THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: Nói tức nghe… tức cười!

TIỂU NHỊ: Nói tức nghe… tức cười!

 

noituc-nge-tuc-cuoi

Trong tiếng Việt có cụm từ “nói tức”. Thế nào là nói tức? Ta hãy nhớ lại giai thoại kể về nhà thơ Thanh Tịnh: Thời con trẻ, tác giả Quê mẹ có thú vui đi chơi đêm, thường về nhà rất khuya. Vì vậy, cô vợ hay cằn nhằn nhưng rồi ông cũng chứng nào tật nấy. Lần nọ, vừa ló mặt vào nhà, nghe tiếng càu nhàu của bà xã, ông định mở miệng như mọi lần: “Còn sớm”, bất ngờ lúc ấy, chuông đồng hồ gõ nhịp bong bong đúng 3 tiếng. Vậy là hết đường phân bua, cáu quá, ông bèn quay ngoắt về cái đồng hồ mà… mắng: “Một tiếng đủ rồi. Răng phải điểm đến ba? Rõ là đồ không biết điều”. Cô vợ đang giận, ngớ người ra ngạc nhiên, rồi cũng phải phì cười. Đích thị đây là kiểu nói tức nhằm gây cười, hài hước, chứ không phải cái kiểu nói tức mà Đại tự điển tiếng Việt giải thích: “Nói để châm chọc, trêu tức”.


Có thể nói, nghệ thuật cười của người Việt còn có cả kiểu nói tức theo nghĩa đó - khiến người nghe tức cười, là tạo ra tiếng cười trong tình huống nào đó. Tùy vùng miền, kiểu nói này còn gọi là nói xước/ nói xược. Nhà nghiên cứu Trần Quốc Thịnh khi nghiên cứu Truyện làng cười xứ Bắc (Sở VHTT Hà Bắc - 1987) đã rút ra định nghĩa: “Nói chung, khi nói tức chỉ là nói giỡn, nói đùa, nói khôi hài, nói dễ được mọi người đồng tình, vì nói không “đánh” ai, chỉ thể hiện cái trí tuệ hóm hỉnh, tài hài hước của nói tức. Nếu có đánh thì cũng đánh trúng chỗ, đánh vào thói hư tật xấu” (tr.89). Ta hãy thư giản với vài mẩu chuyện cười mà Trần Quốc Thịnh đã ghi chép tại làng Can Vũ, làng Đông Loan.


Hôm đó trời mưa tầm tả, con mực cứ đứng trong nhà hướng ra phía cổng sủa nhanh nhách, điếc cả tai, sốt  cả ruột, ông chủ nhà gắt: “Ra sân mà sủa, hay mày sợ ướt thì tao cho mượn cái áo tơi?”. Lần nọ, khách đến chơi nhà, chủ ngồi bó gối ngồi trên tràng kỷ, không xua chó cũng chạy ra không tiếp khách. Lúc ấy, mới vừa mưa xong, ngoài sân còn sũng nước, con vàng cứ đứng mé hiên sủa lải nhải, chủ nhà quát: “Ra sân mà sủa, có sợ lấm chân thì guốc đây, tao cho mượn”. Trong trường hợp này, nói tức với chó cũng là một cách tìm cái cớ để tạo ra tiếng cười bất ngờ cho người nghe, đơn giản vậy thôi, chứ không hẳn ngụ ý xỏ xiên gì khác.


Đúng là thế. Ở nhà nọ, vợ chồng nọ đang giận nhau, người chồng đang tìm cách làm lành. Bỗng đâu lúc ấy con gà mái vừa đẻ xong, nó dác mỏ lên kêu ỏm tỏi, điếc cả tai, ông chủ nhà liền quơ hòn đất ném: “Đồ không biết ruốc, đẻ xong ai chả “vừa đau vừa rát”, có gì mà khoe? Vợ tao đẻ xong nằm im, sao mày cứ kêu nhặng lên thế? Mày không tin, hỏi vợ tao xem”. Đang giận, cô vợ liền toe toét cười xòa.


Rồi có lúc, họ nói tức nhằm bào chữa cho mình cho đỡ… quê độ. Rằng, có anh chàng nọ mua được chiếc xe đạp nhưng khổ nổi chưa biết lái, thế là phải dắt xe tập ra ở sân đình. Tập ngày tập đêm, anh ta khoe với vợ con là đã đi thạo rồi. Không chỉ cả nhà mà bà con chòm xóm cũng kéo nhau ra xem. Lúc đó, không rõ đi đứng loạng quạng thế nào, anh ta lái xe đâm sầm vào đống rơm, cả người lẫn ngã lăn kềnh, ai nấy cười rộ lên. Mắc cỡ quá, anh ta liền đứng dậy, vung thẳng tay chỉ vào… đống rơm, quát: “Người ta đi xe đạp thạo, đến cả gà lợn, trâu bò phải tránh; ông già bà cả, trẻ con cũng phải tránh, nữa là mày. Mày cứ đứng lù lù ra đó, mày tưởng tao sợ không dám đâm vào mày à? Cho chết”.


Hóa ra nói tức kiểu này cũng là một cách… giữ thể diện đấy chứ? Thứ vị nhất là nó còn được áp dụng khi giải quyết tình huống xẩy ra giữa chuyện mẹ chồng nàng dâu. “Vấn đề muôn thuở” này, nếu có mặt nặng mày nhẹ thì cũng thường tình. Bữa đó, trời tối nhập nhoạng như bà mẹ chồng giận con dâu nên cứ ngồi lì ngoài sân, không thèm vào nhà. Cô con dâu năn nỉ: “U ơi vào nhà đi, trời tối rồi, u không biết à?”. Bà mẹ chồng dấm dẳng: “Tao không vào thì sao?”. Cô năn nỉ: “Hay u sợ mỏi chân, con cõng u vào nhá”. Nghe cũng bùi tai, thích lắm nhưng nếu gật đầu thì làm nư, giận lẫy nẫy giờ hóa ra công cốc à? Thế là bà mẹ chồng bèn nói cứng: “Tao không vào cũng không khiến mày cõng, muốn cõng tao thì mày cõng cả sân này vào”. Nói xong, bà hiên ngang… đứng phắt dậy đi một mạch vào nhà rất hả hê.


Rồi bữa kia, có bà mẹ chồng giận con dâu, không kiềm được, bà cằn nhằn: “Tiên sư nhà mày”. Biết tình thế gây go lắm rồi, không khéo ầm ĩ cả lên, rách việc, cô con dâu bèn đổi chiến thuật bằng cách dọn mặt mà nở nụ cười tươi như bông bụp: “U ơi, u à, u mắng cái nhà nào? Nhà trên hay nhà dưới để con về con bảo nó?”. Nghe con dâu hỏi một cách “ngớ ngẩn”, bà mẹ chồng không nín được cười. Với cách nói tức kiểu này, ta có thể thấy sự việc được hóa giải nhẹ nhàng, cứ như… giỡn chơi.


Đôi khi nói tức có mục đích rõ ràng. Chẳng hạn, quán hàng xén của cô nọ về cái khoản bán nước mắm, thiên hạ xì xầm cô hay pha thêm nước lã. Để sửa lưng một phen, ngày nọ có ông lão tới mua nhưng cứ cầm ngược cái chai mà vẩy liên tục. Thấy lạ, cô bán hàng vẫn đon đả: “Vẩy gì mà kỹ thế. Đưa đây cháu đong đủ, đong đầy cho ạ”. Ông cụ trả lời tỉnh bơ: “Tôi phải vẩy cho hết nước đi, vì cần bao nhiêu nước trong mắm thì cô đã cho đủ cả rồi”. Kiểu nói tức nửa chơi nửa thật, nghe nhột nhưng cũng phải… cười một phát chứ gì?


Hoặc có anh chàng nọ từ tỉnh về làng, cứ ngênh ngang ngồi trên xe, hỏi lão nông đang cày dưới ruộng: “Nè, từ đây về phố Mới mấy cây?”. Thừa biết hỏi mấy ki lô mét/ cây số nhưng ghét cách hỏi trổng, lão đáp: “Hỏi nhầm người rồi, lão có phải cán bộ lâm nghiệp đâu mà đếm cây?”. Đúng là “ông hỏi gà, bà đáp vịt”. Tôi lại nhớ đến cái kiểu nói tức của người xứ Quảng cũng na ná: Sáng sớm thấy cô gái cắp rổ đi chợ, anh chàng nọ tán tỉnh lăng nhăng: “Ê! Eng đi mô rứa sớm hè?”. Cô thủng thỉnh đáp: “Đi… bộ”. Với người xứ Nghệ, họ cũng có cách nói tức tréo ngoe không kém: Sau chầu nhậu quắc cần câu, hai chàng kia ẩu đả loạn xị, lính lệ bắt giải lên quan. Để tỏ tường sự việc, quan cho gọi luôn nhân chứng là cô chủ quán, hỏi: “Đầu đuôi ra răng, cô kể lại cho quan biết”. Những tưởng thế nào, cô ngoác mồm ra mà rằng: “Dạ, đầu đuôi ra răng thì con không được rõ, chứ ở giữa thì đau lắm ạ”.


Nói tức kiểu này, dù tức nhưng ai dám bảo là không… tức cười?

 

T.H

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 15.8.2019)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com