THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Lan man về... con trâu

LÊ MINH QUỐC: Lan man về... con trâu

59-tan-man-ve-ctrau_qumg

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Ruộng sâu, trâu nái là gia sản lớn lao của người nông dân Việt, chẳng khác gì mơ ước nhà ngói, cây mít. Được như thế đã là một trong những yếu tố căn bản để an cư lạc nghiệp. Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Mùa vàng ấm no, từ đó. Cuộc sống sung túc hơn, từ đó.

Từ ngàn đời nay, con trâu đã là người bạn gắn bó trong mỗi nếp nhà. Ngay từ bé, đứa trẻ nhỏ đã thân thiện với con trâu. Hẳn nhiều người còn nhớ bài học thuộc lòng Chăn trâu trong Quốc văn giáo khoa thư: Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất ngưởng ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ.

Nhà văn Sơn Nam khi viết truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư cũng đã trích dẫn lại đoạn văn này. Lúc đó, nhân vật phái viên của báo Chim Trời nhận xét: “Văn chương như vậy là cảm động lòng người”. Rõ ràng con trâu từ bao đời này đã là chất liệu sáng giá cho văn chương chữ nghĩa. Với con trâu, lúc sống là thế, ngay cả khi chết đi vẫn còn là sự tận hiến. Nếu chọn lấy bài ca dao hay nhất về con trâu, tôi chọn bài này:

Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đồng bằng, uống nước bờ ao
Ngày thường mày ở với tao
Đến khi mày chết, tao lấy dao xẻ mình
Thịt mày, tao đem nấu ninh
Da mày bịt trống tụng kinh trên chùa
Sừng mày, tao tiện con cờ
Cán dao, cán mác, lược thưa, lược dày

Các vật dụng liệt kê trên đây rất quen thuộc trong sinh hoạt của người Việt, và tôi chú ý đến câu Da mày bịt trống. Tạo nên tiếng trống thế nào còn do tài năng của nghệ nhân lẫn nghệ thuật của người đánh trống. Thử hỏi, ai đã nghĩ ra cách đánh trống thúc quân? Tức là một lúc mười mấy cái trống cùng vang lên nhịp nhàng, tạo ra âm thanh “hoành tráng” sôi động lạ thường khiến ba quân náo nức xông trận? Có ý kiến cho rằng, chỉ có thể do vua Quang Trung, lúc ngài hạ lệnh thúc quân ra Bắc đánh giặc nhà Thanh. Ngược lại cũng có ý kiến quả quyết, đây chỉ là cách đánh trống diễu hay trống ông Ninh - ông Xá quen thuộc trên sân khấu đã có từ ngàn xưa.

Ý kiến nào nghe cũng hợp lý, thôi thì, tết nhất ngày xuân, cãi cọ làm chi. Hễ đã nghe tiếng trống - trống bịt da trâu vang vọng ở đình làng vào ngày đầu năm, tâm thức người Việt đã hào hứng: Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Chơi gì thì chơi, vui gì thì vui nhưng năm đó có gánh hát bội diễn tại đình làng thì càng vui hơn.

Lúc diễn viên đang “cháy hết mình” trên sân khấu thì vai trò của người cầm chầu quan trọng lắm. Muốn được cầm roi chầu, người đó không chỉ có vai vế mà còn am hiểu nghệ thuật tuồng, có nhiệm vụ phê bình sân khấu, khen chê đúng mực, thưởng phạt phân minh, giúp người xem hiểu tài năng diễn viên, giá trị văn chương, tất cả đều thông qua roi trống đánh vào mặt trống hay tang trống. Khổ nỗi có người không biết ất giáp gì nhưng cũng cầm chầu với lối đánh trống “thùng thùng thùng” vô trật tự, dân trong nghề gọi là đánh “tắc khẩu” (bịt miệng người diễn).

Vậy, phải làm sao hở trời? Rằng, ngay tắp lự có hai anh hề bước ra sân khấu, sau vài câu nói gây cười là chuyển sang “song ca” hát Lý con quạ:

Tổ cha con quạ trên đầu
Lâu lâu lại mổ da trâu cái thùng!

Do trống làm bằng da trâu nên chỉ cần nghe đến từ “da trâu”, ai nấy ắt biết anh hề mỉa mai người đang đánh trống. Thế mới là cách nói của người Việt. Vì thế có những từ liên quan đến con trâu, chắc gì… người Việt đã hiểu? Cha chả, uống mật gấu hay sao mà dám lộng ngôn đến thế? Dạ, xin hỏi tục ngữ có câu "Trâu trắng đi đâu mất mùa đến đấy", nếu không gọi trâu trắng, ông bà ta gọi là gì? Trâu cò, đơn giản chỉ vì lông của con cò màu trắng.

Còn màu sắc gì nữa không? Sao lại không. Chẳng lẽ không nghe câu cửa miệng "Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà"? Ủa, làm gì có trâu đỏ? Vậy mới là độc chiêu, vì rằng, con trâu quen thuộc với nhiệm vụ: Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta, dần dà về sau khoa học kỹ thuật tiến bộ thì máy móc cũng tham gia - chiếc máy cày. Thế thì, “trâu đỏ” là ám chỉ chiếc máy cày sơn màu đỏ, bà con ta gọi trâu đỏ là thế. Thế nhưng, muốn nó cày tốt, đâu ra đó, mới hết sẩy con bà Bảy thì ngoài xăng dầu cho nó, còn phải cho người điều khiển nó… ăn gà nữa! Bằng không…

Lại nữa, do con trâu đóng vai trò quan trọng trên đồng cạn dưới đồng sâu, nên ai ai cũng muốn sở hữu con trâu phải khỏe, phải mạnh, dai sức. Nếu cũng là dân ruộng nhưng chuyên cày đường nhựa, cuốc trên xa lộ cao tốc, sức mấy biết đến các từ như trâu cổ, trâu ngố, trâu cui là chỉ các loại trâu lớn khỏe thuộc số dzách! Vẫn còn có thể kể thêm trâu mộng, nó khỏe lắm, vì thế mới có câu Trâu mộng húc nhau nát đồng cỏ cằn.

Tuy nhiên còn phải tùy ngữ cảnh nữa, không phải lúc nào trâu mộng cũng là từ dùng để chỉ cái sự khỏe của nó, còn dùng để chỉ trâu đã bị… thiến cho béo, như Việt ngữ tinh hoa từ điển (1949) của Long Điền Nguyễn Văn Minh ghi nhận. Chà, chà, năm mới năm me nói chuyện… thiến, nghe oải quá, thôi, “đá giò lái” qua chuyện khác đi.

Vâng, ngược lại với trâu khỏe mạnh là trâu gié, trâu he; trâu dữ dằn, dữ tợn là trâu chảng. Còn trâu thuộc hạng “second hand” (hàng xài rồi) thì gọi trâu già chứ gì? Tôi không dám cãi, chỉ biết rằng, nếu là thế, người Việt còn có câu so sánh giữa trâu và mạ: Trâu qua sá, mạ qua thì. Thì là thời, lứa; sá là “phần đất đã tạo thành một đường dài, đã được cày lật hoặc bừa nhuyễn”, Kho tàng Tục ngữ người Việt (2002) do Nguyễn Xuân Kính chủ biên giải thích; và cho biết câu này, ý muốn nói: “Những thứ đã qua giai đoạn sử dụng, giảm giá trị, không còn được ưa chuộng nữa”. Không những thế, tục ngữ còn có câu "Trâu già lỗ cốt", là nó đã già khú đế, sắp “xong phim”.

Năm mới, bao giờ người ta cũng mong muốn những điều hanh thông tốt đẹp. Đúng thế. Tỷ như các cô gái măng tơ về làm dâu bên nhà chồng, khi nấu nướng, nếu mẹ chồng sai nấu món thịt trâu thì nên cẩn thận, không khéo bị gây hiểu lầm đã… ăn vụng trong bếp, thiệt oan ông Địa vì kinh nghiệm cho biết "Trâu teo heo nở!". Còn những ai muốn tậu thêm trâu, xin chớ "Mua trâu vẽ bóng", chưa thấy trâu mà đã xìa tiền ra, không khéo xúi quẩy cả năm. Tốt nhất vẫn là "Trâu trao chạc, bạc trao tay". Cẩn thận vẫn hơn.

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn cho béo trâu cày cho sâu
Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần

Bạn mình ơi, có phải sống như thế, vui như thế, ngày nào cũng là xuân? Vâng ạ!

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo SGGP XUÂN 2021)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com