THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Lại hiền như xưa

LÊ MINH QUỐC: Lại hiền như xưa


Chủ nhật, 16/08/2009, 10:02 (GMT+7)

Đã đến Bến Tre chưa? Nghe bạn hỏi như thế, dù có tính cách như anh bạn thơ Phạm Hữu Quang “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”, nhưng cái máu giang hồ vặt trong tôi cũng trỗi dậy. Thu xếp lại cái thời khóa biểu của một công chức mẫn cán, tôi lên đường đến vùng đất mà từ ngay sau Cách mạng Tháng Tám được mang tên thi sĩ lừng danh của Nam bộ: Đồ Chiểu. Tôi đến huyện Châu Thành của Bến Tre vào lúc trưa đứng bóng, ngoài trời nắng gắt. Làng quê của miền Nam đất Việt đáng yêu quá. Cũng bóng dừa nghiêng trong nắng, cũng hàng cau đứng thẳng trong gió, cũng tiếng ca cải lương từ chiếc máy radio vọng về như gợi lại một sự thanh bình đã đạt đến sắc màu “cổ điển”.

Untitled-1

Số báo đặc biệt về cụ Đồ Chiểu thực hiện tại Sài Gòn (1.8.1971)

Quanh tôi lúc ấy, tiếng đàn ca tài tử dặt dìu. Tiếng nói cười rổn rảng. Vâng, Phượng và bạn bè của nàng cười nói “thả giàn”, uống rượu “líp ba ga” - như tính cách của người Bến Tre mà từ thế kỷ XIX, nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức đã nhận xét: “trung hậu, cần kiệm, vui làm việc nghĩa, an lạc cùng nhau”. Dù là đấng mày râu đã từng có những lúc say tít mù, nhưng nửa chừng cuộc vui tôi cũng đành phải chào thua trước tửu lượng “thần sầu quỷ khốc” của họ. Trời ạ! Lần đầu tiên đến ở một vùng đất lạ, ngoài hiên căn nhà lạ, nhưng tôi lại chẳng ý tứ gì, cứ thản nhiên ngả lưng đong đưa trên chiếc võng đặng phóng một tầm mắt nhìn ra ngoài trời gió bụi mịt mù...

Quái lạ, lúc nằm trên võng, liếc nhìn qua phía đầu nhà bỗng gặp một hình ảnh khiến tôi như tỉnh rượu hẳn. Ấy là lúc tôi quan sát ông chủ nhà, tên gọi thân mật là Hồi - một cái tên bình dị như bao người nông dân khác, không có gì ấn tượng. Ông không mặc áo, cởi trần phơi cái bụng phệ tròn lẳn, chân không mang dép và cũng không nói không rằng gì. Bà vợ ông ngồi cạnh, thỉnh thoảng mắng Phượng sao lại uống nhiều quá, nàng cười khì: “Mấy khi mấy anh từ Sài Gòn xuống chơi má ơi!”. Cuộc vui lại hào hứng, ồn ào. Còn tôi cứ nằm chèo queo trên võng nửa say nửa tỉnh mà quan sát ông Hồi. Có thật ông Hồi đó không? Sở dĩ tôi hỏi như thế, vì nếu đã biết “lý lịch” của ông thì người khác cũng ngờ ngợ, bán tín bán nghi như tôi thôi.

Ít ai biết, thời kháng chiến chống Mỹ ông Hồi là người được dăm lần phong “Dũng sĩ diệt Mỹ”, ông nổi tiếng đến độ trong Huân chương người ta cũng quên hẳn tên thật của ông, chỉ ghi “Nguyễn Diệt Mỹ”. Giấy trắng mực đen hẳn hòi đấy nhé! Một con người như thế, hẳn tính cách phải dữ dội khác người? Nhưng không, qua dăm câu trò chuyện, tôi nhận thấy ông hiền khô, ít nói, không muốn nhắc nhiều đến chuyện quá khứ đã nhạt dần trong tâm tưởng. Vợ ông bảo: “Sau giải phóng, ổng còn đi học đó nghen. Hổng biết ổng học gì mà khi đụng đến con số là tui phải tính nhẩm hết, chứ bảo ổng là ổng lắc đầu quầy quậy. Đã vậy, cái thời gian ổng đi học, cứ mỗi chiều về đến nhà là ổng với thầy đều... xỉn quắc cần câu!”. Kể xong, bà cất tiếng cười vang. Dù nghe, nhưng ông Hồi cũng không “cải chính”, chỉ nở nụ cười hiền lành, lặng lẽ.

Tôi sực nhớ đến anh Bùi Thanh Phơn - đồng đội của tôi người dân tộc Tày, từng nằm chung vắt vẻo trên chiếc võng dù ngang dòng Sêrêpốc. Thời đó, anh Phơn là người thạo việc từ đào hầm, tải thương, cõng đạn đến bếp núc, chuyện gì khó là cánh lính trẻ chúng tôi đều đùn cho anh. Mỗi lúc đi gùi gạo từ hậu cứ ra tuyến trước, lúc nào anh cũng vác nặng hơn mọi người và xung phong đi trước. Những tưởng sau này xuất ngũ, trở về quê nhà thì với tính cách ấy anh sẽ làm được khối chuyện. Ối dào! Khéo tưởng tượng. Mới đây thôi, từ xã Khăn Thêu ở Cao Bằng anh điện thoại báo cho tôi biết tin là giấy chứng thương của anh thời ở chiến trường K đã bị thất lạc, làm sao xin sư đoàn chứng nhận lại? Trời! Cứ như đánh đố nhau. Sư đoàn của tôi bây giờ đóng quân ở đâu, mà tôi dẫu có tìm đến nhưng không có đơn của anh thì ai chứng nhận cho? Anh nói hồn nhiên cứ như đang ở trên trời rơi xuống: “Ủa! Phải làm đơn nữa à?”. Bỗng trong tôi dậy lên một chút bùi ngùi. Ấy là cái bùi ngùi khi nghĩ đến một lớp người sau khi rời quân ngũ, họ chưa được trang bị cái nếp sinh hoạt trong thời bình, dẫu rằng chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm rồi... Biết lý giải như thế nào đây?

Nằm toòng teng trên võng nhìn ra ngoài lộ, tôi thấy bóng dáng ông Hồi tất tả gọi một chú xe ôm để đưa tôi về lại Bến Tre. Ông cầm chặt tay tôi một cách thân mật, dù không nói gì nhưng trong ánh mắt của ông lộ rõ sự mến khách một cách mộc mạc, không màu mè. Ngồi trên xe ôm trong bóng chiều nhòe nhoẹt, ngoái lại phía sau tôi vẫn thấy ông đứng nhìn theo. Bất chợt câu thơ của Nguyễn Đình Thi vụt đến trong đầu: “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, cứ tưởng như nhà thơ viết tặng riêng cho ông Hồi, cho anh Phơn và những đồng đội của tôi. Lúc ấy, tiếng cười rổn rảng của Phượng vẫn còn vọng theo...

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: http://www.sggp.org.vn/vhvntieupham/2009/8/199998/)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com