nay, tôi vẫn tưởng là vậy. Vậy mà không phải. Thơ, tự nó có sức lan tỏa và người đồng điệu sẽ tìm đến, dù tác giả không quảng bá ồn ào hoặc rao bán náo nhiệt. Tập thơ Đi tìm đi giấc mơ (NXB Hội Nhà văn) đã gợi cho tôi suy nghĩ này.

 

BuiKimAnh-bia-300x297

 

Có những câu thơ, dù chỉ đọc lần đầu và chưa chạm mặt tác giả nhưng ta lại có cảm giác như thân quen tự thuở nào. Ám ảnh của con chữ trong thơ là vậy. Nó lặng lẽ như cỏ nhú, có thể tàn lụi và bị lãng quên nhưng khi lọt vào “mắt xanh” của kẻ khác thì nó lại có một sức sống khác.

Mùa này nước hồ đầy

Nhà và cây đua nhau soi bóng

Cá bơi tít tầng cao

Cấu trúc chặt và gọn như một bài thơ HaiKu. “Cá bơi tít tầng cao” lập tức gợi trong tôi cái sự chung cư chật chội, chen chúc nhưng ngay lúc ấy cũng là cảm giác yên tĩnh của tâm hồn. Câu thơ ấy, trước đây chẳng ai có thể viết, bởi hiện thức đời sống chưa @ như hiện tại, chỉ có thể “sông dài cá lội biệt tăm” như ca dao Nam bộ đã ghi nhận.

Với nhà thơ Bùi Kim Anh, lâu nay, theo tôi sở trường của chị vẫn là những vần thơ lục bát thanh thoát, mượt mà. Đành rằng trong tập thơ mới nhất của chị vẫn có Giấc mơ Đà Lạt, Vấn vương dại khờ, Không nâu sồng vẫn ta thôi,  Người ơi nghe gió… nhưng tôi vẫn thích những câu thơ tự do của chị. Đành rằng, âm điệu sáu tám trong thơ chị bền, quyện chặt tơ tằm, trong gió có trầm:

Ngã xuống vạt cỏ mà say

Câu thơ nhẹ tiếng lời bay lên trời

Da diết, tha thiết quá đỗi trong âm và điệu, trong nhạc và lời. Ừ, vậy mà những câu thơ không vần, văn xuôi lại có ma lực riêng:

trong thơ sông xanh mát êm đềm

ta hời hợt mà đòi thơ khao khát

ta ngâm nga mà đời thơ khơi sáng

ta chỉ viết cho thơ mà ngỡ đất trở mình

là một cách nói nhún. Khi bày tỏ sự bất lực với sự vật, có nghĩa nhà thơ đang soi rọi và tự vấn, đang hướng nội đặng có câu trả lời đang đau đáu suy tư:

chỉ một lần mưa ốm mãi mỗi lần mưa

chẳng dám bước mỗi khi ào ạt gió

ngoài kia vật vã ngoài khi biến động

thu mình dọi vào trên phím gõ vô nghĩa lời chẳng biết để cho ai

Hỏi chỉ mà hỏi, cần quái gì câu trả lời và từng ngày, từng ngày chị lại viết. Không thể khác. Nhiều người bảo, đã nhà thơ thì chẳng nên viết hồi ký, tự truyện làm gì bởi chữ của thơ, thơ trong thơ đã là sự hình thành, sự kết bối của cuộc đời nhà thơ rồi. Vậy há gì phải dài dòng nữa? Vâng, đọc thơ Bùi Kim Anh, tôi thấy rõ điều này. Những cảm nhận, cảm giác của khoảnh khắc của đời sống chị đã ẩn giấu dưới mỗi câu thơ:

tránh né những hình người hình xe tĩnh động

tránh né mùi xăng pha bụi pha thơm thơm như của cô gái váy ngắn

tránh né tứ thơ chợt đến sáng nay rời trang báo mạng tránh né

một nhà văn đi đừng bới lên trên xác cứng tâm hồn cái chết

lặng yên xin những lời lặng yên

xin đừng rối lên rối ý nghĩ của thơ

Sự xác tín này bàng bạc trong tập thơ Đi tìm đi giấc mơ. Lặng lẽ và chiêm nghiệm lặng lẽ để thấy trong tâm hồn Bùi Kim Anh là những âm vang sóng, những gam màu đa dạng và phong phú biết chừng nào. Con người thơ ấy vẫn luôn vật vã từ câu thơ đang viết đến bản ngã và suy tưởng của chính mình. Có như thế, thơ mới là thơ và dẫu đời không là thơ thì người thơ vẫn sống trọn vẹn với thơ:

một chữ biết một chữ ngờ đánh vần khó và dễ

một chữ biết và một chữ ngờ có thể quật ngã ta cũng có thể nâng ta lên

vượt qua số phận

Đọc một tập thơ ta thấy hiện lên một con người. Với nhà thơ Bùi Kim Anh là một chân dung thơ như chị từng “tự bạch” khiêm nhượng:

vẫn tôi nghiêng ngửa chén say

chếnh choang men gió đẩy ngày vào đêm


LÊ MINH QUỐC

(1.2013)

(nguồn: Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN ngày 23.3.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com