THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: Vùng đất của tình người

Lê Minh Quốc: Vùng đất của tình người

 

sai-gon-dat-nrinh-tnguoiiu2i

 

Với Sài Gòn - TP.HCM, có một điều lạ lùng mà tôi đã cảm nhận mà chưa thể lý giải: Tại sao chính nơi này - nơi tập hợp cư dân của nhiều vùng miền nơi khác tìm đến lập nghiệp, sinh sống họ lại có tính cách giống nhau? Tức là cá tính riêng lẽ của từng cá thể đã định hình từ nơi chôn nhau cắt rốn, khi vào đây dù vẫn giữ nhưng lại tự điều chỉnh để từ đó cùng hòa chung vào một dòng chảy văn hóa mà ta quen gọi là “người Sài Gòn”. Điều gì đã khiến cư dân vùng đất này đều có chung tính cách hào hiệp, nghĩa tình, thương người như thể thương thân? Thật khó có thể lý giải một cách rạch ròi. Ở đây, tôi chỉ kể dăm ba câu chuyện thân mật khó quên đã trải qua.

 

1.

 

Sau khi rời khỏi quân ngũ, học lại bổ túc văn hóa vào ban đêm, tôi đã nộp đơn thì vào Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp. Để cho chắc ăn, tôi liên hệ với người bạn cũ đang ngụ tại TP.HCM rằng, mình vào trước để lúc đi thi khỏi ngỡ ngàng. Bạn đồng ý. Những ngày đó, tôi suốt ngày nằm nhà bạn nấu sử xôi kinh, tình cờ bữa nọ có ông hàng xóm là nhà giáo sang chơi, biết hoàn cảnh của tôi, nào ngờ ông nói ngay: “Thầy cũng đang dạy kèm mấy em thi đại học, từ đây mỗi chiều, em mang sách vở qua nhà ôn tập chung, có gì không hiểu, thầy giảng thêm”.

Thời bao cấp ấy, hoàn cảnh gia đình đang khó khăn, tôi ngần ngừ không biết làm thế nào để trả tiền học phí, dù rất muốn. Thôi kệ, cứ sang học, rồi sau này sẽ tính. Sau khi thi xong, tôi về quê và kể chuyện này cho mẹ tôi nghe. Bà bảo, sau này có dịp vào TP.HCM thì mang theo tiền đến trả thầy.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, tôi vào lại, ghé thăm thầy và tất nhiên còn nhằm mục đích như mẹ đã dặn dò. Thật bất ngờ, thầy bảo: “Em thi đậu là phần quà dành cho thầy rồi”. Năn nỉ cách mấy, thầy cũng từ chối. Sau này, tôi mới biết, dòng tộc nhà thầy từ ngoài Bắc vào Nam trồng cao su từ thập niên 1920 của thế kỷ XX, thời đó, do nghèo đói, thất học, mù chữ nên thiệt thòi đủ điều. Vì thế, nay có điều kiện hễ giúp ai học hành tốt là thầy không nề hà, đơn giản chỉ vì cảnh ngộ mà thầy đã trải qua, không muốn người khác cũng vậy.

Sự “triết lý” này nghe ra rất đơn giản, giản dị không màu mè gì cả nhưng đó chính là tính cách của cư dân nơi này. Thấy người xa xứ đến đây là thương, chỉ vì rằng, bản thân họ cũng từ nơi xa đến. Đơn giản vậy thôi. Làm việc tốt như một lẽ tự nhiên, không tính toán gì cả.

2.

Làm sao tôi có thể quên được những bữa ăn trưa ở chùa? Thời sinh viên, ở tại ký túc xá tận Thủ Đức, mỗi sáng thứ Chủ nhật, bọn sinh viên chúng tôi thường náo nức rủ nhau đạp xe về thành phố. Đây là những dịp đi chơi hào hứng, vừa biết thêm ngóc ngách đô thị, vừa… có thể tìm được những bữa cơm trưa tươm tất, khác hẳn mọi ngày thực đơn chỉ có: “Thâu canh đầy nước trong leo lẻo/ Vài cọng rau muống bé teo tẻo/ Mỗi chàng một muỗng múc đưa vèo/ Ăn xong đứng dậy cười như méo”. Hầu như đến vào chùa nào vào buổi trưa, chúng tôi cũng được những cơm chay ngon lành. Ăn xong, chơi loáng thoáng, viếng cảnh chùa, đợi chiều râm mát lại đạp xe về ký túc xá của nhà trường.

Lần nọ, khi qua chơi một ngôi chùa ở Thủ Thiêm, trong bữa cơm, thật ngạc nhiên, chúng tôi nhìn thấy không ít nhà sư mặc áo rách cả khuỷu tay. Chùa nghèo đến thế ư? Không phải. Một nhà sư từ tốn bảo: “Nơi này còn nghèo lắm, mình tu hành ăn mặc lành lặn, trong khi đó, bà con còn mặc áo rách, coi sao đặng?”. Một câu nói nhẹ nhàng đã khiến chúng tôi bừng tỉnh, thì ra sống ở nơi này vẫn là ai sao mình vậy, chứ không gì phải ham hố, chơi trội hơn người khác. Tính cách con người TP.HCM là vậy. Dù giàu có, nhà cao cửa rộng nhưng họ vẫn chan hòa, vui vẽ, hòa đồng với bà con chòm xóm, không có khoảng cách phân biệt, ai cũng như ai. Có như thế, mới tạo ra sự thân thiện trong cộng đồng.

Chính từ những bữa ăn từ thiện thế này, sau này, hễ có dịp là người ta khi có điều kiện lại giúp cho người khác. Còn nhớ như in bữa trưa hôm đó trong một quán cơm bình dân, ngồi đối diện với chúng tôi là mẹ con chàng trai làm nghề thợ hồ. Qua câu chuyện, tôi biết người mẹ từ quê lên thăm con, trưa đó con dẫn mẹ ra quán ăn. Nhìn vào dĩa cơm đã sạch đến hạt cơm cuối cùng nhưng tôi biết họ vẫn còn đang đói. Quan sát nẫy giờ, tôi nheo mắt cho người bạn ngồi cạnh, hiểu ý, anh nhanh chóng đứng dậy, kín đáo gọi thêm hai phần nữa và bảo: “Cháu đã gọi cho bạn nhưng bạn không đến, nhờ mẹ con bác ăn giúp”. Niềm vui rạng rỡ trên gương mặt họ, đến nay tôi vẫn còn nhớ như in. Như nhớ lại thời sinh viên lúc khốn khó nhất đã từng được ăn no nê ở chùa. Hạt mầm của lòng biết ơn lại lan tỏa lần nữa.

Chỉ nghĩ thế, đã thấy đời vui.

 

3.

Còn có thể kể thêm một tính cách, theo tôi rất “Lục Vân Tiên” còn là ở chỗ là cư dân nới này thường quan tâm đến người khác như một lẽ tự nhiên. Rất nhiều ngươi, trong đó có tôi khi mới đến TP.HCM, lúc phóng xe trên đường phố đã ngạc nhiên khi nghe tiếng nhắc: “Chân chống kìa”, nếu quên gạt chống xe. Một lời nhắc nhở thốt ra tự nhiên, cứ như thể họ phải có trách nhiệm đó. Tính cách này dần dà nhiều người cũng làm theo và trở nên phổ biến như một nét đẹp đô thị.

 

Chính nhờ sự quan tâm này, mới đây tôi đã có cảm giác như được “tái sinh” lan lần nữa. Hôm ấy, vào lúc tờ mờ sáng, đang ngủ ngon đột nhiên bé nhóc khóc thét lên, tiêu chảy, hâm hấp sốt. Vợ bồng ẵm dậy. Vệ sinh cho bé. Làm mát hạ sốt. Sau đó, như mọi ngày, tôi chủ quan vẫn ẵm bồng con ra phố, đi ăn sáng; lúc trở về, trên đường về, trời ơi, bé chuyển sốt nặng. Môi tím tái. Môi lắp bắp. Một trường hợp xảy ra lần đầu tiên chứng kiến trong đời, từ con mình. Tôi thật sự hoảng sợ. Không biết phải xử lý thế nào cả.

 

Nếu đi chậm một chút, đã khác. Nếu đi nhanh một chút, đã khác. Kỳ lạ thay, ngay lúc đó, vào thời điểm của giây phút 89 có tính cách quyết định ấy, bàn chân của tôi bỗng khựng lại như có ai níu kéo. Tôi dừng lại ngay trước cửa một căn nhà và ngay lập tức người trong nhà nhìn thấy và vội vàng kéo hai cha con vào  Một bàn tay chìa ra, trong đời tôi không thể nào quên. Lập tức, họ huy động mọi người cùng tìm cách sơ cứu, cho thuốc hạ sốt, lấy nước ấm lau mát hạ nhiệt… Lại cẩn thận ghi lại tình trạng của bé, ngay lúc vợ chồng tôi đưa con vào bệnh viện.

 

Rõ ràng, người TP.HCM không dửng dưng trước cảnh ngộ của người khác. Hễ chứng kiến, họ lập tức thể hiện lòng thành của mình, không phân vân, tính toán, thiệt hơn. Cứ làm theo sự mách bảo của trái tim, chứ không gì khác. Vì lẽ đó, dù sống nơi nào cũng phải chật vật kiếm sống nhưng nơi này vẫn dễ sống, còn vì tình người nữa.

 

4.

 

Điều gì đã tạo nét đẹp của lòng nhân ái, có tính cách phổ biến tại TP.HCM, chứ không hề cá biệt? Khi tôi đặt câu hỏi này với nhiều người, chung quy lại vẫn là câu trả lời, đại khái, người ta đã giúp mình, nay mình có điều kiện thì giúp lại. Vậy thôi. Cốt cách này, có thể lý giải sâu xa là do vùng đất phuơng Nam là nơi hội tụ lưu dân từ ngoài Bắc, từ vùng Ngũ Quảng vào đây lập nghiệp nên ngay từ thuở xa xưa đó đã có hình thành tính cách từ trong máu thịt “Thương người xa xứ lạc loài đến đây”; và do cùng cảnh ngộ nên mọi người luôn đùm bọc lẫn nhau, nương nhau mà sống. Nét đẹp này còn duy trì mãi đến hôm nay, mãi đến ngày sau…

 

Có phải thế không?

 

L.M.Q

(nguồn: Báo Người lao động - số đặc biệt 30.4.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com