THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC - Thơ và bóng đá - * Bình luận... bóng đá

LÊ MINH QUỐC - Thơ và bóng đá - * Bình luận... bóng đá

Mục lục
LÊ MINH QUỐC - Thơ và bóng đá
* Cảm hứng sân cỏ
* Bình luận... bóng đá
* Những bài thơ viết về bóng đá
Tất cả các trang

* Bình luận... bóng đá

Khi nhà thơ bình luận về bóng đá

Trái bóng lăn trên sân Stade de France đã khiến cho cả hành tinh này nao nức, hy vọng, âu lo và hồi hộp, dĩ nhiên trong số đó còn có những nhà thơ. Họ vốn là những người sử dụng ngôn ngữ tinh tế và có sức tưởng tượng phong phú. Vì lẽ đó, khi nghe các nhà thơ bình luận và… triết lý về bóng đá, kể cho cùng cũng là điều thú vị. PV chúng tôi đã đến gõ cửa những nhà thơ chuyên nghiệp - có nhiều thơ về World Cup nhất - để nghe họ bộc bạch nỗi niềm của mình.

Nhà thơ Lê Minh Quốc tâm sự: “Bằng linh cảm của một nhà thơ, tôi dự đoán rằng đội Brazil và Pháp sẽ gặp nhau. Vì sao? Vì nhân dân họ cuồng nhiệt và đam mê bóng đá tột cùng, chính tình yêu lớn lao ấy làm hậu thuẫn nên đội Brazil không cho phép mình không… vô địch, song Pháp là đội chơi cũng rất hay.

Ta có trái tim như trái bóng
Nó cũng lao theo phía khung thành
Nó lăn ngây ngất niềm hy vọng
Đời như sân cỏ mãi tươi xanh

Và bây giờ, cuộc chơi đã kết thúc, những dự đoán của các nhà thơ chính xác đến bao nhiêu phần trăm? Nay đã rõ.

Phạm Quân (thực hiện)
(nguồn: báo C.A TP.HCM 16.7.1998)


* Sài Gòn - Mondial - những đêm không ngủ

So với bóng đá, thơ ca có vẻ “yểu điệu thục nữ” hơn. Thế nhưng, trong hàng ngàn người hội tụ về Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM để xem truyền hình trực tiếp World Cup, tôi nhận ra các nhà thơ quen thuộc của “đất rừng phương Nam”. Họ là nhà thơ đồng thời cũng là nhà báo và kiêm luôn nhà… mê bóng đá: Trương Nam Hương (báo An ninh thế giới), Lê Minh Quốc (báo Phụ nữ TPHCM), Lê xuân Đố (Đài truyền hình TP.HCM), Trần Hữu Lục (báo Tuổi Trẻ TP.HCM) và cây bút thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn (tạp chí Tài hoa Trẻ).

Gặp một lúc năm nhà thơ ở một chỗ dành cho thể thao, không phải là chuyện dễ. không bỏ lỡ dịp may, tôi vội vàng hỏi chuyện “năm anh em trên một chiếc xe… thơ” này, trước khi tiếng còi trọng tài vang lên từ… màn hình truyền hình….

Các nhà thơ mà “máu” bóng đá như thế, không lẽ do… cá độ chăng?

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Thật ra các nhà thơ thì không biết cá độ đúng nghĩa, vì họ… hơi lơ tơ mơ. Nhưng để có “khí thế” thì cũng “kiếm” một chầu ăn sáng hoặc vài chai bia. Đến nay nhà thơ Trương Nam Hương thua nhiều nhất!

Sao các anh không ở nhà xem tivi, mà rủ nhau đến nơi “đất chật người đông” thế này?

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Nhà văn hóa Thanh Niên là “sân chơi” lớn nhất của “môn đồ túc cầu giáo”. Đến đây để hét lên cho sướng, và để tiếp tục hồn nhiên mà… làm thơ!

Và cả nhạc nữa chứ, các anh nghĩ gì nếu đem ca khúc World Cup vừa nghe đặt cạnh các ca khúc bóng đá của nước ta?

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Giới trẻ rất yêu bóng đá và rất cần một bài hát bóng đá. Giá như có một cuộc thi cả phần lời và phần nhạc để hy vọng từ cuộc “hôn phối” này sẽ cho ra một ca khúc hay về bóng đá Việt Nam.

Tôi còn được biết nhà thơ Trương Nam Hương và Lê Minh Quốc cá độ với nhau. Nhà thơ Trương Nam Hương chọn đội Đức và Lê Minh Quốc chọn đội Braxin. Không biết kết quả ra sao, chỉ nghe đồn, mỗi nhà thơ đã làm gần 10 bài thơ ngợi ca các ngôi sao Ronaldo, Bebeto, Kliman.

Minh Lễ (thực hiện)
(nguồn: báo Hà Nội mới 27.6.1998)

 

* Lời bình từ…. quán cà phê

Thật tình cờ họ gặp nhau tại quán cà phê với “mục đích” chung: làm một “phin” cho tỉnh táo. Họ là các nhà thơ, các nhà báo, đồng thời cũng là các nhà… mê bóng đá của đất Sài Gòn: Trương Nam Hương, Lê Xuân Đô, Trần Hữu Lục và Lê Minh Quốc. Họ đã “máu” như thế, tại sao không “hạch tội” họ chút xíu chứ.

- Theo các nhà thơ, đội nào sẽ vô địch?

Trương Nam Hương: Trận chung kết sẽ diễn ra giữa Brazil và Đức, một nghệ sĩ tài hoa của Nam Mỹ sẽ tranh “thư hùng” với cỗ máy “thực dụng” khổng lồ của châu Âu. Và tôi nghĩ, Đức sẽ vô địch vì sức tổng lực, còn Brazil thì “mỗi ngôi sao muốn tự sáng riêng mình”.

Lê Xuân Đố: Thú thật, tôi hoang mang một cách thú vị sau mấy trận đầu. Tôi cho rằng Pháp sẽ vô địch, tại sao không hy vọng chú gà trống Gôloa sẽ gáy trên chính sân “Công viên các hoàng tử!”

Trần Hữu Lục: Rất khó nói, vì World Cup luôn kịch tính đến phút chót. Nhưng tôi rất cảm tình nếu một đội da màu đăng quang.

Lê Minh Quốc: Còn tôi, dứt khoát cho rằng Brazil sẽ vô địch, bởi lẽ tình yêu bóng đá của nhân dân họ không cho phép đội tuyển thua trận!

- Vậy cầu thủ nào được các anh “bỏ phiếu” nhiều nhất?

Trương Nam Hương: Tôi tin rằng Batistua (Argentina) sẽ là vua phá lưới!
 

Lê Xuân Đố: Tôi “bỏ phiếu” cho Del Pierro của nước Ý.
 

Trần Hữu Lục: Mặc dù Ronaldo bị “khóa” nhưng tôi thích anh ta vì… rất nghệ sĩ ở lối chơi bóng.
 

Lê Minh Quốc: Bắt tay anh Lục một cái (đứng bật dậy, và vung tay lên trời…). Tôi phản đối nhiều người cho rằng Ronaldo sẽ làm lu mờ Pelé, nhưng tôi rất thích Ronaldo.

- Cá độ là một việc bị lên án, nhưng các nhà thơ vẫn “chơi” theo kiểu văn nghệ chứ?

Trương Nam Hương: Đến thời điểm này tôi vẫn thua độ vì sự “quận khởi” của “kèo dưới”.

Lê Xuân Đố: Hà… hà… Tôi lại thắng lớn vì sự tiềm ẩn của “lục địa đen”.

Trần Hữu Lục: Tôi chỉ cá độ với vợ, và luôn mong được… “chung độ”.

Lê Minh Quốc: Nếu Brazil và Đức gặp nhau, tôi sẽ bắt Brazil thắng. Còn Trương Nam Hương bắt Đức. Dĩ nhiên tôi tin rằng tôi sẽ được nhậu miễn phí!

Lúc này nhà thơ Trương Nam Hương “bật mí”: “Hắn” trả thù mình đấy! Và họ Trương kể chuyện “bí mật”…. Chuyện là, khi xem trực tiếp trận Camơrun -  Áo, không biết có phải vì… buồn ngủ mà nhà thơ Lê Minh Quốc hô lên: “Liệt vị rồi… Liệt vị rồi..”. Thấy bạn mình có “vấn đề”…. “liệt” hơi bị nguy hiểm, nhà thơ Trương Nam Hương liền làm “quân sư”: “Ấy chết, cậu mới 40 tuổi, phải mua thuốc… Viagra uống ngay!”.

Mọi người phá lên cười. Trước khi chia tay, Lê Xuân Đố còn đọc “Bài ca… mất ngủ”:

Sẽ bất ngờ trận cầu được thua
Sẽ vui buồn trong sạch như cỏ
Bao hưng phấn những đêm mất ngủ
Sẽ bình yên giấc mộng ngày mai!

Lê Thiếu Nhơn (thực hiện)

(nguồn: báo Tiền Phong 25.6.1998)

 

* Trái bóng lăn, chúng tôi có… thơ!

Những cú sút trên sân cỏ Stade de France đang khiến cả hành tinh này thao thức mất ngủ, sôi sục lên với biết bao hồi hộp và hy vọng. Dĩ nhiên, các nhà thơ nổi tiếng của chúng ta lúc này không thể trùm chăn mà làm thơ được! Những tiếng reo hò đã buộc họ bật người dậy và ngồi dán mắt trước truyền hình. Mê bóng đá nhất trong đội ngũ nhà thơ - nhà báo ở TPHCM có lẽ là Trương Nam Hương (Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an) và Lê Minh Quốc (báo Phụ nữ TP.HCM) hoặc Thanh Thảo, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy… Hầu như ai cũng có những bài thơ tuyệt hay về bóng đá. Có người thời sinh viên đã là tuyển thủ của đội bóng đá trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh như Trương Nam Hương và Lê Minh Quốc. Vì vậy, khi đã sắp… già thì họ mê World Cup ’98 cũng là lẽ tất nhiên. Chúng tôi đã gặp và thực hiện chớp nhoáng bài viết này.

quoc-va-huongpg

Mở đầu là Trương Nam Hương “làm bàn” với câu thơ:

Vượt khuôn khổ một châu Âu hợp nhất
Đêm hôm nay toàn thế giới hợp quần
Có làm dịu những đối đầu chính khách
Để thay bằng… đối trọng những bàn chân

Khi trả lời câu hỏi: “Các anh nghĩ gì về World Cup lần này”, nhà thơ Lê Minh Quốc cười ầm lên và ngoác miệng ra đọc thơ rổn rảng:

Trái bóng lăn bất ngờ như thi hứng
Đột ngột trên trời lóe sáng ngôi sao
Thi sĩ nhặt đặt vào trong ngòi bút
Như bóng thủng gôn là thế giới lật nhào!

Ghê nhỉ! Người thì cho rằng dịu đầu các chính khách, người thì quan niệm là thế giới lật nhào! Đấy, ai dám nói là các nhà thơ của chúng ta chỉ quanh quẩn với những tình cảm tủn mủn? Họ vẫn quan tâm những vấn đề của… nhân loại đấy chứ? “Cầu thủ nào được các anh yêu thích nhất?”. Với cuâ hỏi này, cả hai nhà thơ đều nghiêng hết tình cảm cho đội Brazil. Nhà thơ Lê Minh Quốc nghĩ  về Romario. Còn nhà thơ Trương Nam Hương thì lại  nghĩ đến Ronaldo, anh trầm tĩnh đọc bằng giọng… trầm quyến rũ:
Với quả bóng trong chân

Ronaldo khiêu vũ
Trên mũi giày tình nhân
Quả bóng thành… thiếu nữ
“Đầu quân” về Brazil

Đôi chân đa ngôn ngữ
Đối thoại từng trái tim
Trên vũ trường cỏ xanh
Với mốt đầu trọc lóc
Con số 9 - áo vàng

Lao nhanh như bão lốc
Cú đảo người ngoạn mục
Quả vô lê tuyệt vời
Ronaldo không để
Các thủ thành… ngồi chơi!

Những bài thơ này, chúng ta có cảm giác như các anh làm cho… người tình của mình. Hay thật! Thông thường, thơ đi với nhạc, nhưng cho đến bây giờ, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có một ca khúc nào tiêu biểu nhất. Mối quan tâm này là của mọi người yêu bóng đá. Vừa qua, chúng ta đã nghe được ca khúc La Cour des grands tuyệt vời trong đêm khai mạc World Cup. Biết bao giờ ca khúc Việt Nam mới có được tầm vóc như thế? Nhà thơ Trương Nam Hương ngán ngẩm nói:

“Nghe những ca khúc về bóng đá của Việt Nam, tôi có cảm tưởng nhạc và lời cứ chệch choạc như lối đá của các đội bóng nước ta vậy!”.

Còn nhà thơ Lê Minh Quốc đứng dậy, hai tay giang rộng ra như đang phát biểu trên… sân khấu:

“Ờ! Sao không có cuộc thi đặt lời cho ca khúc bóng đá, nhằm giúp cho các nhạc sĩ có chất liệu để sáng tạo nên một ca khúc hoàn hảo? Tôi tin rằng, cuộc “hôn phối” này sẽ cho ra đời một sản phẩm “mẹ tròn con vuông”.

Nói chuyện với hai nhà thơ này về bóng đá thì có mà đến tận… khuya! Những trận đấu lại sắp diễn ra, do đó, chúng tôi đành phải chia tay để còn được dán mắt vào truyền hình. Nhà thơ Trương Nam Hương tiễn tôi ra tận cửa, anh nhìn lên trời đêm vần vũ mây đen báo hiệu một cơn giông tố sắp đến và… đọc thơ rằng:

Quả bóng bắt đầu lăn, khát khao chờ bùng nổ
Mỗi phút giây chứa hàng vạn bất ngờ
Mặt sân cỏ cứ chia đều sướng khổ
Lắc tim mình theo điệu Tango!

Riêng tôi nghĩ rằng, với đam mê yêu bóng đá của các nhà thơ Việt Nam, chúng ta có thể hy vọng rằng, chủ đề thơ bóng đá trong thơ ngày một phong phú và có chất lượng không kém bất cứ chủ đề ngào. Mà chủ đề thơ bóng đá quả thật mới xuất hiện trong vòng mươi năm trở lại đây thôi, chứ thời Thơ Mới (1932-1945), những thi sĩ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư… nào có làm thơ về bóng đá bao giờ đâu!

Phạm Mai Hường

(nguồn: tạp chí Thế giới mới số 291 ngày 22.6.1998)

 

* Các nhà thơ quanh… quả bóng


Khi cả quả địa cầu đang nóng lên vì quả bóng lăn trên sân cỏ nước Pháp, thì Sài Gòn hối hả một cơn mưa nhỏ. Và một câu chuyện nhỏ đã xảy ra trong một quán cà phê nhỏ, quanh một bàn tròn nhỏ. Họ, những nhà thơ quen thuộc của thành phố Hồ Chí Minh gặp nhau như một sự tình cờ, và quả bóng kéo họ ra khỏi cơn mưa hiếm hoi dành cho thơ. Họ là Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Lê Thị Kim, Lê Xuân Đố… Tuy góc nhìn khác nhau, nhưng họ chung niềm đam mê thơ và bóng đá. “Bàn tròn” nho nhỏ này dĩ nhiên hứa hẹn nhiều thú vị.

Người có vẻ sôi nổi và hào hứng nhất là nhà thơ Lê Minh Quốc. Bắt đầu câu chuyện… bóng đá từ anh, khiến tôi hồ hởi theo:

- Là thủ môn của đội bóng đá trường Đại học Tổng hợp những năm 80, nay anh làm gì để giữ “gôn”… thơ?

- Thật ra, nhà thơ chỉ có một “đối thủ” duy nhất là phải vượt qua chính mình. Muốn gôn… thơ không bị chính mình sút thủng lưới thì tôi tự dặn dò rằng: khi tôi cảm thấy tôi không thắng nổi tôi thì đừng bước ra… sân thơ.

- Theo anh, trong thơ có… “đá cuội” như trong bóng đá không?

- Sao lại không! Nhà thơ đá cuội lúc “bán độ” còn tồi tệ hơn cầu thủ trong bóng đá. Bởi lẽ, lúc đó anh bán chính cái tâm hồn anh, một tâm hồn thuộc loại cô đơn vốn rất có giá, nếu bán đi rồi thì khó mà chuộc lại được.

- Nếu được chọn một đội bóng đá - nhà thơ, anh sẽ chọn những ai.

- Cái này thú vị đấy (cười). Đầu tiên tôi chọn thủ môn là nhà thơ Nguyễn Thái Dương, đồng hương Bình Định với thủ môn Nguyễn Văn Cường và Trần Minh Quang. Tiền đạo là các nhà thơ Trương Nam Hương, Bùi Chí Vinh và… tôi. Bên cạnh đó, tiền vệ là các nhà thơ Nguyễn Duy, Thái Thăng Long, Lê Xuân Đô. Hàng hậu vệ sẽ là Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Vị Thượng, Trần Hữu Dũng và dứt khoát phải có người làm nhiệm vụ hậu vệ đập, tôi đề cử nhà thơ Trần Mạnh Hảo!

- Với anh, giữa thơ và bóng đá có chút gì “dây mơ rễ má” với nhau không?
- (cười đắc ý) Có chứ…! Đây….

“Đó là phút xuất thần trong ý tưởng
Quả bóng lao toang hoác phía khung thành
Hàng triệu người trên hành tinh gào thét
Như thơ vừa chạm đến giấc mơ xanh”.

Nghe Lê Minh Quốc đọc thơ, một nhà thơ vỗ đùi đầy vẻ thích thú như sắp bắt được một… tứ thần.

Tuy Hòa (thực hiện)
(ngồn: báo Văn Nghệ Trẻ số 10/6/98)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com