THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Tiếng lóng - một biểu hiện của văn chương

LÊ MINH QUỐC: Tiếng lóng - một biểu hiện của văn chương

Tiếng lóng: “Cách nói một ngôn ngữ riêng trong một tầng lớp hoặc một nhóm người nào đó, nhằm chỉ để cho trong nội bộ hiểu được với nhau mà thôi. Ví dụ: Tiếng lóng của kẻ cắp”. Đó là định nghĩa của Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ biên soạn (NXB KHXH 1986).

tieng1-long

Trong văn chương, nhiều nhà văn cũng sử dụng tiếng lóng, điều này giúp cho nhà văn khắc họa rõ nét được tính cách nhân vật. Tiêu biểu nhất có lẽ là tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng. Ông viết vào năm 16 tuổi, lúc vừa mới được ra khỏi tù.

Do có được một vốn sống phong phú và một kho ngôn ngữ dồi dào, nhà văn Nguyên Hồng đã thành công khi xây dựng những nhân vật dưới đáy xã hội. Chỉ xin nêu một ví dụ: “Tối nay, các tay anh chị họp đủ mặt ở nhà Năm Sài Gòn. Người mặc quần lĩnh, áo nhiễu tây trắng cổ bẻ, chân xỏ xăng-đăn bốn quai, là Tư Lập Lơ, trùm chạy vỏ trong chợ sắt”. Tại sao phải là chạy vỏ mà không là chạy dọc? Vì hai cụm từ này để chỉ kẻ cắp kia mà! Hãy nghe nhà văn nói:Chạy vỏ để chỉ chung những ăn cắp đường, ăn cắp chợ. Còn kẻ cắp trên tàu thủy, tàu hỏa hay ô tô là chạy dọc”. Thử trưởng tượng, chúng ta loại bỏ tiếng lóng của Năm Sài Gòn, đại loại như những câu thơ mà hắn đã than thở:

Anh đây công tử không vòm

Ngày mai kện rập, biết mòm vào đâu.

Hoặc:

Không vòm, không sộp, không te

Niễng mũn không có ai mê nỗi gì?

(Chú thích: vòm: nhà, kện rập: hết gạo, mòm (chính là mõm): ăn, niễng mũn: một chinh). Những tiếng lóng ấy thay thế bằng tiếng phổ trông thì rõ ràng tính cách Năm Sài Gòn bị mờ nhạt đi nhiều lắm.

Tôi nghĩ rằng tiếng lóng, mỗi thời đại đều được thay đổi. Chẳng hạn, thời Bỉ vỏ trong xã hội có mật thám và đội xếp nên mới có tiếng lóng cớm chùngcớm tẩy. Còn bây giờ thì giới giang hồ nói: “cớm mún quả tớm” nghĩa là “công an bắt quả tang”. Xin thử liệt kê một vài tiếng lóng thời vi tính: bẻ đê (giật đồng hồ), ăn đọp (ăn cắp súng), móc mắt (ăn cắp vặt), nàng áo đỏ (xe DD), công chúa ngủ (xe Dream), lò hấp (nơi tiêu thụ xe gian), thua nguội (bị bắt ngay sau khi gây án), v.v… Rõ ràng ngôn ngữ này chỉ “lưu hành” trong một tầng lớp, một giới nào đó mà thôi. Tuy nhiên, vẫn có những tiếng lóng “đàng hoàng” đi vào trong thơ - chủ yếu là thơ châm biếm, trào lộng. Thời buổi này, chúng ta thường nghe nói đến “cò” - nhằm chỉ những người đứng ra làm trung gian của dịch vụ nào đó đặng hưởng huê hồng, chứ không phải là loại “chim có chân cao, cổ dài, mỏ nhọn…” như Từ điển tiếng Việt đã giải thích. Xin trích một bài thơ cò - dĩ nhiên nó ở tiếng lóng:

Con cò bay lả bay la

Bay từ bàn giấy bay ra vỉa hè

Thì thầm hù dọa rủ rê

Cửa trước “Khó lắm! Khó bề xong đâu”

Cò quen lối tắt, ngõ sau

Chịu chi bảo đảm làm mau lấy tiền

Đường dây uy tín ưu tiên

Cho cò chút cháo rồi yên tâm… chờ!

Vẽ vời rắc rối giấy tờ

Quấy bùn đục nước… cốc mò cò xơi

Bao giờ hết nạn cò mồi

Cửa sau, cửa ngách rối bời… khổ dân!

(Hoàng Duy, báo Thanh niên số 24-9-1997)

Hoặc cũng là bài thơ về con cò, nhưng ở đây chúng ta đã thấy một loạt tiếng lóng khác xuất hiện:

Pháp luật tôi cũng xem thường

Có ô dù lớn có xuồng bơi to

Ví dù có gió đắm đò

Thì xuồng cứu hộ vớt cho tôi nằm

Cò tôi đích thị cò quăm!

(Trúc Lâm - báo Lao Động số 3-11-1996)

Con cò ở đây không còn mang ý nghĩa của biểu tượng ẩn dụ trong ca dao truyền thống. Gần đây chúng ta thường nghe đến từ “cơm bụi’ - nhằm chỉ những quán cơm bình dân dành cho người lao động ở thành thị. Tiếng lóng ấy, có lẽ nhà thơ Nguyễn Duy là người đem vào thơ trước nhất:

Rủ nhau cơm bụi giá bèo

Yêu nhau theo mốt nhà nghèo… vô tư!

Chỉ hai câu lục bát mà ta đã thấy ba từng tiếng lóng xuất hiện. Với những ví dụ này, chúng ta thấy gì? Xin thưa, nhà văn là người đi nhiều nơi, nhiều chốn, đi để quan sát và ghi chép lời ăn tiếng nói của nhân dân đặng làm phong phú vốn ngôn ngữ của mình.

Theo tôi được biết thì nhà văn lão thành Tô Hoài là một trong những người rất chịu khó ghi chép những từ ngữ mà ông nhặt nhạnh được. Trong sổ tay ghi chép của ông, chúng ta thấy ông ghi cả… tiếng lóng: “Nàng ấy ô-ten-lo quá! (cô ấy nước da đen quá!), Một tê (một triệu bạc) một vé, một vên, một vét (một vạn bạc), thằng Mẽo (đế quốc Mỹ) - Sổ tay viết văn - NXB Tác phẩm mới, 1997). Đọc đến đây, có bạn Mực tím nào đó cắc cớ hỏi: “Hổng lẽ khi đi thực tế gặp bất cứ tiếng lóng nào cũng ghi chép rồi sau này vận dụng hết vào trang viết của mình?”. Hay lắm! Một câu hỏi thông minh. Xin được chia sẻ với câu hỏi ấy bằng lời khuyên của nhà văn lớn M.Gorki: “Khi giết gà, ta không bao giờ luộc cả gà lẫn lông. Chúng ta thường lẫn lộn và chúng ta đã đem trộn cả những cái ngẫu nhiên không trọng yếu với những cái có thể đại biểu cho đặc tính của sự vật. Chúng ta phải học cách vặt đi, tước đi cho tới lúc trông một sự vật thì lòi ngay ra được ý nghĩa trọng yếu của nó”.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: báo Mực tím 20.11.1997)

Cùng chủ đề:

http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/tac-pham-cua-ban-be/1026-cao-thoai-chau-mot-it-tieng-long-sai-gon.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com